Lợi dụng tình hình khan hiếm của khẩu trang y tế dùng một lần, đang có dấu hiệu thu gom chúng và bán lại, gây nguy hiểm cho người dùng. 

Tờ VnExpress cho hay, thực tế này được ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ ứng phó dịch nCoV của Bộ Công Thương, chiều 7/2.

Theo ông Linh, khẩu trang y tế loại sử dụng một lần, sau khi đeo sẽ được vứt bỏ. Nhưng thực tế quản lý thị trường thấy có hiện tượng thu gom để bán lại. “Điều này rất nguy hiểm vì không đảm bảo an toàn với sức khoẻ người sử dụng”.

Trường hợp này được phát hiện ở Hà Nội, dù số lượng không quá lớn nhưng vì tính chất nghiêm trọng nên đang phối hợp với công an điều tra làm rõ.

Tổng cục trưởng Quản lý thị trường cho biết, hơn một tuần kiểm tra đã xử phạt 3.000 vụ việc thổi giá bán khẩu trang y tế, nước sát khuẩn. Lượng khẩu trang được thu giữ, nếu đủ chất lượng và có hóa đơn, nhãn hàng hóa rõ ràng sẽ được đưa vào lưu thông.

(Ảnh chụp màn hình báo Người lao động).

Cũng trong cuộc họp, theo chia sẻ của ông Đặng Hoàng An – thứ trưởng Bộ Công thương được báo Tuổi trẻ đăng tải, Bộ đã gửi văn bản liên hệ các nhà sản xuất khẩu trang y tế tăng cường sản xuất, chỉ đạo hệ thống thương vụ tìm nguồn nguyên liệu sản xuất khẩu trang và hiện đã gửi thông tin tới 50 nhà cung cấp nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế trên thế giới để tăng cung ứng.

Danh mục miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất khẩu trang cũng đang được xây dựng và sớm được ban hành.

Tính đến sáng 8/2, số người chết do bệnh viêm phổi cấp từ virus corona (nCoV) lên đến 720 trong khi số người nhiễm bệnh tăng lên hơn 34.000 ca.

Ngoài Trung Quốc, 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có người bị nhiễm virus corona mới. Tại Việt Nam, tối ngày 7/2, Bộ Y tế công bố ca thứ 13 dương tính với chủng virus corona mới, tiếp tục là 1 trong nhóm 8 công nhân trở về từ TP. Vũ Hán.

Bộ Y tế khuyến cáo chỉ 3 trường hợp này mới nên đeo khẩu trang y tế

Theo tin nhắn được gửi đến người dân vào ngày 6/2, Bộ Y tế khuyến cáo chỉ nên đeo khẩu trang y tế trong 3 trường hợp:

“1/Khi tiếp xúc, chăm sóc người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm virus Corona. 2/Khi chăm sóc hoặc tiếp xúc gần với người có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp như ho, khó thở, chảy nước mũi… 3/Khi được chỉ định tự theo dõi, cách ly tại nhà hoặc khi đi thăm hỏi, khám, điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh”.

Ngoài ra, người khỏe mạnh, không có các triệu chứng bệnh về đường hô hấp chỉ cần đeo khẩu trang vải khi đến các khu vực tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo việc đeo khẩu trang khi không có chỉ định gây lãng phí, và có thể tạo cảm giác yên tâm “ảo”, khiến bỏ qua áp dụng các biện pháp bảo vệ quan trọng như: rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, vệ sinh vật dụng, đồ dùng.

Đăng theo dkn.tv