Trong cuộc sống từ xưa đến nay, nếu lấy ác để trị ác thì không thể trị tận gốc cái ác được. Khi một người dùng tâm từ bi của mình để cảm hóa đối phương thì năng lượng từ thiện tâm còn mạnh mẽ gấp vạn lần sức mạnh của đao kiếm, hóa giải hoàn toàn ác duyên, lại tạo ra thiện duyên vô cùng…
Những người tu luyện thường nói: “Từ bi là một loại tâm thái cao thượng, là biểu hiện của trí huệ”. Nhưng người thường ở trong cuộc sống hiện thực, trong “danh, lợi, tình” thì không liễu giải và hiểu hết được ý nghĩa thực sự của từ bi. Tâm lượng của một người rộng lớn bao nhiêu thì người ấy có thể có được bấy nhiêu năng lượng. Nếu trong cuộc sống thường ngày, một người luôn từ bi thì tâm lượng của người ấy cũng rộng lớn như cả vũ trụ vậy. Người ấy sẽ có được một loại năng lượng vĩ đại, không gì phá nổi.
Lấy khoan dung để tiếp nhận thái độ công kích của đối phương, lấy nụ cười đáp lại lời châm biếm, lấy nhường nhịn cảm hóa sự chế giễu, lấy bao dung đối đãi với khuyết điểm và sự hiểu lầm của người khác. Không nóng nảy bực bội, nhẫn nhịn không tranh cãi, thương cảm với nỗi khổ của người khác, thản nhiên không lo không sợ, từ bi và tường hòa, ấy chính là tâm thái vĩnh hằng của bậc giác giả.
Có một câu chuyện kể rằng: Trước đây, vào một buổi nhá nhem tối có một vị hòa thượng già đang trên đường trở về chùa thì đột nhiên sấm sét ù ù kéo đến, gió thổi mạnh rồi mưa như trút nước. Mưa mỗi lúc một to hơn. Mưa rơi nặng hạt và có vẻ như sẽ không thể tạnh ngay được. Vị hòa thượng già có chút sốt ruột nhìn xung quanh, thật may là ở gần đó có một trang viên rất rộng lớn. Hòa thượng lập tức chạy cấp tốc tới trang viên đó để xin trú mưa một đêm.
Trang viên rất rộng lớn, đám người hầu canh giữ cổng nghe thấy tiếng gõ cửa liền mở cửa rồi nhìn hòa thượng và lạnh lùng nói: “Ông chủ nhà tôi từ trước đến nay không có duyên với tăng nhân. Tốt nhất ngài nên tìm nơi khác mà trú ẩn đi!”
Vị hòa thượng già nói với vẻ khẩn cầu: “Mưa to như thế này, quanh đây lại không có một nhà nào cả, xin ngài cho phép tôi được trú mưa nhờ ở đây một đêm!”
Người hầu nói: “Tôi không thể tự tiện quyết định được. Ông hãy đứng ở đây đợi tôi vào hỏi ông chủ xem ý ông chủ thế nào đã.”
Người hầu nói xong liền chạy vào trong nhà xin ý chỉ của ông chủ. Một lát sau anh ta chạy ra ngoài rồi nói: “Ông chủ của chúng tôi không đồng ý đâu.”
Vị hòa thượng già đành thỉnh cầu: “Vậy xin phép cho tôi nghỉ ở dưới mái hiên này tạm một đêm có được không?”
Nhưng người hầu của trang viên lớn kia vẫn lắc đầu cự tuyệt. Cuối cùng vị hòa thượng già đành hỏi anh ta, chủ nhân của trang viên này là ai. Rồi hòa thượng mặc cho mưa to gió lớn, sấm chớp đùng đùng, toàn thân ướt đẫm mà chạy về chùa.
Ba năm sau, ông chủ của trang viên này lấy một người vợ hai. Người vợ hai này muốn đến chùa thắp hương cầu phúc, ông chủ vì chiều lòng vợ nên cũng đồng ý đi cùng. Khi vừa đến chùa, ông chủ trang viên nọ nhìn ngay thấy tên họ của mình được ghi ở trên một tấm bảng đặt ở nơi dễ dàng nhìn thấy. Trong lòng ông ta buồn bực, ông bước vào sân chùa hỏi một vị tiểu hòa thượng đang quét sân rồi hỏi đầu đuôi ngọn ngành vì sao tên của mình lại bị ghi ở đó.
Tiểu hòa thượng vừa cười vừa nói: “Đây là do sư trụ trì của chúng tôi ghi cách đây 3 năm trước. Trong một lần thầy đội mưa to trở về nói rằng trên đường đã gặp một vị tên là như thế. Vị này với sư trụ trì của chúng tôi không có thiện duyên. Cho nên, sư trụ trì đã ghi tên của vị đó lên tấm bảng trường thọ, bổng lộc chức quyền. Đồng thời, mỗi ngày trong lúc tụng kinh, sư trụ trì cũng cầu xin công đức cho vị đó, hy vọng rằng có thể cùng vị này hóa giải oán duyên, có thêm chút thiện duyên.”
Ông chủ trang viên lớn nghe xong những lời này lập tức nhớ ra, trong nội tâm cảm thấy hổ thẹn vô cùng… Về sau, ông chủ trang viên luôn thành kính công đức nuôi dưỡng nhà chùa, cũng thường xuyên đến hương khói quanh năm.
Vị hòa thượng già mặc dù bị đối xử không tốt, không thiện nhưng vẫn dùng lòng từ bi mà đối đãi lại ông chủ trang viên. Dùng lòng từ bi để đối đãi với mọi người không chỉ có thể hóa giải mọi ân oán mà còn tạo phúc đức cho bản thân mình và cho người. Quả thực, cách đánh giá sự việc và hành xử của người tu hành là khác xa so với người bình thường. Đó là bởi vì họ đã tuân theo một nguyên tắc cao hơn chuẩn mực của cuộc sống trong xã hội đời thường.
An Hòa - Theo Tri Thức VN