Do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung kéo dài và dịch bệnh Covid-19, hiện các công ty Mỹ đang di dời nhà máy của họ ra khỏi Trung Quốc để tránh rủi ro. Quốc gia được hưởng lợi chính của xu hướng dịch chuyển này là các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.
Hãng Forbers đưa tin, ngày 7/4, Công ty tư vấn sản xuất toàn cầu A.T. Kearney đã công bố chỉ số Reshoring (chỉ số đo lường quá trình chuyển dịch doanh nghiệp hoặc một phần doanh nghiệp có trụ sở tại một quốc gia khác trở về quốc gia ban đầu) thường niên lần thứ 7 cho thấy sự đảo ngược đầy kịch tính, xu hướng cho thấy ngành sản xuất trong nước của Mỹ năm 2019 chiếm tỷ trọng lớn hơn đáng kể so với 14 nhà xuất khẩu châu Á được nghiên cứu. Theo đó, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Do cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung kéo dài, một số công ty đã xem xét lại về chuỗi cung ứng của họ hoặc thuyết phục các đối tác Trung Quốc di dời đến Đông Nam Á để tránh thuế quan cao do Mỹ áp lên hàng nhập từ Trung Quốc, hoặc họ từ chối hoàn toàn nguồn cung từ Trung Quốc.
Ông Patrick Van den Bossche, tác giả của Báo cáo Kearney chia sẻ “ Ba thập kỷ trước, các nhà sản xuất của Mỹ bắt đầu sản xuất và tìm nguồn cung ứng ở Trung Quốc vì một lý do: chi phí thấp. Cuộc chiến thương mại đã mang đến một khía cạnh thứ hai đó là rủi ro thuế quan và nguy cơ hàng gia công nhập khẩu của Trung Quốc bị gián đoạn, khiến các công ty phải cân nhắc giữa giá cả và sự ổn định trong chuỗi cung ứng. Đại dịch COVID-19 lan ra toàn cầu đã mang đến khía cạnh thứ ba là khả năng phục hồi và thích nghi với những cú sốc hệ thống không lường trước được”.
Theo báo cáo của Kearney, việc Trung Quốc trở lại hiện trạng thương mại trước đại dịch là không thể. Kearney dự đoán, các công ty sẽ buộc phải tính xa hơn trong việc xem xét lại các chiến lược, kế hoạch và tìm nguồn cung ứng và toàn bộ chuỗi cung ứng của họ.
Vậy ai sẽ được hưởng lợi lớn nhất của xu hướng dịch chuyển này? Đó là các quốc gia Đông Nam Á, dẫn đầu là Việt Nam.
Đầu năm 2020, cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ – Trung Quốc dường như lắng lại do một đại dịch toàn cầu xuất phát từ tỉnh Hồ Bắc , là một trong những trung tâm giao thông, công nghiệp quan trọng của Trung Quốc. Dịch bệnh COVID-19 đã tạo ra một cơn ác mộng tại Trung Quốc và gần như đóng cửa các nền kinh tế phương Tây.
Trong tháng 2 và đầu tháng 3/2020, các công ty không thể có được nguồn cung trực tiếp do các nhà máy Trung Quốc đóng cửa, khiến nhiều công ty tại Mỹ bị gián đoạn hoặc đình trệ hoạt động.
Việt Nam sẽ hướng lợi từ xu hướng dịch chuyển này
Kearney theo dõi sự thay đổi chỉ số đa dạng hóa Trung Quốc (CDI) trong nhập khẩu hàng hóa gia công của Hoa Kỳ từ Trung Quốc và các nước châu Á khác.
Mặc dù Trung Quốc vẫn dẫn đầu nhưng quốc gia này ngày càng mất thị phần sang thị trường Hoa Kỳ từ những năm ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.
Năm 2013, dựa trên 5 chỉ số đánh giá độ đa dạng hoá CDI, Trung Quốc nắm giữ khoảng 67% tất cả hàng hóa sản xuất có nguồn gốc châu Á tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đến quý II/ 2019, quốc gia này chỉ còn nắm giữ khoảng 56%.
Trong số 31 tỷ đô la hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ đã rời khỏi Trung Quốc, Việt Nam đã thu về khoảng 46%, đôi khi bởi chính các nhà cung cấp Trung Quốc nhưng đã rời khỏi đại lục. Năm 2019, Việt Nam đã xuất khẩu thêm 14 tỷ đô la hàng hóa sản xuất gia công sang Hoa Kỳ do sự dịch chuyển này.
Theo số liệu Tổng cục thống kê, quý I/2020 , về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 15,5 tỉ USD – tăng 16,2 % so với cùng kỳ năm trước.