Người xưa thường dạy: “Trên đầu ba thước có Thần linh”, hay “Đả tăng mạ Đạo, tất có ác báo” (đánh giết sư phỉ báng Phật Pháp tất có ác báo). Những lời này có thực sự đúng?

Bồ Tát hiển linh ở Cổ Sơn Phúc Châu

Vi Đà là vị thiên tướng hộ Pháp của Phật giáo. Ngài là một trong 8 vị đại thần tướng của Nam phương Tăng Trưởng Đại Thiên Vương, một trong bốn Đại Thiên Vương, và là người đứng đầu 32 vị Thần tướng thuộc quyền của bốn Đại Thiên Vương. 

Tương truyền sau khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập diệt, chư thiên Thần và chúng Vương bàn về việc hỏa thiêu di thể, nhặt Xá lợi thờ trong tháp. Lúc này Đế Thích Thiên cầm bình thất bảo đến chỗ thiêu để lấy Xá lợi vì trước kia Ngài đã được Đức Phật chấp thuận cho một chiếc răng đem về để dựng tháp thờ. Nhưng khi ấy có quỷ La Sát nấp bên người Đế Thích Thiên, thừa lúc Ngài không chú ý bèn trộm răng Phật. Vi Đà Tôn Thiên trông thấy liền đuổi theo, nhanh như tia chớp, trong nháy mắt đã bắt được quỷ La Sát tống vào ngục, trả lại răng Phật cho Đế Thích Thiên, được chư Thiên khen ngợi. Từ đó về sau, Vi Đà được cho là có thể xua đuổi tà ma, bảo hộ Phật pháp.

Tại vùng Cổ Sơn Phúc Châu, người già hầu như ai cũng đều biết tới câu chuyện có thật về Bồ Tát Vi Đà hiển linh.

Đó là vào năm Ung Chính thứ 12 triều nhà Thanh (1773). Viên Ngọc thiền sư tại chùa Dũng Tuyền ở Cổ Sơn vì muốn hỗ trợ triều đình biên soạn Tàng Kinh, không cách nào quản lý chùa bèn đề cử tiểu đồ đệ nhỏ tuổi nhất là Pháp Ấn làm Phương trượng và trở thành trụ trì thứ 100 của chùa.

Pháp Ấn là người Ninh Hóa, họ Lý tên Tượng Tiên, năm đó mới 16 tuổi. Tiểu hòa thượng xuất gia từ thuở nhỏ, chịu khó ham học, thông minh sáng sủa. Tuy nhiên, để một tiểu hòa thượng nhỏ tuổi đi quản lý một ngôi chùa lớn với 400 – 500 chúng tăng là một việc hết sức nhạy cảm. Một số tăng nhân cao tuổi trong lòng dù không vừa ý nhưng vì đó là đề xuất của Phương trượng nên không dám lên tiếng. Tuy thế, sau lưng họ vẫn coi đây là một trò đùa.

Sau khi chính thức nhận chức Phương trượng, tiểu hòa thượng Tượng Tiên dành toàn bộ thời gian nghiên cứu Phật học, dùng tâm huyết sao chép kinh thư, mọi việc lớn nhỏ trong chùa đều giao cho người khác, cũng không đi hỏi tình hình cụ thể. 

Sau một thời gian, vị sư phụ trách quản kho lương thực tới báo cáo, nói rằng lương thực chỉ đủ cho các tăng nhân ăn trong 5 ngày, mong Phương trượng nghĩ cách càng sớm càng tốt. Hòa thượng Tượng Tiên lúc này vô cùng lo lắng, sai người xuống núi mua lương thực nhưng vẫn không đủ dùng trong chùa. Trước tình cảnh đó, tân Phương trượng tới Đại Hùng Bảo điện bái kiến cầu xin Phật Như Lai, lại tới Thiên Vương điện cầu xin Phật Di Lặc, cuối cùng tới tượng Bồ Tát hộ Pháp Vi Đà, thắp hương cầu nguyện, cầu xin Vi Đà Bồ Tát giúp chùa có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Đêm đó, như thường lệ hòa thượng Tượng Tiên đang ngồi tĩnh tọa trong phòng thiền, đột nhiên cảm thấy cơ thể mệt mỏi, ý thức có đôi chút như mơ hồ. Đang trong lúc như tỉnh như mơ ông nhìn thấy Vi Đà Bồ Tát xuất hiện trước mặt và nói: “Sáng ngày mai có người gửi gạo đến, hãy nhanh cử người tới bờ sông gánh gạo”.

Tân phương trượng bừng tỉnh, phát hiện mình đang nằm trên giường, cảm thấy có đôi chút đánh mất giới luật, vội vàng ngồi dậy xếp bằng đả tọa. Tuy nhiên trong tâm không thể tĩnh lại được, cứ lo lắng không yên cho tới khi trời tờ mờ sáng, mới rời khỏi thiền đường, rửa mặt qua loa, gõ chuông triệu tập chúng tăng tới trước mặt.

Khi các vị tăng ni đã tập hợp đầy đủ, Tượng Tiên hai tay hợp thập, im lặng niệm kinh hồi lâu rồi nói với mọi người: “Tối qua Bồ Tát Vi Đà báo mộng cho tôi, bảo chúng ta sáng sớm nay xuống núi, đến bên bờ sông lấy gạo. Những tăng ni tuổi cao, sức yếu hãy ở lại trong chùa, những người khác hãy nhanh chóng đi chuẩn bị thuyền nhỏ theo ta đi xuống núi”.

Nghe xong, chúng tăng bèn đi chuẩn bị thuyền, bao tải. Một vài lão hòa thượng cũng đi cùng để nghe ngóng tình hình. Cả đoàn hơn 100 người đi qua một hang động sau đó theo đường mòn nhỏ đi xuống núi. Chẳng ngờ, khi vừa đi tới sườn núi thì nhìn thấy một chiếc tàu bị nhóm quan binh của triều đình bao vây kiểm tra.

Hóa ra, vào thời Ung Chính, lệnh cấm đường biển rất nghiêm ngặt, quan binh phát hiện kẻ nào buôn lậu đều sẽ bắt giữ. Con tàu đang bị nhóm quan binh bao vây này chính là tàu buôn lậu. Họ đang buôn gạo lậu mang bán ở Xiêm La. Thông thường đất nước này không thiếu gạo. Nhưng bấy giờ quốc vương Tesaro gặp nạn vì các vương tử tranh đoạt vương vị gây ra chiến tranh, từ đó dẫn tới tình trạng thiếu lương thực. Chiếc thuyền buôn này đang đi giữa đường thì gặp gió lớn, nên phải nép vào cửa sông Mân Giang tránh. Không ngờ bị phát hiện và kiểm tra, đuổi theo tới Khôi Kỳ và yêu cầu neo đậu ở đây để kiểm tra.

Thương gia bán gạo sợ bị chém đầu, nên làm giả thư, nói dối mang gạo đến cúng dường cho chùa Dũng Tuyền ở Cổ Sơn. Vị quan kiểm tra đang vừa thẩm vấn vừa bán tín bán nghi thì nhìn thấy trên núi có rất nhiều thầy sư tay cầm bao tải đi tới bèn hỏi: “Thương gia bán gạo nói, việc cúng dường này chưa liên lạc với các thầy, sao các thầy biết mà tới lấy gạo?”. Hòa thượng Tượng Tiên vội đáp: “Tối qua, tôi mơ thấy Bồ Tát Vi Đà hiển linh báo mộng, nên hôm nay mới xuống nhận gạo”.

Người thương gia buôn gạo cũng ứng phó rất nhanh nhẹn, ông bước tới và nói xen vào: “Vâng đúng vậy ạ. Khi thuyền chúng tôi đang đi trên biển, đột nhiên gặp phải trận gió to và sương mù che chắn không nhìn thấy gì, cũng là nhờ Bồ Tát Vi Đà dẫn đường tới cửa sông Mân Giang này”.

Vị quan thẩm tra cũng là người tín Phật, nghe thấy Bồ Tát Vi Đà hiển linh, thì không dám hỏi thêm bất cứ câu nào và cho phép dỡ gạo xuống. Người thương gia đang trong nỗi lo mất mạng may mắn thoát khỏi đại nạn nên vui vẻ hỗ trợ các nhà sư mang gạo lên núi và làm thủ tục xin cúng dường.

Gạo vừa mang vào tới cửa, không kịp đợi chuyển vào kho, cả đoàn thương gia buôn gạo hướng tới tượng Vi Đà Bồ Tát dập đầu cảm tạ. Đột nhiên nhìn thấy tượng Phật đổ mồ hôi, dường như mệt mỏi không đứng lên được. Điều này thật kỳ lạ, sao một bức tượng làm bằng đất sét lại có thể đổ mồ hôi? Chúng tăng ai nấy cũng vô cùng ngạc nhiên, quỳ xuống hành lễ khẩn cầu: “Vi Đà Thiên vương, ngài vất vả rồi, xin mời nghỉ ngơi”.

Bức tượng ngay lập tức được chuyển vào trong chùa và đắp lại, ngoài ra chùa còn tạc thêm một bức tượng Vi Đà Bồ Tát ngồi, để Ngài được nghỉ ngơi trong đại điện. Đây chính là nguồn gốc của bức tượng “Vi Đà ngồi” độc đáo ở Cổ Sơn.

Câu chuyện tượng Phật hiển linh nhanh chóng được lan truyền, có rất nhiều người lên núi bái lạy, cúng dường, từ đó chùa Dũng Tuyền không còn lo lắng về việc thiếu thốn lương thực.

Những năm đầu của cuộc Cách mạng văn hóa tại Trung Quốc, tượng Bồ Tát Vi Đà ngồi do hòa thượng Tượng Tiên tạc đã bị hồng vệ binh coi là tứ cựu và phá bỏ. Tới năm 1988, nhà điêu khắc dân gian Trần Thế Thiện mới trùng tu tạc lại, vẫn trưng bày trong Đại Hùng bảo điện.

Tượng Vi Đà ngồi được tạo mới cao bằng một người bình thường, tư thế đang ngồi trên một tảng đá vuông, toàn thân mặc giáp, một tay cầm chày, đầu chày chỉ xuống mặt đất, giống như đang hàng yêu phục ma. Những cuốn kinh thư do Tượng Tiên hòa thượng sao chép tới nay vẫn được bảo tồn nguyên vẹn và được các nhà sư trong chùa Dũng Tuyền bảo tồn. Sau này, những hồng vệ binh đã đập phá tượng Vi Đà Bồ Tát năm xưa đều xảy ra chuyện. Những người biết rõ tình hình đều nói, đây là quả báo của việc phá hoại tượng Phật.

Tượng Bồ Tát ở bảo tàng quốc gia Tokyo (Nhật Bản). Ảnh: Carlos Roca Dono / Shutterstock.

Lai lịch tượng ‘Kiều Diện Đầu Văn Thù Bồ Tát’ ở Ngũ Đài Sơn

Chùa Thù Tượng nằm ở phía tây nam thị trấn Đài Hoài, Ngũ Đài Sơn được xây dựng vào thời đầu Đông Tấn (năm 317). Trong ngôi chùa này thờ cúng pho tượng Văn Thù Bồ Tát lớn nhất Ngũ Đài Sơn. Pho tượng Văn Thù Bồ Tát này còn có một tên khác là “Kiều Diện Đầu Văn Thù Bồ Bát” (Tượng Văn Thù Bồ Tát phần đầu làm bằng bột kiều mạch), đây là một câu chuyện có thật. 

Vào thời xưa khi các thợ thủ công tạc tượng Văn Thù Bồ Tát, lúc tượng Bồ Tát cưỡi Thần thú là con nghê sắp được tạc xong (con nghê là con thứ năm trong truyền thuyết về rồng sinh chín con, dân gian gọi là “lục mao sư tử” – sư tử lông xanh), tượng Bồ Tát còn thiếu phần đầu, các thợ thủ công có phần lúng túng vì chưa ai từng thấy khuôn mặt Bồ Tát rốt cuộc thần thái ra sao. Người nói phải tạc thế này, người nói phải tạc thế kia, mỗi người một ý.

Trong khi các thợ thủ công còn đang khổ não vì không biết phải tạc khuôn mặt Bồ Tát ra sao, trong nhóm thợ thủ công có một anh đầu bếp đang làm cơm ở nhà bếp với bột kiều mạch, nghe thấy ngoài sân có tiếng ồn ào, tưởng có chuyện gì vội vàng chạy ra xem. Sau khi biết rõ sự tình, anh lớn tiếng nói: “Tượng Bồ Tát không thể tùy tiện mà tạc được, mọi người có cãi lộn ầm ĩ cũng chẳng ích gì!”. Nghe anh nói xong không ai nói được gì nữa. 

Anh đầu bếp quay lại nhà bếp, đang chuẩn bị làm bánh kiều mạch thì đột nhiên thấy hào quang chiếu rọi vào phòng, anh đầu bếp mở cửa sổ ra nhìn lên trời, hoá ra chính là Văn Thù Bồ Tát ở giữa không trung, hiển hiện trước mặt anh với vẻ mặt từ bi, hào quang tỏa sáng. Lúc đó mà đi tìm anh thợ thủ công để mô phỏng lại thì không kịp nữa, trong lúc cấp bách anh chợt nảy ra sáng kiến, anh lấy hết bột kiều mạch ra phỏng theo chân dung Bồ Tát mà nặn. Anh vừa nặn xong phần đầu thì Văn Thù Bồ Tát biến mất. Sau khi các thợ thủ công tới, họ vội vàng mang phần đầu nặn bằng bột kiều mạch đặt lên thân tượng, dát vàng ra bên ngoài. Mọi người liền gọi pho tượng Bồ Tát này là “Kiều Diện Đầu Văn Thù Bồ Tát”.

Pho tượng Kiều Diện Đầu Bồ Tát này được thờ trong điện Đại Văn Thù, phía sau tượng Văn Thù hướng ra cửa hậu còn thờ một pho tượng Quan Âm Bồ Tát. Từ trước tới nay, đa số tượng Quan Âm trong chùa đều quay mặt về hướng nam, nhưng tượng Quan Âm trong chùa Văn Thù lại quay mặt về hướng bắc, do đó được gọi là “Quan Âm ngồi ngược”.

Điều thú vị là trên bức tường bình phong phía ngoài cửa hậu có vẽ một bức tranh La Hán hàng phục mãnh hổ, hai bên có câu đối: “Hỏi Quan Âm vì sao ngồi ngược, hận phàm phu không chịu quay đầu”. Câu đối này mang hàm nghĩa nghiêm túc mà sâu sắc rằng không phải Thần Phật không thể phổ độ chúng sinh, mà là kẻ phàm phu tục tử không chịu vứt bỏ chấp trước. Ngoài ra, trên vách đại điện còn vẽ 500 vị La Hán, cả toà đại điện mang vẻ trang nghiêm và thần thánh.

Hoàng đế Khang Hy từng năm lần đến lễ trên núi Ngũ Đài Sơn, đã ngự đề lên hoành phi ở chùa Tượng Thù: “Thụy tướng thiên nhiên”, có nghĩa là tượng Văn Thù Bồ Tát giống như được trời sinh ra vậy. Sau này, hoàng đế Càn Long cũng sáu lần đến lễ ở Ngũ Đài Sơn, cũng ngự bút hoành phi ở chùa Tượng Thù: “Đại viên kính trí”, còn ra lệnh phỏng theo chùa Văn Thù để xây dựng một ngôi chùa ở Thừa Đức để thờ cúng tại gia, lại dựa vào trí nhớ lệnh cho người tạc một pho tượng phỏng theo tượng Kiều Diện Đầu Văn Thù Bồ Tát để thờ cúng ở chùa Hương Sơn Bảo Tượng. Như vậy có thể thấy hoàng đế Càn Long rất coi trọng và kính ngưỡng đối với chùa Tượng Thù và Văn Thù Bồ Tát.

Tại sao người đầu bếp này có thể nhìn thấy Bồ Tát hiển linh, có lẽ chính vì anh đã nói rằng: “Tượng Bồ Tát không thể tùy tiện mà tạc được”, trong đó đã bao hàm tấm lòng tôn kính đối với Bồ Tát. Ngày nay, rất nhiều người không tin Thần cho rằng: Tôi phải nhìn thấy Thần thì tôi mới tin. Kỳ thực, Thần tuyệt đối sẽ không tùy tiện hiển hiện cho con người xem, đặc biệt là với những người không tin vào Thần, nếu không có nhân duyên đặc biệt thì Thần sẽ không hiển hiện cho họ thấy.

Theo Trường Hà, Secret China
Kiên Định biên dịch

Theo dkn.tv