Công an Hòa Bình bắt 2 người nghi liên quan vụ đổ dầu thải ra đầu nguồn nước sông Đà gây ô nhiễm nước sạch cung cấp cho người dân Hà Nội, và đang truy bắt thêm người thứ 3.

Báo Tiền Phong thông tin, ngày 18/10, công an tỉnh Hòa Bình ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Chương Đại (sinh năm 1994 ở Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám (sinh năm 1986 ở Lạng Sơn) để điều tra. Đồng thời tạm giữ 2 xe ôtô và đang truy bắt trường hợp thứ 3 là Lý Đình Vũ, (sinh năm 1982 trú xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).

Trước đó, sau nhiều ngày điều tra, công an đã xác định, hai xe ôtô nghi vấn liên quan việc xả chất thải: Xe ôtô tải biển kiểm soát 99C-08783 thuộc Công ty TNHH TM và vận tải du lịch Minh Phương, có địa chỉ tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, trong lĩnh vực kinh doanh của Công ty được thu gom chất thải không nguy hại, và xe ôtô 4 chỗ ngồi biển kiểm soát 89A-13766, chủ phương tiện là Nguyễn Văn Quyền, có địa chỉ tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Công an Hòa Bình xác định 3 người trên thực hiện hành vi xả chất thải gây ô nhiễm môi trường nêu trên. Trong đó, Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám đã bị triệu tập.

Người dân vớt dầu thải (ảnh: Dân Sinh).

Bước đầu 2 đối tượng khai nhận, ngày 6/10, Chương và Thám được Lý Đình Vũ thuê lái xe ô tô tải biển kiểm soát 99C-08783 đi từ tỉnh Bắc Ninh đến Công ty gạch, gốm sứ Thanh Hà, có địa chỉ tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ lấy chất thải (bơm vào 10 thùng chứa khoảng 10m3), sau đó di chuyển về Công ty TNHH Cơ khí cao su K90, địa chỉ tại xã Chí Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên gửi xe.

Đến ngày 8/10, cả 3 đối tượng trên sử dụng 2 xe ôtô nêu trên chở chất thải lên địa bàn xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình để xả chất thải, sau đó bỏ trốn.

Đối tượng đổ trộm dầu thải vào nước sạch có thể đối diện mức án nào?

Chiều 17/10, trao đổi với báo Lao Động, luật sư Nguyễn Danh Huế (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, để xác định được cụ thể hành vi vi phạm sẽ phải xác định được chất đổ ra môi trường là chất gì, chất này có nằm trong danh mục Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hay không.

Thứ hai, chất thải này khối lượng là bao nhiêu. Thứ 3 là cần xem xét về thiệt hại về vật chất, sức khỏe của người dân do sự việc trên.

LS Nguyễn Danh Huế (ảnh: Lao Động).

Luật sư Nguyễn Danh Huế cho biết, theo Khoản 3, Điều 235, Bộ Luật Hình sự về Tội gây ô nhiễm môi trường, khung hình phạt nặng nhất là bị phạt tiền từ 1-3 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 3-7 năm.

“Đây chỉ là việc điều tra ban đầu. Trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra có thể xem xét tới những chủ thể khác như doanh nghiệp cung cấp nước, cơ quan quản lý nhà nước về trách nhiệm trong vụ việc này” – luật sư Huế nói.

Theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay, trường hợp công ty cấp nước sạch xác định chất lượng nước không đảm bảo, không đủ điều kiện sử dụng mà vẫn bán cho người dân thì cần xử lý theo quy định pháp luật. Tùy thuộc vào mức độ sai phạm và hậu quả xảy ra, hành vi này có thể bị xử lý kỷ luật người đứng đầu, xử phạt hành chính công ty hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Đại Kỷ Nguyên