Trong suốt cuộc đời, ai cũng có những việc phải hối tiếc. Khấu Hoài, một danh tướng đời Bắc Tống đã có một bài viết truyền đời, toàn bộ bài viết chỉ vẻn vẹn có 6 câu, tổng có 42 chữ, nhưng đã nói hết được 6 việc nuối tiếc nhất trong đời.

Lục hối minh

Khấu Hoài đời Bắc Tống

Quan hành tư khúc, thất thời hối.

Phúc bất kiệm dụng, bần thời hối.

Nghệ bất thiếu học, quá thời hối.

Kiến sự bất học, dụng thời hối.

Túy phát cuồng ngôn, tỉnh thời hối.

An bất tương tức, bệnh thời hối.

1. Quan hành tư khúc, thất thời hối

Khi làm quan chỉ tư lợi cá nhân, lợi dụng chức quyền để thực hiện các hành vi không đúng đắn, đợi tới khi xảy ra chuyện mới hối hận thì e rằng đã quá muộn. Nhiều người cống hiến cho sự nghiệp với tham vọng cứu thế giới và cứu người, nhưng vì không thoát được cám dỗ nên đã lạc lối, thật đáng tiếc!

Với những người làm quan, phải luôn công bằng, không thiên lệch. Tâm tĩnh như nước, không dễ bị lung lay. Không được mừng hay tức vì lợi ích của bản thân, không thiên vị ai, thậm chí không được nhận hối lộ, bao che, bất công, xem thường pháp luật. Khi đã ở vị trí đó, trên phải vì nước, dưới phải vì dân.

2. Phú bất kiệm dụng, bần thời hối

Người xưa có câu “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, khi giàu sang không lo tiết kiệm, vun vén gia đình, tới khi khuynh gia bại sản thì mọi sự đã muộn. Những người bạn chung vai sát cánh cùng bạn khi giàu sang, khi bạn nghèo khó thì đã không còn gặp được họ nữa.

Làm người phải biết lo xa, khi giàu có đừng quên tích đức. Hãy nhớ rằng, chăm chỉ làm lụng, gia đình sẽ hưng thịnh, ăn chơi vô đối, miệng ăn núi lở.

3. Nghệ bất thiếu học, quá thời hối

Không học lấy một cái nghề khi tuổi còn trẻ, chờ tới khi có tuổi rồi thì mới thấy hối hận. Rất nhiều người khi còn trẻ vô công dồi nghề, tới trung niên sự nghiệp vẫn là con số không, khi đó mới tỉnh ngộ và tiếc nuối thời gian lãng phí đã qua.

Khi còn trẻ, khả năng học tập tốt hơn rất nhiều. Trong độ tuổi học tập này, nếu lười nhác sau này sẽ thành “trẻ không xông pha, già ngồi hối hận”. Đừng đợi đến già rồi mới hối tiếc những gì đã qua. Một mái đầu bạc tiếc thời đã qua, hàng vạn lượng vàng không tài đổi lại.

4. Kiến sự bất học, dụng thời hối

Mỗi việc xảy ra sẽ giúp ta hiểu biết thêm. Cuộc sống là một trường đại học mà ta học cả đời không hết. Người ta thường nói: “Mọi sự đều giúp ta hiểu được rõ chân tướng cuộc đời, tình người giúp ta tạo ra được những áng văn chương”, cư xử người với người luôn là thứ ta phải học suốt đời này.

Quan tâm đến mọi thứ và học bất cứ lúc nào sẽ khiến con người trưởng thành hơn, còn với những người phạm sai lầm mà không tỉnh ngộ thì sẽ phải hối tiếc.

5.  Túy phát cuồng ngôn, tỉnh thời hối

Có nhiều người, trên bàn rượu ăn nói rất mạnh bạo, nhìn rất bản lĩnh, nhưng khi say rồi sẽ không kiểm soát được bản thân, ăn nói bừa bãi, nôn mửa khắp nơi, thậm chí còn làm những việc sai trái.

Tới khi tỉnh rượu, nghĩ lại những gì đã xảy ra thì thật đáng xấu hổ. Nên nhớ rằng, văn hóa trên bàn rượu của người Trung Quốc bao giờ cũng là trút cho nhau say mới là yêng hùng, bạn có cần trở thành người hùng trong một lúc thế không, hãy biết rõ tửu lượng của mình.

6.  An bất tương tức, bệnh thời hối

Thường ngày không lo giữ gìn sức khỏe, tới khi có bệnh mới đổ sụp. Lúc bị bệnh mới hối hận vì sao trước đó không rèn luyện sức khỏe. Đáng tiếc là khi bệnh khỏi, những gì đã nghĩ lập tức quên ngay. Điểm này giờ đây rất dễ thấy ở tầng lớp thanh niên trẻ, nhiều người thâu đêm suốt sáng làm việc, cuối cùng để cơ thể bị hủy hoại tới mức bỏ mạng.

Khi trẻ đánh đổi sức khỏe lấy tiền bạc, về sau sẽ lấy tiền bạc để đổi lấy sức khỏe. Danh vọng, tiền tài, tất cả cuối cùng đều không quan trọng bằng sức khỏe, bạn phải nhớ rằng, ở đời chỉ có 1 việc lớn nhất đó là sống và chết.

***

Sống ở trên đời, thật khó có thể không tiếc nuối vì một điều gì đó. Tiếc nuối vì không thi đỗ được vào trường mình thích, tiếc nuối vì khi đó đã không theo đuổi ước mơ tới cùng. Nhưng trong sự tiếc nuối ấy, bạn đã thực sự hỏi lòng mình: điều gì mới là quan trọng nhất, điều gì mới xuất phát từ trong tâm khảm mình?

Theo ĐKN