Chiều 3/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời câu hỏi về phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 18/9 tuyên bố Bãi Tư Chính là lãnh thổ của Bắc Kinh.
Bà Hằng cho biết: “Lập trường của Việt Nam về vấn đề này đã được nêu rõ trong phát biểu của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 12/9. Việt Nam khẳng định lại khu vực Trung Quốc gọi là bãi Vạn An thực chất là bãi ngầm, là một phần của đáy biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, được xác định từ các thực thể từ đất liền phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển 1982.
Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp hay có chồng lấn vì Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý quốc tế nào để đưa ra yêu sách đối với khu vực này”.
Người phát ngôn cũng nêu rõ Công ước LHQ về Luật Biển 1982 cũng như thực tiễn xét xử thời gian vừa qua đã khẳng định rõ điều này.
Theo VnExpress, trong họp báo chiều cùng ngày, người phát ngôn cho biết, nhóm tàu thăm dò Địa chất Hải dương 8 của Trung Quốc tiếp tục mở rộng hoạt động ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này và đã có giao thiệp với Trung Quốc. Việt Nam một lần nữa yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, rút toàn bộ nhóm tàu trên ra khỏi vùng biển Việt Nam và không để tái diễn các vi phạm tương tự.
Bà Hằng nhấn mạnh: “Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền, các quyền lợi hợp pháp ở Biển Đông theo các biện pháp mà luật pháp quốc tế cho phép”.
Theo báo điện tử VOV, bãi Tư Chính là cụm rạn san hô ở nam Biển Đông, cách bờ biển Vũng Tàu 160 hải lý và cách bờ biển đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 600 hải lý. Bãi dài 63 km, rộng 11 km, phần mặt bằng rạn quan sát được có diện tích 33,88 km2. Nơi nông nhất nằm đầu mút phía bắc bãi Tư Chính, có độ sâu 16 m.
Về mặt hành chính, bãi Tư Chính thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, không liên quan tới quần đảo Trường Sa. Việt Nam lắp đặt một số cụm dịch vụ kinh tế – khoa học – kỹ thuật (nhà giàn DK) tại khu vực này kể từ năm 1989.
Về sau, mẫu nhà giàn mới có thiết kế rộng rãi và vững chắc hơn, ứng dụng kết cấu liên hoàn theo mẫu giàn khoan nước sâu. Hiện có ba nhà giàn của Việt Nam đang hoạt động tại bãi Tư Chính gồm DK1/11, DK1/12 và DK1/14 được hoàn thành trong giai đoạn 1994-1995.
Giàn khoan nước sâu Hải Dương Thạch Du 982 được bàn giao cho công ty Dịch vụ Mỏ dầu Trung Quốc (COSL) từ tháng 3 năm ngoái, bắt đầu hoạt động hôm 21/9 ở vùng biển có độ sâu 3.000 m. Đây là giàn khoan nước sâu lớn và hiện đại nhất của Trung Quốc, có thể chịu được sức gió 200 km/h và khoan ở độ sâu tối đa 9.000 m.
Theo Đại Kỷ Nguyên