Gần như Trung Quốc có thể làm bất cứ điều gì họ muốn dưới chính quyền này”, nhà báo Jack Cowhick bình luận trên trang The Western Journal.

Dưới đây là bài viết của ông Jack Cowhick.

Trong động thái mới nhất nhằm thúc đẩy quyền lực ngày càng mạnh mẽ đối với Hồng Kông, cơ quan lập pháp của Trung Quốc đã thông qua nghị quyết đại tu hệ thống bầu cử của đặc khu, bật đèn xanh cho Bắc Kinh thiết lập quyền kiểm soát nhiều hơn nữa đối với Hồng Kông.

Nghị quyết “Những người yêu nước thống trị Hồng Kông” được thông qua hôm thứ Năm (11/3) – một nghị quyết sẽ cho phép một hội đồng do Bắc Kinh kiểm soát xem xét và bầu ra các ứng cử viên – sẽ làm giảm sự hiện diện của nghị sĩ ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông trong quá trình này.

Đặc khu hành chính Hồng Kông được Vương quốc Anh bàn giao cho Trung Quốc vào năm 1997 theo mô hình “Một quốc gia, Hai chế độ”, cho phép Hồng Kông có quốc hội và hiến pháp riêng và độc lập, được gọi là Luật cơ bản. Nhưng giờ đây, chính quyền Trung Quốc đang rút lại những đặc quyền đó và áp đặt chủ nghĩa độc tài chuyên chế của mình lên khu vực dưới chiêu bài đoàn kết.

Mặc dù Trung Quốc đã xóa bỏ chế độ bán tự trị của Hồng Kông kể từ khi nước này giành lại quyền kiểm soát đặc khu, nhưng hàng loạt vi phạm gần đây nhất bắt đầu vào năm 2014 khi cơ quan lập pháp Trung Quốc, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, thông báo rằng họ sẽ sàng lọc trước các ứng cử viên cho vị trí Trưởng đặc khu Hồng Kông, và chính điều này đã châm ngòi cho Phong trào Ô dù.

Vào năm 2019, chính quyền Trung Quốc đã công bố kế hoạch chi tiết ban đầu cho Khu vực Vịnh Lớn, được cho là đối thủ cạnh tranh với Thung lũng Silicon của California. Đây là một kế hoạch sẽ xóa bỏ quyền tự chủ kinh tế và nền kinh tế thị trường của Hồng Kông và biến nó thành một phần mở rộng của hệ thống kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc.

Trung Quốc đã tấn công quyền tự trị của Hồng Kông, cả về mặt chính phủ cầm quyền và kinh tế kể từ khi người Anh trao trả lại khu vực này, và trên thực tế, cựu Tổng thống Donald Trump là tổng thống duy nhất trong lịch sử cận đại đứng lên chống lại cực quyền Bắc Kinh.

Cựu tổng thống đã chống lại sự bành trướng kinh tế của Trung Quốc thông qua các đòn thuế quan và về mặt ý thức hệ bằng cách ký ban hành Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông năm 2019 và Đạo luật Chính sách Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ năm 2020. Hai đạo luật này cho phép chính phủ Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với “các cá nhân nước ngoài và các thực thể” vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông và ở khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương.

Ông Jack Cowhick bình luận, thật không may đối với cả hai nhóm người bị Bắc Kinh áp bức từ lâu này, chính quyền hiện tại dường như cho thấy họ sẽ không tiếp tục các biện pháp cứng rắn của ông Trump, và thay thế hành động thực tiễn bằng những lời đe dọa trống rỗng.

Trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc năm 2020, ông Biden đã lên án các chính sách Bắc Kinh dùng để bóp nghẹt tự do Hồng Kông, thậm chí còn đe dọa trừng phạt chính quyền Trung Quốc nếu ông được bầu làm tổng thống vào tháng 11/2020.

Nhưng giờ đây, ngoài việc giữ nguyên mức thuế của chính quyền tiền nhiệm và công bố một vài biện pháp trừng phạt mới đối với lĩnh vực “công nghệ nhạy cảm”, chính quyền Biden có rất ít động thái.

Trên thực tế, thậm chí ông Biden còn có sự ủng hộ gián tiếp đối với các hành vi vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh. Tháng trước, Tổng thống Biden đã nói tại một tòa thị chính rằng cuộc diệt chủng của chính quyền Trung Quốc đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương chỉ đơn giản là kết quả của sự khác biệt về “các chuẩn mực văn hóa” giữa hai nước.

Khi Tổng thống Biden “lên tiếng”, ông điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình, chúc người dân Trung Quốc một Tết Nguyên đán tốt lành và “bày tỏ lo ngại về các hoạt động kinh tế, vi phạm nhân quyền và bắt nạt Đài Loan của Bắc Kinh”.

Ngược lại, chính Ngoại trưởng của Biden, Antony Blinken, trong tuần đầu tiên nắm quyền đã ủng hộ việc cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo chỉ định các hành động của Bắc Kinh với người Hồi giáo ở Tân Cương là tội diệt chủng.

Theo tác giả Jack Cowhick, việc ông Biden thiếu hành động đối với đặc khu Hồng Kông cũng nói lên nhiều điều.

Sau khi nghị quyết “Những người yêu nước (thân Bắc Kinh) thống trị Hồng Kông” được thông qua, ông Biden chỉ đơn giản là lên tiếng phản đối nghị quyết, gọi động thái này là một “cuộc tấn công trực tiếp” vào quyền tự trị của khu vực. Tổng thống Biden đã đúng, nhưng lời nói sẽ là trống rỗng nếu không đi đôi với hành động. Và cho đến nay, chưa có hành động nào được đưa ra.

Trái ngược với ông Trump, ông Biden là một tổng thống cực kỳ yếu đuối về vấn đề Trung Quốc. Ông ấy có thể lên tiếng đe dọa trừng phạt và từ chối cắt giảm thuế quan, nhưng rốt cục, Tổng thống Biden gần như đã trở thành một người bạn của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Khi khả năng xảy ra xung đột ngày càng gia tăng ở Biển Đông giữa các lực lượng của Hoa Kỳ và Trung Quốc, thật khó để tin rằng Tổng thống Biden sẽ làm điều gì khác ngoài việc lùi bước nếu đối diện nguy cơ xung đột.

Theo ĐKN