Chuyên gia các vấn đề thời sự Lý Lâm Nhất đã có bài phân tích về tình hình chiến lược của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) với Liên minh châu Âu, theo ông, bốn cột trụ lớn trong mối Quan hệ Trung Quốc với Liên minh châu Âu đều đã có dấu hiệu rạn nứt.
Vào ngày 13/10/2003, ĐCSTQ đã công bố tài liệu chính sách đầu tiên về EU. Cùng ngày, EU cũng đã thông qua văn kiện chính sách thứ Năm về Trung Quốc, đây là lần đầu tiên xác định mối quan hệ EU-Trung Quốc là “đối tác chiến lược”.
Thuận theo cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng ác liệt, định vị của EU đối với ĐCSTQ đã thay đổi đáng kể vào năm 2019. Vào ngày 12/3/2019, Liên minh châu Âu đã công bố tài liệu chiến lược dành cho Trung Quốc, xác định Trung Quốc vừa là “đối tác”, vừa là “đối thủ kinh tế” và “đối thủ thể chế”.
Sự thay đổi này khiến ĐCSTQ không khỏi bất an.
Tháng trước, Sau khi “Hiệp định Đầu tư Trung Quốc-EU” đàm phán trong thời gian 7 năm bị EU đóng băng, Ngoại trưởng TQ Vương Nghị kêu gọi rằng “định vị thích hợp duy nhất giữa EU và Trung Quốc chính là đối tác chiến lược toàn diện”. Ý tứ đằng sau câu nói này chính là giữa Trung Quốc và châu Âu đã xuất hiện các lập trường khác nhau, đó không phải là điều mà ĐCSTQ mong muốn.
Trong cùng thời gian, Litva cũng công khai tuyên bố rút khỏi “Cơ chế 17 + 1″ do ĐCSTQ lãnh đạo. Thủ tướng Ý Mario Draghi ngày 31/3 đã ngăn cấm công ty bán dẫn LPE bán cổ phần cho doanh nghiệp Trung Quốc. Động thái này có ý nghĩa mang tính biểu tượng, qua đó có thể thấy được chiến lược “Một vành đai, một con đường” của ĐCSTQ đang gặp trở ngại ở châu Âu.
Cho đến nay, bốn cột trụ chiến lược chính của ĐCSTQ ở châu Âu: Đối tác chiến lược toàn diện, Hiệp định Đầu tư Trung Quốc-EU, Hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Trung và Đông Âu (còn gọi là Cơ chế 17 + 1) và “Một vành đai, một con đường” đều đã có sự rạn nứt.
ĐCSTQ trừng phạt châu Âu khiến quan hệ Trung Quốc-EU tiếp tục xấu đi
Vào tháng 3 năm nay, ĐCSTQ đã trừng phạt 10 cá nhân và 4 thực thể, trong đó bao gồm 5 thành viên của Nghị viện Châu Âu. Lệnh trừng phạt này khiến Nghị viện châu Âu trực tiếp đóng băng “Hiệp định đầu tư Trung Quốc-EU”, những hậu quả khiến ĐCSTQ không ngờ đến nhất chính là các vấn đề nhân quyền của ĐCSTQ, ban đầu chỉ giới hạn ở Tân Cương, đã dần dần lan rộng sang các vấn đề khác.
Liên minh Nghị viện Đa Quốc gia về Trung Quốc (IPAC) ngày 7/6 thông báo 11 cơ quan lập pháp xuyên quốc gia đã đưa ra hành động tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, kêu gọi lãnh đạo các nước từ chối tham dự. Miriam Lexmann, một thành viên của Nghị viện Châu Âu Slovakia, người đã bị ĐCSTQ trừng phạt, là chủ tịch của IPAC. Trước đó, IPAC đã thúc đẩy quốc hội của Vương quốc Anh, Hà Lan và các quốc gia khác công nhận rằng ĐCSTQ đã thực hiện “tội ác diệt chủng” ở Tân Cương.
Gần đây, Liên minh châu Âu đã đồng ý thiết lập cơ chế trừng phạt “Công cụ Mua sắm Quốc tế” chống lại các nhà đầu tư nước thứ ba phong tỏa thị trường kinh doanh của họ. Thành viên Nghị viện Châu Âu Reinhard Bütikofer thay mặt Đảng Xanh Đức xử lý đề án này tại Nghị viện Châu Âu, ông cũng đã bị ĐCSTQ trừng phạt vào tháng 3 năm nay.
Samuel Cogolati, một thành viên của quốc hội Bỉ bị ĐCSTQ trừng phạt, gần đây nhất đã tuyên bố rằng tập đoàn Alibaba là hang ổ gián điệp.
Khi toàn thể EU ngày càng trở nên thù địch với ĐCSTQ, ngay cả khi ĐCSTQ không muốn, quan hệ Trung Quốc-EU vẫn tiếp tục lao dốc không phanh.
EU “phản công phòng thủ” sẽ liên minh với Hoa Kỳ gây áp lực lên ĐCSTQ
Hãng thông tấn Nga Sputnik đưa tin, hôm 28/5, Thủ tướng Đức Angela Merkel chủ trương phát triển quan hệ hợp tác đa phương với ĐCSTQ dựa trên các quy tắc chung tại Hội nghị Thượng đỉnh về Giải pháp Toàn cầu. Bà Merkel tin rằng mặc dù có sự khác biệt về thể chế và sự cạnh tranh giữa các quốc gia khác nhau, nhưng tất cả các bên đều phải tuân thủ các quy tắc chung.
Bà Merkel cũng cho rằng quyền tác giả, cạnh tranh công bằng, trợ cấp của chính phủ và các vấn đề khác cần được thảo luận rõ ràng, nếu không sẽ không có cạnh tranh công bằng trên thế giới.
Phát biểu của bà Merkel vừa khớp với “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” mà Ngoại trưởng Mỹ Tony Blinken luôn yêu cầu ĐCSTQ tuân thủ, đồng thời bày tỏ lo lắng của Châu Âu về các chính sách và trợ cấp của ĐCSTQ đối với các ngành sản xuất công nghiệp.
Từ quan điểm của Châu Âu và Hoa Kỳ, các khoản trợ cấp công nghiệp của ĐCSTQ, chẳng hạn, các doanh nghiệp do Trung Quốc tài trợ sẽ nhận được đất miễn phí hoặc với giá thấp từ chính quyền địa phương, sử dụng điện nước với giá ưu đãi, nhà máy, thiết bị và thậm chí sản phẩm có thể được trợ giá. Sau đó, các công ty Trung Quốc sẽ xuất khẩu sản phẩm của họ ra thị trường quốc tế để “cạnh tranh”, điều này trực tiếp dẫn đến sự phá sản của các công ty Âu-Mỹ.
Đối với châu Âu, năm 1999, khi lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đến thăm Pháp, cảnh Tổng thống Pháp Jacques Chirac tháp tùng ông Giang tham quan toa tàu cao tốc mới nhất ở Lyon, Pháp vẫn còn rất rõ nét. Ngày nay, sau khi ĐCSTQ đã có được nhiều công nghệ kỹ thuật cao ở châu Âu, châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng thụt lui ngay trên thị trường sản xuất địa phương.
Vào ngày 31/5 năm nay, ĐCSTQ thông báo rằng các toa xe hai tầng của tập đoàn sản xuất toa xe CRRC đã bắt đầu được xuất khẩu sang châu Âu và sẽ được sử dụng trên các tuyến đường sắt ở 5 quốc gia bao gồm Áo, Đức và Hungary.
Vào tháng 12 năm ngoái, CRRC Tangshan đã đánh bại các công ty của Đức như Siemens và giành được hợp đồng cho dự án tàu điện ngầm của Bồ Đào Nha.
Các công ty Trung Quốc đang cung cấp tua-bin gió ở Pháp, bán xe buýt ở Na Uy và xây dựng lưới điện ở Ba Lan. Các phương tiện năng lượng mới được sản xuất bởi các doanh nghiệp Trung Quốc đang tràn vào thị trường châu Âu.
Để chống lại sự xâm lấn của ĐCSTQ vào thị trường châu Âu, EU đã buộc phải đưa ra nhiều chính sách.
Đầu tiên là cơ chế “Công cụ Mua sắm Quốc tế” IPI. Trong tương lai, đối với các quốc gia phong tỏa thị trường kinh doanh của họ, các nhà thầu của họ hoặc là sẽ bị loại khỏi đấu thầu các hợp đồng công của EU hoặc là chấp nhận mức phí bảo hiểm lên đến 40%. Biện pháp này chủ yếu nhằm vào các công ty Trung Quốc.
Ngoài IPI, ngày 5/5, Liên minh châu Âu đã công bố dự thảo quy tắc nhằm triệt hạ các công ty nước ngoài nhận trợ cấp của chính phủ nước họ, chủ yếu nhắm vào các công ty Trung Quốc.
Cùng lúc đó, Liên minh Châu Âu bắt đầu nới lỏng chính sách công nghiệp của mình, sau khi thúc đẩy không thành công trong việc hợp nhất công ty Alstom của Pháp với Siemens của Đức, Liên minh Châu Âu đạt được sự hợp nhất của Alstom và Công ty Vận tải Bombardier của Canada. Sau khi sáp nhập, Alstom sẽ thu hẹp đáng kể khoảng cách quy mô với CCRC và trở thành nhà sản xuất thiết bị vận chuyển đường sắt lớn thứ hai thế giới.
Những động thái này phản ánh sự lo lắng của EU đối với kinh tế của ĐCSTQ và có thể được coi là một chiến lược “phản công phòng thủ” tạm thời.
Các biện pháp này có thể có hiệu quả trong việc ngăn chặn hoặc làm suy yếu hành động nuốt chửng thị trường châu Âu của các công ty Trung Quốc, nhưng đối với các thị trường bên ngoài châu Âu, các doanh nghiệp châu Âu vẫn không thể cạnh tranh với ĐCSTQ. Nói cách khác, đây chỉ là biện pháp tạm thời được thực hiện để bảo toàn thị trường châu u, không phải là biện pháp cơ bản để giải quyết vấn đề.
Đối với EU, nhìn từ góc độ của khả năng cạnh tranh doanh nghiệp toàn cầu, mục tiêu cơ bản của EU chỉ có thể là ngăn chặn và thay đổi chính sách công nghiệp làm méo mó thị trường của ĐCSTQ, từ đó đạt được mục đích nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Về vấn đề này, lợi ích của Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ hoàn toàn trùng khít với nhau. Thuận theo “Hiệp định Đầu tư Trung Quốc-EU” bị đóng băng, việc liên minh với Hoa Kỳ để gây áp lực lớn hơn lên ĐCSTQ và buộc ĐCSTQ thay đổi các chính sách công nghiệp của mình gần như đã trở thành lựa chọn duy nhất của Châu Âu.
Châu Âu và Hoa Kỳ cũng đã nhận ra rằng, theo quan điểm của ông Tập Cận Bình và ĐCSTQ, những thay đổi mạnh mẽ trong chính sách công nghiệp và trợ cấp có nghĩa là những gì ông Tập nói và làm trước đây sẽ bị lật đổ. Trừ khi ông Tập và ĐCSTQ thực sự có một cuộc khủng hoảng xuất hiện, nhưng khả năng là cực kỳ nhỏ.
Có thể thấy trước rằng để đạt được sự cân bằng giữa thương mại song phương và thị trường, châu Âu và Hoa Kỳ đã hợp lực sử dụng nhiều cách khác nhau để buộc ĐCSTQ mở thêm thị trường và thay đổi một số chính sách công nghiệp, mà trên thực tế đã trở thành một trong những các mục tiêu có thể đạt được. Giá chào bán của Âu-Mỹ đối với ĐCSTQ cũng sẽ cao hơn giá chào bán của “Hiệp định Thương mại Mỹ-Trung giai đoạn đầu” và “Hiệp định Đầu tư Trung Quốc-EU”.
Xem thêm:
VIDEO - Tin thế giới tối 11/6: Mỹ, Úc diễn tập bắn đạn thật trên Biển Đông “dằn mặt” Trung Quốc
Theo ĐKN