“Nhóm nữ quái”, “giết người đổ bê tông”, “tu Pháp Luân Công”, “giáo phái lạ”… – sau một năm vẫn tiếp tục là những từ khóa in đậm trong tâm trí người đọc khi nhắc đến vụ án mạng “thi thể trong bê tông” tại Bình Dương. Tuy nhiên, chưa từng ai giải đáp cho cụm từ “giáo phái lạ” mà nhóm này theo cụ thể là gì?
Theo cáo trạng, bốn bị can gồm Phạm Thị Thiên Hà, Trịnh Thị Hồng Hoa, Lê Ngọc Phương Thảo và Nguyễn Ngọc Tâm Huyên bị truy tố về các tội “Giết người”, “Che giấu tội phạm”, “Không tố giác tội phạm” theo các quy định của Bộ luật Hình sự.
Sau hơn một năm, những thông tin về vụ án bắt đầu được hé lộ nhiều hơn trước khi diễn ra phiên tòa xét xử. Những thông tin cung cấp dưới đây được khai thác từ lời khai của các bị can, từ kết luận điều tra và cáo trạng của vụ án.
Các bị cáo Thiên Hà, Phương Thảo tại phiên xét xử sáng 25/6. (Ảnh: Trí thức VN)
Theo lời khai do Phạm Thị Thiên Hà viết trong biên bản hỏi cung ngày 13/11/2019:
“Tôi tiếp xúc và tập luyện Pháp Luân Công từ năm 2016. Quá trình tập luyện tôi có tiếp xúc với một số học viên Pháp Luân Công. Bên cạnh việc tập luyện Pháp Luân Công tôi còn nghiên cứu nhiều tài liệu khác, nhiều môn tôn giáo khác và tự định ra cho mình một hướng đi mới. Không theo Pháp Luân Công nữa nên tôi đã liên lạc và mời một số người đi theo tôi tu luyện để cùng nhau cố gắng đạt được kết quả là khai mở được tất cả tiềm năng của con người.”
Trong biên bản hỏi cung của Nguyễn Ngọc Tâm Huyên ngày 01/12/2019 tại trại giam CA tỉnh Bình Dương cũng có nội dung tương tự:
“Hà nghiên cứu rất nhiều tài liệu kể cả những tôn giáo khác như Thiên Chúa giáo, Phật giáo…, những tài liệu nào hay thì Hà chia sẻ cho mọi người cùng đọc, nghiên cứu; Hà còn đề ra một số phương pháp tu luyện như tẩy tịnh, tịch cốc, hút thuốc, uống rượu… Do mọi người rất tin tưởng Hà nên đã thực hiện theo ý của Hà.”
Bản tự khai ngày 30/5/2019, Lê Ngọc Phương Thảo. (Nguồn: Trí thức VN)
Trong bản tự khai ngày 30/5/2019, Lê Ngọc Phương Thảo cho biết rõ hơn:
“Tôi đã từng đọc sách Chuyển Pháp Luân, kinh văn (chưa đọc hết), Phong thần diễn nghĩa, sách Cựu ước va Tân ước (kinh Thánh), xem phim Tân Tam Quốc, phim về Chúa Giê su, phim Cuộc đời của pi, Xác ước ai cập 1, 2 và 1 số bộ phim khác…, phim Harry Potter, đó là thời điểm gần đây, mục đích của tôi là để học hỏi ý nghĩa trong các sách và phim để chỉnh sửa lại cách sống của mình thông qua các bộ phim và sách đọc. Tóm lại là tôi không theo 1 tôn giáo nào. Việc người ta nghĩ tôi theo Pháp Luân Công là không chính xác, vì tôi chỉ đi theo Hoàng và các bạn của tôi là để sống tốt hơn.”
Trong bản tự khai ngày 30/5/2019, Thiên Hà khai về quan hệ của mình với Trần Trí Thành rằng quen biết và tiếp xúc với tư cách là người tập Pháp Luân Công tại Nha Trang từ năm 2017. Khi Hà quyết định rời khỏi Nha Trang để tu luyện theo con đường riêng và phương pháp riêng của mình, Hà đã rủ Thành cùng tham gia.
Trong biên bản hỏi cung Phạm Thị Thiên Hà ngày 23/10/2019 có đoạn đối thoại như sau:
“Hỏi: Việc tịch cốc là theo tôn giáo nào?
Đáp: Tôi tham khảo nhiều nguồn: Phật giáo, các tôn giáo khác và các tài liệu về Pháp Luân Công. Tôi không theo một tôn giáo nào cả.
Hỏi: Việc tập luyện theo phương pháp của bị can theo tôn giáo nào?
Đáp: Tôi không theo tôn giáo nào cả, tôi nghiên cứu sâu mọi thứ về Pháp Luân Công và tôn giáo khác. Tôi tự khai mở phương pháp tập luyện này sau thời gian tôi tự nghiên cứu.
Hỏi: Phương pháp này đã ai tập luyện chưa?
Đáp: Chưa có ai tập luyện phương pháp này. Chỉ có một mình tôi nhận ra. Khai mở được điều này nên tôi hướng dẫn mọi người làm theo.
Hỏi: Bị can có phải là người tu luyện Pháp Luân Công?
Đáp: Tôi không phải là người tu luyện Pháp Luân Công, tôi tu không giống như những người học viên Pháp Luân Công khác.”
Như vậy, phương pháp này được Thiên Hà tự nghĩ ra sau khi đọc rất nhiều những giáo lý của các loại môn pháp tu luyện đã có trước đó. Tổng hợp từ các biên bản hỏi cung và bản tự khai hiện có, theo Thiên Hà, phương pháp mà Hà đề ra có mục đích là sao cho có thể tu được nhanh chóng nhất. Áp dụng các hình thức như: Tẩy tịnh (sám hối kể tội, hút thuốc, uống rượu cho say để bộc lộ bản chất xấu xa…); Tịch cốc (nhịn ăn, nhịn uống… để vượt qua cám dỗ dục vọng)
Chẳng hạn trong bản tự khai ngày 30/5/2019, Phạm Thị Thiên Hà viết rằng:
“Trong khi nghiên cứu tìm hiểu về các phương pháp tu luyện của người xưa, tôi biết có một cách mà khi áp dụng con người sẽ bộc lộ rõ bản chất của mình. Đó là uống rượu và hút thuốc. Người tu luyện thông thường rất kỵ điều này. Vì họ không hiểu được nguyên lý bên trong. Tôi dẫn dắt rất ít người đi cùng và không có sự giao tiếp với bên ngoài, nên tôi chọn cách làm này. Tôi giải thích rõ với mọi người nguyên lý của việc hút thuốc và uống rượu trong một khoảng thời gian ngắn để cho những thứ xấu xa nhất mà mỗi người che đậy phải bộc lộ ra, trước sự chứng kiến của những người còn lại. Người xưa có câu: “Khi say thì cáo chồn cũng phải hiện nguyên hình”.
Bản tự khai ngày 30/5/2019, Phạm Thị Thiên Hà. (Nguồn: Trí thức VN)
Quá trình tu luyện, Phạm Thị Thiên Hà lãnh đạo cả nhóm, xưng “ta”-“ngươi”, tự gọi mình là Hoàng và đặt tên lại cho tất cả người trong nhóm. Trong quá trình tu luyện theo phương pháp tự nghĩ ra này, nhóm của Hà tiếp tục di chuyển, lựa chọn các địa điểm ít tập trung đông người, dùng bạt che (nếu là thuê nhà riêng).
Do thấy phương pháp tu luyện của Hà đặt ra là khổ hạnh, phản khoa học nên Lê Phú Hạnh và Phạm Thị Việt An đã tìm cách liên lạc với gia đình rồi bỏ trốn khỏi nhóm.
Trong biên bản Kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Dương viết:
“Về phương pháp, Hà không theo phương pháp của Pháp Luân Công mà nghiên cứu thêm các tài liệu về các tôn giáo, truyện cổ Trung Hoa đề ra phương pháp tu luyện khổ hạnh như “tẩy tịnh” (người tu luyện từ bỏ những cái xấu của bản thân bằng cách bị can Hà cho những người khác hút thuốc, uống rượu, dùng tay tát vào mặt, hạn chế tiếp xúc với người bên ngoài, cắt đứt liên lạc với người thân, gia đình…) , “tịch cốc” (nhịn ăn, nhịn uống trong khoảng thời gian 14 ngày)…”
Người tập Pháp Luân Công nói gì?
Theo anh Đào Huy Phong (Hà Nội), tiến sĩ dinh dưỡng và là người tập Pháp Luân Công đã nhiều năm cho biết Pháp Luân Công là một môn pháp tu luyện được truyền phổ cập ra từ những năm 1990 tại Trung Quốc.
Phương pháp này chủ trương không sử dụng hình thức tôn giáo, mà phù hợp tối đa với cuộc sống bình thường, không cần ăn chay, nhịn ăn (tịch cốc), không từ bỏ gia đình để tập trung tu luyện, không hút thuốc hay uống rượu, không sát sinh…
Phương pháp này gồm có các bài tập luyện khí công nhẹ nhàng để nâng cao sức khỏe và nhấn mạnh vào tu dưỡng đạo đức con người, bắt đầu từ làm người tốt, rồi tốt hơn nữa, dần dần đạt đến cảnh giới đạo đức cao thượng.
Chị T.A (TP.HCM) tập luyện Pháp Luân Công được khoảng 2 năm chia sẻ với Trí Thức VN: Trong khoảng 1 năm đầu tập luyện, gia đình chị rất ủng hộ vì thấy sức khỏe và tâm tính chị được cải thiện rõ rệt, con chị cũng ủng hộ và tập luyện cùng mẹ.
Tuy nhiên, từ khi vụ án ở Bình Dương xảy ra và báo chí trong nước nhấn mạnh chi tiết Pháp Luân Công một cách “bất thường” với tần suất dày đặc, chồng chị đã ngăn cản chị tập luyện, đe dọa ly hôn, làm áp lực lên chị và mẹ ruột của chị để bà cũng ngăn cản con gái luyện tập, con chị thấy tình hình căng thẳng nên cũng thôi không nhắc đến Pháp Luân Công nữa.
Hiện nay, khi có thông tin chi tiết về việc nhóm này khai không tu Pháp Luân Công nữa mà tự nghĩ ra phương pháp riêng của họ, thì ấn tượng mà báo chí để lại từ một năm trước đã in quá sâu đậm, làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình của chị.