Vụ cướp taxi trên đường Cienco 5: Cảm ơn đời vẫn có Lục Vân Tiên

Vụ cướp taxi trên đường Cienco 5: Cảm ơn đời vẫn có Lục Vân Tiên

Vụ cướp taxi trên đường Cienco 5: Cảm ơn đời vẫn có Lục Vân Tiên

Vụ cướp taxi trên đường Cienco 5: Cảm ơn đời vẫn có Lục Vân Tiên

Vụ cướp taxi trên đường Cienco 5: Cảm ơn đời vẫn có Lục Vân Tiên
Vụ cướp taxi trên đường Cienco 5: Cảm ơn đời vẫn có Lục Vân Tiên
Thứ sáu, 27-12-2024 07:08, (GMT+07:00)
Vụ cướp taxi trên đường Cienco 5: Cảm ơn đời vẫn có Lục Vân Tiên
21-05-2021 14:01

Nhưng câu chuyện của Phạm Văn Thưởng, của Nguyễn Ngọc Mạnh chẳng phải cho thấy rằng những người tốt ấy đã tự mình hành động mà không cần trông chờ vào phản ứng của đám đông xung quanh hay sao?

Vụ cướp xe  taxi và một người hùng vô danh

Một buổi chiều, trên một con đường ngoại thành Hà Nội, có hai người đàn ông đang hì hục vật lộn với nhau dưới lòng đường. Người đè phía trên mặc áo trắng dính be bét máu, miệng liên tục tri hô: “Cướp! Giúp em với”.

Đằng trước hai người đàn ông là chiếc taxi với cánh cửa mở toang. Xung quanh họ có tới 4,5 người khác, nhưng những người ấy chỉ đứng nhìn và quay điện thoại, kể cả một người đàn ông mặc quần cảnh phục đứng cách đó vài mét.

Mất một lúc, bỗng có một chiếc xe máy đi ngang qua, trên xe có hai nam thanh niên. Thấy ồn ào, chiếc xe máy dừng lại, một nam thanh niên mặc đồ công nhân tiến đến tìm hiểu. Người đàn ông mặc áo trắng hổn hển nói: “Anh giúp em với, nó là cướp, nó đâm em”. Lấy tay gạt vạt áo của người đàn ông áo trắng, nam thanh niên thấy vết dao đâm và lập tức hành động. Anh nhanh chóng hợp lực với người đàn ông áo trắng khống chế tên cướp. Anh lôi hắn vào bên kia đường, giật lấy áo hắn, dùng nó để trói tay hắn lại, rồi bảo người bị nạn nghỉ ngơi.

Anh cũng nhờ người đi đường chở nạn nhân vào viện cấp cứu. Một lúc sau, khi công an đến còng tay tên cướp giải đi thì anh tiếp tục cuộc hành trình của mình.

Đó là hiện trường vụ cướp xe taxi chiều ngày 16/5 trên đường Cienco 5, khu vực xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Tên cướp là Đặng Phạm Sáu, đang bị truy nã vì tội giết người bởi công an Thanh Hóa. Nạn nhân bị hắn dùng dao đâm là anh Nguyễn Trần Minh - lái xe taxi. 

Còn nam thanh niên trợ giúp bắt cướp chắc hẳn sẽ là một người hùng vô danh khi anh lặng lẽ rời đi không để lại danh tính, nếu như không có lời mời của công an huyện Thanh Oai để cần anh xác minh một số thông tin liên quan. 

Tên anh là Phạm Văn Thưởng, sinh năm 1990, là công nhân, một người có dáng vẻ bình dị như bao người khác. Nhưng trong phút chứng kiến đồng loại gặp nguy nan và lập tức ra tay hành động, dường như anh khiến ta liên tưởng tới một trang hiệp sĩ, một Lục Vân Tiên giữa đời thường.

Lục Vân Tiên - trang hiệp sĩ giữa đường thấy sự bất bằng mà tha

Cuốn Truyện Lục Vân Tiên (hay thơ Lục Vân Tiên) của cụ Đồ Chiểu (Nguyễn Đình Chiểu) kể về một trang nam tử xuất thân bình dị nhưng tài kiêm văn võ ở huyện Đông Thành. Nghe tin triều đình mở khoa thi, anh tạm biệt thầy xuống núi để tham gia đua tài. Trên đường về nhà thăm cha mẹ, anh gặp bọn cướp Phong Lai đang hoành hành bức hiếp người dân. Một mình anh đánh tan bọn cướp và tình cờ cứu được Kiều Nguyệt Nga đang ở trong xe. Kiều Nguyệt Nga là con gái tri phủ ở Hà Khê, trên đường di chuyển từ quê nhà tới Hà Khê theo lệnh cha, cô cùng người hầu gái Kim Liên bị bọn cướp Phong Lai bắt cóc. Khi Kiều Nguyệt Nga tỏ ý muốn báo đáp, như là:

“Hà Khê qua đó cũng gần,
Xin theo cùng thiếp đền ân cho chàng.
Gặp đây đương lúc giữa đàng,
Của tiền chẳng có bạc vàng thì không.
Gẫm câu báo đức thù công (1),
Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi"

Thì Lục Vân Tiên mới cười to mà rằng:
"Làm ơn há dễ trông người trả ơn?
Nay đà rõ đặng nguồn cơn,
Nào ai tính thiệt so hơn làm gì.
Nhớ câu kiến ngãi bất vi (2),
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.

Lục Vân Tiên khẳng khái từ chối, ý nói rằng: Thấy việc nghĩa mà không làm thì chẳng phải người có dũng. Thế rồi, anh định phất áo ra đi mà không để lại danh tính, chẳng mong gặp lại để được báo đáp vì rằng “làm ơn há dễ trông người trả ơn”. Phong thái đại trượng phu ấy đã gieo vào lòng tiểu thư Kiều Nguyệt Nga một sự khâm phục và ngưỡng mộ, nàng trao kỷ vật và chút tâm tình khiến người hùng chẳng thể đi ngay mà không đáp lễ, cuối cùng đã kết nên mối duyên lành có hậu sau khi hai người trải qua bao sóng gió cuộc đời.

Đàn ông đến tuổi trung niên mới hiểu được những điều này (ảnh: sưu tầm)

Nhớ câu kiến ngãi bất vi ,

Truyện Lục Vân Tiên có một ảnh hưởng tích cực rất lớn đến tính cách hồn hậu, hào hiệp trượng nghĩa của người dân Nam Kỳ xưa. Tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa cho học sinh phổ thông ngày nay, được dựng thành phim, kịch, vì vậy ảnh hưởng của truyện và hình tượng Lục Vân Tiên là lan rộng toàn quốc. Có thể nói, đã là người Việt Nam, hầu như không ai không biết Lục Vân Tiên.

Và nay, tinh thần Lục Vân Tiên ấy đã kết nên hình hài bằng xương bằng thịt với cái tên Phạm Văn Thưởng.

Phạm Văn Thưởng - tinh thần Lục Vân Tiên từ trang sách bước ra cuộc đời

Cũng như Lục Vân Tiên, Phạm Văn Thưởng chỉ là một người dân bình dị vô danh, chẳng phải lực lượng chuyên trách nhưng lại có thể ra tay hiệp nghĩa bảo vệ dân lành, ấy là “giữa đường thấy sự bất bằng mà tha”. Lục Vân Tiên là một trang nam tử võ nghệ tuyệt luân có thể tự tin “tả đột hữu xung, khác nào Triệu Tử mở vòng Đương Dương” giữa đám cướp dữ dằn. Một người có sức vóc bình thường như Phạm Văn Thưởng dám khống chế một tên cướp có hung khí, có khi cũng cần một sự can đảm không hề thua kém. Và cũng như Lục Vân Tiên, sau khi xong việc, anh lặng lẽ rời đi, chẳng cần ai phải ghi nhận, cũng như tưởng thưởng cho hành động đẹp của mình.

Sau này, khi phải lộ diện để hỗ trợ cho việc điều tra, anh có nói rằng: “ai ở hoàn cảnh tương tự cũng sẽ làm như vậy”. Lại nhớ Lục Vân Tiên từng nói:

"Nhớ câu kiến ngãi bất vi,
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.

Phải chăng Lục Vân Tiên là con người mang nặng lý tưởng của trang hiệp khách, của người quân tử học chữ thánh hiền, tự thẹn với bản sắc khí khái anh hùng nếu khi bách tính gặp cảnh nguy nan mà bản thân mình lại co đầu rụt cổ? Nhưng Phạm Văn Thưởng thì còn bình dị hơn thế nhiều, điều thôi thúc anh hành động có lẽ chẳng phải ở lý luận rành mạch đến thế, mà vì từ trong sâu thẳm của bản ngã đã tồn tại hai chữ “Thiện” và “Dũng” mà thôi. Có “Thiện”, mới dám xả thân cứu người gặp nạn; có “Dũng”, mới dám đối diện và chiến đấu với cái ác. 

Có phải đó là điều mà những người bàng quan đứng quay clip không có đủ để biến thành một hành động trượng nghĩa?

Chúng ta cần một tấm gương truyền cảm hứng, nhưng cũng cần lòng tự tin

Phải chăng điều mà xã hội chúng ta đang cần nhất đó là lòng tin, tin rằng lòng tốt còn tồn tại, tin rằng vẫn còn có những người dám chịu thiệt hay dám xả thân vì người khác. Nhiều người trong chúng ta cần niềm tin ấy để có thể tiếp tục sống yêu đời, yêu người, để tiếp tục vui vẻ và tự nguyện cống hiến cho đời. Chính vì vậy mà những tấm gương sáng từ những người lao động bình thường như anh shipper Nguyễn Ngọc Mạnh - người không ngần ngại đỡ cháu bé rơi từ tầng 13 chung cư bằng tay không, hay anh Phạm Văn Thưởng trong câu chuyện này mới khiến chúng ta cảm thấy còn niềm hy vọng vào cuộc sống, vào tương lai tốt đẹp. Bởi vì vẫn có những người tốt và can đảm đang sống âm thầm giữa chúng ta, và chỉ xuất hiện trong tình huống “nước sôi lửa bỏng”.

Nhưng câu chuyện của Phạm Văn Thưởng, của Nguyễn Ngọc Mạnh chẳng phải cho thấy rằng những người tốt ấy đã tự mình hành động mà không cần trông chờ vào phản ứng của đám đông xung quanh hay sao?

Xưa đức Khổng Tử đã từng nói: “quân tử cầu chư kỷ, tiểu nhân cầu chư nhân” tạm hiểu là: “người quân tử trông cậy ở mình, kẻ tiểu nhân trông cậy ở người”, dường như chính là ý đó vậy.

Trong mỗi con người ít nhiều đều có điều Thiện, đều có lòng dũng cảm, đều có lòng nhân đạo và nghĩa khí. Có lẽ điều chúng ta cần, chỉ là vững tin rằng những phẩm chất ấy trong mình vẫn tồn tại và mạnh mẽ như những Lục Vân Tiên thuở nào.

Nguyên Phong

Đăng theo NTDVN

Chú thích:

Bài viết có sử dụng một số đoạn thơ trong Truyện Lục Vân Tiên của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (Đồ Chiều)

(1): Báo trả ơn đức, đền đáp công lao.

(2): theo Luận ngữ của đức Khổng Tử: "kiến nghĩa bất vi vô dũng dã" nghĩa là : Thấy việc nghĩa không làm là người không có dũng.

Các bài khác
Bài Xem Nhiều Nhất
BÍ ẨN
SỰ THẬT
CỬU TỰ CHÂN NGÔN
VIDEO
ẢNH ĐẸP