Một mẹ có thể nuôi lớn 10 con, nhưng 10 con không nuôi nổi mình mẹ. Đau đớn hơn là đối mặt với núm ruột mình dùng cả tính mạng để sinh ra, lại nỡ lòng đối xử bất hiếu với mẹ. Lật lại vụ án từ năm 2013, cụ bà Võ Thị Ánh Nga (SN 1940), bị xử án 2 năm tù treo vì tội đốt nhà con gái, nhưng lại khiến cả tòa án phải rưng rưng nước mắt.
Bà Võ Thị Ánh Nga (SN 1940) có tổng cộng 5 người con và nhiều cháu, nhưng bà chỉ sống một mình trong căn nhà tại đường liên khu 1/6 (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM).
Nuôi lớn cả thảy 5 con cho đến khi dựng vợ gả chồng, nhưng bà vẫn không nhờ được vào đứa nào chăm sóc cho mình. Phần lớn ngôi nhà đang ở, bà cho người ta thuê để lấy tiền sinh sống, đồng thời cũng có người qua lại, trò chuyện cùng bà, khiến căn nhà đỡ trống vắng hơn.
Một ngày nọ, đứa con gái lớn của bà là Võ Thị Ánh Hà (SN 1959) dắt theo cả đại gia đình, gồm chồng và 10 con về tá túc nhờ nhà mẹ. Bà Nga vui vẻ đồng ý, nhưng trong thời gian sống chung, hai mẹ con liên tục cãi vã nhiều lần.
Lừa đảo mẹ ruột để chiếm đoạt tài sản
Có lẽ từ lâu, người con gái đã có ý định muốn chiếm đoạt căn nhà của mẹ ruột. Do đó, trong một lần, chị Hà thủ thỉ với mẹ rằng, muốn vay vốn ngân hàng 50 triệu để kinh doanh, mong bà Nga đi cùng mình đến văn phòng công chứng làm thủ tục.
Lợi dụng bà Nga không biết chữ, phòng công chứng cũng không đọc nội dung văn bản đã ký cho bà Nguyệt nghe. Thân làm mẹ, mà con cái nhờ vả, bà thương con nên tin tưởng không chút nghi ngờ. Nào đâu, cái chữ ký hôm đó, bà đã chính thức giao toàn bộ tài sản của mình cho người con.
Kể từ đó, chị Hà cũng không còn nhân nhượng với mẹ nữa, mỗi lần có gì không như ý, là chị Hà mắng chửi, ngược đãi mẹ thậm tệ, hai mẹ con cứ liên tục khắc khẩu nhau như thế trong thời gian dài. Bà Nga cảm thấy khó mà sống hòa hợp nên yêu cầu gia đình con gái hãy rời khỏi nhà bà.
Lúc này, người con cũng lật bài ngửa với mẹ, chị Hà gằn giọng: “Ngôi nhà bây giờ là tôi đứng tên, nếu phải ra khỏi đây, thì người đó chính là bà”.
Bà Nga bị sốc trước lời con gái nói, càng không tin sự thật, rõ ràng bà chưa từng đồng ý sang tên nhà cho con, nên đã lên UBND quận Bình Tân để tìm hiểu.
Lúc này thì bà mới ngã ngửa, hóa ra cái hôm ký giấy thế chấp cho vay mà con gái nói, chính là giấy sang tên chuyển nhượng nhà.
Hồ sơ lưu ở phòng công chứng Gia Định có ghi rõ ràng rằng, ngày 26/4/2010, bà Nga đến làm hợp đồng nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho con gái là Võ Thị Ánh Hà. Từ hợp đồng này, chị Hà đã làm thủ tục sang tên chị. Ngày 4/6/2010, UBND quận đã cấp sổ đỏ cho “chủ mới”.
Bà Nga đau đớn quyết liệt phản đối, cho rằng mình đã bị lừa, vì lúc ký kết bà không hề hay biết gì cả. Tuy nhiên, giấy trắng mực đen đã rõ ràng, bà Nga chỉ biết nuốt đắng vào lòng.
Có một lần trong lúc tranh cãi với con, bà Nga bị con gái tiếp tục đuổi ra khỏi nhà, bà giận bỏ nhà đi bụi 2 – 3 ngày mới về. Khi về đến nhà, do mệt quá, bà nằm xuống chiếc ghế bố để chợp mắt một chút.
Nào ngờ đứa con gái thấy mẹ về không những không vui mừng, còn cầm chân mẹ lôi dậy, mắng chửi té tát: “Bà về đây làm gì, biến đi!”.
Âm thầm đốt nhà rồi bỏ đi bụi
Đau đớn trước câu nói của con, bà Nga tức giận không kìm được, canh lúc cả nhà đang nằm ngủ trưa, bà âm thầm đi ra cây xăng, mua 50 ngàn xăng về đổ lên yên 2 xe máy dựng trong nhà. Tiếp đến bà ngắt cầu dao điện, lấy một tờ báo châm lửa ném vào 2 chiếc xe máy.
Ngửi thấy có mùi khét, cả nhà chị Hà tỉnh giấc, hô hoán nhau chạy thoát ra khỏi nhà an toàn. Vụ cháy đã thiêu hủy 2 chiếc xe máy và nhiều tài sản trong nhà, tổng thiệt hại khoảng 200 triệu đồng. Đứa con bé nhất của chị Hà cũng bị bỏng nặng sau đám cháy.
Bà Nga sau đó cũng bỏ nhà đi mất tích, không ai tìm thấy bà đâu nữa.
Không biết mình bị truy nã, vui vẻ theo công an đi về đồn
Sau vụ án đốt nhà, lệnh truy nã bà Nga được chuyển về phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an TP.HCM, và giao cho trinh sát Nguyễn Thành Công thực thi.
Trong quá trình tìm bà Nga, tổ trinh sát có đi qua các nhà con cái của bà, nhưng bà không ở với ai cả. Do hành tung bà bất định, nên công an phải mất nhiều ngày mới tìm kiếm ra được nơi trú của bà.
Hóa ra, bà đi bán vé số dạo để kiếm tiền, ăn bờ ngủ bụi ở khắp nơi, trên các con phố, vỉa hè, gầm cầu,… có những đêm mưa to, bà không có nơi trú thân nên người ướt nhẹp, đứng núp ở vỉa hè cả đêm không chợp mắt. Gầm cầu thì trú được mưa, nhưng nơi đó không an toàn, vì là nơi nhiều tay nghiện ngập, giang hồ lui tới, do đó bà không dám ngủ ở đó nữa.
Nhiều người tội bà nên mách, buổi tối xin vào chùa ngủ nhờ, nhưng bà không chịu được sự cô quạnh nên lại tìm đến vỉa hè để ngủ, chẳng nơi đâu là nơi ở cố định của bà.
Sau một thời gian lang thang, bà may mắn gặp được một gia đình tốt bụng ở phường Bình Trị Đông A, họ cho bà căng tấm bạt trước vỉa hè nhà để trú tạm, còn cho bà sử dụng chung nguồn nước. Trong nơi ở của bà, chỉ có một túi nilon treo vài bộ quần áo, một túi khác treo một chiếc xoong, vài cái chén…
Người trinh sát khi tìm thấy bà, từ xa xa anh bỗng khựng lại khi nhìn thấy cảnh tượng trước mắt mình. Kẻ tội phạm mà anh sắp bắt về đồn, chính là một bà lão mái tóc bạc phơ, thân hình gầy gò, nhỏ thó, gương mặt bà khắc khổ, bi thương, khiến người khác phải chạnh lòng.
Có lẽ hôm nay bà đã thấm mệt sau những ngày dài vất vả ngoài đường, nên bà đã ngủ thiếp đi trên chiếc võng đang treo vắt vẻo. Dáng vẻ co ro, mệt mỏi ấy, khiến người trinh sát cũng không dám đến làm phiền.
“Có lúc tôi nghĩ, hay quay về, không bắt nữa. Nhưng một phần đó là nhiệm vụ, phần nữa đã có lệnh truy nã, tôi không bắt thì người khác cũng bắt. Tôi cố gắng làm cách nào để bà lão cảm thấy nhẹ nhàng nhất”, Trinh sát Công kể lại.
Đồng thời, sau một hồi suy nghĩ, anh cũng chia sẻ thêm rằng: “Và cuối cùng tôi lại nghĩ đến việc đưa bà lão về quy án, để kết cho ‘xong tội’, phần vì ở trại giam còn không khổ sở như lang thang vỉa hè kiếm miếng ăn; cuối cùng tôi quyết định bắt”.
Mãi đến 16h chiều, trời lúc này đổ mưa to, hai người trinh sát, kiếm cơ hội chạy đến xin trú mưa dưới tấm bạt của bà. Bà lúc này chẳng hề hay biết họ đến để mang bà đi, nên vẫn niềm nở chia sẻ nơi ở của mình cho những người khách lạ.
Phân vân một lúc, người trinh sát bèn mở lại hỏi chuyện bà: “Cô có phải cô Ánh Nga không? Con nghe nói cô mâu thuẫn với con gái, con là công an, mời cô về phường nói chuyện được không?”.
Nghe thấy có người hỏi thăm mình, bà tủi thân trút hết nỗi lòng tâm sự, vui vẻ theo những người trinh sát lên xe đi về đồn. Nhưng khi đến nơi, bà mới biết mình là tội phạm bị truy nã, vốn dĩ bà tức con nên chỉ định đốt nhà cho hả giận, chẳng biết như thế là phạm pháp.
Lúc này, bà oán trách, gào khóc, bằng sức lực yếu ớt, bà lao vào đánh người trinh sát như để tuôn cho hết những uất ức trong lòng mình. “Con tôi nó cướp nhà tôi, mấy chú không bắt nó, sao lại đi bắt tôi”.
Tiếng khóc bà như xé lòng, người trinh sát thì cười buồn: “Những lần khác tìm được đối tượng trốn nã, bắt họ về quy án là tôi thấy nhẹ cả người, sao lần này lại thấy lòng nặng trĩu. Bà cụ sai cái lý thì bị pháp luật trừng trị, nhưng đúng là vụ án này thấy ẩn khuất cái tình. Con cái đối xử bất hiếu với người có công sinh thành nuôi dưỡng mình như vậy, pháp luật nào xử họ, cảnh sát nào có quyền ‘truy nã’ họ đây?”.
Tại phiên tòa TP.HCM, nơi bà Nga bị kết tội, hết thảy 5 người con, không một người có mặt, chỉ mình bà ngồi bơ vơ, tội nghiệp, lắng nghe những lời phán quyết dành cho mình.
HĐXX nhận định, bị cáo đã già yếu, hành vi cũng xuất phát một phần từ lỗi của bị hại, và bị hại cũng đã bãi nại; nên sẽ giảm nhẹ một phần hình phạt. Tòa tuyên xử bà Nga hai năm tù, cho hưởng án treo, với tội danh Huỷ hoại tài sản.
Nghe toàn tuyên án, bà Nga rơi nước mắt, vì bà không còn nơi nào để đi nữa. Con gái thì ngược đãi mẹ, các con trai đã có gia đình riêng, nên bà không thể ở cùng được.
“Bây giờ được thả, tôi không biết phải ở nhờ nhà ai đây”, bà nói trong nước mắt.
Chẳng ai biết rồi cuối cùng bà sẽ ở đâu, chỉ biết hơn 2 năm sau khi vụ án xảy ra, ngôi nhà cũ của bà, đã được người con gái xây lên 2 lầu khang trang, còn người mẹ già yếu gần đất xa trời, vẫn phải bán vé số lang thang khắp nơi.
Chúc Di - Theo Tinh Hoa