11 con bò tót lai bị bỏ đói, gầy trơ xương, đi xiêu vẹo ở Ninh Thuận được nhận xét là sự thất bại của công trình nghiên cứu khoa học trị giá 5 tỷ đồng.
Bò tót đưa ra làm nghiên cứu khoa học bị bỏ đói, gầy trơ xương. (Ảnh: baolamdong.vn)
Dư luận trong nước vài ngày qua xôn xao trước thông tin, 11 con bò tót lai bị nuôi nhốt tại Trại khảo nghiệm Phước Bình (Vườn Quốc gia Phước Bình) ở thôn Bạc Rây 2 (xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) gầy trơ xương, suy kiệt nặng vì thiếu ăn.
Đàn bò tót lai là kết quả giao phối giữa một con bò tót đực thuần chủng lạc bầy với những con bò cái nhà của người dân xã Phước Bình.
Đàn bò cũng nằm trong đề tài “Nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng sinh sản của bò lai F1 giữa bò tót và bò nhà tại vùng giáp ranh Ninh Thuận và Lâm Đồng” với đánh giá khả quan về triển vọng phát triển nguồn gen quý, được triển khai cuối năm 2015.
Đây là đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, do PGS.TS Lê Xuân Thám, nguyên Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng làm chủ nhiệm với kinh phí 5 tỷ đồng.
Để thực hiện đề tài này, Trung tâm Ứng dụng KH&CN Lâm Đồng (Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng) đã thuê đất tại Phước Bình và ông Nguyễn Đình Tích (49 tuổi, người dân địa phương) chăm sóc.
Trong thời gian nghiên cứu, đàn bò được ăn cỏ tươi. Nhưng đến khi dự án nghiên cứu kết thúc được hơn 1 năm nay (tháng 6/2019), đàn bò chỉ được ăn rơm khô cầm cự qua ngày. Mỗi con chỉ được một cuộn rơm một ngày, sau đó rút xuống chưa đến một cuộn rơm (7-8 cuộn rơm/11 con).
Vì thiếu ăn, đàn bò suy kiệt, gầy nhom. Xương sườn, xương bả một số con nhô ra chỉ còn da bọc xương. Một số con khác ốm yếu đến nỗi chân đi xiêu vẹo.
Trước phản ứng của dư luận, ông PGS.TS Lê Xuân Thám, chủ nhiệm đề tài, nói trên tờ VNExpress vào hôm 26/9, rằng “chưa thể nói gì kết quả nghiên cứu vì còn nhiều vấn đề phức tạp, cần chờ thêm các dự án nghiên cứu tiếp theo. Đề tài do tôi chủ nhiệm hiện đã kết thúc hơn một năm qua, nay tôi không còn liên quan gì trong việc quản lý, chăm sóc”.
Được biết, đến tháng 10/2020, Vườn Quốc gia Phước Bình sẽ nhận lại 11 con bò tót này từ Trung tâm Ứng dụng KH&CN Lâm Đồng để “cứu đói”.
Tờ Đất Việt hôm 1/10 dẫn lời từ một lãnh đạo Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ cho rằng: “Đây là sự thất bại của công trình nghiên cứu khoa học có từ 5 năm về trước”.
Khi mới nhận đề tài, người nghiên cứu đưa ra những phát ngôn “có cánh” về sự thành công, tính khả thi của đề tài. Nhưng những người làm chuyên môn đều biết để dự án thành công rất khó, bởi bò tót và bò nhà có nguồn gen khác nhau khi gen của bò tót có 56 nhiễm sắc thể còn bò nhà là 60.
Nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới về con lai giữa bò tót và bò nhà cũng đã được thực hiện từ những năm 80 của thế kỷ XX nhưng đều thất bại. Kết quả chỉ cho ra con lai F1 chứ không thể cho ra con lai F2.
Sau 5 năm nghiên cứu, dự án phát triển nguồn gen quý từ 11 con bò tót mà các nhà khoa học tỉnh Lâm Đồng thực hiện đã phải dừng lại, vì 5 con bò tót trong đàn này không có thai dẫn tới dự án nghiên cứu phải tạm dừng, không được cấp thêm nguồn kinh phí.
“Việc bàn giao lại 11 con bò tót này cho Vườn Quốc gia Phước Bình trong thời gian tới có thể chỉ đảm bảo về việc chăm sóc tiếp để phục hồi lại thể trạng của những con bò đã từng đem lại nhiều kỳ vọng, còn khả năng thành công như mong đợi hay không thì khó có thể nói trước được”, vị này nhận định.
Hoàng Minh - Theo Tri Thức VN