Gần đây, bà Cao Ca - phu nhân Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, cựu Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ, đã có một cuộc phỏng vấn độc quyền với Hãng tin AP của Mỹ, đồng thời chỉ trích chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là “quái vật ăn thịt chính con mình”.
Ông Mạnh Hoành Vĩ, cựu Chủ tịch Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), Thứ trưởng Bộ Công an Đảng Cộng sản Trung Quốc. (Ảnh chụp màn hình video)
ĐCSTQ bị chỉ trích là ‘quái vật ăn thịt chính con mình’
Việc ông Mạnh Hoành Vĩ được bầu làm Chủ tịch Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) vào tháng 11/2016 khiến dư luận đặt nghi vấn và lo ngại về tính công bằng của các tổ chức quốc tế. Năm 2018, ông Mạnh bất ngờ "biến mất" sau khi trở về Trung Quốc. Vào tháng 1/2020, Tòa án Trung cấp số 1 Thiên Tân đã kết án ông Mạnh 13 năm 6 tháng tù về tội "nhận hối lộ" và phạt 2 triệu nhân dân tệ.
Trớ trêu thay, quan chức cấp cao ĐCSTQ Mạnh Hoành Vĩ - người từng chuyên đi bắt tội phạm cuối cùng lại bị bắt và bị kết án tù với tư cách là Chủ tịch Interpol. Đồng thời, chính Interpol cũng không biết gì về việc ông Mạnh bị bắt ở Trung Quốc, thậm chí phải hỏi chính quyền ĐCSTQ về tung tích của ông Mạnh.
Sau khi Mạnh Hoành Vĩ “biến mất”, vợ của ông là bà Cao Ca (Grace Meng), người vẫn ở Pháp, đã xin tị nạn chính trị cùng cặp con trai song sinh, nhưng vì nghi ngờ có đặc vụ ĐCSTQ cố gắng bắt cóc bà và các con nên bà đã được cảnh sát Pháp bảo vệ 24/24 giờ.
Đề phòng bản thân gặp bất trắc, hiện tại bà Cao đã nhận lời phỏng vấn độc quyền với Hãng tin AP. Đây là lần đầu tiên bà đồng ý xuất hiện trước ống kính, công khai chỉ trích chính quyền ĐCSTQ là "quái vật ăn thịt chính con mình".
Theo AP đưa tin ngày 18/11, bà Cao lần đầu tiên công khai lộ diện, nói rằng: "Tôi có trách nhiệm phải xuất hiện và nói cho cả thế giới biết chuyện gì đã xảy ra... Trong 3 năm qua, điều mà tôi học được cũng giống như cách chúng ta làm sao để sống chung với COVID-19, và tôi cũng biết làm thế nào để sống chung với ma quỷ".
"Ma quỷ" mà bà Cao nói đến là đánh giá của bà về chính quyền ĐCSTQ, “Bởi vì họ có thể ăn thịt chính con mình”.
Bài báo chỉ ra rằng, mặc dù trước đó trên thế giới rất nhiều người đã chỉ trích chính quyền ĐCSTQ, nhưng tình huống của bà Cao rất đặc biệt, bởi vì bà và Mạnh Hoành Vĩ đều từng là quan chức cấp cao trong thể chế ĐCSTQ.
“Tôi đã chết một lần, nhưng tôi lại được tái sinh”, bà Cao nói rằng bà không biết gì về nơi ở cũng như tình trạng sức khỏe hiện nay của chồng bà - ông Mạnh Hoành Vĩ.
Lần liên lạc cuối cùng giữa họ là vào ngày 25/9/2018, khi ông Mạnh đang đi công tác ở Bắc Kinh. Bà đã liên tiếp nhận được hai tin nhắn từ ông Mạnh, một tin viết “Chờ điện thoại của anh”, 4 phút sau, bà tiếp tục nhận được một tin nhắn chỉ chứa biểu tượng một con dao làm bếp, điều này ám chỉ ông Mạnh đang gặp nguy hiểm.
Bà Cao đoán rằng ông Mạnh đã gửi hai tin nhắn này từ văn phòng Bộ Công an (ĐCSTQ).
Kể từ đó, vợ chồng bà Cao không có liên lạc gì khác. Một số bức thư mà bà Cao ủy thác luật sư gửi cho chính phủ Trung Quốc cũng “không thấy tăm hơi”. Bà thậm chí không biết hiện tại ông Mạnh còn sống hay đã chết.
“Tôi đã rất đau khổ”, bà nói, “Điều này cũng rất tàn khốc đối với các con tôi”.
“Tôi không muốn các con mình không có cha”, bà Cao Ca vừa nói vừa khóc. “Mỗi khi bọn trẻ nghe thấy tiếng gõ cửa, chúng lại chạy ra xem. Tôi biết rằng người chúng mong ngóng là cha chúng. Nhưng mỗi khi nhận ra rằng không phải thì chúng đều cúi đầu im lặng. Chúng thực sự rất dũng cảm”.
Về vụ việc của ông Mạnh Hoành Vĩ, chính quyền ĐCSTQ chỉ công bố một vài thông tin lẻ tẻ. Vào tháng 10/2018, sau khi bà Cao lần đầu báo cáo với Pháp rằng chồng bà đã biến mất sau khi quay về Trung Quốc, Ủy ban Giám sát Nhà nước thuộc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ đã đưa ra một thông báo rằng, “Thứ trưởng Công an Mạnh Hoành Vĩ nghi ngờ vi phạm pháp luật và hiện đang bị Ủy ban Giám sát Nhà nước điều tra”. Gần như cùng lúc đó, Interpol thông báo ông Mạnh đã từ chức chủ tịch và đơn xin từ chức của ông có hiệu lực ngay lập tức.
Về vấn đề này, bà Cao đặt câu hỏi, "Liệu một người bị cưỡng bức biến mất có thể viết đơn từ chức theo nguyện vọng của mình không?"
"Một tổ chức cảnh sát có thể làm ngơ trước một tội ác điển hình như vậy không?".
Bà Cao luôn cho rằng những cáo buộc của ĐCSTQ đối với ông Mạnh Hoành Vĩ là bịa đặt. "Đây là một vụ án bất đồng chính trị bị chuyển thành vụ án hình sự. Mức độ tham nhũng ở Trung Quốc ngày nay cực kỳ nghiêm trọng. Nó diễn ra ở khắp mọi nơi”.
Bà Cao còn tiết lộ rằng, gia đình bà cũng có liên quan đến chính trị. Mẹ bà từng phục vụ trong một cơ quan cố vấn của cơ quan lập pháp Trung Quốc và từng trải qua những “chấn thương” chính trị. Ngoài ra, sau khi ĐCSTQ tiếp quản Trung Quốc vào năm 1949, ông nội của Mạnh Hoành Vĩ đã bị tước đoạt tài sản kinh doanh và sau đó bị giam tại trại lao động.
Bà cho rằng lịch sử đang tái diễn, "Tất nhiên, đây là một bi kịch lớn của gia đình chúng tôi và cũng là nguồn gốc của những nỗi đau to lớn. Nhưng tôi cũng biết rằng, ngày nay rất nhiều gia đình ở Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với số phận tương tự như tôi”.
Mạnh Hoành Vĩ là ai? Tại sao chọc giận Bắc Kinh
Thông tin công khai cho thấy ông Mạnh Hoành Vĩ, 67 tuổi, đến từ Cáp Nhĩ Tân, Hắc Long Giang, tốt nghiệp khoa Luật của Đại học Bắc Kinh. Ông Mạnh công tác trong nhà nước vào tháng 12/1972, gia nhập ĐCSTQ vào tháng 6/1975. Ông lần lượt giữ chức Trợ lý Bộ trưởng Công an Trung Quốc, Cục trưởng Cục Quản lý Giao thông, Thứ trưởng Công an, Chủ tịch Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), Phó Cục trưởng Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc, Cục trưởng Cục Cảnh sát biển Trung Quốc, v.v.
Theo BBC đưa tin, trang web của Bộ Công an Trung Quốc tháng 4/2018 đã xóa tên Mạnh Hoành Vĩ khỏi danh sách cán bộ Đảng ủy Bộ Công an (tức Ủy viên Đảng ủy Bộ Công an); Ngày 8/12/2017, Quốc vụ viện ĐCSTQ miễn nhiệm chức vụ Phó Cục trưởng Cục Hải dương Nhà nước và Cục trưởng Cục Cảnh sát biển đối với ông Mạnh.
Mạnh Hoành Vĩ là cấp dưới của “hổ lớn” Chu Vĩnh Khang
The Epoch Times từng tiết lộ vào năm 2018, việc ông Mạnh Hoành Vĩ có nhiều thăng tiến trong sự nghiệp chính trị có liên quan mật thiết đến cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang.
Năm 2012, Chu Vĩnh Khang về hưu. Sau khi nghỉ hưu mọi thông tin liên quan đến Chu im ắng một cách bất thường. Đến năm 2014, giới chức ĐCSTQ xác nhận ông đang bị điều tra tham nhũng.
Năm 2015, Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Công an ĐCSTQ bị tuyên án tù chung thân, khai trừ Đảng, tịch thu tài sản cá nhân vì các tội danh nhận hối lộ, lạm dụng chức quyền và tiết lộ bí mật nhà nước.
Nhưng đó chỉ là bề ngoài, tội ác lớn nhất của Bộ trưởng Công an ĐCSTQ chính là bảo kê cho hoạt động mổ cướp tạng của các tù nhân lương tâm, những người tu luyện Pháp Luân Công (một môn tu luyện an hoà của Phật gia), người dân thiểu thổ Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ. Tội ác được khởi xướng dưới thời Giang Trạch Dân, được bảo hộ ngầm bởi lực lượng quân đội và an ninh của nước này. Tội ác này vẫn còn kéo dài cho tới ngày nay. Bởi vậy, với tư cách là Thứ trưởng và là đồng minh đắc lực của Chu Vĩnh Khang, ông Mạnh Hoành Vĩ khó có thể không dính líu tới tội ác mổ cướp tạng ‘vô tiền khoáng hậu’ này.
Sau thông tin chấn động Mạnh Hoành Vĩ đang bị Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương ĐCSTQ bắt giam và điều tra vì tội nhận hối lộ, truyền thông Trung Quốc lập tức đưa tin về thân thế sự nghiệp của ông Mạnh, theo đó, ông ta từng là cấp dưới của Chu Vĩnh Khang.
Tháng 4/2004, Mạnh Hoành Vĩ được thăng chức Thứ trưởng, thành viên tổ đảng Bộ công an, trở thành cấp phó của Chu.
Sau vụ việc chấn động của Chu Vĩnh Khang, rất nhiều thân tín, cấp dưới của ông ta đã vướng vòng lao lý, nhưng Mạnh Hoành Vĩ không những không hề hấn gì mà còn tiếp tục được trọng dụng. 4 năm sau, ông Mạnh nhanh chóng vươn tới đỉnh cao sự nghiệp chính trị khi được bầu làm Chủ tịch Interpol, trở thành người Trung Quốc đầu tiên đảm nhận vị trí này. Truyền thông Trung Quốc cũng hết lời khen ngợi ông ta.
Bài báo của The Epoch Times cũng chỉ ra rằng, Bộ Công an Trung Quốc luôn nằm dưới sự kiểm soát của phe Giang Trạch Dân trong suốt 20 năm qua. Kể từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của ĐCSTQ, chính quyền Bắc Kinh đã bắt giam nhiều quan chức cấp cao, bao gồm Chu Vĩnh Khang, Thứ trưởng Bộ Công an Lý Đông Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an Dương Hoán Ninh, Cục trưởng Cục Chính trị thuộc Bộ Công an Hạ Sùng Nguyên và cách chức nhiều thứ trưởng khác như Phó Chính Hoa, Hoàng Minh, v.v. Hầu hết những người này đều là thân tín của Chu Vĩnh Khang.
Khi Mạnh Hoành Vĩ trở thành Chủ tịch Interpol vào tháng 11/2016, ông ta đã bị các tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích và lên án mạnh mẽ. Vào thời điểm đó, một số nhà bình luận chỉ ra rằng, dưới thể chế chính trị của ĐCSTQ, Mạnh Hoành Vĩ đã tích cực tham gia đàn áp các nhóm tín ngưỡng, nhà bảo vệ nhân quyền trong nước.
Từ lâu Mạnh Hoành Vĩ đã bị trang web hải ngoại Minghui liệt vào danh sách là những người phải chịu trách nhiệm về cuộc bức hại Pháp Luân Công.
Phóng viên về vấn đề Châu Á của BBC Celia Hatton phân tích chỉ ra rằng, vụ án của Mạnh Hoành Vĩ rất đáng được quan tâm ở một số khía cạnh: Quan chức ĐCSTQ mất tích, người nhà của họ liên hệ với chính phủ nước ngoài cầu cứu là việc rất hiếm thấy. Liệu có phải do vợ của Mạnh Hoành Vĩ cảm thấy không còn lựa chọn nào khác? Ngoài ra, việc ông Mạnh được bổ nhiệm làm Chủ tịch Interpol từng khiến chính quyền ĐCSTQ tự hào, vậy lý do ông ta biến mất là gì? Nói cách khác, ông Mạnh rốt cuộc đã làm gì mà khiến Bắc Kinh phải buộc ông ta từ bỏ vị trí cao nhất của Interpol?
Mai Hạ
(Theo Vision Times và tổng hợp)
Đăng theo NTDVN