Chiều ngày 18/9/2019, tại Sân bay Quốc tế Thiên Hà Vũ Hán đã diễn ra một màn diễn tập sơ cứu trong trường hợp khẩn cấp do Trung tâm Sơ cứu Vũ Hán thực hiện, nhằm chuẩn bị cho Thế vận hội Quân sự Thế giới (MWG), vốn sẽ diễn ra tại thành phố này vào tháng 10/2019 với khoảng 10.000 người tham gia đến từ mọi quốc gia. Tuy nhiên, dạng bệnh được đưa ra diễn tập lúc đó được chẩn đoán lâm sàng là do “một chủng virus corona mới gây ra”, với triệu chứng của người bệnh là khó thở, làm dấy lên thắc mắc, đây chỉ là một sự trùng hợp kỳ lạ hay vốn dĩ còn nhiều bí ẩn đằng sau?
Trước khi đi tới kết luận cuối cùng, chúng ta sẽ cần lắng nghe những tiết lộ mới nhất hồi tuần trước của các vận động viên người Pháp đã tham gia vào MWG tại Vũ Hán từ ngày 18/10/2019. Theo báo Daily Mail, các vận động viên này nghĩ rằng họ đã bị nhiễm virus Corona Vũ Hán khi tham gia sự kiện kéo dài 9 ngày này. Một nhà vô địch thế giới hiện đại tên Elodie Clouvel cho biết: “Rất nhiều vận động viên tại Thế vận hội Quân sự đã bị ốm nặng”.
Thông tin này được đưa ra sau khi có tiết lộ cho biết vào ngày 27/12/2019, một người bán cá tại Paris đã được điều trị tại bệnh viện do nghi mắc bệnh viêm phổi; sau đó đã có xác nhận người này là nạn nhân của chủng virus corona mới, dù anh ấy không đi du lịch nước ngoài trong khoảng thời gian đó. Sự việc này xảy ra 4 ngày trước khi ĐCSTQ thông báo về căn bệnh mới với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tức ngày 31/12/2019.
Lời cảnh báo từ Tiến sĩ virus hàng đầu Trung Quốc
Hôm Chủ nhật (10/5), tờ Daily Mail tiết lộ, tiến sĩ người Trung Quốc Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli) - là một chuyên gia về virus corona nổi tiếng thế giới - đã đưa ra những lời cảnh báo cụ thể về những mối nguy từ năm ngoái. Cụ thể, trong một bài báo viết chung với 3 đồng nghiệp khác được đăng tải tháng 3/2019, tiến sĩ Thạch đã nhấn mạnh về khả năng sẽ có “một đợt bùng phát virus corona bắt nguồn từ dơi” và Trung Quốc là nơi dễ xảy ra tình huống này nhất.
Giải thích về lý do đưa ra nhận định này, tiến sĩ Thạch cho biết, vì trong văn hóa ẩm thực người Trung Quốc tin rằng động vật giết mổ tươi sống sẽ luôn bổ dưỡng hơn và chính niềm tin này khiến khả năng lây nhiễm các chủng virus tăng cao. Bà bổ sung thêm: “Người ta thường tin rằng virus corona từ dơi sẽ tái xuất hiện để gây ra dịch bệnh tiếp theo. Về vấn đề này, Trung Quốc có khả năng cao trở thành điểm nóng”.
Tiến sĩ Thạch thường được gọi là “người phụ nữ dơi” (Bat Woman) vì bà thường xuyên thu thập các mẫu xét nghiệm từ loại động vật có vú biết bay sống về đêm này.
Thành phố Vũ Hán là nơi khởi phát của thảm họa đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), một dạng bệnh tương tự hội chứng SARS (suy hô hấp cấp) do một chủng virus corona mới gây ra, thường được gọi là virus Corona Vũ Hán. Vũ Hán xác nhận về loại bệnh mới này từ ngày 31/12/2019, nhưng phải đến ngày 20/1 năm nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mới chính thức lên tiếng xác nhận về khả năng lây nhiễm từ người sang người của chủng virus nguy hiểm này, và chỉ ra lệnh yêu cầu phong tỏa toàn thành phố Vũ Hán kể từ ngày 23/1.
Nguồn gốc của chủng virus này cho đến nay vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải. Các nhà khoa học hàng đầu Trung Quốc đã đưa ra một nghiên cứu khẳng định các chứng bệnh của viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) đã bắt đầu xuất hiện từ ngày 21/12, và rằng “mọi bằng chứng hiện tại” đều chỉ thẳng tới Chợ buôn Hải sản Hoa Nam.
Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cụ thể nào có thể xác minh mối liên hệ giữa khu chợ và vụ bùng phát dịch virus Corona Vũ Hán. Đa phần giới chức và các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới đều nghiêng về giả thuyết chủng virus này đã “đào thoát” từ một phòng thí nghiệm virus cao cấp của Vũ Hán, dù rằng chính quyền Bắc Kinh liên tục bác bỏ giả thuyết này. Hiện tại, các mối nghi ngờ đều đổ dồn về 2 phòng thí nghiệm ở Vũ Hán: một ở gần khu chợ, một là viện nghiên cứu virus P4 hàng đầu của Trung Quốc với đảm bảo về an ninh sinh học cấp cao nhất.
Các tài liệu nghiên cứu của các học giả Trung Quốc
Một số tài liệu học thuật từ các học giả của Trung Quốc khẳng định virus Corona Vũ Hán có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm của Vũ Hán.
Vào hồi tháng 2, giáo sư sinh học tại Đại học Công nghệ Nam Trung Quốc Botao Xiao và nhà nghiên cứu ở Vũ Hán Lei Xiao đã công bố một bài báo học thuật với tiêu đề “Nguồn gốc khả thi của virus corona 2019-nCoV”. Trong bài báo này, hai vị học giả đã đưa ra kết luận rằng chủng virus corona chết người này bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Tài liệu này đã dẫn chứng rằng có khoảng 605 con dơi được nuôi nhốt tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh dịch của Vũ Hán, cách khu chợ Hoa Nam khoảng 500m. Đồng thời trong đó còn mô tả hiện trạng những con dơi này đã tấn công, đổ máu và đi tiểu lên người của một nhà nghiên cứu tại đây, khiến người này phải đi cách ly 2 lần, từ đó các tác giả đã rút ra kết luận rằng “Có thể tin tưởng việc virus đã thoát ra ngoài”, và kêu gọi cần tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các phòng thí nghiệm có nguy cơ cao.
Tài liệu này được đăng tải trên một trang web dành riêng cho các nhà khoa học để chia sẻ các nghiên cứu, tuy nhiên nó đã bị rút đi một cách bí ẩn chỉ 2 ngày sau đó.
Dấu vết từ sớm của những ca bệnh đầu tiên
Kể từ khi thông báo chính thức về “một dạng bệnh viêm phổi mới không xác định” vào ngày 31/12/2019, chính quyền ĐCSTQ luôn khẳng định không thể xác định ai là bệnh nhân số 0 trong số 9 trường hợp ban đầu, gồm 4 nam và 5 nữ trong độ tuổi từ 39 đến 79. Chính quyền Vũ Hán tuyên bố, trường hợp nhiễm viêm phổi Vũ Hán đầu tiên được xác nhận vốn có các biểu hiện triệu chứng vào ngày 08/12/2019, người đàn ông này sau đó đã khỏi bệnh và phủ nhận việc đã đi tới khu Chợ buôn Hải sản Hoa Nam.
Tuy nhiên, các tài liệu báo cáo đăng tải trên tờ South China Morning Post (SCMP) và The Lancet sẽ cho chúng ta thấy những góc nhìn khác về vấn đề này.
Dựa trên dữ liệu được cho là của chính quyền Bắc Kinh để truy tìm dấu vết của virus Corona Vũ Hán ngược về tới ngày 17/11, bài báo của SCMP xác định trường hợp đầu tiên là một người 55 tuổi đến từ Hồ Bắc. Sau ca xác nhận đầu tiên này, mỗi ngày sẽ có thêm từ 1 đến 5 ca nhiễm mới, và cho đến ngày 27/12, một bác sĩ tên là Zhang Jixian đã lên tiếng xác nhận rằng họ đang phải đối phó với một chủng virus corona mới.
Một nghiên cứu có ảnh hưởng khác được đăng tải trên tờ The Lancet bởi các nhà nghiên cứu Trung Quốc lại đưa ra một mốc thời gian khác. Bài nghiên cứu này khẳng định, ngày khởi phát triệu chứng của bệnh nhân được xác nhận đầu tiên là vào ngày 01/12. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, trong số 41 bệnh nhân nhập viện giai đoạn đầu, có 27 người “đã từng phơi nhiễm ở khu chợ” Hoa Nam.
Trao đổi với BBC Trung Quốc, bác sĩ Wu Wenjuan - vốn là một trong những tác giả và bác sĩ cấp cao chuyên về các bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Jinyintan ở Vũ Hán - cho biết bệnh nhân đầu tiên của họ là một người đàn ông lớn tuổi bị chứng mất trí nhớ.
Bác sĩ Wu nói: “Ông ấy sống cách khu chợ khoảng 4 hoặc 5 trạm xe buýt - và vì ông ấy có bệnh, về cơ bản ông ấy không hề ra ngoài”. Bà cũng cho biết thêm sau ca bệnh này, trong những ngày tiếp theo có thêm 3 bệnh nhân khác xuất hiện các triệu chứng tương tự, tuy nhiên chỉ có một người từng đến khu chợ hải sản.
Thông tin từ bác sĩ Wu phù hợp với một biểu đồ trong nghiên cứu cho thấy dòng thời gian xác định các ca bệnh: ngày 01/12 có 1 ca, ngày 10/12 có 3 ca, sau đó không có thêm ca mới cho đến ngày 15/12. Chỉ có 1 trong số 4 ca đầu có liên hệ với khu chợ Hoa Nam, nhưng cả 10 ca sau đó đều có liên quan đến khu chợ này.
Bài báo của The Lancet cũng nhắc tới trường hợp tử vong đầu tiên được xác định, đó là một người đàn ông có liên hệ với khu chợ hải sản. Năm ngày sau khi người này phát bệnh, vợ của ông là một phụ nữ 53 tuổi và không có lịch sử phơi nhiễm tại khu chợ, cũng xuất hiện các triệu chứng của chứng viêm phổi và phải nhập viện trong khu cách ly.
Trao đổi cùng báo Wall Street Journal, bác sĩ Wu cũng cho biết về một trong các trường hợp bệnh đầu tiên được xác nhận tại bệnh viện của bà là một thương nhân 49 tuổi làm việc tại khu chợ Hoa Nam, đã ngã bệnh vào ngày 12/12; và 7 ngày sau đó, bố vợ của người thương nhân này cũng bị nhiễm bệnh dù không hề đi đến khu chợ trước đó. Sau đó, báo đài truyền thông trực thuộc ĐCSTQ vào ngày 25/12 đã đưa tin về việc bắt đầu xuất hiện các trường hợp dương tính với virus Corona Vũ Hán ở các y bác sĩ.
Từ các dữ liệu này, có thể thấy rõ rằng, dấu hiệu của việc chủng virus corona mới có thể lây nhiễm từ người sang người vốn có thể được xác định rất sớm trước khi chính quyền Bắc Kinh chính thức lên tiếng thừa nhận vào ngày 20/1/2020. Chi tiết quan trọng này chỉ được thông báo tới thế giới 4 ngày, trước khi bài nghiên cứu của The Lancet được phát hành.
Vẫn còn quá nhiều bí ẩn, quá nhiều mâu thuẫn và các câu hỏi cần đến một lời giải đáp công tâm, minh bạch và xác đáng, nhưng liệu đến khi nào thế giới và cả người dân Trung Quốc có thể nhận được những câu trả lời thỏa đáng từ phía ĐCSTQ? Đây có lẽ sẽ là một cuộc chiến trường kỳ cần đến sự nỗ lực và kiên trì của mọi công dân và giới chức trên toàn cầu.
Tuy nhiên, hiện tại bản thân chính quyền Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với 1 “thảm họa kép”, trong khi nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán tại Vũ Hán và các tỉnh ở khu vực miền Nam cũng như các tỉnh miền Bắc Trung Quốc đang tăng cao, và giới chức thế giới, đặc biệt là Mỹ đang ráo riết yêu cầu tổ chức 1 cuộc điều tra để xác định rõ vai trò và trách nhiệm của ĐCSTQ trong thảm họa đại dịch toàn cầu lần này.
Du Miên - Theo NTDVN