Đạo nhân nói: "Người đọc sách đều rất thông minh, nhưng bọn họ không phải dùng thông minh để trình bày và phát huy nghĩa lý của Thánh Hiền, ngược lại dùng để bịa dâm từ diễm khúc, lưu lại họa hại cho thiên hạ vạn thế. Loại người này sau khi chết đọa địa ngục, chịu vô lượng khổ đau, vĩnh viễn không thoát ra được".
Toàn Như Ngọc (tên người) ở Bột Hải, tuy là người nghèo khó, nhưng lại siêng năng nhân hậu. Ông gặp người làm việc tốt thì khích lệ cổ vũ, không biết mỏi mệt. Ông cũng đã từng dốc sức sao chép sách thiện, phổ biến, giáo hóa thế nhân. Một ngày nọ, ông đi biển, bị một trận gió lốc thổi đến một ngọn núi.
Toàn Như Ngọc đi lên đỉnh núi, ngóng nhìn biển trời một màu, cảm thấy vô cùng thoải mái. Bỗng nhiên ông trông thấy một Đạo nhân, thân mang áo bào màu vàng, chân đi giày nâu, râu dài tướng mạo cổ quái, từ trong rừng đi tới, nói với Toàn Như Ngọc: "Thế nhân thích đồ vật giả, còn Thiên Đế thích đồ vật thật. Ngươi cả đời khuyến thiện, tu thiện sách, đều là xuất phát từ chân tâm, không cầu người khác biết, công đức rất lớn".
Toàn Như Ngọc khiêm tốn nói: "Không dám".
Đạo nhân còn nói: "Người đọc sách đều rất thông minh, nhưng bọn họ không phải dùng thông minh để trình bày và phát huy nghĩa lý của Thánh Hiền, ngược lại dùng để bịa dâm từ diễm khúc, lưu lại họa hại cho thiên hạ vạn thế. Loại người này sau khi chết đọa địa ngục, chịu vô lượng khổ đau, vĩnh viễn không thoát ra được. Ngươi có thể đi nhìn xem, biết tội lỗi của bọn họ, cũng sẽ biết công đức của chính mình".
Thế là, đạo sĩ kéo tay Toàn Như Ngọc đi vào trong mây mù. Một hồi sau, nhìn thấy một tòa thành, trên cửa thành viết "Phong Đô", binh sĩ bảo vệ đều có hình thù kỳ quái, những binh lính này trông thấy Đạo nhân đều quỳ xuống đất dập đầu. Sau đó họ lại đi tới một phủ đại quan, thị vệ san sát, những thị vệ này gặp đạo nhân cũng bái lạy phủ phục trên mặt đất. Trên đại sảnh của quan phủ "Điện Sâm La", trên hai cây đại thụ bên cạnh có một bộ câu đối:
"Nhĩ ký như tư, nhậm nhĩ gian, nhậm nhĩ trá, nhậm nhĩ tác ác, thiểu bất đắc đình tiền khám vấn;
Ngã thành vô nại, tận ngã pháp, tận ngã lý, tận ngã phụng công, hựu hà tu đường hạ ai cầu".
Tạm dịch:
"Ngươi đã như vậy, mặc cho ngươi gian, mặc cho ngươi lừa dối, mặc cho ngươi làm ác, không thể không bị xét hỏi trước đình;
Ta chân thành, ta tận theo pháp, ta tận theo lý, ta làm theo việc công, đâu cần cầu khẩn".
Một vị đầu đội lễ quan đại vương, ra nghênh tiếp đạo nhân, tôn lễ đầy đủ. Đạo nhân nói: "Dâm từ diễm khúc, là hại tâm người nhất. Ở dưới âm phủ bị phạt, dương thế không biết, cho nên người phạm tội vẫn như cũ. Hôm nay ta mang người này đến đây, để hắn nhìn rõ ràng, sau đó về dương, truyền lời cho thế nhân, nếu như thế nhân có thể quy tâm hướng Đạo, cũng là nhờ đại từ bi của các ngài".
Vị kia đại vương gật đầu đồng ý.
Thế là, lập tức có hai binh sĩ dẫn Toàn Như Ngọc đến một nơi. Toàn Như Ngọc nhìn thấy có mấy tội phạm, hoặc bị đao chặt, hoặc bị cày cày, hoặc bị cối giã, hoặc bị dầu chiên, mỗi lần thụ hình hoàn tất lại hồi phục nguyên hình.
Toàn Như Ngọc hỏi: "Đây là những người nào vậy?".
Quỷ tốt nói: "Đây đều là người viết tiểu thuyết dâm ô".
Lại hỏi: "Tội của họ có kỳ hạn không?"
Quỷ tốt nói: "Vạn kiếp trầm luân, cho dù là đầu thai làm giòi bọ, cũng không có cách nào. Làm sao có thể kết thúc được?"
Toàn Như Ngọc trong lòng sợ hãi, muốn trở về. Binh sĩ lại dẫn ông đến một cái điện to lớn. Đạo nhân chỉ vào vị đại vương kia, nói với Toàn Như Ngọc:
"Vị đại vương này là Dương Kế Thịnh tiên sinh thời nhà Minh. Ông ấy lúc còn sống, chính trực ngay thẳng, vạch tội 'ngũ đại gian, thập đại ác' của gian thần Nghiêm Tung. Thượng Đế rất khen ngợi Dương tiên sinh, đặc biệt mệnh cho ông ấy đảm nhiệm chức vụ hiện tại: Diêm La Vương. Ngươi về dương gian, hãy truyền rộng, để mọi người biết thượng thiên thưởng thiện phạt ác, một chút cũng không sai lệch.
Đạo nhân sau đó từ biệt đại vương, kéo tay Toàn Như Ngọc trở về núi Nguyên. Chỉ trong một cơn gió, Toàn Như Ngọc và đạo nhân đã cách biệt, treo buồm mà đi. Từ đó về sau, Toàn Như Ngọc gặp người nào cũng đều kể cho họ những gì mình nhìn thấy, ân cần khuyến khích họ: "Chớ đi theo con đường tà dâm".
Ghi chú:
Dương Kế Thịnh (1516~1555): tự Trọng Phương, hiệu Tiêu Sơn, người huyện Dung Thành, Bảo Định, Hà Bắc. Ba mươi hai tuổi đậu Tiến sĩ, làm quan chủ sự Nam Kinh Lại bộ, bốn năm sau vào kinh, được phong tước Binh bộ xa giá viên ngoại lang. Bởi vì vạch tội Hầu Cừu Loan, bị giáng chức đến Lâm Thao Cam Túc làm Điển sử. Sau khi Hầu Cừu Loan chết, Dương Kế Thịnh được sửa lại án oan, trở về Bắc Kinh. Nhận chức được một tháng, ông lại dâng thư vạch tội Nghiêm Tung, bị tước chức hạ ngục. Năm 1555, ông bị hãm hại. Sau khi Dương Kế Thịnh qua đời bảy năm, Nghiêm Tung rớt đài, Minh Mục Tông truy phong, ban thưởng cho ông (Dương Kế Thịnh) làm Thái Thường Thiếu Khanh, còn xây đền Tinh Trung cho ông tại Bảo Định Hà Bắc. Dương Kế Thịnh sau khi chết, làm Diêm La Vương.
(Theo "Bất Khả lục")
Lý Tuệ
Theo Lâm Linh - Vision Times
Bản Tiếng Việt đăng theo NTDVN