Việt Nam đang trên đà “rời bỏ” các thỏa thuận vũ khí của Nga và mua thêm vũ khí từ Hoa Kỳ, nhằm tăng cường phối hợp tất cả các hoạt động về an ninh giữa quân đội Mỹ và quân đội Việt Nam.
Việt Nam đang ‘rời Nga - thân Mỹ’
Bất chấp các tranh chấp bầu cử, chính quyền Trump vẫn thúc đẩy việc duyệt các hợp đồng bán vũ khí cho nước ngoài trị giá 175 tỷ USD trong năm tài chính 2020 (từ 1/10/2019 đến 30/9/2020), theo thông báo ngày 4/12 của Lầu Năm Góc.
Từ năm 2005 đến năm 2014, Việt Nam đã tăng chi tiêu quân sự gần 400%, theo trang web export.gov của Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Việt Nam đã không tăng cường đáng kể việc mua vũ khí do Mỹ sản xuất, ngay cả sau khi Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương đối với Việt Nam vào năm 2016.
Việt Nam có một lịch sử dài mua vũ khí do Nga sản xuất. Vũ khí này được quân đội Việt Nam đánh giá là ít tốn kém và phức tạp hơn vũ khí của Mỹ. Tuy nhiên, Việt Nam dường như đang từ bỏ việc mua thiết bị của Nga, theo Collin Koh Swee Lean - một nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam chuyên về các vấn đề hải quân ở Đông Nam Á, cho biết.
“Hà Nội ngày càng chán ngấy chính sách bán vũ khí của Nga, phần nhiều do Nga ‘chuyển mục tiêu’ về các điều khoản hợp đồng và các vấn đề về giá cả, và đáng kể là về khả năng tiếp cận chuyển giao công nghệ từ Nga của Việt Nam”, ông nói.
Một vấn đề khác là việc Nga bán vũ khí quân sự cho Trung Quốc.
“Không chỉ có khả năng Matxcơva can thiệp theo yêu cầu của Bắc Kinh - về việc ngừng cung cấp vũ khí cho Việt Nam trong thời gian xảy ra xung đột Trung-Việt, mà Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc có thể đã quen thuộc với các vũ khí của Nga”, ông giải thích thêm về những rủi ro liên quan đến Trung Quốc.
Trở thành ‘khách hàng lớn’ của Mỹ
Mối quan hệ của Hoa Kỳ với Việt Nam đang được cải thiện và Việt Nam mong muốn có thêm các hợp đồng quốc phòng giữa hai quốc gia.
Một quan chức Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam muốn đa dạng hóa một số nhà cung cấp vũ khí, chuyển sự phụ thuộc vào Nga sang mua thiết bị của Hoa Kỳ. Điều này cung cấp cho Hà Nội nhiều năng lực hơn và giúp tăng cường mối quan hệ đối tác Việt-Mỹ - đối với khả năng “vận hành cùng nhau và tương tác lớn hơn với quân đội của chúng tôi".
Việt Nam quan tâm đến công nghệ quân sự của Hoa Kỳ, bằng chứng là việc chuyển giao một máy cắt lớp Hamilton từ Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ vào năm 2016 và việc mua - một phần thông qua tài trợ của Hoa Kỳ - máy bay không người lái Boeing-Insitu ScanEagle để giám sát hàng hải.
Euan Graham, giám đốc chương trình an ninh quốc tế của Viện Lowy, cho biết dường như Việt Nam đang có động lực để trở thành khách hàng lớn hơn đối với vũ khí Mỹ.
Để mua vũ khí Mỹ, các chính phủ nước ngoài thông qua hai phương thức: thương mại giữa chính phủ và công ty, hoặc chính phủ liên hệ với sứ quán Mỹ tại địa phương. Cả hai dạng này đều đòi hỏi sự đồng ý của Nhà Trắng.
Cơ quan Defense Security Cooperation Agency, thuộc Lầu Năm Góc đã ghi rõ chi tiết trị giá hợp đồng quân sự do chính phủ Mỹ dàn xếp, và công bố số tiền đối với các vũ khí mà Mỹ bán cho Việt Nam.
Cụ thể trị giá các hợp đồng quân sự Mỹ bán cho Việt Nam trong năm tài chính 2020 là 38,4 triệu USD. Năm 2019, con số là hơn 14 triệu USD và năm 2018 là hơn 11,6 triệu USD.
Các con số tài chính này còn mặc dù còn khiêm tốn nhưng cho thấy quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam ngày càng gần hơn theo thời gian.
Hiện Sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã có Văn phòng Tùy viên Quân sự hỗ trợ trong việc phối hợp thực hiện chính sách quân sự của Hoa Kỳ, đồng thời là đại diện cho Bộ trưởng Quốc phòng, Tư lệnh Quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương và các cơ quan quân sự khác của Mỹ.
Văn phòng Tùy viên Quân sự cũng phối hợp tất cả các hoạt động về an ninh giữa quân đội Mỹ và quân đội Việt Nam - tại các diễn đàn song phương và đa phương, cũng như trong mọi lĩnh vực hoạt động quân sự.
Thủy Tiên
Tham khảo tại:
1. defensenewshttps://www.defensenews.com
2. https://webcache.googleusercontent.com/