Chính phủ Việt Nam vừa giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain). Thời gian để Ngân hàng Nhà nước thực hiện là từ 2021-2023.
Việt Nam đặt mục tiêu vào nhóm 30 nước dẫn đầu về chỉ số phát triển Chính phủ số
Trong đó nhấn mạnh: “Ưu tiên sử dụng các sản phẩm, giải pháp, công nghệ thiết kế, sản xuất bởi các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam trong các hệ thống Chính phủ số", mở các nền tảng quốc gia hướng tới tạo thành hệ sinh thái để các doanh nghiệp công nghệ số có thể tham gia phát triển các dịch vụ kinh tế số, xã hội số.
Chiến lược nêu rõ tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam vào nhóm 30 nước dẫn đầu về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số theo xếp hạng của Liên hợp quốc.
Hiện chưa có bất cứ loại tiền ảo nào được công nhận là đơn vị thanh toán tại Việt Nam.
Theo một nghiên cứu khảo sát, ngân hàng trung ương các nước có 3 phản ứng khác nhau về tiền kỹ thuật số. Nhóm 1 có khoảng 65 - 68 ngân hàng trung ương thực hiện thí điểm triển khai, nhóm 2 bắt đầu xây dựng kế hoạch và nhóm 3 đứng ngoài quan sát. VN nằm trong nhóm thứ 3 và với việc Thủ tướng giao cho NHNN nghiên cứu, xây dựng và thí điểm thì VN chuyển nhóm 3 lên nhóm 2.
Những người ủng hộ CBDC nêu ra nhiều ưu điểm của loại tiền này. Trong số đó, tiền kỹ thuật số sẽ mở ra khả năng tiếp cận hệ thống tài chính cho những người chưa có tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, tốc độ giao dịch chuyển tiền sẽ được đẩy nhanh hơn rất nhiều so với giao dịch ngân hàng kiểu truyền thống.
Tiền số giống với tiền ảo như Bitcoin hay Ethereum ở một số phương diện nhất định, nhưng lại có nhiều khác biệt quan trọng. Thay vì là một tài sản có thể mua đi bán lại với mức giá biến động chóng mặt nhưng lại có tính năng hết sức hạn chế, tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành sẽ được sử dụng với những tính năng như tiền mặt và được chấp nhận rộng rãi. Ngoài ra, tiền số do ngân hàng trung ương phát hành cũng được điều tiết đầy đủ như tiền giấy.
"Với tính ẩn danh cao, tiền số cũng có những rủi ro an ninh tài chính tiền tệ nếu có ai đầu cơ tích trữ gây ra các nguy hại không đáng có cho nền kinh tế. Hơn nữa, tốc độ xử lý giao dịch của khối blockchain cũng chậm hơn, khó đáp ứng được tốc độ giao dịch của người dân diễn ra hàng giờ, hàng phút. Vì vậy, công nghệ này chỉ có thể áp dụng cho hệ thống liên ngân hàng, các ngân hàng xuyên biên giới nhằm tránh các cuộc tấn công từ bên ngoài do tính bảo mật cao", ông Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính Trường đại học Kinh tế TP.HCM, nói.
TS Đặng Minh Tuấn, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Fintech (thuộc Hiệp hội Ngân hàng VN), tiền ảo của Chính phủ có với nhiều ưu điểm như giảm chi phí trong in ấn, sản xuất, lưu hành và bảo quản như tiền giấy; phù hợp với mục tiêu chuyển đổi số, hướng đến chính phủ số của VN.
"Tiền số do ngân hàng trung ương phát hành mang lại lợi ích cải thiện giao dịch tiền tệ, mà lại không có những tác dụng phụ tiêu cực của tiền ảo", chuyên gia Anna Zhou của Bank of America nhận định.
Hơn 60 quốc gia trên thế giới cũng đang trong cuộc đua tiền số
"Một phong trào lớn phát hành tiền số của ngân hàng trung ương (CBDC) có thể tạo ra thay đổi lớn thực sự trong hệ thống tài chính", chuyên gia kinh tế trưởng Chetan Ahya của Morgan Stanley nhận định trong một báo cáo được hãng tin CNBC trích dẫn. "Nỗ lực phát hành tiền số của ngân hàng trung ương đang có đà mạnh dần, với khoảng 86% ngân hàng trung ương trên thế giới xem xét ý tưởng tiền số".
Cũng theo báo cáo, đến nay mới chỉ có 23% số dự án tiền kỹ thuật số bán lẻ do ngân hàng trung ương triển khai đạt tới giai đoạn thực thi, và có tới gần 70% dự án tiền kỹ thuật số bán buôn đang chạy thử nghiệm.
Các dự án tiền kỹ thuật số của các nước chia làm 2 loại:
- Các dự án tiền kỹ thuật số bán lẻ - dùng trong các hoạt động thanh toán của người dân - đang chiếm ưu thế tại các nền kinh tế mới nổi.
- Các dự án CBDC bán buôn được dùng cho thanh toán liên ngân hàng. Hiện Thái Lan và Hồng Kông đang là hai nền kinh tế đi đầu, theo xếp hạng của PwC, tiếp theo là Singapore, Canada và Anh.
Tuy nhiên, đối tượng có tiềm năng chịu thiệt khi ngân hàng trung ương phát hành tiền kỹ thuật số là một số định chế tài chính, bao gồm cả ngân hàng truyền thống và các công ty công nghệ tài chính. Những ngân hàng và công ty này có thể mất đi một nguồn tiền gửi do người dân sẽ chuyển một phần tiền của họ vào tài khoản ngân hàng trung ương thông qua tiền số. Ngoài ra còn có những mối lo về bảo mật và vấn đề tích hợp.
Trong một báo cáo về chủ đề tiền số, ông Greg Baer - CEO của Bank Policy Institute, một tổ chức vận động hành lang của ngành ngân hàng Mỹ - cảnh báo về nguy cơ làm suy yếu hệ thống ngân hàng truyền thống mà tiền số do ngân hàng trung ương phát hành có thể gây ra. Ông cho rằng "ảnh hưởng đối với tăng trưởng kinh tế có thể sẽ lớn, trừ phi ngân hàng trung ương cũng tiếp quản trách nhiệm cho vay hoặc trở thành một nguồn cấp vốn thường xuyên cho các ngân hàng".
"Hướng đi này còn nhiều bấp bênh, và các lựa chọn có thể mang lại những kết quả rất khác nhau", ông Baer nhận định, đồng thời nhấn mạnh rằng sự thận trọng của Fed trái ngược với hành động "khá hấp tấp" của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
ECB hiện đang thúc đẩy dự án có tên Britcoin, nhưng nói rằng đây sẽ chỉ là một đường dẫn cho các ngân hàng, giữ vai trò trung gian cho các tài khoản tiền kỹ thuật số.
"Sáng kiến CBDC không nhằm mục đích gây đảo lộn hệ thống ngân hàng, nhưng nhiều khả năng các đồng tiền số đó sẽ tạo ra những thay đổi không lường trước được", chuyên gia Ahya của Morgan Stanley nói. "Tiền số càng được chấp nhận rộng rãi, thì cơ hội cho sáng tạo và mức độ thay đổi trong hệ thống tài chính sẽ càng lớn".
Mộc Trà
Theo NTDVN