Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo diễn biến bão phức tạp, mưa lớn dồn dập trong các tháng cuối năm 2022, đặc biệt là ở khu vực Trung Bộ.
Hình ảnh mưa lũ ở sông Hoàng Long năm 2017. (Ảnh minh họa: Nghiêm Anh Hải - tapchimattran)
Tại hội thảo phối hợp hướng dẫn khai thác thông tin khí tượng thủy văn và cập nhật nhận định diễn biến thiên tai 2022 do Tổng cục Khí tượng Thủy văn tổ chức ngày 16/6, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, đây là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam chịu ảnh hưởng của La Nina – hiện tượng này là ít gặp, thường chu kỳ enso là 2 năm. Dự báo số lượng bão sẽ nhiều hơn trung bình và điều chỉnh tăng hơn so với dự báo trước đây.
Cụ thể, dự báo từ nay đến hết năm 2022, khu vực Biển Đông có khoảng 10 - 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới.
Trong đó, khoảng 4 – 6 cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực đất liền của Việt Nam, ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Bão có hướng di chuyển phức tạp, dồn dập trong các tháng cuối năm 2022.
Trong các tháng mùa mưa từ tháng 7 tới tháng 9/2022, lượng mưa tại Bắc Bộ có khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm.
Trái lại, tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, lượng mưa có xu hướng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.
Từ khoảng tháng 10 đến tháng 11/2022, khu vực ven biển Trung Bộ và Tây Nguyên dự báo có lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm, cảnh báo nguy cơ cao xảy ra mưa lớn dồn dập.
Về nhiệt độ và nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ, ông Lâm cho biết, nhiệt độ trung bình tháng 7/2022 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, tháng 8 và 9/2022 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5 độ C.
Ông Lâm cảnh báo, trong tháng 7/2022, có thể xuất hiện giá trị cực đoan liên quan đến nhiệt độ ở khu vực các tỉnh Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ. Dự báo xác suất 70 - 80% khả năng xuất hiện nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ngày trên 37 độ C. Nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng không gay gắt, không kéo dài như năm 2021.
Ông Lâm cũng lưu ý, năm nay, không khí lạnh có khả năng hoạt động sớm từ tháng 10 và 11, nền nhiệt các tháng đầu mùa đông ở các tỉnh miền Bắc có khả năng thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết thêm, năm nay không khí lạnh đến sớm, hoạt động bão nhiều hơn, kết hợp với nhau thì ảnh hưởng nặng hơn tạo hình thế gây mưa.
Theo ông Khiêm, trạng thái La Nina liên tục từ năm 2020 đến nay, những pha lạnh như vậy khiến xác suất mưa liên tục cao, đặc biệt ở Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Năm nay dự báo khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương có bão mạnh, khả năng dồn vào cuối năm nên sẽ tác động đến Việt Nam. Mưa liên tục phối hợp với không khí lạnh đến sớm, tạo hội tụ gây mưa rất lớn và dồn dập ở miền Trung vào tháng 11…
Xem thêm: Những thứ bí ẩn bay ngang ở biên giới Tứ Xuyên và Tây Tạng - DBC News
Anh Thư
Đăng theo NTDVN