Trong những ngày gần đây, mưa lớn và đợt xả lũ đã gây ra lũ lụt nghiêm trọng ở nhiều vùng của tỉnh Hà Nam, trong đó thành phố Khai Phong là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. 

Cho đến ngày 31/7, khu nuôi lợn ở huyện Úy Thị vẫn chìm trong nước lũ, hàng nghìn con lợn chết đuối và bốc mùi hôi thối. Cán bộ cơ sở khẩn thiết cầu cứu xã hội còn người chăn nuôi lợn thì lỗ nặng. 

Vào ngày 29/7, thông báo của chính quyền huyện Úy Thị cho biết có 58 hộ gia đình chăn nuôi bị ảnh hưởng do đợt lũ lụt, bao gồm 8 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, số lượng gia súc gia cầm chết khoảng 160 nghìn con. Trong thôn nước vẫn tù đọng, 150.000 con gia súc, gia cầm chết vẫn bị ngâm trong nước. Những xác chết này đã bắt đầu phân hủy, môi trường xung quanh bị ô nhiễm, có nguy cơ bùng phát bệnh dịch.

Do nước đọng sâu và diện tích nước lớn, cần gấp nhân viên và thiết bị cứu hộ chuyên nghiệp cũng như đội tiêu hủy chuyên nghiệp. Ở cuối thông báo, chính quyền kêu gọi sự giúp đỡ của “lực lượng cứu hộ từ mọi tầng lớp xã hội”, và đánh dấu “Khẩn cấp”. 

Cùng ngày, ủy ban làng Nam Vĩ Ổ, thị trấn Thủy Pha cũng phát đi thông báo cầu viện, cho biết 4 trang trại lợn ở phía tây của ngôi làng đã bị ngập và hơn 6.000 con lợn chết bốc mùi hôi thối chưa vớt đợt. Họ khẩn thiết cầu cứu chính quyền các cấp, hy vọng ngoài việc giúp xử lý lợn chết, cấp trên còn tiến hành khử trùng trên không và phòng chống dịch bệnh. 

Chia sẻ với phóng viên Epochtimes, một người dân địa phương giấu tên (tạm gọi là anh Vương) cho biết “Hiện chúng tôi có bốn trang trại nuôi lợn, một trang trại lớn với hơn 5.000 con lợn, còn có [trạng trại] với 2.000, 3.000 con. Nước đổ về đột ngột những trang trại này…. Đêm 20 [tháng 7], xe không vào được, ngập hết cả chuồng lợn, cuốn trôi cả chuồng lợn”. 

Anh Vương nói thêm “Lợn bơi một hồi, ba ngày là chết. Bây giờ chết hết cả rồi, không còn một con. Hôm nay cũng đã mười ngày rồi”.

Hiện phương pháp xử lý của địa phương là đào hố chôn số lợn chết này. Nhưng cho đến nay, chính quyền địa phương vẫn chưa cho biết họ có hỗ trợ tài chính, đền bù cho những người dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa hay không.

Ngoài ra, anh Vương cũng đề cập rằng mặc dù mực nước sông hiện đã giảm xuống nhưng địa hình địa phương của anh là trũng và mực nước ở đó vẫn chưa giảm xuống. Hoa màu trong làng đều bị ngập úng, không có cách nào trồng lúa mì được. Anh ước tính rằng chỉ riêng ở ngôi làng của mình, thiệt hại về ruộng lúa và nuôi trồng sẽ vượt quá 100 triệu Nhân dân tệ.

Theo ĐKN