Vào thời cổ đại rất nhiều người tin vào thuyết tuần hoàn ngũ hành, có thể nói là rất kính ngưỡng và sùng bái. Họ tin vào Học thuyết âm dương ngũ hành, nếu một khi phạm phải quy luật tự nhiên, thì sẽ mang đến tai họa.
Kể cả những bậc Vương đứng đầu triều đại lúc bấy giờ, họ cũng rất chú trọng những học thuyết này, mỗi quốc gia đều có một số nhà chiêm tinh học, cũng gọi là Đại sư phong thủy. Việc bài trí các đồ vật, và mọi hành động trong Vương triều đều có thể ảnh hưởng đến vận mệnh của quốc gia. Đặc biệt là người hoàng đế đứng đầu một quốc gia lại nhất định phải cẩn trọng từng cử chỉ, hành động và lời nói. Một chút bất cẩn và không chú ý cũng có thể ảnh hưởng đến vận mệnh và sự “tồn vong” của quốc gia.
Mọi người biết rằng, hoàng đế thời cổ đại đều mặc long bào màu vàng, thế nhưng duy chỉ có Tần Thủy Hoàng mặc long bào màu đen. Vì sao các vị hoàng đế sau này không mặc long bào màu đen giống Tần Thủy Hoàng? Có chuyên gia lý giải rằng: “Không phải họ không muốn, mà là không dám”. Nguyên nhân vì sao? Ở trong đó ẩn chứa đạo lý gì?
Thời cổ đại có bốn loại màu sắc vô cùng trọng yếu, theo thứ tự là đen, trắng, đỏ, vàng, và màu đen tượng trưng cho quyền lực và sự uy nghiêm. Vì vậy, từ thời nhà Chu về trước, quy chế lục miện của hoàng đế các triều đại phần lớn là sử dụng màu đen. Lục miện chính là phục sức của thiên tử mặc trong sáu dịp khác nhau, tương đương với lễ phục. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thống trị của mình, sau khi thống nhất Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng đã thực hiện nhiều cải cách và đổi mới trên nhiều phương diện.
Ví dụ, Tần Thủy Hoàng thống nhất tiền, thước đo và văn tự, vv… Tuy nhiên, có một thứ cải cách nhưng không truyền lại về sau, đó chính là Long bào của ông. Bởi vì ông cảm thấy quy chế lục miện được sử dụng trước đó quá phiền phức, thế là ông liền hạ lệnh cho phế trừ. Thay vào đó là mũ thông thiên, mũ thông thiên này có dáng vẻ tựa như một ngọn núi đứng sừng sững, còn quần áo mặc là “huyền y huân thường”, đồng thời quy định trên dưới đều phải là màu đen.
Một lý do rất quan trọng khác khiến Tần Thủy Hoàng sử dụng màu đen là cá nhân ông tin vào thuyết Ngũ hành là: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Ông cho rằng, Hỏa chính là vật tổ của nhà Chu, mà triều Tần lại là Thủy trong Ngũ hành, do vậy, để dập tắt Hỏa của triều nhà Chu, mà màu đen lại đại biểu cho Thủy, từ đó triều Tần tôn thượng màu đen.
Cùng theo Ngũ Hành, màu đen là đại biểu cho Thủy (nước), từ đó triều Tần đã chủ trương màu đen. Ngoài việc đưa Ngũ Hành dung nhập vào trong quần áo, kiểu dáng phục sức của nhà Tần cũng đều tương đối đơn giản, chỉ là sau này nó được đổi thành loại quần tiện lợi cho cưỡi ngựa. Tuy nhiên, thiên hạ luôn không thoát khỏi vòng nhân quả tuần hoàn “hợp lâu tất phân”, triều đại thay đổi thì triều đại sau phải có sự khác biệt với triều trước, đặc biệt là quần áo.
Vì vậy, các triều đại sau này đã chọn Long bào có màu sắc khác, mặc dù triều nhà Hán kế thừa một số đặc điểm của thời Tiên Tần nhưng dần dà đề cao màu đỏ biểu tượng cho Hỏa (lửa).
Tại thời điểm này, hoàng đế khai quốc triều Minh Chu Nguyên Chương cũng mặc long bào màu đỏ. Nguyên nhân là do quân đội khởi nghĩa vào thời điểm đó là “Hồng quân cân” (quân khăn đỏ), và họ của Chu Nguyên Chương vào thời cổ đại cũng đại diện cho màu đỏ, cho nên mặc long bào màu đỏ cũng càng phù hợp.
Long bào màu vàng là được sử dụng đầu tiên từ thời Tùy Văn Đế. Ông cho rằng nền văn minh Hoa Hạ khởi nguyên từ Hoàng Đế Viêm Đế, mà bản mệnh của Hoàng Đế chính là thuộc Thổ, cho nên màu sắc của long bào cũng cần chọn màu vàng. Các bậc đế vương sau này cũng đều tán đồng với quan điểm này, cho nên màu vàng vẫn được tiếp tục lựa chọn làm màu sắc của Long bào.
Đến thời kỳ Vũ Đức của Hoàng đế Đường Cao Tổ, quy định dân gian không được phép mặc trang phục màu vàng, và màu vàng chỉ dành cho các thành viên hoàng thất sử dụng. Có chuyên gia giải thích rằng: Trung Quốc mấy ngàn năm đến nay chỉ có Tần Thủy Hoàng sử dụng quần áo màu đen, mặc dù nguyên nhân được cho là để phù hợp với quy luật tương khắc của Ngũ Hành.
Các bậc đế Vương sau này cũng biết rằng màu đen đại biểu rõ ràng cho địa vị và quyền lực, hơn nữa họ sợ rằng màu đen sẽ mang đến sự không chắc chắn. Vậy nên, các bậc đế Vương sau này dù muốn dùng cũng lại không dám dùng long bào màu đen, cuối cùng sử dụng màu vàng thay thế. Đồng thời, cũng là vì để biểu đạt sự tôn kính đối với Thiên cổ nhất đế là Tần Thủy Hoàng, dù sao ông cũng là vị Hoàng đế đầu tiên thống nhất Hoa Hạ, cho nên ông là nhân tài duy nhất có thể mặc long bào màu đen.
Lan Hòa
Nguồn: Sound Of Hope – Lý Tịnh Nhu
Đăng theo VĐH