Mãi duy trì được sức khỏe và tuổi thanh xuân là ước mơ mà con người theo đuổi. Vào 5.000 năm trước, các bậc Thánh nhân cũng dạy người ta cách dưỡng sinh, không cần phải uống thuốc, mà cần phải tu dưỡng nội tâm của mình.
Hoàng Đế hỏi thiên sư Kỳ Bá: “Người thượng cổ sống hơn 100 tuổi, mà sức khỏe vẫn tốt; mà người hiện nay mới 50 tuổi đã xuống sức rất nhiều rồi, là do thời đại khác nhau? Hay là do khuyết điểm của cá nhân?”.
Kỳ Bá trả lời: “Người thượng cổ thông hiểu đạo dưỡng sinh, ăn uống điều độ, cuộc sống thường ngày có quy luật, vì thế hình thể và tinh thần đều kiện toàn, vậy nên có thể sống lâu. Nhưng người hiện nay lại không như vậy, họ uống rượu nhiều, sống phóng túng, phòng the qua độ, dẫn đến hao tổn tinh lực; không khống chế được cảm xúc, chỉ theo đuổi ham muốn, thậm chí có những hành vi vui chơi hưởng thụ làm tổn thương đến sức khỏe, vì thế sống đến 50 tuổi sức khỏe đã hao kiệt rồi”.
Điềm đàm hư vô, chân khí sung túc, tinh thần giữ vững
Kỳ Bá so sánh, thái độ sống của cổ nhân rất khác, sau đó ông nói về những điều cao thâm của dưỡng sinh: “Thánh nhân thượng cổ chỉ dạy, phòng tránh tà khí, điềm đạm hư vô, tinh thần giữ vững, bệnh sẽ tự khỏi”.
Thánh nhân thượng cổ dạy nhân gian, phải phòng tránh tà khí (gió, rét, nóng, ẩm, khô, lửa), cần phải thanh tâm quả dục, xem nhẹ danh lợi, đạt đến cảnh giới “hư vô”, như vậy mới có thể làm cho chân khí điều hòa thông thuận, tinh cùng thần bảo hộ ở bên trong, ngoại tà không thể xâm phạm, bệnh tật không thể phát sinh.
“Thượng cổ thiên chân luận” là cuốn đầu tiên của “Hoàng đế nội kinh. Tố vấn”. “Thiên chân” là chỉ bản tính chân thật tiên thiên của con người, là bẩm sinh, bao gồm Tinh tiên thiên, Khí tiên thiên (chân khí), nguyên thần, vì thế đạo gia gọi Tinh, Khí, Thần, là “sinh mệnh tam bảo” – 3 bảo bối trong sinh mệnh, có thể bảo hộ sinh mệnh.
Dưỡng sinh là phải bảo dưỡng tam bảo Tinh, Khí, Thần, như vậy thì ngoại tà sẽ không thể xâm nhập.
Nhưng làm thế nào để bảo dưỡng tam bảo Tinh, Khí, Thần? “Điềm đàm hư vô” chính là cách mà Kỳ Bá đề xuất để bảo dưỡng tam bảo, chính là từ nội tâm của chúng ta mà ra. Phải có thể thanh tâm quả dục, coi nhẹ danh lợi, không được bị sự vật bên ngoài hấp dẫn, như thế nội tâm mới có thể thực sự thanh tịnh, đạt được “chân khí sung túc, tinh thần giữ vững”, chân khí điều hòa một cách thông thuận, hộ vệ ở bên ngoài, Tinh và Thần hộ vệ ở bên trong, cũng chính là bảo dưỡng tam bảo Tinh, Khí, Thần.
Đạo gia tu luyện thành Chân Nhân
Dưỡng sinh tiến xa hơn một bước chính là tu luyện, đạo gia tu luyện là để thành “Chân Nhân”, chính là “thần tiên” mà chúng ta gọi.
Hoàng Đế nói: “Ta nghe nói thượng cổ có chân nhân dẫn dắt thiên địa, nắm giữ âm dương, hấp thụ tinh khí, độc lập thủ thần, thân thần hợp nhất, nên có thể bất tử, thọ cùng với trời đất”.
Tu luyện thành chân nhân, thì có thể “bất tử”, sinh mệnh đã vượt qua thiên địa, vô cùng vô tận, cũng chính là đã đắc đạo thành tiên rồi.
Hoàng Đế bái kiến Quảng Thành Tử tại Không Động Sơn. Quảng Thành Tử đã 1.200 tuổi, Quảng Thành Tử trao tặng Hoàng Đế pháp tu Đạo “Trang tử. Tại hựu”. Hoàng Đế dốc lòng tu luyện, đắc đạo vào năm 120 tuổi, cưỡi rồng bạch nhật phi thăng.
Lê Hiếu (Theo zhengjian.org)
Đăng theo Tinh Hoa