Trong Danh hiền tập có câu: “Chuyện kín ở thế gian, Trời nghe tựa như sấm, lén lút làm chuyện xấu, Thần thấy rõ như gương” (Nhân gian tư ngữ, thiên văn nhược lôi; ám thất khi tâm, thần mục như điện). Mọi hành động, ý nghĩ của người đời, dù vô tình hay hữu ý đều sẽ được ghi lại, một lời thề nguyện cũng vậy.
Trong lịch sử có nhiều câu chuyện được ghi chép lại, có liên quan đến việc đã phát nguyện lời thề nhưng không thực hiện nên bị quả báo. Điển hình là câu chuyện dưới đây.
Fujiwara no Toshiyuki là một nhà thơ, nhà thư pháp nổi tiếng của thời Heian (Bình An: 749 – 1185) Nhật Bản. Ông cũng là người rất quan tâm tới những kinh điển Phật giáo. Một số người bạn của ông, kể cả những người quá cố, trước khi qua đời đều tới nhờ ông sao chép Kinh Phật. Tổng cộng số kinh Phật ông đã sao chép là khoảng hơn 200 cuốn.
Tại sao người chép kinh Phật lại bị truyền gọi tới âm phủ?
Trong cuốn sách cổ Uji shui monogatari (Câu chuyện của Uji) được viết vào khoảng thế kỷ 13 của Nhật Bản, có kể về câu chuyện kỳ lạ của Toshiyuki. Một ngày nọ, Toshiyuki đột ngột qua đời, linh hồn rời khỏi nhục thân. Một số âm sai với bộ dạng khủng khiếp đáng sợ đột nhiên xuất hiện, họ trói tay chân ông lại và ép đi theo họ.
Thấy thái độ đáng sợ của họ, ông hỏi: “Rốt cuộc tôi đã phạm tội gì vậy?”. Hai vị âm sai trả lời: “Ông đã từng sao chép kinh Phật phải không?”. Ông trả lời: “Đúng vậy”. Một vị âm sai nói: “Bản mệnh của ông vốn không bị gọi tới âm gian, chính vì ông sao chép kinh, mới được truyền gọi tới âm phủ”. Sau đó, đột nhiên có hơn hai trăm binh sĩ mặc áo giáp và đội mũ sắt, bộ dạng giống như ma quỷ cưỡi ngựa phi tới. Miệng họ phun ra lửa, đôi mắt như tia chớp rất đáng sợ làm Toshiyuki run rẩy kinh hãi tới gần như ngất đi.
Ông quay sang hỏi: “Những binh sĩ này là ai vậy?”. Vị âm sai trả lời: “Ông không biết họ thật sao? Họ chính là những người đã tới nhờ ông sao chép kinh Phật. Họ vốn hy vọng rằng nhờ công đức khi ông giúp họ sao chép có thể chuyển sinh tới thế giới tốt đẹp hơn hoặc kiếp sau có thể đầu thai làm người. Nhưng thật đáng buồn, khi sao chép kinh sách ông lại không tinh tấn, không tự giới cấm ăn thịt, tư tưởng hỗn loạn, thậm chí trong đầu đầy những tạp niệm tà dâm. Họ không những không có được công đức, ngược lại còn bị chuyển sinh thành thân thể hung bạo, tàn nhẫn. Họ căm hận ông, vì vậy mới kiện ông tới âm gian, yêu cầu bắt ông tới để báo thù”.
Toshiyuki sợ hãi run rẩy miệng lắp bắp: “Vậy… vậy tôi sẽ bị xử lý như thế nào?”. Quan âm sai đáp: “Họ sẽ dùng kiếm cắt ông thành 200 phần, mỗi người một phần, mỗi phần đều có tim của ông, để ông cảm nhận sự đau đớn cùng cực”. Nghe thấy những lời này, Toshiyuki càng sợ hãi hơn nữa, hỏi một cách bi thương: “Tôi phải làm thế làm để có thể thoát khỏi án phạt này?”. Một vị âm sai đi cùng khác đáp lời: “Tôi không biết, chúng tôi không thể giúp ông được”.
Bước đi một cách vô định và lo sợ, ông đi theo hai vị âm sai tiến về phía trước tới một dòng sông nước đen như mực. Lấy làm tò mò, ông lại hỏi: “Tại sao nước ở đây lại đen như vậy?”. Vị âm sai trả lời: “Đây đều là mực ông dùng để sao chép kinh Phật, nó trở thành nước sông”.
Ông lại hỏi: “Nhưng tại sao nước có mùi hôi thối, ô nhiễm thế?”. Viên âm sai trả lời: “Khi ông sao chép kinh Phật, những đoạn kinh văn được viết bằng nhân tâm thanh tịnh đều đã được thiên cung thu nạp. Những tạp niệm xấu, lười nhác đều bị bỏ hoang, mực bị hòa lẫn vào nước mưa, kết hợp với nhau hòa lẫn thành dòng sông dơ bẩn, ô nhiễm như vậy”.
Càng ngạc nhiên, lo sợ hơn nữa ông run rẩy vừa khóc vừa níu tay nói với vị âm sai: “Tôi phải làm thế nào mới được đắc cứu ạ? Dù phải làm bất cứ việc gì xin ngài hãy chỉ giúp cho tôi”. Vị âm sai nói: “Ông thật sự rất đáng thương, nhưng tội mà ông gây ra rất nghiêm trọng, tôi cũng không thể làm gì được”.
Phát nguyện hối cải trở lại dương gian
Chẳng mấy chốc họ đi tới phía trước một cánh cửa lớn. Ở đây có nhiều người bị trói chân tay, lại có nhiều người đeo xiềng xích, đông tới mức không có chỗ đứng. Hai trăm binh sĩ lúc trước nhìn ông với ánh mắt căm thù khinh ghét, chỉ mong có thể lập tức nghiền nát ông ra làm trăm mảnh. Toshiyuki hoảng loạn, luống cuống hỏi vị âm sai đi cùng: “Thật sự không còn cách nào khác sao?”. Vị âm sai suy ngẫm hồi lâu rồi nó: “Chỉ cần ông phát nguyện viết bốn bộ kinh thư (Bốn trăm quyển) thì may ra mới có thể”. Thế là, nhà thơ tiến tới trước cánh cửa lớn, trong lòng thành tâm phát nguyện: “Sau này, tôi nhất định sẽ tiếp tục hoàn thành viết bốn bộ kinh thư để chuộc lại lỗi lầm của mình”.
Một lát sau, ông được đưa tới điện của Diêm Vương. Một viên quan âm gian tiến tới phía trước điện hỏi: “Người này có phải Fujiwara no Toshiyuki không?”. Vị âm sai trả lời: “Đúng vậy”. Vị quan lại hỏi: “Bổn quan hỏi nhà ngươi, ở nhân gian có tu thành được loại công đức nào không?”. Nhà thơ đáp: “Tôi không có công đức gì, chỉ từng được người ủy thác sao chép hai trăm cuốn kinh Phật”. Vị quan âm gian lại nói: “Dương thọ của ông vốn chưa tận, vì nhân tâm ông chứa đầy tạp niệm xấu xa khi sao chép kinh Phật giúp người ta mà bị kiện tới đây. Bây giờ sẽ giao ông cho những người này, để họ tự xử trí theo mong muốn”.
Toshiyuki sợ hãi run rẩy nói với vị quan âm phủ: “Tôi đã phát nguyện sao chép bốn bộ kinh Phật, mới chép được hai bộ, nguyện vọng chưa thực hiện xong thì bị truyền gọi xuống đây. Xin hãy cho tôi cơ hội chuộc tội”. Vị quan nói: “Nếu đã có việc như vậy, hãy mang sổ sinh tử ra đây”. Sổ sinh tử được mang tới trước mặt quan sai âm phủ. Trong khi ông ta lật đi lật lại cuốn sổ, nhà thơ cũng tự mình đọc được những tội trạng mình đã gây nên trong kiếp này, từng việc từng chi tiết dù nhỏ nhất cũng đều được ghi chép lại rõ ràng. Thực sự không có chút công đức nào. Và tâm nguyện mong muốn sao chép bốn bộ kinh Phật ông đã xuất tâm trước khi bước qua cánh cửa, được ghi chép ở trang sau cùng.
Quan âm gian đọc một hồi và nói: “Sự thật đúng là như vậy. Ta sẽ cho ông một cơ hội nữa, ông có thể trở về thực hiện ước nguyện của mình, nhưng ông phải làm nó một cách thực sự chân chính”. Sau khi vị quan âm gian đưa ra phán quyết, hai trăm binh sĩ kia cũng đột nhiên biến mất. Quan âm gian nhấn mạnh lần nữa với ông: “Sau khi trở lại dương gian, ông nhất định phải giữ lấy lời thề của mình, nói được làm được”. Thế là nhà thơ được đưa trở về.
Chính kiến dao động không hoàn thành thệ ước
Tại dương gian, vợ ông đang ngồi bên quan tài chồng khóc thương đau buồn, thì đột nhiên ông sống lại. Ông vô cùng vui mừng và cảm thấy mình vừa tỉnh lại sau một giấc mộng dài. Tuy nhiên những tình tiết trong giấc mơ lại rõ ràng chân thực hiển hiện trước mắt. Ông nhắm mắt lại và tự nhủ: “Lần này mình nhất định phải cố gắng sao chép kinh Phật với nội tâm thanh tịnh”.
Tuy nhiên thời gian càng lâu, nhân tâm của ông trở nên rối loạn, ông không khống chế được bản thân, niệm đầu sinh ra những tư tưởng không tốt. Nguyện ước khi trước dần dần biến mất, thay vào đó là dục vọng ăn chơi hưởng lạc biếng nhác. Lâu ngày, ông quên hết thệ nguyện đã hứa dưới âm gian, và cũng vì thế mà mất đi sinh mệnh.
Hơn một năm sau khi ông Toshiyuki qua đời, nhà thơ Ki no Tomonori, nhà biên tập chính của tập thơ Kokin Wakashū nằm mơ thấy ông với dung mạo kỳ quái đáng sợ, sắc mặt vô cùng đau khổ nói: “Vì tôi phát nguyện sao chép bốn bộ kinh Phật mới được kéo dài thọ mệnh và trở về nhân gian. Nhưng vì ý chí không kiên định, nhân tâm dục vọng xấu xa không từ bỏ, không thể hoàn thành nguyện ước cuối cùng bị trừng phạt tới chết. Những thống khổ mà tôi đang phải chịu đựng bây giờ rất khủng khiếp không gì so sánh được”.
Ngập ngừng thật lâu, ông nói tiếp: “Nếu ông đồng cảm với tôi, xin ông hãy tìm lại những bản thảo kinh thư mà tôi đã viết, mang lên nhờ các nhà sư ở đền Onjō-ji (một ngôi chùa Phật giáo ở Nhật Bản nằm dưới chân núi Hiei, thuộc thành phố Ōtsu thuộc tỉnh Shiga), nhờ họ chép giúp tôi bốn bộ kinh Phật và cúng dường”. Nói rồi ông khóc lớn thương tâm như một đứa trẻ. Nhà thơ Ki no Tomonori giật mình tỉnh giấc khi gặp cơn ác mộng, mồ hôi toát ra khắp người. Khi trời vừa sáng, ông tới tìm lại những tài liệu cũ của nhà thơ Fujiwara no Toshiyuki và mang lên chùa nhờ các tăng nhân.
Vừa nhìn thấy nhà thơ Ki no Tomonori, các tăng nhân trong đền Onjō-ji bèn nói: “Tôi đang định cử người tới quý phủ mời ông, không ngờ ông lại tới thăm”. Nhà thơ hỏi: “Xin hỏi có việc gì cần gặp tôi chăng?”. Vị tăng nhân bèn đáp: “Đêm qua, tôi mơ thấy ông Fujiwara no Toshiyuki đã quá cố. Ông ấy nói vì không hoàn thành thệ nguyện sao chép bốn bộ kinh Phật mà đang phải chịu muôn vàn thống khổ dưới địa ngục. Ông ấy nói nhờ ông mang những giấy tờ tài liệu cũ tới chỗ chúng tôi để chúng tôi giúp ông ấy hoàn thành thệ nguyện và cúng dường giúp ông ấy giảm bớt tội nghiệp”.
Sau khi nghe những lời này, ông Ki no Tomonori cũng thuật lại giấc mơ của mình, và hai người bùi ngùi xúc động thương cảm không nói lên lời. Tăng nhân đền Onjō-ji nhận những tài liệu và giúp người đã khuất hoàn thành thệ nguyện.
Thời gian sau linh hồn ông Fujiwara no Toshiyuki lại đồng thời xuất hiện trong giấc mơ của hai người và nói: “Cảm ơn hai vị, tôi đã được thoát khỏi những tội khổ đau đớn nhờ công đức của hai người”. Sắc mặt và tâm trạng của ông cũng rất tốt, ánh mắt sáng nên một niềm cảm ân vô hạn, vui vẻ khác hoàn toàn với lần trước.
Kiên Định
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung