Có người than rằng: “Lúc thì không cho sinh, lúc lại không cho chôn cất, tôi thực sự phục các người!”.
Mùa hè năm 2018, tại một số địa phương như Nghi Xuân, Cát An… thuộc tỉnh Giang Tây, các quan chức địa phương của ĐCSTQ đã thu thập quan tài của các hộ gia đình, cưỡng chế mang đi tiêu hủy tập trung. Dưới áp lực nhiều mặt, nhiều thôn dân đã chủ động giao nộp những chiếc quan tài đã đặt trong nhà mười mấy năm, thậm chí hàng chục năm. Những bức ảnh được tung ra trên Internet cho thấy, quan tài của nhiều thôn làng khác nhau được đặt ở cổng làng, chờ tiêu hủy tập trung. Không chỉ vậy, thậm chí nhiều người lớn tuổi quyết định tự tử trước để được chôn cất trước, như vậy có thể giữ được thi thể nguyên vẹn.
Vậy thì điều gì đã khiến ĐCSTQ muốn phá bỏ văn hóa chôn cất mai táng được duy trì từ hàng ngàn năm nay? Vì sao người dân lại phản ứng lớn như vậy? Vì sao người dân Trung Quốc lại coi trọng những việc sau khi chết như vậy?
Chúng ta lấy các vấn đề xã hội ngày nay, làm một phép so sánh và xem cách họ suy nghĩ và giải quyết chúng theo quan điểm của người Trung Quốc cổ đại.
Nguồn gốc tục lệ thờ cúng tổ tiên
Trung Hoa là một dân tộc có lịch sử rất lâu đời. Dân tộc này có sự tôn trọng và tôn thờ phi thường đối với tổ tiên của họ. Bởi vậy, mộ phần của tổ tiên là nơi các thế hệ sau tưởng nhớ cội nguồn. Vì sao vậy? Điều này bắt đầu từ truyền thống nhân văn của dân tộc Trung Hoa. Tương truyền bấy giờ hỗn độn sơ khai, âm dương còn chưa được điều chỉnh, Thần linh đã tạo ra con người theo hình dáng của mình. Nhưng khi đó, môi trường tự nhiên vô cùng khốc liệt, tai họa trùng trùng. Thế là Ngọc Hoàng liền phái các Thần chuyển thế thành vua và các trọng thần phò tá nhà vua, xuống trần để giúp đỡ con người, chỉ dạy bách tính, hướng dẫn họ làm sao để sản xuất sinh hoạt, cưới xin ma chay, từ đó đặt nền móng cho văn hóa Thần truyền của đất nước Trung Hoa rộng lớn. Ví dụ như Thần Phục Hy, Nữ Oa tạo ra con người, Thần Nông nếm trăm loại thảo dược, ngoài ra còn có Hữu Sào Thị, Toại Nhân Thị, Đế Khốc, Chuyên Húc, Đế Nghiêu, Đế Thuấn, Đế Vũ…
Sau khi họ chết, người đời sau đã xây dựng lăng mộ cho họ để ghi nhớ công ơn các vị Thần. Đó là thời kỳ người và Thần cùng tồn tại (Nhân Thần đồng tại). Hơn nữa, những người sáng lập văn hóa Trung Quốc với màu sắc thần thoại đã trở thành tổ tiên nhân văn đầu tiên của dân tộc Trung Hoa, và tự nhiên trở thành đối tượng được người đời sau tôn thờ. Thật vậy, ví như bài thơ “Dữ chư tử đăng Hiện Sơn” của thi nhân nhà Đường Mạnh Hạo Nhiên có viết:
“Nhân thế hữu đại tạ,
Vãng lai thành cổ kim.
Giang sơn lưu thắng tích,
Ngã bối phục đăng lâm
Thuỷ lạc ngư lương thiển,
Thiên hàn Mộng trạch thâm.
Dương công bỉ thượng tại,
Độc bãi lệ triêm khâm”.
Dịch nghĩa:
Chuyện đời có đổi thay có tàn tạ
Quá khứ tương lai làm nên lịch sử xưa nay
Núi sông còn ghi lại thắng tích
Để cho chúng ta lại có dịp lên đây chiêm ngưỡng.
Nước xuống thấy đồ bắt cá nằm ngổn ngang
Trời lạnh thấy đầm Vân Mộng sâu
Bia đá Dương công còn đấy
Đọc xong nước mắt ròng ròng ướt đầy vạt áo.
Bia đá Dương công trong bài thơ là chỉ cái bia của Dương Hỗ đời Tấn, đặt trên núi Hiện Sơn (phía nam huyện Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc). Khi ông trấn ở đất Tương Dương, nhân dân rất yêu mến. Đến khi ông mất, người ta làm bia ở trên núi Hiện Sơn là nơi ông hay lên xem phong cảnh, để ghi công đức của ông. Những ngôi mộ của các bậc thánh nhân hiền sĩ từ ngàn năm nay tọa trên đất nước Trung Quốc rộng lớn để hậu thế tưởng niệm công ơn.
Trong “Tả truyện” có nói “Quốc chi đại sự, tại tự dữ nhung”, nghĩa là: Việc lớn của đất nước bao gồm tế lế và chiến tranh. “Tự” ở đây chính là nói hoạt động tế lễ, trong xã hội truyền thống chính là nghi thức tế lễ trang nghiêm, long trọng. Còn “Nhung” là hoạt động quân sự, chiến tranh. Do đó, hễ là vấn đề liên quan đến hai việc này, đều phải cực kỳ nghiêm túc và thận trọng, không ai dám buông thả hay lỗ mãng.
Trong bộ sách cổ khác là “Quốc Ngữ – Chu Ngữ Thượng” cũng ghi chép lại: “Phu tự, quốc chi đại tiết giã” (tế lễ là lễ hội lớn của quốc gia), chính là nói tế lễ cúng bái rất long trọng trang nghiêm. Vậy thì đối với một gia tộc hay một gia đình, thì có lẽ cũng là “Phu tự, gia chi đại tiết hĩ”. Người xưa đã rất chú ý đến việc sùng kính và thờ cúng tổ tiên, thì cũng rất coi trọng các cỗ quan tài và phần mộ. Các hình phạt cho việc trộm mộ, phá hủy các ngôi mộ, vứt xác rất khắc nghiệt trong các triều đại từ xưa đến nay. Ví dụ “Luật Đại Thanh” quy định rằng kẻ cầm đầu sẽ bị xử tử hình, tòng phạm sẽ bị treo cổ.
Người dân Trung Quốc thường nhắc đến 4 điều thất đức lớn là: “Đánh người mù, mắng người câm, đạp cửa nhà góa phụ, đào mộ dân thường”, có thể thấy hành vi đào phần trộm mộ từ lâu đã được liệt vào danh sách các điều ác. Quan tài linh cữu không chỉ là cách để con cháu đời sau tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên, đồng thời văn hóa truyền thống Trung Quốc cũng tin rằng phong thủy của ngôi mộ tổ tiên có liên quan trực tiếp đến vận mệnh của các thế hệ sau. Bởi vậy, người xưa sợ nhất là mộ tổ bị đào xới, phạm vào đại kỵ của phong thủy thì ngay cả mỗi cành cây ngọn cỏ trên mộ đều sẽ lên tiếng.
Người xưa nói: “Sinh giả mệnh tòng táng giả định” (vận mệnh của người sống là do người chết định đoạt), chính là phong thủy nơi chôn cất các ngôi mộ không giống nhau, do đó tạo ra vận thế gia tộc đời sau cũng như số phận con cháu sau này cũng khác nhau. Theo cách nói này, lăng mộ của các vị tổ tiên của văn minh Trung Quốc có phải cũng đang phù hộ cho hàng triệu con cháu Trung Quốc hay không?
Cách mạng Văn hoá: Đào mộ, huỷ di tích hàng loạt
Nói đến đây, ĐCSTQ hiện giờ bất kính với đất trời, càng không tôn trọng tổ tiên của mình. Với khẩu hiệu “phá tứ cựu” của trào lưu cách mạng văn hóa, ĐCSTQ đã đánh đập, cướp bóc, phá hủy lượng lớn các di sản văn hóa, trong đó có rất nhiều lăng mộ các vị Thánh và hiền nhân cổ đại. Chúng ta cùng điểm xem, những lăng mộ nào đã bị hủy hoại:
1. Quen thuộc nhất với người dân Trung Quốc có lăng Viêm Đế (Thần Nông). Trong cuộc cách mạng văn hóa, chính điện của lăng Viêm Đế đã bị cháy rụi, lăng mộ cũng bị đào bới lung tung.
2. Còn có mộ viên của ông tổ tạo chữ Thương Hiệt, trong cuộc cách mạng văn hóa cũng bị hủy hoại, nghiễm nhiên đổi thành “nghĩa trang liệt sĩ”.
3. Lăng Thuấn Đế ở Sơn Tây cũng bị hủy trong cuộc cách mạng này.
4. Đền Đại Vũ trên núi Hội Kê, Thiệu Hưng, Chiết Giang cũng bị dỡ bỏ.
5. Tất nhiên còn có phần mộ của người được hậu thế tôn làm “Đại thành chí thánh tiên sư Văn Tuyên Vương” Khổng Tử cũng không thoát khỏi tai họa.
Chưa kể những danh nhân nổi tiếng có công lao to lớn như Bao Chửng, Nhạc Phi, Hạng Vũ, Hoắc Khứ Bệnh, Trương Trung Cảnh (y thánh), Vương Dương Minh, Vương Hi Chi, Hải Thụy, Trương Cư Chính, Viên Sùng Hoán, Ngô Thừa Ân, Trương Chi Động, Lý Hồng Chương, Khang Hữu Vi…, phần mộ của các bậc danh nhân hiền sĩ cổ đại này toàn bộ bị ĐCSTQ một tay phá hủy.
Thê thảm nhất chính là nhân vật Khang Hữu Vi, lãnh tụ phái Duy Tân ở Trung Quốc cuối thế kỷ XIX. Trong thời gian cuộc cách mạng văn hóa nổ ra, một giáo viên trung học dẫn đầu một nhóm học sinh trung học lấy lý do “lấy đầu của phái bảo hoàng ra thị chúng” đã quật mộ rồi buộc di thể của Khang Hữu Vi vào dây thừng, kéo lê khắp đường phố. Đầu của ông còn gắn lên một cây sào, giơ lên giữa không trung diễu hành, cuối cùng, đầu của ông bị Trung Cộng đưa đến “hội chợ triển lãm tạo phản thành phố Thanh Đảo”, bên trên còn ghi dòng chữ: “đầu chó lớn nhất của phái bảo hoàng Trung Quốc – Khang Hữu Vi”.
Vào thời điểm đó, mọi nhân vật lịch sử được nhắc đến trong sử sách, bị tìm thấy mộ, bị đào bới lên, dường như chỉ cần là “phe nổi loạn” thì tất cả đều bị quật mộ không sót một ai. Còn rất nhiều ngôi mộ của các liệt sĩ quốc quân hy sinh trong kháng chiến chống Nhật cũng bị “nhân tiện” phá hủy một loạt. Tuy nhiên, trong số nhiều tổ tiên nhân văn của quốc gia Trung Quốc, ngôi mộ của một người không bị đánh cắp, đó chính là lăng Hoàng Đế.
Tương truyền, Hoàng Đế tu Đạo thành Tiên, cuối cùng cưỡi rồng bạch nhật phi thăng, cho nên lăng Hoàng Đế chỉ còn là một ngôi mộ rỗng không có hài cốt bên trong. Dù như vậy, Trung Cộng cũng không bỏ qua. Người ta nói rằng, bấy giờ lớp đất bên trên lăng mộ Hoàng Đế đã bị đào ra, phát hiện bên dưới là những phiến đá dày, vì nhân công không thể đào được nên đã chuẩn bị dùng thuốc nổ, nhưng vì quá rắc rối, phía Bắc Kinh đã ra lệnh dừng không đào nữa. Không cạy được dưới đất, vậy thì phá cái trên mặt vậy, thế là rất nhiều kiến trúc trên mặt đất bị phá hủy. Do đó, trong cuộc cách mạng văn hóa, lăng mộ Hoàng Đế, thủy tổ của dân tộc Trung Hoa cũng bị phá hủy vĩnh viễn.
Cưỡng chế hoả táng
Cuộc cách mạng văn hóa kéo dài suốt 10 năm, lăng mộ của các vị tổ tiên gần như đã bị phá hủy hết. Tuy nhiên, vào giữa những năm 70 của cuộc cải cách và mở cửa, nhiều người Hoa từ hải ngoại bắt đầu trở về đại lục để thờ cúng tổ tiên. Không thể để người khác biết phần mộ tổ tiên của mình đều bị phiến quân đào xới đến chẳng còn gì, ĐCSTQ lại bắt đầu dành thật nhiều nhân lực và tài nguyên để tu sửa một số lăng mộ của hoàng đế. Tất nhiên, có vô số văn vật quý giá bị phá hủy không thể nào khôi phục lại như ban đầu. Do đó, việc phục hồi phần lớn các văn vật chỉ là một kiến trúc mới giả mạo cho đủ số lượng mà thôi.
Vì vậy, nhiều năm sau, khi đồng bào hải ngoại đến Trung Quốc đại lục du lịch đều nói rằng nhiều di tích lịch sử chỉ là những cái tên, và tất cả chúng đều là những di tích văn hóa giả mới được xây dựng. Mục đích chính của việc xây dựng lại các di tích lịch sử là để phát triển tài nguyên du lịch. Còn ý định ban đầu của ĐCSTQ muốn phá hủy văn hóa truyền thống sẽ không thay đổi. Mùa hè năm 2018, Trung Cộng đã một dao chặt đứt phong tục tập quán từ ngàn năm, chỉ trong vòng hơn 1 tháng ngắn ngủi, ít nhất 5000 cỗ quan tài đã bị tịch thu và thiêu hủy ở thành phố Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây. Hàng trăm nghìn cỗ quan tài gỗ chất đống như núi trên bãi đất trống, bị máy ủi lần lượt nghiền nát, trong nháy mắt biến thành đống gỗ vụn.
Chính quyền thậm chí không bỏ qua cho những cỗ quan tài đã nhập thổ. Tháng 4 năm 2018, chỉ 7 ngày sau khi chôn cất ông Trịnh 81 tuổi ở làng Dương Kiều, thị trấn Tất Công, huyện Qua Dương, tỉnh Giang Tây, các quan chức địa phương, phớt lờ sự ngăn cản của các thành viên trong gia đình, đào mộ và đưa thi thể ông ra ngoài cưỡng chế hỏa táng. Chính quyền địa phương còn ca ngợi việc này và tuyên bố đã xử lý thành công một vụ chôn cất bất hợp pháp, “cả quá trình tiến hành thuận lợi, các thành viên trong gia đình đều có tâm trạng ổn định”.
Tất cả điều này có liên quan đến việc thúc đẩy một chiến dịch gọi là “Cải cách tang lễ xanh” ở Giang Tây. Theo một thông báo của địa phương, chính quyền đã thực hiện cải cách tang lễ “0 giờ hành động” từ 0:00 ngày 1 tháng 9 năm 2018, yêu cầu toàn bộ di thể của tất cả các quận huyện phải tiến hành hỏa táng, tỷ lệ hỏa táng 100%… Nghiêm cấm cho di thể vào quan tài để chôn cất, nghiêm cấm cho tro cốt vào quan tài đem chôn cất, “nếu vi phạm quy định, sẽ bị dỡ bỏ phần mộ, cưỡng chế hỏa táng”. Nhiều người già đã bật khóc, có người còn dứt khoát nhảy vào quan tài muốn được chết chung cùng cỗ quan tài của mình. Những sự việc này cũng làm dấy lên dư luận trên Internet, có người than rằng: “Lúc thì không cho sinh, lúc lại không cho chôn cất, tôi thực sự phục các người!”. Cũng có cư dân mạng nói rằng, sao không san bằng ngôi mộ trên quảng trường Thiên An Môn đi? Sao không đến lăng mà cướp xác Mao Trạch Đông? Sao không tịch thu luôn cả cỗ quan tài thủy tinh của ông ta luôn đi?
Cũng có cư dân mạng tiết lộ thông tin, đằng sau sự việc cướp quan tài còn có dây chuyền lợi ích của chuỗi sản nghiệp tang lễ khổng lồ. Những thứ như hỏa táng, nghĩa trang, bia mộ… những năm qua đều theo giá của thị trường bất động sản không ngừng tăng cao. Các quan chức địa phương cũng đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh lớn và lợi nhuận khổng lồ. Nếu tất cả người dân đều lựa chọn chôn cất (thổ táng), và đều chôn trong phần mộ tổ tiên sau núi của gia đình, vậy thì không khác gì phá vỡ chuỗi sản nghiệp này, các quan chức cũng sẽ không nhận được bất kỳ lợi ích nào.
Mặc dù cuộc cách mạng văn hóa đã đi qua mấy chục năm, cơn phong ba bão táp càn quét phá hủy các văn vật văn hóa truyền thống quy mô lớn đến nay dường như cũng không còn nữa, nhưng từ sự việc cưỡng chế hủy phần mộ đốt quan tài xảy ra gần đây, chúng ta đã nhận ra ĐCSTQ đang từng bước từng bước hủy hoại văn hóa truyền thống. Đầu tiên là phủ nhận văn hóa, sau đó là phá hủy văn vật di tích, tiếp đến là tách rời văn hóa dân gian, khiến người dân Trung Quốc mất liên lạc thậm chí là phản đối văn hóa truyền thống của chính mình, đến cuối cùng sẽ hoàn toàn quên đi văn hóa dân tộc mình.
Theo Sound Of Hope
Quỳnh Chi biên dịch
Đăng theo ĐKN