Ngày 6/1 tới là ngày chính thức xác nhận tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, khi Lưỡng viện Mỹ họp để xác nhận kết quả các lá phiếu Đại cử tri. Trong vô số cáo buộc gian lận bầu cử dẫn đến sự tồn tại của các lá phiếu Đại cử tri tay đôi của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ở các tiểu bang chiến trường, việc kiểm đếm lá phiếu của đảng nào tại các tiểu bang tranh chấp này sẽ quyết định kết quả cuộc bầu cử và ứng viên của đảng nào – Joe Biden hay Donald Trump – sẽ trở thành Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ. Đây là một câu hỏi mở chưa có đáp án, cũng là một điểm nghẽn pháp lý làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận sôi nổi trong giới luật học.

Tác giả Petr Svab đã có bài bình luận trên tờ The Epoch Times về cuộc họp quan trọng này. Sau đây là nguyên văn bài viết:

Vào lúc 1 giờ chiều theo giờ địa phương ngày 6/1 (1 giờ sáng hôm 7/1 theo giờ VN), các thành viên Quốc hội Mỹ sẽ tập trung tại Hạ viện để theo dõi quá trình chính thức xác nhận các lá phiếu của Đại Cử tri đoàn để bầu ra tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ.

Mặc dù buổi họp này thường chỉ mang tính hình thức, nhưng cho đến nay, không có gì là bình thường về cuộc bầu cử tổng thống 2020 trong bối cảnh có rất nhiều cáo buộc gian lận cử tri ở các tiểu bang chiến trường quan trọng.

Tình hình khá phức tạp do thiếu sự minh bạch về các khung pháp luật và hiến pháp cho quá trình này. Phiên họp chung của Quốc hội có thể dẫn đến thế bế tắc, trong đó một người chiến thắng rõ ràng trong cuộc đua thậm chí có thể không được công bố.

Dựa trên kết quả bầu cử đại cử tri do Đảng Dân chủ công bố, cựu Phó Tổng thống Joe Biden đã nhận được 306 phiếu đại cử tri so với 232 phiếu bầu của TT Trump. Trong khi đó, đảng Cộng hòa ở 7 tiểu bang chiến trường nơi ông Biden tuyên bố giành chiến thắng đã gửi các lá phiếu đại cử tri của riêng họ đến Washington, đồng thời một số Dân biểu Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã tuyên bố trước đó rằng họ sẽ phản đối các đại cử tri của đảng Dân chủ ở một số tiểu bang. Bất kỳ sự phản đối nào sẽ cần đến sự ủng hộ từ một dân biểu và một thượng nghị sĩ để được xem xét, cùng ít nhất một thượng nghị sĩ để ngỏ khả năng ông sẽ tham gia vào nỗ lực này.

Vậy điều gì sẽ xảy ra?

Việc kiểm phiếu chủ yếu được chỉ đạo bởi Tu Chính Án 12 trong Hiến Pháp và Đạo luật về Kiểm phiếu Đại cử tri năm 1887 (không thuộc Hiến Pháp).

 

Hiến pháp chỉ đơn giản quy định rằng các đại cử tri của mỗi tiểu bang phải họp, lập danh sách các phiếu bầu, “mà sau đó họ sẽ ký và xác nhận”, rồi gửi các phiếu bầu cho Chủ tịch Thượng viện, tức là Phó Tổng thống Mike Pence.

“Chủ tịch Thượng viện, trước sự chứng kiến ​​của Thượng viện và Hạ viện, sẽ mở tất cả các chứng chỉ và phiếu bầu để tiến hành kiểm đếm”, theo nội dung Tu chính án 12, được thiết lập vào năm 1804.

Đạo luật về Kiểm phiếu Đại cử tri năm 1887, hiện được gọi là Chuẩn luật 2 Mục 15, thiết lập quy trình kiểm phiếu, cách đưa ra phản đối và cách giải quyết tranh chấp. Đầu tiên, Đạo luật cho biết Phó Tổng thống là người chủ trì toàn bộ quá trình. Sau đó, nó cho biết các lãnh đạo Hạ viện và Thượng viện mỗi người chỉ định hai người kiểm phiếu. Phó Tổng thống mở phong bì có giấy chứng nhận phiếu bầu và đưa cho người kiểm phiếu. Những người kiểm phiếu sau đó sẽ đọc to tên ứng viên, đếm và trao lại cho Phó Tổng thống để thông báo kết quả.

Sau đó, bằng một thứ ngôn ngữ khá phức tạp, luật cũng cho biết các thành viên Quốc hội có thể phản đối các lá phiếu cử tri. Cần ít nhất một phản đối từ mỗi viện để kích hoạt một lá phiếu riêng của cả Hạ viện và Thượng viện cho các phản đối. Nếu cả hai viện đồng ý, những lá phiếu bị phản đối sẽ bị vô hiệu hóa. Điều này hầu như không khả thi khi đảng Dân chủ chiếm đa số trong Hạ viện.

Nếu hai nhóm đại cử tri của cả hai Đảng (đại cử tri đấu tay đôi) tại các tiểu bang tranh chấp được đưa ra để kiểm phiếu, Hạ viện và Thượng viện cần phải bỏ phiếu độc lập xem nhóm nào là hợp pháp và nhóm nào nên bị bác bỏ. Nếu hai viện bỏ phiếu khác nhau, nhóm có xác nhận của thống đốc tiểu bang sẽ được kiểm phiếu. Điều này sẽ mang lại chiến thắng cho Joe Biden.

Vấn đề nằm ở chỗ, có rất nhiều cơ quan phân tích pháp lý lập luận rằng Đạo luật về Kiểm phiếu Đại cử tri là vi hiến. Bởi theo họ, Quốc hội không thể tự cho mình quyền quyết định nhóm đại cử tri nào là chính xác và lá phiếu nào nên bị từ chối. Quốc hội cũng không có quyền lực chỉ định các thống đốc tiểu bang làm trọng tài cuối cùng, theo lập luận của một nhóm các nhà lập pháp và học giả pháp lý.

Có hai luận điểm cho việc theo Hiến pháp ai có quyền quyết định chọn Đại cử tri.

Một số nhà luật học nói rằng chính Phó Tổng thống là người có toàn quyền quyết định số phiếu nào sẽ được kiểm đếm. Lập luận này cho rằng các nhà soạn thảo Hiến pháp muốn Phó Tổng thống có thẩm quyền duy nhất trong việc kiểm phiếu bởi vì nghị quyết đồng thuận kèm theo Hiến pháp nói rằng Thượng viện nên bổ nhiệm Chủ tịch của mình “với Mục đích Duy nhất là nhận, mở và kiểm đếm các phiếu bầu Tổng thống”.

Hơn nữa, trước khi thông qua Đạo luật về Kiểm phiếu Đại cử tri, luôn luôn là Phó Tổng thống kiểm phiếu, đôi khi bất chấp sự phản đối đa số từ Quốc hội. Thomas Jefferson đã làm như vậy với tư cách Phó Tổng thống trong cuộc bầu cử năm 1800, khi ông quyết định kiểm đếm cả số phiếu bị lỗi (không hợp hiến) của tiểu bang Georgia, từ đó đảm bảo một chiến thắng cho nhiệm kỳ tổng thống của mình.

Các nhà lập pháp tiểu bang Arizona và các đại cử tri Đảng Cộng hòa, cùng với Dân biểu Louie Gohmert, đã đệ đơn kiện liên bang yêu cầu tòa án làm rõ theo luật rằng Đạo luật về Kiểm phiếu Đại cử tri ban hành năm 1887 là vi hiến và quyền lực của Phó Tổng thống là tối quan trọng.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với quan điểm này.

Giáo sư John Harrison từ Đại học Virginia, một chuyên gia về lịch sử hiến pháp, nhận định Phó Tổng thống không có “bất kỳ quyền lực hiến pháp nào để đưa ra quyết định” đối với việc các lá phiếu đại cử tri của Đảng nào sẽ được kiểm.

Ông lập luận rằng Quốc hội không có quyền đưa ra kết luận cuối cùng đối với việc kiểm phiếu. Nhưng điều đó không có nghĩa là Quốc hội không thể đưa ra bất kỳ quy tắc nào. 

“Hiến pháp yêu cầu kiểm phiếu trước sự hiện diện của cả hai viện, vì vậy tôi nghĩ rằng việc thiết lập các thủ tục kiểm phiếu nằm trong quyền lực của Quốc hội”, ông John Harrison trao đổi với Epoch Times qua email.

Lập luận thứ hai là Hiến pháp trao thẩm quyền quyết định chọn đại cử tri cho các cơ quan lập pháp tiểu bang. Do đó, bất kỳ tranh chấp nào về việc lá phiếu đại cử tri nào sẽ được tính nên được giải quyết bởi các cơ quan lập pháp tiểu bang.

Vấn đề nằm ở chỗ, các cơ quan lập pháp tiểu bang không có mặt trong phiên họp và họ không thể tập hợp trong một phiên họp đặc biệt nếu không có lời kêu gọi từ các thống đốc, những người đã từ chối làm vậy. Trong khi đó, các cơ quan lập pháp thường trao quyền chứng nhận đại cử tri cho các Thống đốc và các Chánh Thư ký tiểu bang, từ đó làm suy yếu thẩm quyền của họ trong vấn đề này.

Dự án Amistad của Hãng luật Thomas More đã đệ một đơn kiện liên bang, lập luận rằng các cơ quan lập pháp có “thẩm quyền riêng và không được phép ủy quyền”, do đó bất kỳ đạo luật nào của tiểu bang và liên bang đi ngược lại điều đó đều vi hiến và vô hiệu.

Điều này không chỉ bác bỏ một số điều khoản trong Đạo luật về Kiểm phiếu Đại cử tri mà còn khiến các lá phiếu đại cử tri nào chưa được cơ quan lập pháp tiểu bang chứng nhận sau bầu cử là các lá phiếu bất hợp pháp.

Bất kể các tòa án sẽ nói gì, câu hỏi cốt lõi là điều gì sẽ xảy ra tại Hạ viện vào ngày 6/1? Liệu PTT Pence có từ chối tuân thủ Đạo luật về Kiểm phiếu Đại cử tri không? Liệu một số người kiểm phiếu có bất đồng quan điểm không? Nếu mọi thứ không suôn sẻ đối với đảng Dân chủ, liệu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi có cố gắng kết thúc phiên họp sớm không?

Không có cách nào để nói trước điều này. Phó Tổng thống Pence cũng không cho biết ý định của ông ấy.

Đăng theo ĐKN