Thiện – Ác tưởng chừng như một cuộc chiến lớn của con người trong những hoàn cảnh khốc liệt và éo le, nhưng hóa ra nó là điều mà ta phải lựa chọn hàng ngày, hàng giờ từ những việc nhỏ bé nhất.
Viết một lời bình luận, ấn nút “like” (thích) hay thả một biểu tượng cảm xúc tức giận trên mạng xã hội… đó đều là một cuộc chiến giữa cái Thiện và cái ác. Bởi chỉ cần ta làm ai đó tổn thương, hay truyền đi một thông điệp, một cơ hội làm ai đó bị tổn thương, đó đều là bất Thiện, bất chính. Cùng với sự khuếch đại của công nghệ thông tin, nhiều cơn gió nhẹ sẽ gộp lại thành bão, cơn bão có thể nhấn chìm bất kỳ ai.
Sáng sớm ngày 17/10, một tài khoản Facebook đăng đoạn video về người đàn ông say xỉn đánh, tát con mình đầy bạo lực, kèm theo thông tin về người bạo hành trẻ em này. Thông tin được chia sẻ nhanh chóng cùng với vô số những phẫn nộ, và một cuộc truy lùng người đàn ông trong video đã được khởi động.
Chỉ trong vòng 12 tiếng sau đó, một tài khoản mạng xã hội khác thực hiện truyền trực tiếp (livestream) cảnh vây bắt, đấm đá “người cha tội đồ” do một nhóm hơn 20 người thực hiện. Dù màn bạo hành kẻ bạo hành được nhiều người ở hiện trường kịp thời ngăn chặn, nhưng đoạn phim đã được lan truyền và thu hút nhiều bình luận hưởng ứng, hả dạ từ cộng đồng mạng. Câu chuyện sau đó còn biến thành tấn bi hài kịch, khi người ta phát hiện ra, trận đòn của ông bố đã được quay lại từ… 2 năm trước.
Ít ngày sau đó, chiều 21/10 câu nói “Thế bạn nói xem vì sao mình phải trả lời bạn?” trở thành xu hướng, được chế lại theo các kiểu và lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng mạng. Tất cả bắt đầu từ chia sẻ của một thanh niên về việc có cô gái nhắn tin hỏi cậu ấy: “Bạn ơi, cho mình hỏi con mèo bạn nuôi bạn mua ở đâu vậy?”. Cho rằng cô gái khiếm nhã, thiếu lịch sự khi đột ngột hỏi như thế, nên chàng trai trả lời: “Thế bạn nói xem vì sao mình phải trả lời bạn?”. Sau khi chia sẻ bức ảnh chụp màn hình đoạn hội thoại mà không che danh tính cô gái, chàng trai đã bị cư dân mạng “dạy bảo” tới tấp, và câu nói của anh cũng nhanh chóng trở thành xu thế chế ảnh ở mọi chủ đề.
“Nhục nhã là chốn sình lầy của tâm hồn”(*)
Dù việc đúng sai của các nhân vật chính rõ ràng như trong trường hợp người cha đánh con, hay còn gây tranh luận như trường hợp hỏi mua mèo, thì chúng ta cũng không có quyền trừng phạt, xét xử công khai họ hay lôi họ ra làm trò đùa.
Một vài lời nói đùa giữa mạng xã hội, sẽ trở thành một màn giải trí công cộng dựa trên nỗi tủi hổ của người khác. Một sự phán quyết trên mạng sẽ trở thành phiên đấu tố, làm nhục công khai, mà nỗi nhục khi được bêu ra giữa nhiều người, nó sẽ trở thành cái lồng ngăn cách “nạn nhân” với chính những điều tốt đẹp khác trong con người họ. Người ta sẽ nhớ đến họ với vết nhơ nhục nhã như một nhãn hiệu để nhận ra họ giữa biển người.
Đó là cách giết chết ham muốn lương thiện và sự tự tin để làm việc tốt. Cảm giác nhục nhã khi bị đẩy lên đến cao trào sẽ trở thành cảm giác tê liệt, kẻ mạnh mẽ sẽ thành lãnh đạm, bất cần đời, người mong manh sẽ muốn trốn chạy, ẩn náu. Một con người, có khi chỉ vì một lần nhục nhã mà thay đổi cả số phận của mình, tất nhiên khó mà theo chiều hướng tích cực cho được.
Chả vậy mà nhà văn Nam Cao đã viết trong Tư cách mõ thế này:
Thì ra lòng khinh, trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến cái nhân cách của người khác nhiều lắm; nhiều người không biết gì là tự trọng, chỉ vì không được ai trọng cả; làm nhục người là một cách rất diệu để khiến người sinh đê tiện.
Chúng ta thường nói rằng những gì tôi viết trên trang cá nhân của tôi thì là ý kiến riêng của tôi, nó cần được tôn trọng. Nhưng chúng ta lại không nhớ được như vậy khi ứng xử với những thứ đăng trên trang cá nhân của người khác. Người được tôn trọng thì mới hiểu được cách tôn trọng người khác. Người bị nhục thì cũng sẽ không ngại trở nên đê tiện hoặc làm nhục người khác.
Sự thật về “tốt khoe, xấu che”
Cổ nhân khuyên nhủ con người hãy luôn “ẩn ác dương Thiện”, nghĩa là cái xấu cái ác của người thì ta không phơi bày ra, còn điều tốt của họ thì ta nêu cao, tán dương. Có lời giải thích cụ thể hơn, tương truyền là của danh nho Viên Liễu Phàm (1535-1609) đời nhà Minh, Trung Hoa như thế này: “Ẩn ác dương thiện tức là thấy người ta dở, có lỗi lầm thì gặp riêng khuyên bảo, đừng ra ngoài nói xấu làm người ta mất hết danh dự; gặp được việc làm tốt của ai thì nên ghi nhớ mà học theo, đồng thời hết sức ca ngợi để mọi người cùng được biết” – (Diệu Nguyên trích từ Liễu Phàm Tứ Huấn).
Hóa ra cái “tốt khoe, xấu che” lưu truyền bấy lâu trong dân gian không phải ý nói rằng cái gì của mình tốt thì khoe ra cho bàn dân thiên hạ thấy, cái gì của mình xấu thì giấu giếm, che đậy. Mà có ý nói rằng hãy làm như thế cho người khác, biết giúp người ta giữ cái thể diện, tự ái của mình để dần hoàn thiện nhân cách.
Khổng Tử cũng nói “Cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người” (Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân). Vậy có ai muốn bị người ta chạm đến lòng tự ái của mình không? Thế thì sao mình lại làm điều đó cho người khác? Hạ nhục người, lấn át người, tin rằng “dìm người là nâng được mình lên, chê cái dở của người thì đem được cái hay của mình ra”… Như cụ Nguyễn Duy Cần nói, thì đó là chuyện “thật không gì vụng về bằng”.
Bởi khi ta phóng lời không cần suy nghĩ thiệt hại cho người khác, đó là bất Nhân. Khi ta lan tỏa cái xấu để tạo thành trào lưu không hay trong xã hội đó là bất Nghĩa (chữ Nghĩa cũng là vì đại cục, vì cộng đồng). Khi ta hả lòng hả dạ trong chốc lát mà lại có thể mang họa vào thân trong tương lai, thì đó còn là bất Trí.
Ta cho mình quyền phán xét người khác bởi ta thấy ta hay, tài giỏi, hiểu biết hơn người. Nhưng “tài hay bất tài cũng như nhau, đều là quấy (trái) cả, nên không thể tránh khỏi lụy thân. Chỉ có kẻ nào biết, là sống mà thôi” – (Trang Tử). Thông thái hơn người khác, thì cũng phải biết im lặng, như người khờ. Dũng mãnh hơn người khác, thì cũng phải biết khiêm nhường như người nhút nhát. Có thể phăm phăm tiến thì cũng phải biết lúc lùi. Luôn được trong đời thì cũng phải biết tới mất. Có những việc cầm lên được thì cũng phải đặt xuống được. Mỗi việc nhỏ trong đời sống hàng ngày, chỉ cần biết phân biệt Thiện ác mà hành xử thì đã là hơn người lắm rồi.
Theo Đại Kỷ Nguyên