Người mẹ giúp duy trì huyết mạch của dòng tộc, đảm nhận vai trò là người thầy đầu tiên dạy dỗ trẻ thơ, ảnh hưởng đến nhân cách và hun đúc trí tuệ của con cái. Trung Hoa xưa thì có tứ đại hiền mẫu giúp con trở thành kẻ sĩ xuất chúng. Đó là mẹ của Mạnh Tử, Nhạc Phi, Đào Khản và Âu Dương Tu.
Mạnh mẫu – mẹ của Mạnh Tử
Mẹ của Mạnh Tử là Trương thị, sau này được người đời gọi là Mạnh mẫu, sinh ra ở nước Chu trong thời Chiến Quốc (475-221 TCN). Bà là góa phụ, một đời vất vả nuôi lớn Mạnh Tử (372-289 TCN). Bà rất nghiêm khắc với ông, nhờ đó mà Mạnh Tử lớn lên trở thành một triết gia nổi tiếng của cửa Khổng.
Mạnh Mẫu nổi tiếng với câu chuyện 3 lần chuyển nhà để cho con trai mình được sống trong môi trường giáo dục tốt nhất. Ban đầu, hai mẹ con sống gần một nghĩa trang. Mạnh Tử thường bắt chước tiếng khóc của những người đưa tang. Bà rất đau lòng và trong bụng thầm nghĩ: Nếu cứ tiếp tục sống ở đây thì Mạnh Tử chắc chắn không thể trở thành một đứa trẻ tốt, vì vậy phải chuyển nhà thôi.
Ngôi nhà mới nằm cạnh chợ. Mạnh Tử bắt chước những lời mời chào hàng của người bán hàng rong và tiếng la hét của những người đồ tể. Mẹ ông cho rằng môi trường này ảnh hưởng xấu đến Mạnh Tử, nên bà lại chuyển nhà lần nữa, lần này chuyển đến ở cạnh ngôi đền của tiên đế.
Mạnh Tử học theo các nghi lễ triều đình của các quan sai đến đây cúng viếng vào ngày đầu tháng. Trương Thị rất hài lòng và quyết định rằng đây là nơi tốt để định cư.
Một ngày nọ, Trương Thị đang dệt vải thì Mạnh Tử đi học về, vừa về đến nhà đã muốn đi chơi. Bà hỏi con: “Hôm nay con học được gì nào?”.
Mạnh Tử trả lời: “Cũng giống mọi khi”.
Mạnh mẫu thấy con thờ ơ với việc học, liền cầm kéo cắt ngay mảnh vải vừa dệt ra làm hai. Mạnh Tử hết sức kinh ngạc hỏi mẹ thì Trương Thị trả lời:
“Con sao nhãng việc học cũng giống như mẹ dệt vải. Bây giờ vải chưa dệt xong mà đã cắt đứt ở giữa thì sẽ không bao giờ dệt được một mảnh vải hoàn chỉnh.
Việc dệt vải, nhất định phải dệt từng sợi một, qua quá trình cố gắng liên tục mới có thể tích từng sợi vải thành “tấc”, tích từng “tấc” vải thành “thước”, cuối cùng mới có thể dệt thành mảnh vải hoàn chỉnh để dùng. Việc học tập cũng như vậy, nếu luôn luôn cố gắng chịu khó học tập thì dần dần mới tích lũy được tri thức, mới có thành tựu, nếu không thì chẳng có tác dụng gì giống như việc dệt vải bỏ dở giữa chừng”.
Bà cho rằng như người phụ nữ từ bỏ kế sinh nhai, hay như người đàn ông bỏ bê việc tu dưỡng đạo đức, thì nếu không sa vào phường trộm cướp cũng sẽ bị bị đày làm nô dịch.
Lời răn bảo của Trương mẫu đã thay đổi Mạnh Tử. Ông học tập chăm chỉ dưới sự dạy bảo Tử Tư, tức Khổng Cấp, cháu nội của Khổng Tử, và cuối cùng trở thành một học giả nổi tiếng.
Diệu thị – mẹ của Nhạc Phi
Diệu thị là mẹ của Nhạc Phi (1103-1142), nhà quân sự nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, danh tướng chống quân Kim thời Nam Tống (1127-1279).
Bà nổi tiếng vì đã xăm bốn chữ “Tận trung báo quốc” lên lưng Nhạc Phi để nhắc nhở ông về trách nhiệm của mình với quốc gia xã tắc. Trong những năm cuối đời, bà đã đi theo quân đoàn của Nhạc Phi. Vào năm 1136 bà qua đời ở Ngạc Châu.
Người khiến mẹ của Nhạc Phi phải xăm chữ lên lưng con trai mình chính là Dương Yêu. Đó là một phiến quân nổi loạn, rất ngưỡng mộ tài năng văn chương và quân sự của nhạc Phi. Dương Yêu đã cử Vương Tá đến chiêu mời Nhạc Phi gia nhập nghĩa quân của mình và đem đến tặng cho ông rất nhiều báu vật.
Nhưng Nhạc Phi từ chối thẳng thừng và nói rằng: “Ta sẽ không bao giờ phản bội đất nước!”.
Vương tá không còn cách nào khác ngoài việc đem lễ vật quay về.
Khi Diệu mẫu biết chuyện này, bà đã bảo Nhạc Phi chuẩn bị hương án để cúng bái tổ tiên và cho gọi vợ của Nhạc Phi chuẩn bị mực, sau đó bà bắt Nhạc Phi quỳ gối trước bàn thở tổ tiên.
Diệu mẫu nói với con trai: “Ta thực sự rất hài lòng khi con biết thủ tiết lễ nghĩa. Nhưng ta e rằng sau khi ta chết đi, một số kẻ ác tâm có thể lại đến đây dụ dỗ con để làm những việc bất lương. Nếu trong một phút nông nổi, con làm điều gì đó phản bội đất nước, con sẽ bị nhơ nhuốc thanh danh. Vì thế ta sẽ xăm bốn chữ ‘tận trung báo quốc’ lên lưng con để nhắc nhở con về trách nhiệm. Con phải cố gắng hết sức một lòng tận trung báo quốc, như thế ta mới thanh thản mà yên nghĩ”.
Bà viết 4 chữ “ tận trung báo quốc” rồi dùng kim xăm lên lưng ông.
Nhạc Phi nghe theo lời mẹ dạy. Sau này ông đã trở thành danh tướng nổi tiếng bậc nhất của Trung Quốc. Từ đời ngày qua đời khác, người ta xem ông là biểu tượng của bậc sĩ phu dũng liệt trung thần, một vị anh hùng dân tộc.
Trạm thị – mẹ của Đào Khản
Mẹ của Đào Khản là Trạm thị, được tôn xưng là một trong tứ đại hiền mẫu. Người đời sau mãi luôn tán dương bà về cách dạy con và nết đối đãi khoan dung với người khác.
Đào Khản (259 -334), tự Sĩ Hành, là người Tầm Dương. Ông sớm mồ côi cha từ nhỏ, gia cảnh vô cùng bần hàn. Mẹ ông đã một mình chịu đựng vất vả, dựa vào dệt vải may áo kiếm sống, nuôi con ăn học.
Lúc Đào Khản còn trẻ, có một hôm tuyết rơi đầy trời. Bạn của Đào Khản là Phạm Quỳ ở Bà Dương đến chơi nhà. Phạm Quỳ là một học giả vì lòng hiếu thảo và tính liêm khiết nên được quan viên quê nhà tiến cử làm Hiếu liêm. Ông đang trên đường đến Lạc Dương để nhận sắc lệnh.
Gia cảnh Đào Khản quá nghèo túng, ông không có gì tiếp đãi bạn nên trong lòng vô cùng lo âu. Đào mẫu thấy vậy liền an ủi con trai: “Con cứ lo việc giữ khách lại đi, mẹ sẽ nghĩ cách để tiếp đãi bạn con”.
Thế rồi bà lấy kéo cắt tóc đem đổi lấy rượu và đồ ăn, cắt mấy cây cột trong cái chuồng cũ làm lửa đốt, lấy cỏ khô lót trên giường cắt nhỏ cho ngựa của Phạm Quỳ ăn. Phạm Quỳ sau khi biết được việc này, đã xúc động nói: “Chỉ có người mẹ như vậy mới có thể giáo dục ra một người con tài đức như Đào Khản!”.
Đào Khản không bao giờ quên rằng mẹ ông đã cố gắng làm mọi việc cho phải nghĩa của người chủ nhà để đối đãi Phạm Quỳ và đoàn tùy tùng của ông. Khi Đào Khản làm quan, ông khiêm tốn và lễ nghĩa, dùng lòng cung kính, đạo đức tốt đẹp và lễ phép để đối đãi với khách của mình và người khác.
Khi Đào Khản làm quan phụ trách việc đánh bắt cá ở Hải Dương, tỉnh Chiết Giang, ông thường nhận được quà cáp của thuộc cấp. Ngày nọ, có người đưa cho ông một vại cá muối. Đào Khản đã chuyển nó cho mẹ ông ở quê nhà.
Tuy nhiên, mẹ ông trả lại của biếu kèm theo một lá thư ghi rõ: “Bây giờ con đã làm quan. Con gửi cho ta thứ vật phẩm con nhận được nhờ chức trách làm ta thấy không được vui. Thực lòng, nó làm ta lo lắm”.
Lời cảnh tỉnh của mẹ khiến ông xấu hổ. Từ đó, Đào Khản trở thành một quan vị quan liêm khiết.
Đào Khản đã được mẹ dạy cho bài học về sự chính trực. Nhờ có công lao mà ông được thăng làm Thị trung, Thái úy, đô đốc Giang – Quảng – Ninh – Kinh – Tương – Ung – Lương 7 châu chư quân sự, Trường Sa quận công. Cả đời là một học giả và làm quan thanh liêm, ông đã khiến mẹ vẻ vang.
Mẹ của Âu Dương Tu
Âu Dương Tu (1007 – 1072), tự là Vĩnh Thúc, hiệu “Tuý Ông”, là nhà thơ nổi tiếng thời Bắc Tống ở Trung Quốc. Trịnh thị, mẹ của ông, là một phụ nữ cần cù, giàu quyết tâm và hiểu biết. Khi Âu Dương Tu mới 4 tuổi, cha bị bệnh mất, bà dẫn ông đến Tùy Châu (nay là huyện Tùy, Hồ Bắc) dựa vào người chú để mưu sinh. Mẹ Âu Dương Tu quyết tâm cho ông học hành, nhưng nhà nghèo, không có tiền mua giấy bút. Bà thấy trong cái ao trước nhà có mọc nhiều cói, liền dùng cọng cói thay bút dạy Âu Dương Tu viết chữ trên cát. Cậu bé Âu Dương Tu được mẹ giáo dục từ nhỏ nên sớm yêu thích đọc sách.
Trịnh thị cũng lấy cha của Âu Dương Tu ra làm gương để dạy cho ông về tính liêm khiết. Khi Âu Dương Tu làm quan, Trịnh mẫu thường hay kể cho ông nghe những câu chuyện về sự liêm chính và những việc làm tốt của cha ông.
Bà kể lại: “Khi làm quan, cha của con thường làm việc đến tận đêm khuya. Cha con đặc biệt lưu tâm đến các vụ án liên quan đến thường dân, và ông sẽ xem xét rất kỹ lưỡng các vụ án đó để không phát sinh án oan. Nếu được thì ông sẽ giảm nhẹ hình phạt. Đối với những bản án mà ông không thể giảm tội được, ông thường thở dài thương tiếc”.
“Cha của con rất chính trực, ông luôn cự tuyệt của đút lót. Dù lương bổng không cao, ông cũng hay dùng tiền để làm từ thiện, ông chỉ giữ lại rất ít cho bản thân vì không muốn của cải làm nặng tâm. Chính vì vậy, nên khi cha con mất đi, ông không để lại nhà cửa ruộng đất gì”.
Khi Âu Dương Tu bị giáng chức vì ủng hộ Phạm Trọng Yên đề xuất 10 điều cải cách, mẹ ông đã không trách ông nữa lời.
Bà nói: “Con bị giáng chức vì ủng hộ công lý, không có gì để hổ thẹn. Chúng ta không phải là chưa quen với cảnh nghèo đói. Miễn là con không mất đi nhuệ khí trước những khó khăn thì ta rất hạnh phúc”.
Những vị lương Mẫu đức hạnh khác trong lịch sử Trung Quốc còn có Thái Giang – mẫu thân của Chu Du, Thái Nhâm – mẫu thân của Vũ vương Chu Cơ Xương, Thái Tự Chu Văn Mẫu – mẫu thân của Chu Vũ Vương Cơ Phát, Nhan thị – mẫu thân của đức Khổng Tử, Xà Thái Quân – mẫu thân của Dương Diên Chiêu. Những vị hiền mẫu này đã nuôi dạy con thành những bậc hiền tài cho quốc gia bằng cách dùng cuộc đời đức hạnh của mình để làm gương cho con.
Tiểu Phúc biên dịch
Theo Tinh Hoa
Xem thêm:
VIDEO - Trịnh Châu lâm nạn: Màn kịch trả vay đang đến hồi kết