Đầu tháng Sáu đến nay, nhiều tỉnh miền nam Trung Quốc liên tiếp mưa lớn. Sáng sớm ngày 17/6, khu vực thượng nguồn đập Tam Hiệp, trạm phát điện huyện Đan Ba thuộc châu tự trị Cam Tư tỉnh Tứ Xuyên bị nước lũ phá hủy, đập Tam Hiệp tiếp tục đối diện với thách thức nghiêm trọng là liệu có bị vỡ hay không.
Ngày 2/6, lũ định kỳ tiếp tục xuất hiện trên sông Trường Giang, quan chức ĐCSTQ nói nước lũ năm nay có thể lớn nhất kể từ năm 1949 tới nay, liệu đập Tam Hiệp có thể chống chọi lại được hay không, cũng khiến nhiều người quan tâm. (Ảnh: Epoch Times).
Lũ lụt tràn lan ở lưu vực Trường Giang
Bắt đầu từ ngày 16/6, vùng Hoa Nam, Hoa Trung và bộ phận Tây Nam Trung Quốc bắt đầu có mưa lớn liên tiếp 24 tiếng đồng hồ. Châu tự trị dân tộc Tạng-Khương Ngawa (tỉnh Tứ Xuyên) có lượng mưa đo được lớn nhất lên đến 50mm, một số khu vực còn có mưa đá có đường kính lớn nhất đến đến 10mm; Mai Long Câu ở huyện Đan Ba của Châu tự trị dân tộc Tạng – Cam Tư, còn xảy ra lũ quét gây sạt lở đất đá, chặn dòng chảy sông Tiểu Kim Xuyên gây ra ngập úng, lượng nước có thời điểm đạt đến 1 triệu mét khối.
Bắt đầu từ ngày 17, trạm thủy điện Mai Long bị nước lũ cuốn trôi. Từ video được chia sẻ trên mạng có thể thấy dòng nước lũ khổng lồ từ thượng nguồn đổ ập xuống dưới, nơi nó chảy đến, một số thôn làng liền biến mất.
Chuyên gia Đại Lục: Dưới Nghi Xương nhanh chạy
Trên mạng xã hội hải ngoại gần đây đã lưu truyền thông tin trong một vòng tròn bạn bè “Hoàng Tiểu Khôn tại Ninh Đức tỉnh Phúc Kiến”, trong đó viết rằng: “Dưới Nghi Xương hãy chạy, nói một lần cuối cùng!”.
Theo thông tin công khai, ông Hoàng Tiểu Khôn có nhiều danh hiệu như Kỹ sư về kết cấu hạng nhất của quốc gia, Hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ, Kỹ sư trưởng của công ty Jianyan Technology. Tuy nhiên, hiện vẫn không rõ chính xác liệu thông tin từ nhóm này có phải là đúng của “Kỹ sư về kết cấu hàng đầu quốc gia” Hoàng Tiểu Khôn hay không.
Vương Duy Lạc: Hạ nguồn Trường Giang dân cư đông đúc, không có chỗ nào để chạy
Ngày 18/6, tờ Epoch Times đã có cuộc phỏng vấn với ông Vương Duy Lạc – chuyên gia nổi tiếng về vấn đề đập Tam Hiệp, hiện đang cư trú tại Đức, về khả năng vỡ đập Tam Hiệp.
Ông Vương Duy Lạc cho biết, ông Hoàng Tiểu Khôn kiến nghị người dân ở hạ nguồn Tam Hiệp chạy thoát, nhưng chạy đi đâu? Hạ nguồn Trường Giang là nơi có dân cư đông đúc, biết chạy đi đâu, không có chỗ nào để chạy.
Sông chính Trường Giang chảy từ Tây sang Đông, ngang qua trung bộ của Trung Quốc, chảy qua 11 tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc Trung ương như Thanh Hải, Tây Tạng, Tứ Xuyên, Vân Nam, Trùng Khánh, Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tây, An Huy, Giang Tô, Thượng Hải.
Ông Vương Duy Lạc cho biết, một khi đập Tam Hiệp xảy ra vấn đề, hậu quả sẽ khó mà tưởng tượng; trước đó ông đã từng xem một video, trong đó có đưa ra một suy diễn, nơi đầu tiên bị ảnh hưởng đó là thành phố Nghi Xương, sau đó là Nhạc Dương, rồi đến Vũ Hán, tiếp tục đi đến Thượng Hải – nơi tốt nhất Trung Quốc, và là nơi kinh tế phát triển nhất Trung Quốc.
Mao Trạch Đông không dám xây đập Tam Hiệp, Giang Trạch Dân thúc đẩy khởi công
“Mọi người thử nghĩ xem vì sao lại đi đến bước ngày hôm nay? Vì sao hôm nay chúng ta lại thảo luận vấn đề này, chứ không phải là thảo luận vấn đề này cách đây hơn 20 năm.” ông Vương Duy Lạc nói.
Tiến sĩ Vương cho biết, đập Tam Hiệp vốn không nên xây, trong ĐCSTQ cũng có không ít người phản đối xây đập này. Trong đó, người đầu tiên nói công trình Tam Hiệp rất nguy hiểm chính là ông Mao Trạch Đông. Năm 1969, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cách mạng tỉnh Hồ Bắc Trương Thể Học, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cách mạng Bộ Thủy lợi Tiền Chấn Anh, hai người đã bắt tay cùng nhau báo cáo lên ông Mao Trạch Đông, yêu cầu xây dựng công trình đập Tam Hiệp.
“Họ đều nói đập Tam Hiệp là mộng tưởng của ông Mao Trạch Đông, vậy thì Mao Trạch Đông nên đồng ý xây dựng, nhưng ông Mao Trạch Đông đã phản bác ý kiến của hai người này.” ông Vương Duy Lạc nói, ông Mao hỏi hai người này: “Chậu nước để trên đầu, anh có thể ngủ được không?”.
Ông Vương Duy Lạc cho biết, ý của ông Mao Trạch Đông là xây xong đập Tam Hiệp giống như để chậu nước trên đầu, ông Mao Trạch Đông sẽ không ngủ được, cho nên ông vẫn không đồng ý xây.
Ban đầu khi dự định xây dựng đập Tam Hiệp, ông Hoàng Vạn Lý (Huang Wanli) – chuyên gia thủy lợi nổi tiếng, giáo sư Đại học Thanh Hoa, đã đau khổ nói về nguy hại của công trình này, ông đã 3 lần viết thư gửi cho đương nhiệm Bí thư ĐCSTQ khi đó là ông Giang Trạch Dân, chỉ ra vấn đề cơ bản không thể xây dựng công trình hại nước hại dân này được. Ông Hoàng Vạn Lý dự đoán nếu xây đập Tam Hiệp, cuối cùng sẽ bị vỡ.
Tuy nhiên, ông Giang Trạch Dân khi đó đã nóng lòng kết đồng minh với đương nhiệm Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng khi đó, để củng cố địa vị của mình, ra sức thúc đẩy nghị trình thảo luận về công trình Tam Hiệp, và năm 1992 đã được Nhân đại toàn quốc thông qua. Ngày 14/12/1994, công trình chính thức khởi công, và hoàn thành vào năm 2009.
Tai họa địa chất Tam Hiệp
Tiến sĩ Vương Duy Lạc còn giải thích từ phương diện địa chất về nguyên nhân vì sao không nên xây đập Tam Hiệp.
Ông nói, Tam Hiệp được hình thành như thế nào, tại sao trong núi non hiểm trở thế lại có một Tam Hiệp đẹp như thế, hẹp và dài như thế, chính là vì nước sông ở chỗ thân núi yếu nhất, nơi có kết cấu kém nhất chảy ra 3 đường nước, đây chính là Tam Hiệp.
Ông Vương nói, thực ra người ở khu đập Tam Hiệp càng nguy hiểm hơn. Tam Hiệp có rất nhiều thành phố di dân mới, đều là xây dựng trên vùng dốc, không phải là trong phạm vi tương lai sẽ bị lũ bất ngờ ập xuống ư?
Ông còn lấy ví dụ một số huyện, thị có mực nước thấp hơn độ cao trữ nước của đập Tam Hiệp, như huyện Vu Sơn, huyện Tỉ Quy, huyện Ba Đông, huyện Phụng Tiết, huyện Khai Châu, v.v. “Nơi mà người dân sinh sống chính là ở bên dưới nước lũ của dòng sông này, nên rất nguy hiểm”.
Ông còn chỉ ra, tất cả các kiến trúc trong khu đập trữ nước, ngoài đập Tam Hiệp, còn có một số nhà của Bí thư huyện, Bí thư thành phố có biện pháp phòng rung chấn, thì nhà ở thông thường của người dân đều không có phòng rung chấn.
“Bởi vì trong phân tích tính khả thi của Dự án Tam Hiệp, người ta chỉ chứng minh rằng đập Tam Hiệp sẽ không sụp đổ khi gặp trận động đất mạnh 6 độ.” Ông Vương Duy Lạc nói:
“Đập không sụp đổ, không phải là nói nhà của người dân không sụp đổ, cần phải đọc rõ.”
Vỡ đập nước ở Trung Quốc là sự kiện “tê giác xám”
Ông Vương Duy Lạc cho rằng, đập Tam Hiệp có khả năng là một sự kiện “thiên nga đen” tiềm ẩn.
Ngày 11/6, tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Trung Quốc Diệp Kiến Xuân nói, hiện tại Trung Quốc đã bước vào thời kỳ lũ định kỳ một cách toàn diện, tổng cộng có 148 dòng chảy sông xảy ra lũ vượt trên mực nước cảnh báo; vùng trung và hạ du Trường Giang, nhánh sông Tây Giang thuộc lưu vực sông Chu Giang, bộ phận hệ thống nước sống Hải Hà, sông Hoa Tùng Giang, sông Liêu Hà, có khả năng xảy ra lũ tương đối lớn.
Ông Diệp Kiến Xuân nói, Trung Quốc có hơn 98.000 đập nước, trong đó có 94.000 đập nước cỡ nhỏ, một số đập nước có tồn tại nguy hiểm ở các mức độ khác nhau; năm nay có 3 rủi ro là lũ vượt mức tiêu chuẩn cảnh báo, đập nước xảy ra sự cố, thảm họa lũ bất ngờ; công trình phòng chống lũ lụt của Trung Quốc có thể phòng được lũ lụt lớn nhất từ năm 1949 đến nay, nhưng lũ vượt mức tiêu chuẩn cảnh báo có khả năng vượt năng lực phòng chống, có thể sẽ là sự kiện “thiên nga đen”.
Ông Vương Duy Lạc cho biết, thứ nhất: mưa lớn ở khu vực Tam Hiệp, có thể sẽ dẫn đến vấn đề đập tam Hiệp, có thể chính là sự kiện “thiên nga đen” mà ông Diệp Kiến Xuân nói; thứ hai, ông Diệp Kiến Xuân nói một số đập nước không an toàn, nhưng không chỉ cụ thể đập nào không an toàn, đập nào an toàn; thứ ba, ông Diệp nói “thảm họa lũ bất ngờ”, bản thân khu Tam Hiệp chính là khu vực núi, các nơi như Điểu Khúc, trấn Khai Châu, huyện Thạch Trụ, đều có mưa lớn và đều có lũ bất ngờ, ý của ông Diệp là lũ quét bất ngờ cũng không có cách nào. “Đây là hành động bắt đầu thoái thác trách nhiệm, có phải thế không?”, ông Vương Duy Lạc nói.
Ông Vương cho rằng, đập nước ở Trung Quốc bị vỡ không chỉ là một sự kiện “thiên nga đen”, mà là một sự kiện “tê giác xám”, bởi vì sự kiện vỡ đập có thể có tồn tại số lượng lớn.
“98.000 đập nước, theo tôi biết, ít nhất có trên 44% đập nước là không an toàn”, ông Vương nói, “ngay cả trên đầu Tây Tạng cũng có đập nước trên đầu, trên đầu Bắc Kinh cũng có đập nước.”
“Năm 1969, trong cuộc chiến Trung Quốc – Liên Xô, Chính phủ ĐCSTQ đã xả toàn bộ nước ở đập nước Mật Vân Bắc Kinh. Họ sợ nếu tên lửa của Liên Xô bắn tới, đập Mật Vân sẽ bị nổ tung”, ông Vương nói.
Giới chuyên gia cảnh báo nhiều hiểm họa ngầm
Tiến sĩ Vương Duy Lạc từng nhận xét, tỷ lệ đại biểu tán thành dự án đập Tam Hiệp vừa đúng hơn 2/3, tương đồng với tỷ lệ đại biểu đảng viên trong Quốc hội Trung Quốc. Nếu ông Giang Trạch Dân không dùng hình thức kỷ luật Đảng để yêu cầu các đại biểu là Đảng viên phải ủng hộ những quyết sách của Trung ương Đảng, cứ để cho các đại biểu tự quyết định thì tỷ lệ ủng hộ có lẽ không thể quá bán.
Ông Vương Duy Lạc cho biết, vào năm 1996 nhà khoa học bê tông Trung Quốc Lưu Tôn Hy (Liuchong Xi) đã viết thư cho Phó Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Tiền Vĩ Trường (Qian Weichang), cho biết ông đã nghiên cứu chuyên sâu về tuổi thọ của đập bê tông trong và ngoài nước, quan điểm cho rằng tuổi thọ của đập Tam Hiệp là 500 năm hay 1000 năm là sai lầm; tuổi thọ của những con đập bê tông mà ông nghiên cứu ở Nhật Bản thường chỉ được 100 năm, còn tuổi thọ của các đập bê tông ở Trung Quốc chỉ là 50 năm. Tuy nhiên, nhà cầm quyền Trung Quốc đã không nghe lời đề nghị của ông.
Theo ông Vương Duy Lạc, đập Tam Hiệp không phải như tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc, chỉ từ khoảng 50 – 100 năm là sẽ phải phá bỏ con đập này.
Ông Hoàng Vạn Lý chuyên gia thủy lợi nổi tiếng Trung Quốc cũng từng ba lần gửi thư cho ông Giang Trạch Dân khuyên không nên xây dựng đập Tam Hiệp, vì xây dựng rồi sau này cũng phải phá bỏ. Ông chỉ ra tác hại của đập Tam Hiệp từ các khía cạnh địa chất, môi trường, sinh thái và quân sự.
Vào đầu giai đoạn dự tính thi công đập, ông Hoàng Vạn Lý đã dự đoán 12 loại hậu quả tai hại sẽ xảy ra sau khi hoàn thành đập Tam Hiệp: ảnh hưởng bờ đê vùng hạ du sông Dương Tử; cản trở vận tải đường thủy; vấn đề di dân; vấn đề bùn tích lũy; suy giảm chất lượng nước; không đủ công suất phát điện; thời tiết bất thường; những trận động đất thường xuyên; tình trạng lây lan bệnh sán lá máu; ảnh hưởng xấu cho sinh thái; lũ lụt nghiêm trọng ở thượng nguồn; cuối cùng là sức ép gây vỡ đập. Vì nguyên nhân này mà ông không được mời tham gia dự án Tam Hiệp.
Năm 1991, giáo sư vật lý Trung Quốc Tiền Vĩ Trường (Qian Weichang) đã xuất bản một bài báo cho biết, nguy hại khi đập Tam Hiệp bị vỡ sẽ làm 6 tỉnh vùng hạ du sông Dương Tử bị tràn ngập nước, hàng trăm triệu người sẽ rơi vào đường cùng. Ông cũng cho rằng đập Tam Hiệp sẽ là mục tiêu hàng đầu nếu có kẻ thù bên ngoài tấn công. Với công nghệ tên lửa hiện nay, việc phòng thủ đối với đập Tam Hiệp là điều không thể. Vì vậy ông đề nghị nhất định không được khởi công dự án Tam Hiệp, vì con đập này sẽ trở thành điểm yếu an ninh nguy hiểm.
Trước khi bắt đầu trữ nước Tam Hiệp vào năm 2003, đoàn kiểm tra công trình Tam Hiệp của Chính phủ đã phát hiện ra có hơn 80 vết nứt trên bề mặt đập, thông tin gây lo ngại trong cộng đồng.
Trí Đạt (Tri Thức VN)