Trung Quốc yêu cầu xuất khẩu mực phải qua đường chính ngạch thay vì tiểu ngạch như trước kia, điều này khiến hàng trăm tấn mực của ngư dân Quảng Nam không xuất khẩu được.
Trung Quốc thay đổi nhập khẩu, hàng trăm tấn mực khô ở Quảng Nam ‘nằm dài’. (Ảnh: nongnghiep)
Thời gian gần đây, nhiều ngư dân xã Tam Giang (huyện Núi Thành, Quảng Nam) lo lắng khi hàng trăm tấn mực khô ứ đọng, không xuất khẩu được.
Ngư dân Phan Bá Linh – chủ tàu QNa 90037 cho biết sau khi bỏ ra hơn 400 triệu đồng mua nguyên vật liệu,… cùng 40 người ra khơi, số lượng mực khô đánh bắt được là 23 tấn (ước tính khoảng 3 tỷ đồng). Tuy nhiên đến nay, tàu cập bến gần nửa tháng mà không xuất được.
“Nhiều năm hành nghề, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh tượng mực ế ẩm, không có thương lái thu mua. Trong khi, chuyến biển trước, tôi đánh bắt được 27 tấn mực khô, bán giá 130.000 đồng mỗi kg, thu 3,5 tỷ đồng” – ông Linh nói.
Lâm vào tình cảnh tương tự, ngư dân Huỳnh Quốc Việt – chủ tàu câu mực QNa-90749 cho biết tàu cập bờ vào ngày 6/6 với 25 tấn mực khô, nhưng đến nay vẫn chưa bán được.
“Mọi khi tàu vừa cập bờ có thương lái đến mua ngay, nhưng nay thì vắng bóng. Chúng tôi rất lo lắng vì không biết khi nào sẽ lại vươn khơi sản xuất” – ngư dân này nói.
Còn ngư dân Nguyễn Văn Nghị – chủ tàu vỏ thép QNa-91439 cho biết từ đầu năm đến nay, giá mực xà phơi khô ổn định ở mức 150.000 đồng/kg, nhưng gần đây gọi điện thoại nhiều lần cho tư thương trao đổi giá 75.000 đồng/kg nhưng cũng bị từ chối.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thịnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho hay tình trạng mực không có thương lái thu mua mới xảy ra gần đây. Đối với sản phẩm mực tại địa phương, chủ yếu tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc.
Hiện toàn huyện có khoảng 40 tàu hành nghề khai thác mực với khoảng 2.000 lao động. Sản lượng mục tiêu năm 2019 khoảng 10.000 tấn. Tuy nhiên, tình trạng mực ứ đọng không có thương lái thu mua như hiện nay khiến địa phương rơi vào thế bí.
Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết nguyên nhân ứ đọng không xuất khẩu được là do trước kia, khi xuất sang Trung Quốc là theo đường tiểu ngạch, rất ít ràng buộc quy định của ngành chức năng 2 nước.
Nhưng gần đây, phía Trung Quốc lại quy định hàng hóa nhập khẩu phải qua đường chính ngạch, trong đó có mực xà xuất khẩu của Việt Nam, bắt buộc phải truy xuất nguồn gốc, có dán tem rõ ràng. Mà điều này thì mực xà xuất khẩu của tư thương Quảng Nam chưa thực hiện được.
“Chúng tôi đang yêu cầu ngành thủy sản thống kê khối lượng mực xà chưa xuất khẩu để phối hợp cùng Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương tìm cách giải quyết các yêu cầu, ràng buộc về sản phẩm mực xà xuất khẩu từ phía Trung Quốc” – ông Ngô Tấn nói.
Còn ông Ngô Văn Định – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết tới đây, Chi cục sẽ hỗ trợ ngư dân, các doanh nghiệp thu mua, chế biến hải sản xuất khẩu của Quảng Nam thực hiện truy xuất nguồn gốc hải sản để tiện đường xuất khẩu.
Trần Tâm - Theo trithucvn.net