Reuters cho hay, Trung Quốc vào ngày 30/7 cảnh báo Ấn Độ rằng, việc “ép buộc tách rời” nền kinh tế giữa hai nước sau các cuộc đụng độ biên giới trên dãy núi Himalaya vào tháng trước, sẽ làm tổn thương cả hai bên.

Đại sứ Trung Quốc nói, Trung Quốc không phải là mối đe dọa chiến lược đối với Ấn Độ, và rằng “cấu trúc chung mà trong đó hai nước không thể sống thiếu nhau vẫn không đổi”.

Tuyên bố được đưa ra sau những động thái gần đây của New Delhi nhằm cấm hoặc gạt sang bên lề những lợi ích kinh tế ở một trong những thị trường lớn nhất thế giới, thậm chí còn duy trì căng thẳng biên giới với việc điều thêm nhiều binh sĩ tới khu vực hơn bình thường.

“Trung Quốc ủng hộ hợp tác đôi bên cùng có lợi, và phản đối một trò chơi có tổng bằng không”, Đại sứ Sun Weidong viết trên Twitter.

“Hai nền kinh tế của chúng ta có tính chất bổ sung, đan xen và phụ thuộc lẫn nhau. Việc ép buộc tách rời là trái với xu hướng và sẽ chỉ dẫn đến một kết quả thua thiệt”, ông Sun viết.

Giới chức của hai nước láng giềng vũ trang hạt nhân đã thường xuyên đàm phán để giảm leo thang căng thẳng biên giới sau cuộc đụng độ ngày 15/6 tại thung lũng Galwan thuộc vùng Ladakh của Ấn Độ, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Phía Ấn Độ cho biết các binh sĩ của họ đã bị đánh chết bằng đá và gậy gắn đinh.

Các quan chức Ấn Độ nói rằng quân đội Trung Quốc đã xâm nhập vào lãnh địa của họ ở khu vực phía tây xa xôi, trong khi Trung Quốc nói rằng họ không vi phạm biên giới tranh chấp và đã yêu cầu Ấn Độ kiềm chế quân đội tiền tuyến.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết trong một cuộc họp ngắn trực tuyến rằng, quá trình rút bớt binh lính theo thỏa thuận của hai bên vẫn chưa được hoàn thành, và một vòng đàm phán cấp chỉ huy khác sẽ sớm được tổ chức.

ác nhà phân tích cho rằng cuộc xung đột tồi tệ nhất giữa hai quốc gia khổng lồ này trong nhiều thập niên có khả năng đẩy Ấn Độ đến gần Mỹ hơn, cả về chiến lược và thương mại.

Trung Quốc và Ấn Độ từng xung đột biên giới vào năm 1962, và Trung Quốc là đồng minh thân cận của Pakistan, một kẻ thù lâu đời của Ấn Độ.

Theo ĐKN