Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông sản lớn và nằm ngay cạnh Việt Nam. Thế nhưng, quốc gia này nhập nhiều nông sản của Việt Nam để sử dụng cho mục đích gì, thì gần như Việt Nam không biết rõ.
Tại buổi làm việc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra ở TP Cần Thơ hồi tuần rồi, ông Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Kinh tế hợp tác nói rằng: “Trong chuyến đi nghiên cứu thị trường Trung Quốc với Thứ trưởng Nam (ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – PV), chúng tôi phát hiện Trung Quốc là thị trường rất lớn, nhưng phía Việt Nam chưa hiểu gì về người tiêu dùng trong nội tại Trung Quốc.
Lấy trái mít, ông Hải cho rằng, đây là loại trái cây Việt Nam xuất khẩu đi Trung Quốc rất nhiều, nhưng quốc gia này nhập về không phải để ăn tươi. “Phần lớn họ nhập mít của ta (Việt Nam) về sơ chế, chế biến thành bột mít để họ sử dụng cho lương khô trong quân đội của họ”, ông cho biết và nói rằng: “Việt Nam chúng ta bán sản phẩm thô và họ làm bột như thế”.
Với củ khoai lang ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long hay của tỉnh Gia Lai, theo ông Hải, Việt Nam bán khoai lang như một loại nguyên liệu thô, nhưng Trung Quốc nhập về chế biến thành bột, nhân để làm bánh. “Họ mua khoai lang tím Nhật của mình để lấy màu, sau đó hấp lên và đóng thành thùng 15kg để xuất đi Nhật Bản và các quốc gia khác – những nơi cấm sử dụng phẩm màu công nghiệp trong thực phẩm để làm bánh”, ông Hải cho biết.
Còn với nấm, theo ông, Trung Quốc nhập rất nhiều, kể cả phụ phẩm và hiện nay một số doanh nghiệp Việt Nam tuy không công bố, nhưng phần lời chính của doanh nghiệp xuất khẩu nấm là đi sang Trung Quốc.
Trong khi đó, với sản phẩm gạo, theo ông Hải, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu đến 50% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, nhưng rất ít người biết Trung Quốc không ăn gạo Việt Nam. “Khoảng 50% gạo Trung Quốc mua của mình là để sử dụng cho các mục đích khác ở các quốc gia châu Phi, một phần là trong các nhà tù và phần còn lại là ở các vùng có nội chiến”, ông cho biết và thông tin, Trung Quốc ăn loại gạo dài ngày, khoảng 6 tháng.
Cũng theo ông Hải, để chủ động nguồn cung, phía Trung Quốc đã bắt đầu phát triển các sản phẩm nông sản nhiệt đới giống như Việt Nam. Chẳng hạn, với cây mít, hiện nay Trung Quốc đã có 137.000ha, trong khi Việt Nam chỉ có khoảng 26.000-30.000ha; với cây Thanh Long, Trung Quốc hiện cũng đã có khoảng 40.000ha so với mức 54.000ha của Việt Nam.
Theo Trung Chánh / TBKTSG Online
Đăng theo Tinh Hoa