Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) luôn phủ nhận việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và gọi đây là "lời nói dối thế kỷ" mà phương Tây bịa đặt ra, nhưng gần đây truyền thông Anh phát hiện rằng, ĐCSTQ đã "bán buôn" người Duy Ngô Nhĩ đến khắp các nơi để làm nô lệ, đồng thời giám sát họ nghiêm ngặt theo cách "quản lý bán quân sự”.
Tờ Sky News đưa tin hôm 16/4 rằng, trong kế hoạch 5 năm được đưa ra vào năm 2019, chính quyền Tân Cương tuyên bố sẽ thực hiện "Kế hoạch chuyển dịch lực lượng lao động", với lý do “cung cấp thêm nhiều cơ hội việc làm cho lực lượng lao động nông thôn dư thừa”, do đó, rất nhiều người Tân Cương đã được đưa đến các tỉnh khác để làm việc.
Theo báo cáo của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), từ năm 2017 đến năm 2019, ít nhất 80.000 công nhân Duy Ngô Nhĩ đã bị đưa đi khỏi Tân Cương, con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều. Các nhóm nhân quyền cảnh báo rằng, đây có thể là dấu hiệu ĐCSTQ cưỡng bức lao động đối với người dân Tân Cương.
Việc đưa những người Duy Ngô Nhĩ ra khỏi Tân Cương cần đến các quảng cáo trung gian. Trên các trang web đại lục, phóng viên của Sky News phát hiện có hơn mười quảng cáo trung gian, nói rằng, họ có thể cung cấp lao động Duy Ngô Nhĩ theo từng lô, mỗi lô từ 50 đến 100 người.
Những quảng cáo này ám chỉ rằng, ĐCSTQ đã tiến hành kiểm soát chính trị nghiêm ngặt đối với người Duy Ngô Nhĩ. Một quảng cáo thậm chí còn nói rằng, “chính phủ có thể đảm bảo an toàn cho những công nhân này”.
Phóng viên của Sky News đã tiến hành liên hệ theo số điện thoại được cung cấp trong quảng cáo. Một người bên trung gian nói với họ rằng, người lao động Tân Cương cần tiến hành "xét duyệt chính trị" trước khi được chuyển giao. Địa phương sẽ viết thư giới thiệu, và chính quyền địa phương tiếp nhận họ cũng phải tiến hành "xét duyệt chính trị”. Bên trung gian còn nói rằng, tất cả công nhân đều có một "giám sát viên", và các “giám sát viên” này sẽ tiến hành "quản lý bán quân sự" đối với các công nhân.
Một nhà trung gian khác nói rằng, nếu muốn điều người Duy Ngô Nhĩ đến làm việc, cần phải được chính quyền địa phương chấp thuận, bởi vì "vấn đề dân tộc thiểu số là một vấn đề nghiêm trọng”. Một phần ba số người trung gian cho biết, tiền lương của các “giám sát viên” công nhân Tân Cương này là do Phòng Nhân sự của chính quyền Tân Cương chi trả.
Các kênh truyền thông nhà nước của ĐCSTQ thường xuyên tự tuyên bố rằng, điều kiện làm việc của các công nhân Duy Ngô Nhĩ ở các khu vực khác rất tốt. Nhưng khi phóng viên của Sky News đến phỏng vấn một nhà máy ở Sơn Đông được cho là thuê 200 công nhân Duy Ngô Nhĩ, người phụ trách ở đó nói rằng, tất cả công nhân Duy Ngô Nhĩ đều không ở trong nhà máy và "đều đã về nhà". Ông này còn nhấn mạnh rằng, các bài báo nói “lao động cưỡng bức” đều là “bịa đặt”.
Người phụ trách nhà máy nói thêm, công nhân Duy Ngô Nhĩ đều là “tự nguyện” vào làm việc trong nhà máy này, lương ít nhất cũng gần 3.000 nhân dân tệ (khoảng 10.5 triệu VNĐ), ký túc xá của họ còn được lắp điều hòa. Tuy nhiên, phóng viên phát hiện rằng, bên trong các ký túc xá đều có camera của nhà máy giám sát, ngoài ra sảnh trước của nhà máy này còn được trang bị thiết bị chống bạo động của cảnh sát. Sau đó, 12 cảnh sát địa phương và quan chức ĐCSTQ chạy đến, thẩm vấn phóng viên của Sky News trong khoảng hai giờ, rồi ra lệnh cho họ phải rời đi ngay lập tức.
Sau đó, các phóng viên của Sky News lại đến một nhà máy chế biến thủy sản khác ở cùng tỉnh, gần đây, nhà máy này đã mở công ty con ở Anh. Giám đốc của nhà máy này có vẻ như đã biết trước các phóng viên sẽ đến và đợi sẵn ở cổng ra vào. Giám đốc nói rằng nhà máy này không có công nhân người Duy Ngô Nhĩ nào, trong những năm ông ta làm việc ở đây, nhà máy này chưa từng thuê người Duy Ngô Nhĩ làm việc.
Tuy nhiên, vào ngày 18/3/2020, một bài viết giới thiệu trên trang web của công ty này nói rằng, nhà máy này “hoan nghênh” các công nhân Duy Ngô Nhĩ đến từ Tân Cương, và nói rằng ở đây có thể giúp xóa đói giảm nghèo, đồng thời thúc đẩy "sự hòa nhập của đại gia đình dân tộc". Bài viết này đã bị xóa sau đó.
VIDEO: MÁU VÀ NƯỚC MẮT SAU CÁC SẢN PHẨM "MADE IN CHINA"
Mai Hạ
Đăng theo NTDVN