Chính quyền Bắc Kinh hôm 6/3 công bố, toàn thành phố hiện vẫn còn 827.000 người trở lại thủ đô đang cách ly theo dõi tại nhà. Công tác phòng chống dịch bệnh đã tới giai đoạn khẩn cấp nhất. (NICOLAS ASFOURI / AFP via Getty Images)
Ngoài tâm chấn của dịch bệnh tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, phải phong tỏa nghiêm ngặt, Chủ tịch Tập Cận Bình đã yêu cầu hầu hết các nơi trên toàn quốc trở lại làm việc, đồng thời trọng tâm là bảo vệ Bắc Kinh. Ngày 6/3, chính quyền Bắc Kinh công bố vẫn còn 827.000 người trở lại Bắc Kinh đang ở nhà để theo dõi. Công tác phòng chống dịch bệnh đã đến thời điểm khẩn cấp nhất. Nhiều nguồn tin khác nhau cho biết dịch bệnh đang đe dọa gây nguy hiểm cho Trung Nam Hải, vốn là khu đầu não của chính quyền Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Tin từ Beijing news cho biết hôm thứ Sáu (6/3), buổi họp báo về phòng chống dịch bệnh viêm phổi và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 lần thứ 42 đã được tổ chức tại Bắc Kinh. Ông Trương Đồng Quân (Zhang Tongjun), Phó Chủ nhiệm Văn phòng phòng chống và kiểm soát dịch thuộc Tổ lãnh đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 thành phố Bắc Kinh đã cập nhật tình hình dịch bệnh tại thủ đô. Ông Trương nói rằng vẫn còn 827.000 người trở lại Bắc Kinh và đang ở nhà để theo dõi, việc phòng chống dịch bệnh của thành phố đã bước vào thời khắc quan trọng và khó khăn nhất.
Theo tin từ Wall Street Journal, ngày 4/3, khi các khu vực khác của Trung Quốc bắt đầu nới lỏng hạn chế, thì thủ đô Bắc Kinh bắt đầu tăng cường phòng ngừa và kiểm soát. Bởi vì Bắc Kinh đang phải đối mặt với một lượng lớn người quay trở về từ các khu vực khác.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước đây đã kêu gọi hầu hết các nơi trên toàn quốc nối lại công việc, đồng thời đề nghị tập trung vào hai khu vực trọng điểm cần phòng chống dịch: một là tâm chấn của dịch bệnh ở tỉnh Hồ Bắc và hai là Bắc Kinh.
Tin của Wall Street Journal cho biết nhiều điểm tham quan ở Bắc Kinh đã bị đóng cửa hơn một tháng nay. Các điểm tham quan gần khu vực trung tâm chính phủ, như Tử Cấm Thành, Quảng trường Thiên An Môn, Bảo tàng Quốc gia và Thư viện Quốc gia, vẫn đóng cửa. Nhà chức trách cũng đã đóng cửa một phần của Vạn Lý Trường Thành. Phố Trường An phía trước Tử Cấm Thành thường đông đúc người qua lại, nhưng gần như vắng bóng người vào cuối tuần.
Cảnh sát kiểm tra thẻ căn cước của khách du lịch, chỉ cho phép người dân Bắc Kinh và những người chứng minh được rằng không rời Bắc Kinh trong hai tuần qua, mới được vào thành phố.
Bắc Kinh hiện đang phải đối mặt với số lượng lớn người từ các khu vực khác đổ về. Trong số 22 triệu cư dân của thành phố, khoảng 8 triệu người mang hộ khẩu của nơi khác, và nhiều người trong số họ có thể trở về quê đón Tết vào dịp tháng 1. Chủ nhật tuần trước, Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc đã cấm tất cả các dịch vụ taxi và đặt xe ở Bắc Kinh rời khỏi thành phố, và các dịch vụ đặt xe ở những nơi khác cũng bị cấm vào Bắc Kinh. Dịch vụ vận chuyển hành khách liên tỉnh tạm dừng hoạt động vào cuối tháng 1.
Bắc Kinh đã ban hành hướng dẫn mới nhất về phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh, nhấn mạnh rằng tất cả nhân viên từ các vùng khác tới thành phố phải cách ly tại nhà trong 14 ngày và yêu cầu các khu dân cư tăng cường giám sát. Nhân viên từ các quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh cũng phải cách ly trong 14 ngày. Nhà chức trách cũng cho biết sinh viên đại học không nên quay lại trường.
Chính quyền Bắc Kinh đã hoãn Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị toàn quốc tháng 3 hàng năm tại Bắc Kinh. Đây là sự việc rất hiếm thấy.
Bài báo trên Wall Street Journal nói rằng những nhà nghiên cứu lịch sử y tế cho biết, vì sự lây lan dịch bệnh mà lựa chọn cách phong tỏa chính trị và trung tâm tài chính là việc xưa nay rất hiếm. Việc này có thì cũng chỉ trên phạm vi cục bộ, ví dụ, vào năm 1892, Tổng thống Hoa Kỳ Benjamin Harrison đã cô lập các cửa cảng thành phố New York trong thời kỳ khủng hoảng dịch tả. Năm 1900, các nhà chức trách đã đóng cửa khu phố Tàu ở Honolulu để kiểm soát bệnh dịch hạch. Năm 2014, Libya đã đóng cửa một địa khu nghèo gần thủ đô Monrovia để ngăn chặn sự lây lan của virus Ebola chết người.
Bắc Kinh nằm cách khu vực tâm chấn của dịch bệnh - thành phố Vũ Hán, khoảng 1.120 km, theo số liệu công bố, số trường hợp được xác nhận nhiễm dịch tương đối nhỏ, nhưng ngoại giới nhận định con số này có thể bị che giấu.
Ngày 23/2, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh trong cuộc họp trực tuyến với 170.000 quan chức đảng rằng "an toàn và ổn định cho thủ độ", "liên quan trực tiếp đến việc đại cục của đảng và toàn quốc". Sau đó, có thông tin trên Internet truyền rằng Bắc Kinh đã tăng mức xử lý dịch bệnh lên cấp độ như Vũ Hán.
Ông Tập Cận Bình lo lắng như vậy cũng là đương nhiên, vì dịch viêm phổi Vũ Hán tiếp tục gia tăng cao tại Bắc Kinh và khu Tây Thành nơi Trung Nam Hải tọa lạc, đang trở thành một khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hiện tại, ít nhất hai bệnh viện và nhiều văn phòng trong khu vực, bao gồm Bệnh viện Nhân dân Đại học Bắc Kinh và Bệnh viện Phục Hưng Bắc Kinh, đã xảy ra các trường hợp lây nhiễm cụm. Trong đó, Bệnh viện Phục Hưng có phòng dành cho cán bộ cấp cao của ĐCSTQ, chịu trách nhiệm chăm sóc y tế cho hơn 5.000 cán bộ thuộc 45 đơn vị cấp cục, cấp bộ, cùng 4 phòng khám. Nhiều bác sĩ cũng là con cháu của các cán bộ cao cấp. Bệnh viện chỉ cách Trung Nam Hải 3,5 km, và chỉ mất 7 phút đi xe.
Ngày 19/2, có nhân viên của Bộ Tài chính của ĐCSTQ tại Tòa nhà 51, khu 1, Tây Thành, đã được chẩn đoán nhiễm dịch. Ngày 27/2, tại Bắc Kinh xuất hiện bệnh nhân siêu lây nhiễm. Một người dọn dẹp mang theo bệnh dịch đi làm trở lại khiến 178 người từng tiếp xúc với bệnh nhân bị cách ly, trong đó có 10 đồng nghiệp được xác nhận bị lây nhiễm. Địa điểm hoạt động của những ca nhiễm này lại chính là địa chỉ của Trung tâm ứng phó khẩn cấp Internet quốc gia, một đơn vị trực thuộc của Văn phòng không gian mạng của ĐCSTQ.
Ngoài ra, có nhiều tin tức nóng lan ra rằng các quan chức cấp cao Trung Quốc ở Bắc Kinh bị nhiễm bệnh.
Ngày 5/2, báo Epoch Times đã trích dẫn lời một “Hồng nhị đại” vốn sống ở Bắc Kinh nói rằng dịch bệnh đã đánh vào nhiều cơ quan lớn và trong quân đội ở Bắc Kinh. Các cán bộ cao cấp và người nhà của họ hiện đang được tập trung tại Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc - Nhật Bản tại Bắc Kinh, tất cả đều được sử dụng các loại thuốc đặc trị mới nhất do Mỹ sản xuất.
Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc - Nhật Bản là một bệnh viện trực thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia của ĐCSTQ. Ở đây đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc và phục hồi y tế cấp trung ương. Đây là bệnh viện chuyên điều trị và phòng ngừa SARS, và cũng là bệnh viện được chỉ định dành cho các quan chức cấp cao ở Bắc Kinh.
Ngày 8/2, tỷ phú người Trung Quốc đang sống ở Hoa Kỳ, ông Quách Văn Quý, đã tiết lộ thông tin Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Thành phố Bắc Kinh từ lâu đã có người chết. Ca nhiễm bệnh đầu tiên ở Bắc Kinh thuộc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Bắc Kinh, cảnh sát Bắc Kinh.
Trên mạng cũng lan ra thông tin các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc - Nhật Bản ở Bắc Kinh tiết lộ con rể của ông Lật Chiến Thư - Bộ trưởng Bộ Chính trị là Thái Hoa Ba (người Singapore) bị nhiễm dịch viêm phổi Vũ Hán và được ông Lật dùng chuyên cơ đặc biệt đưa về Bắc Kinh. Ông Lật ban đầu sắp xếp cho con rể nằm ở bệnh viện 301, nhưng bị các cán bộ cao cấp đã nghỉ hưu của ĐCSTQ ở khu Tây phản đối. Vì thế ông đành chuyển con rể sang Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc - Nhật Bản, trở thành bệnh nhân cùng phòng với con trai Bí thư thành ủy Bắc Kinh - Thái Kỳ.
Ngoài ra, ngày 22/2, trên Twitter có thông tin ông Vương Trọng Vĩ, một quan chức cấp cao của ĐCSTQ, bí thư kiêm chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Nhà nước, được xác nhận bị nhiễm dịch và hiện đã được cách ly khẩn cấp. Nếu những thông tin đó là thật, điều đó có nghĩa là dịch bệnh đã tấn công tới Trung Nam Hải.
Vấn đề sức khỏe của các quan chức cao cấp của ĐCSTQ luôn được xem là bí mật, hiện vẫn chưa xác nhận được tính xác thực của những thông tin được lan truyền ra.
Minh Thanh
Theo secretchina