Gần đây, Tập Cận Bình đã có chuyến thăm bất ngờ tới núi Tần Lĩnh ở tỉnh Thiểm Tây.

Ông nói trong bài phát biểu trước các quan chức rằng Tần Lĩnh có con sông chảy theo hướng bắc nam, là tháp nước trung tâm của Trung Quốc, là “tổ mạch” của dân tộc Trung Hoa và là biểu tượng quan trọng của văn hóa Trung Quốc.

Một số phân tích chỉ ra rằng ông Tập thực sự đang nói về phong thủy của Tần Lĩnh, và Tần Lĩnh được coi là có “long mạch”, điều này cũng dẫn đến suy đoán rằng ông Tập thực sự có niềm tin vào tâm linh.

Secret China dẫn thông tin từ phương tiện truyền thông của Trung Quốc chiều ngày 20/4 cho biết, Tập Cận Bình đã đến huyện Tạc Thủy, thành phố Trương Lạc, tỉnh Thiểm Tây. Ông Tập và nhóm của ông lần đầu tiên đến Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Ngưu Bối Lương ở khu vực phía đông dãy núi Tần Lĩnh. Tại đỉnh núi có độ cao 1.700 mét so với mực nước biển, ông Tập cho biết dãy núi Tần Lĩnh và dòng sông chảy theo hướng bắc nam là tháp nước trung tâm của Trung Quốc, là “tổ mạch” của dân tộc và là biểu tượng văn hóa của đất nước. Ông cũng nhấn mạnh cần phải bảo vệ hệ sinh thái của Tần Lĩnh, và việc xây dựng bất hợp pháp ở Tần Lĩnh không được phép lặp lại.

Tần Lĩnh vốn được các đời đế vương Trung Hoa tôn vinh là long mạch, và việc xây dựng công trình “đè lên” long mạch là điều đại kỵ. Trước đây, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin Tập Cận Bình từng 6 lần phê chỉ thị dẹp bỏ các biệt thự quy mô lớn được xây trái phép trên núi Tần Lĩnh – dự án lén lút của các quan chức địa phương. Nhưng các công trình vẫn không bị dẹp bỏ do sự chống cự âm thầm của các quan chức này. Mãi đến tháng 7/2018, Trung Kỷ Ủy, Phó thư ký Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, đã hai lần đến Thiểm Tây thị sát, và chỉ đến lúc đó chính quyền địa phương mới dỡ bỏ các biệt phủ này. Rất nhiều quan chức vì việc này mà bị ngã ngựa.

Về động thái ghé thăm Tần Lĩnh của Tập Cận Bình và nội dung bài phát biểu nói trên, Thạch Tàng Sơn, một chuyên gia về Trung Quốc ở Washington nhìn nhận rằng:

“Tập Cận Bình trên bề mặt thì nói về việc phải kiên định đi theo con đường chủ nghĩa cộng sản, nhưng trên thực tế ông ta có niềm tin vào phong thủy, khí công, tu hành, những việc như vậy… Vì lẽ đó, ông ta không ngại “đem trảm” một loạt quan chức ở Thiểm Tây, Tây An, cũng không ngại việc đắc tội với Triệu Lạc Tế – Ủy viên Thường vụ Chính trị hiện thời, nguyên Bí thư tỉnh ủy Thiểm Tây – nhất định phải phá hủy tất cả các biệt phủ này. Điểm mấu chốt chính là liên quan đến phong thủy của dãy Tần Lĩnh”.

Trong số các quan chức bất mãn với Tập, nhiều người từng là bộ hạ cũ của Triệu.

Mặt khác, nhà bình luận Hạ Tiểu Cường cho rằng, mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố đi theo chủ nghĩa vô thần, không tin cái gọi là “mê tín phong kiến”, nhưng các nhà lãnh đạo ĐCSTQ đều “mê tín” cả. Mao Trạch Đông đã từng đi tìm hòa thượng để đoán mệnh, Giang Trạch Dân vì hãm hại, đàn áp Pháp Luân Công, hoảng sợ trong tâm, mà từng ở nhà chép “Địa Tạng Kinh”, Tập Cận Bình cũng không phải là ngoại lệ.

Tập Cận Bình lần này tới Tần Lĩnh đúng thời điểm cục diện chính trị nội bộ bất ổn và tiếng nói chống Tập liên tục xuất hiện. Ông Hạ Tiểu Cường cho rằng, Tập đã đề cập đến “Tây thiên tinh thần” ở Thiểm Tây, khả năng chuẩn bị một khi cục diện chính trị phát sinh kịch biến, Bắc Kinh xuất hiện chuyện ngoài ý muốn, ông ta có thể sử dụng Thiểm Tây làm nơi rút lui an toàn. Ông Tập chuyến này lên Tần Lĩnh, có thể là thị sát hoặc kiểm tra công tác chuẩn bị cuối cùng.

Ý định thực sự của Tập Cận Bình khi đến Thiểm Tây vẫn chưa rõ ràng, nhưng các nhà quan sát nói trên đều đề cập đến niềm tin vào phong thủy của Tập Cận Bình. Đây là điều đáng chú ý.

Theo tác giả Lý Uyển Quân từ Secret China, hai năm trước ĐCSTQ chưa bỏ giới hạn nhiệm kỳ và Tập Cận Bình chưa trở thành chủ tịch trọn đời. Theo thông tin trên trang WikiLeaks, vào ngày 30/8/2011 Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh đã gửi về Washington DC một công điện mật đề ngày 16/11/2009.

Bức điện tín có tên mã 09BEIJING3128, cho biết người cung cấp những tài liệu này là “bạn thân của Tập Cận Bình”, một vị giáo sư, người đã liên lạc với đại sứ quán Mỹ từ lâu. Ông này chia sẻ thông tin về nền tảng gia đình, sự phát triển, giai đoạn tuổi mới lớn và sự nghiệp chính trị của Tập Cận Bình, cũng như ấn tượng và đánh giá của ông về tính cách của ông Tập.

Bức điện tín này là tài liệu được các quan chức Mỹ soạn thảo sau nhiều lần trao đổi với vị giáo sư kể trên trong giai đoạn năm 2007 – 2009. WikiLeaks đã che đi phần tên của vị giáo sư cung cấp thông tin trong bức điện.

Theo đó, ông Tập Cận Bình trong những năm đầu sự nghiệp rất tin tưởng vào sức mạnh siêu nhiên của Phật gia. Qua những buổi nói chuyện của vị giáo sư này với ông Tập, tại thời điểm ông Tập nhậm chức ở Hạ Môn, ông này có tới Hạ Môn để gặp Tập Cận Bình. Ông Tập đã thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đối với võ thuật Phật gia, khí công, những năng lực bí ẩn khác giúp ích cho sức khỏe, cũng như Thánh địa Phật giáo Ngũ Đài Sơn.

Vị giáo sư này nói rằng ông không biết liệu Tập Cận Bình thực sự có niềm tin nơi tâm linh hay không, hay ông chỉ đang muốn tìm cách cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của mình. Nhưng ông nói rằng trong bất kể trường hợp nào, những hiểu biết của ông Tập đối với các vấn đề này đều khiến ông vô cùng kinh ngạc. Tập Cận Bình dường như có niềm tin vào sức mạnh siêu nhiên.

Sở thích bí mật trước đây của Tập Cận Bình dường như được củng cố một phần trong bài phát biểu mới nhất của ông về dãy núi Tần Lĩnh.

Một bài báo đăng trên Secret China ngày 24/4 cũng chỉ ra rằng Tập Cận Bình đã nhiều lần chỉ thị nghiêm cấm xây dựng bất hợp pháp trên núi Tần Lĩnh. Nguyên nhân có thể là vì ông lo lắng “long mạch” nơi đây có thể bị phá hủy.

“Long mạch” là khái niệm xuất phát từ văn hóa truyền thống Trung Hoa và từ niềm tin vào Thần. Văn hóa tín Thần đã tồn tại và đồng hành cùng dân tộc Trung Hoa xuyên suốt năm ngàn năm. Trên vùng đất linh khí ở Tần Lĩnh, Viêm hoàng và hậu duệ sinh sôi liên tục, xã tắc giang sơn đều do Thần gia trì và bảo hộ, vậy nên vua mới được gọi là Thiên tử (con trời), được Trời giao trọng trách giúp nước giúp dân. Nhưng là một nhà lãnh đạo của một thể chế chính trị lấy chủ nghĩa vô thần làm nền tảng, tất nhiên ông Tập không dám trực tiếp sử dụng từ “long mạch” trong văn hóa Thần truyền, mà thay vào đó gọi là “tổ mạch”.

Bài báo bình luận rằng trên thực tế, giống như Mao Trạch Đông, người đã phát động cuộc Cách mạng Văn hóa tàn khốc, nhưng trước khi chết không lâu lại đăm chiêu đối với những ngôi sao băng rơi trên bầu trời dường như có liên quan nào đó đến mình. Được biết Mao năm đó đã tỏ ra rất sợ hãi. Vậy Tập Cận Bình, trong rối ren lại quan tâm tới “long mạch”, chẳng phải cũng là vì lo sợ hay sao?

Theo Lâm Vũ, Secretchina
Phụng Minh biên dịch

Đăng theo dkn.tv