Sau khi những người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc phải vào các ‘trại giáo dục’, con của họ sẽ thuộc sự quản lý của chính phủ. Chúng bị ngược đãi, suy dinh dưỡng và suy sụp tinh thần.
Cô bé người Duy Ngô Nhĩ Gulina (không phải tên thật), 9 tuổi, đến từ phía nam Tân Cương, từng luôn vui vẻ, giờ thường khóc một cách buồn tủi. Nụ cười đã biến mất khỏi khuôn mặt bé kể từ khi em được gửi đến một trường nội trú địa phương.
“Con bé rất nhớ ba mẹ, những người đã bị bắt đi cải tạo ở các trại giáo dục và con bé đã được gửi đến đây”, một cựu giáo viên trong trường nói với Bitter Winter.
“Con bé từng là một học sinh giỏi, khỏe mạnh và vui vẻ. Nhưng tâm trạng của bé giờ đây trở nên buồn chán, con bé gầy và bé không thể tập trung trong lớp cũng như khi làm bài tập về nhà. Bé có tâm trạng không tốt. Khi tôi hỏi con có bị bệnh không, bé chỉ lắc đầu”, cựu giáo viên cho biết.
Hơn 40 trẻ em người Duy Ngô Nhĩ sống và học tập tại trường nội trú cùng với Gulina vì cha mẹ của các em đang bị giam giữ tại các ‘trại giáo dục’ ở Tân Cương. Theo dữ liệu của chính phủ Trung Quốc, gần nửa triệu trẻ em Duy Ngô Nhĩ đã được gửi đến các trường nội trú đặc biệt, và chính quyền nước này đặt mục tiêu xây dựng một hoặc hai ngôi trường như vậy trong hơn 800 thị trấn của Tân Cương vào cuối năm tới.
“Học sinh ở trường nội trú có nhiều thời gian hơn để học, nhưng điều này không có nghĩa là các bé sẽ đạt điểm cao hơn. Ngược lại, kết quả học tập của các bé trở nên tệ hơn”, cựu giáo viên giải thích. “Các em sống trong sợ hãi và không có tâm trạng để học”.
Điều duy nhất khiến Gulina hạnh phúc là bé sẽ được đến nhà người thân hai tuần một lần.
“Khi ngày đó đến, con bé thường lơ đãng, và không thể chờ đợi để rời khỏi trường”, giáo viên cho biết. “Việc đầu tiên bé làm vào ngày hôm đó là đưa tôi ký đơn xin nghỉ phép vào cuối tuần”.
Theo quy định của trường, học sinh muốn rời khỏi trường phải được giáo viên chủ nhiệm ký giấy nghỉ phép và chụp ảnh cùng nhau. Đối với những học sinh không đi thăm người thân, nhà trường sẽ sắp xếp để các em xem những bộ phim truyền hình có nội dung nhằm xóa bỏ bản sắc dân tộc của các em và ca ngợi chính quyền.
“Các bé thường chỉ được cho một muôi cơm và rau cho bữa ăn, các bé luôn đói”, giáo viên cho biết, và nói rằng khi cô hỏi các bé có cảm thấy no và ngon miệng không, những đứa trẻ sẽ cúi đầu xuống và nói thì thầm “không”.
Theo giáo viên, nhà trường cho mỗi đứa trẻ một tuýp kem đánh răng và một bánh xà phòng trong nửa năm. Các em chỉ được uống nước máy, và nước nóng chỉ được cung cấp với số lượng hạn chế khi trời lạnh.
Một giáo viên tiểu học ở trung tâm của Tân Cương nói với Bitter Winter rằng, có gần 50 học sinh người Duy Ngô Nhĩ trong lớp anh dạy, với hầu hết ba của các em đều ở trong các trại và gia đình của các em chỉ sống với khoản trợ cấp sinh hoạt của chính phủ là 300 RMB (khoảng 43 USD) một tháng. Khi nhà trường yêu cầu học sinh phải trả hơn 80 RMB (khoảng 11 USD) tiền mua đồng phục, mẹ của một số học sinh gọi và nói rằng họ không thể mua được.
“Một người mẹ gọi cho tôi và nói rằng chồng cô không có nhà và gia đình thậm chí không còn tiền để mua thức ăn, vì vậy mua đồng phục là điều không thể”, giáo viên cho biết. “Người mẹ phải rời nhà sớm mỗi ngày và trở về muộn để làm những công việc lặt vặt để kiếm đủ tiền. Cô không còn thời gian để chăm sóc con gái 8 tuổi của mình, vốn tự nấu ăn và đi học một mình. Tôi thấy con bé mặc quần áo bẩn, bị căng thẳng, ít nói và hầu như không cười trong lớp”.
Ở Korla, thành phố lớn thứ hai Tân Cương, thường thấy một cảnh sát đưa một nhóm trẻ em người Duy Ngô Nhĩ, từ 3 đến 6 tuổi đến một nhà phúc lợi. Cha mẹ các bé đang ở trong các ‘trại giáo dục’, vì vậy các bé phải đến nhà phúc lợi sau giờ học chứ không phải ở nhà, nơi được ba mẹ yêu thương và chăm sóc.
Theo Xiang Yi / Bitter Winter
Băng Thanh dịch và biên tập