Một người không tin có ma quỷ, có linh hồn thì lại chứng kiến điều đó như một khẳng định chắc chắn rằng “tôi đã sai”.

Những người trung tuổi thường trải qua thời bao cấp thiếu thốn. Tôi và chị hai sinh mệnh được gắn kết trong một chiều mưa Sài Gòn bên ly trà đắng. Ngoài kia trời vẫn đổ dông, cơn dông của Sài Gòn, biến đổi khí hậu nên dai dẳng, đã mất rồi ‘trời chợt mưa, chợt nắng’ của ngày xưa.

Tôi ngồi nhìn chị, ẩn sau nỗi khắc khoải của thời gian hiện trên gương mặt là một niềm vui an lạc khó nói thành lời. Tôi không thể hình dung vì sao chị lại có thể trải qua nhiều sóng gió và biến cố đến như vậy. Cái thời đói khổ nheo nhóc, chị kể rằng…

Từng giọt mưa tí tách bên ly trà đắng tôi lắng nghe câu chuyện về cuộc đời chị với nhiều thăng trầm. Ảnh Chị Yên thời trẻ.

Tôi là Trần Thị Yên, sinh năm 1954. Nhà tôi bên đê sông Hồng, ở xã Hồng An, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Tuổi thơ đói khổ và ước mơ thoát li

Dòng sông quê tôi đỏ nặng phù sa mỗi mùa mưa lũ. Trong ký ức của đứa trẻ thơ dại, dòng sông ấy khi nổi giận rất dữ dằn cuồn cuộn cuốn phăng hoa mầu nhà cửa ven bờ. Những ký ức đói khổ của vùng quê nghèo với những mùa mưa bão luôn quay quắt vì chưa bao giờ làng tôi đủ ăn sau mùa thu hoạch 2 tháng. Vừa thu hoạch tháng trước tháng sau đã hết gạo. Bố mẹ tôi sinh bảy người con, nhà nông, vùng đồng trũng tứ bề thiếu đói. Nhưng mẹ chạy đồng, chạy chợ nên chị em tôi được đến trường.

Học xong lớp 7 hệ 10 năm, tôi cũng như bao người ở quê tiếp tục làm ruộng và ao ước: Đi đâu cũng được, miễn là thoát cảnh nhà quê. Trước đây, ai muốn được đi học nghề hay đi học ngành gì cũng phải là diện gia đình chính sách, con cán bộ, cha mẹ, anh chị đi chiến trường hoặc gia đình liệt sĩ mới có vinh dự ấy. Người ta cạy cục khắp cửa quen biết để được cầm một tấm giấy nhập học. Bởi vì, được đi học, kể cả đi làm công nhân không phải ở lại làng là coi như thoát li. Điều ấy quan trọng và rất hãnh diện, vì nó đồng nghĩa với không sợ đói và được gắn ‘mác’ người nhà nước.

Mặc dù gạo của cán bộ và công nhân là do nông dân làm ra, nhưng người nông dân luôn thiếu đói. Chỉ có đi làm nhà nước, tức là thoát cảnh làm nông thì mới được chính phủ phân gạo và các nhu yếu phẩm khác qua hình thức tem phiếu, mà nông dân thì không có phiếu để mua. Hồi đó, muốn mua gì người ta phải cầm phiếu ra cửa hàng thương nghiệp để mua, mà phiếu thì chỉ người nhà nước mới có.

Trong lúc đang mong ước được đi thoát li để không còn ở cái cảnh đói nữa thì tôi nghe nói, chính sách đi học đợt này là dành cho con em gia đình liệt sĩ hoặc có người đi B. May quá, anh trai cả của tôi đang ở chiến trường B (chiến trường miền Nam trong những năm chiến tranh).

Lênh đênh phận gái xa nhà

Thế là tôi được đi học trường Trung cấp Thủy sản trung ương 1 Hải Phòng. Xa nhà, xa quê, xa mẹ… biết bao nhớ thương. Rồi tôi tốt nghiệp đúng lúc đất nước thống nhất. Tôi và bạn bè lại lên đường Nam tiến theo danh sách biệt phái của Bộ Thủy sản. Chả là sau giải phóng không ai muốn vào Nam. Ra đi là do yêu cầu và phân công của tổ chức chứ thân gái vạn dặm đường xa, lạ nước lạ cái. Tôi và bạn bè vào tận Cà Mau để làm việc cho Sở Thủy sản Minh Hải. Nói cho nó oai, thực chất là đi nuôi tôm (chị cười). Lạc lõng giữa vùng đất hoang vu, vắng vẻ, muỗi nhiều như trấu. Rừng U minh, khoảng 4 giờ chiều là rừng đã bắt đầu âm âm u u, muỗi oanh tạc. Chúng tôi bỏ mùng rồi ngồi trong đó tránh muỗi, giường thì được làm bằng mấy cây già ghép lại, đơn sơ nhưng tuổi trẻ vẫn thấy vui.

Lăn lộn 2 năm. Ngủ mái tranh, che lán lá… Tôi được điều động về Trường Đại học Cần Thơ. Về Cần Thơ sống mười sáu năm với cuộc hôn nhân ngắn ngủi, thêm một đứa con thơ dại… rồi tôi ở vậy nuôi con trong khu nhà tập thể của trường.

Chị Yên và con gái (ảnh chụp tại Nha Trang 1996)

Những tháng ngày kỉ niệm ấy thật khó quên. Công việc của tôi ở đó là làm trại cá thực nghiệm của Khoa Thủy sản, nơi để sinh viên khoa nuôi trồng thủy sản thực tập giáo trình chuyên môn và làm luận văn tốt nghiệp, tuy vất vả nhưng rất tình người nên cuộc sống nhẹ nhàng ấm áp.

Duy chỉ có hai việc làm tôi… không vui. Một là: chúng tôi phải vạc đầu hàng tấn cá sống mỗi năm. Vì công việc giúp cho cá nước ngọt sinh sản nhân tạo nên cần dùng thuốc kích thích cho cá đẻ. Nhưng hồi đó, mua thuốc rất khó khăn nên chúng tôi phải lấy não thuỳ thể tươi của nó mà chích cho cá sinh sản nhân tạo. Còn việc thứ hai đã ám ảnh tôi nhiều năm. Vì thuốc HCG rất cần thiết trong quá trình sinh sản của cá, mà thuốc này thời đó cũng hiếm nên chúng tôi phải tự điều chế. Chúng tôi xin những thai nhi chết lưu dưới ba tháng của bệnh viện mang về để làm thuốc. Bởi vì chúng tôi khi ấy hoàn toàn tin vào thuyết vô thần, chết là hết, không tin có linh hồn, có ma quỷ, có thiện ác hữu báo nên chúng tôi không biết sợ. Tuy vậy nỗi ám ảnh ấy phải rất lâu, rất lâu mới có thể phai nhạt trong tâm trí tôi.

Đau đớn vì bệnh tật

Có lẽ vì nghiệp báo nặng nên tôi bị bệnh khá sớm. Ở tuổi 33 tôi bắt đầu đau chân và đầu gối luôn sưng tấy, đi lại khó khăn. Tôi chuyển về văn phòng Khoa vì không thể đứng hay đi lại để làm ở trại cá được nữa.

Năm 44 tuổi, tôi phát bệnh viêm đa khớp và bị liệt. Tôi vào điều trị tại bệnh viện Đông Y 175 với sự tận tuỵ chăm sóc và nhiều phương pháp từ các y bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ trưởng khoa Nguyễn Thanh Xuân. Sau một năm tôi bình phục. Tuy nhiên, do mắc nhiều bệnh như: gai đốt sống cổ, viêm xoang hàm bướm, táo bón kinh niên, lệch đĩa đệm 5 đốt sống cổ, rối loạn tiền đình, tăng huyết áp…, nên tôi vẫn là bệnh nhân thường xuyên của bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân và Bệnh viện 175. Lúc này, tôi đã lên Sài Gòn sinh sống và làm việc tại Trung tâm hỗ trợ giáo dục và đào tạo Ceset, đây là trung tâm tư vấn du học đầu tiên được Bộ GDĐT cấp phép hoạt động nên cũng tiện việc chữa bệnh cho bản thân. Cuộc sống của tôi cứ thế trôi qua. Tôi đã uống đủ thứ thuốc và dùng nhiều liệu pháp như: châm cứu, bấm huyệt, rọi đèn tia hồng ngoại… để chống chọi, cầm cự với các bệnh này.

Nỗi khổ của người vô thần bị hồn nhập

Nhưng bão tố đã ập đến cuộc đời tôi. Một người không tin có ma quỷ, có linh hồn thì lại chứng kiến điều đó như một khẳng định chắc chắn rằng “tôi đã sai”. Đó là năm 2013, tôi về quê, theo lời đề nghị của người thân tham gia tìm lại mộ 5 đời của dòng họ. Thật tình, tôi vốn không tin có linh hồn… Tôi tham gia tìm mộ với dòng họ vì tôi nghĩ, các cụ cũng già, ao ước có vậy nên cũng chiều lòng. Nhưng khi cuộc kiếm tìm mộ sang đến ngày thứ 4 thì bà cô tổ tứ đại nhập hồn vào tôi. Rồi mượn xác tôi, bà chỉ cho người ta tìm thấy mộ của mình. Và đến ngày thứ 5 thì dòng họ tôi đã tìm thấy mộ bà cô tổ.

Chị Yên (người bên trái) tin vào vô thần đã hoàn toàn bất ngờ khi bị hồn nhập.

Cả họ vui mừng, chỉ mình tôi từ đó gánh chịu nỗi đau mang tên “bệnh tâm linh”. Bà cô tổ đã không chịu rời khỏi thân xác của tôi kể từ đó. Bà cứ mượn xác tôi để cười, để khóc, để yêu cầu gì đó. Gia đình tôi đã tìm mọi phương cách. Tôi, một người không tin những gì gọi là linh hồn, là ma quỷ thì giờ đây lại thật sự sợ hãi và mệt lả khi phải tranh giành cái thân xác của chính mình với cái hồn ma mà không biết có phải bà cô tổ thật không. Kiệt quệ, nhà tôi đã làm đủ các loại lễ: Khai khẩu, lễ giải nghiệp chướng, lễ đổi bát hương nhà thờ tổ…, nhưng vô hiệu. Chỉ là tiền mất tật mang.

Sau đó là hành trình tìm thầy Pháp. Thầy đầu tiên là thầy Duy An ở thị trấn Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Thầy Pháp này nói đúng trạng thái của tôi. Nghĩa là, tôi luôn thấy mình lơ lửng trên cao mặc dù chân đang chạm đất… Nhưng thầy cũng không chữa khỏi bệnh cho tôi được. Mặc dầu, công bằng mà nói, sau lần gặp thầy làm lễ, tôi thấy mình đỡ lơ lửng trên cao hơn. Nói cách khác cái hồn cho là bà cô tổ 4 đời nhà tôi vẫn không chịu rời đi, nó vẫn còn giành xác tôi để sống. Sau đó là các buổi lễ tại đền Tiên La, ngôi đền thiêng nhất huyện Hưng Hà… nhưng tôi không hết bệnh.

Trạng thái của tôi rất khốn khổ. Có khi tôi đang làm việc gì đó, cái hồn muốn cười là bắt tôi cười, muốn khóc là bắt tôi khóc. Tôi muốn qua đường, đúng lúc vắng người, cái hồn lại không cho tôi qua, cứ giữ chân tôi chặt cứng; đến lúc đông người thì “nó” lại thả chân cho tôi qua, cảm giác bất lực mà không chống chọi nổi. Hàng ngày hàng đêm trôi qua như thế. Vô cùng khủng khiếp. Thân xác tôi kiệt quệ, tinh thần tôi cũng kiệt quệ.

Tôi vào thành phố Hồ Chí Minh tìm thầy Dũng (quận 11) nhờ thầy dùng phong thủy để dẫn “cô ma” đi nhưng không được. Tôi cũng ấn tống kinh vào chùa để người ta đọc kinh dẫn “hồn” đi nhưng “nó” vẫn bám chặt lấy tôi. Tôi lại ra Hà Nội, đến đền Tương Thuận phố Khâm Thiên nhờ cô Thủy bắt ma. Cô này nổi tiếng… Cô Thủy dẫn tôi về thành phố Nam Định bắt hồn nhưng không có gì thay đổi. “Nó” vẫn đồng hành cùng với tôi. Tuy nhiên, có lúc thì đứng bên ngoài, có khi nhập vào tôi. Nói cách khác là 3 năm tôi đã tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền cho việc “bắt hồn” mà bất lực. Càng về sau cái hồn càng làm dữ hơn, nhập nhiều hơn, không cho tôi ăn ngủ. Ngày mẹ tôi mất khi đó tôi ở miền Nam còn mẹ tôi ở Bắc. Cái hồn dựng tôi dậy báo cho tôi biết, tôi hỏi lại: “Mẹ cháu mất phải không?”, nó ra hiệu “phải”.

Sau đám hiếu, tôi về lại Sài Gòn. Mỗi khi tôi nằm là nằm luôn không thể dậy. Ai gặp cũng nói tôi như người chết trôi. Chị gái tôi cũng bảo âm dương không thể sống cùng, nhưng đã hết cách mà không thể đuổi được hồn đi thì tôi biết làm gì! Tôi thở dài ngao ngán thấy rõ rằng có lẽ mình sẽ bị hành hạ cho đến chết thôi.

Gặp duyên Phật Pháp, tôi lên thuyền cập bến Giác an vui

Cuối năm 2016, thân xác tôi kiệt quệ phờ phạc như kẻ mất hồn, đi khám bác sĩ bảo bị cận suy tim và tăng huyết áp. Tôi dùng thuốc tây một thời gian thì quay lại dùng thuốc đông y. Tôi lại tìm đến vị đại tá bác sĩ, thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thanh Xuân, người đã từng tận tuỵ chữa chạy cho tôi thời trước. Lúc này, anh đã nghỉ hưu. Tôi tới khám và lấy thuốc ở phòng mạch tư của anh. Bác sĩ là người đã điều trị cho tôi nhiều năm, có chuyên môn cả Đông và Tây Y nên tôi rất tin tưởng.

Chị Yên đang luyện bài công Pháp thứ hai của Pháp Luân Đại Pháp.
Chị Yên đang luyện bài công Pháp thứ hai của Pháp Luân Đại Pháp.

Lần này khác những lần trước, bác sĩ và vợ của anh đã nói với tôi: “Thôi cô ạ, đối với cô thì thôi, không cần dùng đến đơn thuốc nữa, đến đây anh chị dẫn đi tập Pháp Luân Công”. Chẳng giống như ngày xưa khi tôi còn ở Hà Nội, anh chị thường gửi cho tôi mỗi lần khoảng 30 thang thuốc, cứ hàng thùng và đều đặn. Lần này anh chị lại khuyên tôi nên tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân nguyên là một trưởng khoa giỏi về nghề, rất có tâm, đã điều trị cho tôi nhiều năm. Tôi rất hiểu và tin tưởng vào những lời khuyên của anh ấy.

Tôi theo anh chị đi luyện tập Pháp Luân Công hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp. Tôi đã thực sự không phải hối tiếc, tôi cảm nhận được ngay điều kì diệu xảy ra với mình. Sau khi tập 5 bài công Pháp, người tôi nóng ấm, đi đứng nhẹ nhàng như có người đẩy. Sau hai tháng, bệnh “tâm linh” của tôi biến mất hoàn toàn. Sau 3 tháng, các bệnh khác cũng tiêu tan. Với một người 63 tuổi sống độc thân như tôi thì còn hạnh phúc nào lớn lao hơn nữa. Tôi đã được giải thoát khỏi nỗi thống khổ tinh thần mà cái hồn luôn hành hạ, thoát khỏi sự đau đớn khi bệnh tật dày vò. Tôi không phải xuôi ngược Bắc Nam để chạy chữa, tôi đã có thể mỉm cười hạnh phúc từ trong sâu thẳm nội tâm mình.

Chị Yên đang đọc cuốn Chuyển Pháp Luân, cuốn Pháp chính của Pháp Luân Đại Pháp.
Chị Yên có thể đọc sách bất cứ nơi đâu, bởi chị biết đọc sách hàng ngày sẽ giúp chị dung nhẫn và đề cao tâm tính trong mọi tình huống.

Bây giờ, tôi sống khỏe và vui. Vợ chồng bác sĩ Xuân và những người cùng tu luyện Pháp Luân Đại Pháp đã luôn bên cạnh tôi, chia sẻ, hướng dẫn và cùng tôi tập luyện. Chúng tôi cùng nhau đọc Kinh Pháp của Pháp Luân Công để tu sửa tâm tính của mình, đồng hoá với ba chữ Chân Thiện Nhẫn. Luôn sống tốt với những người xung quanh, luôn nghĩ cho người khác, làm việc thiện giúp người, giúp đời. Tôi có bè bạn mới, họ là những người sống bằng tâm hồn thanh thản, hòa ái với mọi người. Sáng sáng, tôi ra điểm luyện công rồi về đọc sách, đi siêu thị, gặp bạn bè và sẵn sàng cho các chuyến du lịch xa gần…

Tôi đã tự giải quyết các vấn đề của mình. Tôi không còn cảm thấy cô đơn hay bất lực. Nhờ có Pháp Luân Đại Pháp tôi đã bỏ được tính nóng nảy của mình. Nếu một chuyện xảy ra, như trước đây tôi có thể quát nạt con cháu thì nay tôi nhẫn nhịn và từ tốn giải thích cho rõ ràng, nên cuộc sống của người xung quanh tôi cũng được cải thiện theo…

Tôi ngàn lần xin cảm tạ Sư phụ của tôi, Người đã sáng lập ra pháp môn Pháp Luân Đại Pháp. Ngài đã cho tôi cuộc sống thứ 2, dạy tôi biết được con đường thoát khỏi nỗi khổ cực. Ngài đã cứu tôi trong lúc nguy kịch nhất của cuộc đời. Tôi cảm nhận như mình đang ngụp lặn giữa dòng sông đen, đang đuối nước, được Ngài vớt lên thuyền, và tôi được cập bến an vui.

Chị Yên đã có thể mỉm cười hạnh phúc từ sâu trong nội tâm mình.

Xin cảm ơn Thời báo Đại Kỷ Nguyên đã đăng câu chuyện về cuộc đời tôi. Đó cũng là ước nguyện tôi mong muốn làm được điều gì đó có ích cho mọi người. Một thiện niệm được xuất ra từ Chân Thiện Nhẫn trong trái tim tôi, tôi nguyện sẽ giúp các bạn, cũng như vợ chồng bác sĩ Xuân đã giúp tôi ngày trước.

Tuệ Minh (lược ghi)

Theo dkn.tv