Nửa cuối năm 2018 và đầu năm 2019, thế giới không chỉ nóng lên với cuộc thương chiến giữa Trung Quốc và Mỹ, mà còn liên tục đón nhận những bằng chứng không thể chối cãi về sự vi phạm nhân quyền cực kỳ nghiêm trọng tại quốc gia đông dân nhất thế giới này. Đáng chú ý, việc giết tù nhân lương tâm (tù nhân chính trị hoặc tù nhân bị bắt chỉ do tín ngưỡng của họ) để thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc vẫn đang diễn ra và không hề có dấu hiệu dừng lại.
(Cảnh cấy ghép tạng trong phim tài liệu “Harvested Alive” – Thu hoạch sống)
Chỉ vài tuần sau khi Tòa án độc lập do luật sư Anh Quốc Geoffrey Nice thuộc Tòa án Hình sự Quốc tế chủ tọa đưa ra kết luận về việc Trung Quốc “cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm” “trên quy mô lớn”, ngày 8/1/2019, Forbes tiếp tục đăng tải bài viết của chuyên gia nghiên cửu diệt chủng Ewelina U. Ochab, dẫn thông tin về các chứng cứ ghi âm cho thấy các bệnh viện Trung Quốc vẫn đang cấy ghép nội tạng từ tù nhân lương tâm.
Các chứng cứ ghi âm này được các nhà điều tra thuộc tổ chức Thế giới điều tra cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG) cung cấp. Theo đó, họ đã giả làm người quan trọng, có nhu cầu cấy ghép nội tạng để gọi điện thoại tới các bệnh viện trọng điểm về ghép tạng tại Trung Quốc từ ngày 19/10/2018 đến ngày 2/12/2018.
Bản báo đã công bố 17 cuộc điện thoại điều tra đối với 16 người, liên quan tới 12 bệnh viện, được phân bố tại 3 thành phố trực thuộc trung ương và 8 thành phố trọng yếu của 8 tỉnh, gồm các khu vực phía Bắc và phía Nam xuyên suốt lãnh thổ Trung Quốc như Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Yên Đài, Trịnh Châu, Hàng Châu, Trường Sa, Nam Kinh, Tương Nhã, Quảng Châu, Quế Lâm.
Đối tượng được điều tra đều là những viện trưởng, chủ nhiệm của các bệnh viện cấy ghép tạng hàng đầu tại Trung Quốc, rất nhiều người trong số họ là người phụ trách hạng mục trong lĩnh vực ghép tạng chuyên nghiệp của quốc gia, hay những chuyên gia học thuật cấp quốc gia và cấp tỉnh. Cụ thể chức danh của họ như sau:
1. Trần Tân Quốc, giám đốc cấy ghép gan thuộc Bệnh viện tổng Bắc Kinh thuộc Lực lượng cảnh sát vũ trang.
2. Vương Kiến Lập, phó giám đốc kiêm bác sỹ Sở nghiên cứu cấy ghép tạng thuộc Bệnh viện tổng Bắc Kinh thuộc Lự lượng cảnh sát vũ trang.
3. Lãng Nhận, giám đốc cấy ghép gan tại Bệnh viên Triều Dương Bắc Kinh.
4. Miêu Thư Trai, giám đốc cấy ghép gan tại Bệnh viện Nhân dân thành phố Trịnh Châu.
5. Hàng Hoá Liên, giám đốc Trung tâm cấy ghép gan thuộc Bệnh viện Nhân Tế Thượng Hải.
6. Liêu Đông Phu, giám đốc cấy ghép thận thuộc Bệnh viện Đỉnh Dục Hoàng tại Yên Đài Sơn Đông.
7. Bành Chí Hải, viện trưởng Bệnh viện Nhân dân số 1 Thượng Hải.
8. Trần Hoài Chu, giám đốc Trung tâm cấy ghép thuộc Bệnh viện 181 Quảng Tây.
9. Hà Hiểu Thuận, viện phó Bệnh viện chi nhánh số 1 thuộc Trường đại học Trung Sơn, Quảng Châu.
10. Bạch Vinh Sinh, bác sỹ ghép gan, kiêm trợ lý cho Thẩm Trung Dương, giám đốc một trung tâm bệnh viện tại Thiên Tân.
11. Khúc Thanh Sơn, giám đốc Khoa cấy ghép gan thuộc bệnh viện Nhân dân Trịnh Châu.
12. Vương Trường Hy, giám đốc khu cấy ghép thận số 2 thuộc Bệnh viện số 1 Trường đại học Trung Sơn Quảng Châu.
13. Trịnh Thụ Lâm, giám đốc bệnh viện Thụ Lan, Hàng Châu.
14. Diệp Khởi Phát, giám đốc Viện Tương Nhã III.
15. Vương Học Hạo, giám đốc Trung tâm cấy ghép gan thuộc Bệnh viện số 1 tại Trường đại học y Nam Kinh.
16. Bác sỹ Lý, trực ban ngoại khoa tiết niệu Bệnh viện Triều Dương Bắc Kinh.
(Các file ghi âm được đăng tải trong báo cáo tại đây)
Kết quả cuộc điều tra một lần nữa chứng minh các cáo buộc về việc Trung Quốc vẫn đang thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm. Cụ thể trong 16 người thì có 11 người đều đưa ra câu trả lời rằng họ đang sử dụng nội tạng từ người tập Pháp Luân Công. Những người còn lại thì cố tình lảng tránh câu hỏi bằng cách trả lời lệch đi, tuy nhiên họ không hề phủ nhận việc này.
Về thời gian chờ đợi, những viện trưởng và giám đốc của bệnh viện được điều tra về cơ bản đều đảm bảo rằng trong vòng từ 1 – 2 tuần sẽ có thể tiến hành phẫu thuật. Điều này là không tưởng tại các quốc gia có hệ thống hiến tạng tiên tiến, vốn có thời gian chờ tạng phù hợp kéo dài hàng trăm ngày.
Đáng chú ý về thời gian lấy tạng và cấy ghép tạng vào bệnh nhân, ông Hà Hiểu Thuận, viện phó Bệnh viện chi nhánh số 1 thuộc Trường đại học Trung Sơn, Quảng Châu, đã trả lời điều tra viên rằng bệnh viện của họ khi cấy ghép tạng không có thời gian chờ chuyển tạng (warm ischemia time và cold ischemia time), cũng có nghĩa là nội tạng được lấy ra từ một người sống và được trực tiếp cấy ghép cho bệnh nhân mà không phải làm lạnh. Điều này gián tiếp chứng minh việc họ đang trực tiếp thu hoạch tạng từ người sống. Khi được hỏi rằng nội tạng “đến từ Pháp Luân Công” phải không, ông Hà lập tức trả lời là đúng, và giải thích thêm rằng chính vì thế mà không cần phải làm lạnh nội tạng.
Cá biệt về nơi cung cấp nội tạng, ông Vương Học Hạo, giám đốc Trung tâm cấy ghép gan Bệnh viện trực thuộc số 1 Trường đại học Y Khoa Nam Kinh, nói những nội tạng mà bệnh viện sử dụng đa số là ở bên ngoài bệnh viện, lấy từ những trung tâm chết não. Điều này trùng khớp với một phóng sự điều tra khác được đài truyền hình TV Chosun Hàn Quốc đăng tải khi điều tra về việc người Hàn Quốc sang Trung Quốc ghép tạng (Xem bài: Giết người để sống). Theo đó, các trung tâm chết não này sử dụng một loại máy làm tổn thương não đặc biệt để khiến nạn nhân còn sống có thể bị thu hoạch nội tạng dễ dàng, giúp nội tạng còn tươi, dễ dàng cấy ghép.
Đây không phải là lần đầu tiên các chứng cứ dựa trên bệnh viện Trung Quốc được đưa ra. Trong báo cáo “Thu hoạch đẫm máu- Đại thảm sát – Bản cập nhật” (2017), nhà báo được đề cử Nobel Hòa Bình Ethan Gutmann; cựu Quốc vụ khanh Canada phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương David Kilgour; luật sư nhân quyền được đề cử Nobel Hòa Bình David Matas, đã dựa trên số liệu công khai của 712 bệnh viện ở Trung Quốc để tiến hành điều tra các ca phẫu thuật ghép tạng, từ đó đưa ra kết luận có khoảng 60.000 đến 100.000 ca cấy ghép nội tạng mỗi năm ở các bệnh viện Trung Quốc.
Ngày 16/10/2018, đại diện người Duy Ngô Nhĩ, ông Dolkun Isa, thuộc tổ chức Duy Ngô Nhĩ lưu vong lên án tội ác thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ trong phiên tường trình tại quốc hội Anh. Đồng thời ông cho biết hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và Kazakh hiện đã bị đưa tới các trại giam giữ.
Cũng trong ngày 16/10, BBC đăng tải phóng sự độc quyền về nạn thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc mà nạn nhân chủ yếu nhất là nhóm Pháp Luân Công. Cùng ngày, Forbes đăng tải bài viết của một chuyên gia nghiên cứu diệt chủng, đưa ra thông tin các tù nhân lương tâm, bao gồm Pháp Luân Công, Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng và Cơ đốc giáo không đăng ký, đã bị đặc biệt nhắm tới để thu hoạch nội tạng.
Trước đó trong một phiên tường trình trước các thượng nghị sĩ nước cộng hòa Czech vào tháng 7/2018, nhà báo điều tra Ethan Gutmann từng nhấn mạnh rằng: việc thu hoạch nội tạng thực sự diễn ra rầm rộ sau khi khoảng 1 triệu người tập Pháp Luân Công bị chính quyền ĐCSTQ đưa vào các trại lao động cải tạo. Ông lo ngại rằng điều tương tự có thể xảy ra với người Duy Ngô Nhĩ trong bối cảnh họ bị đàn áp trên quy mô lớn tại Tân Cương.
Tội ác thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ đã diễn ra trong nhiều năm qua, điều này đã được cộng đồng quốc tế khẳng định qua các nghị quyết 343 của Hạ viện Mỹ (6/2016), tuyên bố 48 của Nghị viện châu Âu (7/2016), hay thông cáo của các tổ chức nhân quyền như Raoul Wallenberg, Hiệp hội Luật sư Nhân quyền Úc, v.v..
Thiên Thanh - Theo TRi Thức VN
SỰ THẬT