Hàng trăm tỷ con châu chấu từ Đông Phi bay đến Ấn Độ, Pakistan, áp sát Trung Quốc, Cục Lâm nghiệp và Thảo nguyên Quốc gia Trung Quốc hôm 2/3 đã phát đi thông báo khẩn cấp, chỉ rõ châu chấu có thể xâm nhập các khu vực như Vân Nam, Tân Cương, Tây Tạng, một khi xâm nhập vào thì công việc tiêu diệt có thể kéo dài liên tục 6 tháng, đến lúc đó, châu chấu có thể sinh sôi gấp 500 lần.
Hàng trăm tỷ con châu chấu sắp xâm nhập Trung Quốc, cơ quan chức năng Trung Quốc ra thông báo khẩn (Ảnh: mạng)
Trong lúc dịch bệnh ‘viêm phổi Vũ Hán’ vẫn đang hoành hành tại Trung Quốc, hàng trăm tỷ con châu chấu cũng ‘lăm le’ xâm nhập vào quốc gia này. Ngày 2/3, Cục Lâm nghiệp và Thảo nguyên Trung Quốc đã phát đi thông báo khẩn cấp, công khai kêu gọi người dân làm tốt công tác phòng chống châu chấu. Thông báo chỉ ra, chuyên gia nghiên cứu phán đoán, nếu điều kiện khí hậu thích hợp, dịch châu chấu sa mạc xảy ra lần này có thể từ Pakistan và Ấn Độ trực tiếp xâm nhập vào Tây Tạng, hoặc đi qua Myanmar xâm nhập vào Vân Nam, hoặc đi qua Kazakhstan xâm nhập vào Tân Cương; do đó yêu cầu các tỉnh và khu vực Vân Nam, Tây Tạng, Tân Cương giáp với Ấn Độ, Pakistan, Myanmar, đều cần phải bước vào giám sát và chú ý toàn diện.
Theo tư liệu của Cục Lâm nghiệp và Thảo nguyên Trung Quốc cho thấy, diện tích đất chịu thảm họa châu chấu tại Trung Quốc mỗi năm lên đến 150 triệu mẫu, năm cao nhất lên tới 300 triệu mẫu; còn thảm họa châu chấu sa mạc bắt nguồn từ Đông Phi lần này, phạm vi nguy hại, mức độ gây thiệt hại và tốc độ gây hại của nó đều vô cùng nhanh, do đó khiến cho người ta lo lắng.
Đài Truyền hình Trung ương (CCTV) đưa tin, ông Vương Trác Nhiên (Wang Zhuoran) nguyên Trưởng Phòng Khôi phục Sinh thái thuộc Vụ Quản lý Thảo nguyên – Cục Lâm nghiệp và Thảo nguyên Quốc gia Trung Quốc cho biết, những gì mà tổ công tác trước đó nhìn thấy, chủ yếu là tình trạng nguy hại của châu chấu sa mạc trên các thảo nguyên hoang mạc, hiện nay Chính phủ Pakistan đưa nhiều người đến vùng đất nông nghiệp, để tìm hiểu về tình hình tổn thất của thảm họa châu chấu đối với nông nghiệp, “quan sát tình hình bằng mắt có thể thấy mật độ châu chấu sa mạc vẫn tương đối lớn”.
Đi cùng tổ công tác, ông Vương Đồng Vĩ, Phó Trạm trưởng Trạm Bảo vệ Thực vật tỉnh Sơn Đông cũng chỉ ra, châu chấu sa mạc trong thảm họa châu chấu lần này, so sánh với châu chấu Đông Á thường thấy ở Trung Quốc, không những hình thể tương đối lớn, lực tấn công tương đối mạnh, mà sức phá hoại sinh thái cũng vô cùng nghiêm trọng, “Tôi cảm giác nó hung dữ hơn cả châu chấu Đông Á, hôm qua nó còn cắn tôi”.
Về dịch việc châu chấu sa mạc xâm nhập vào Trung Quốc, Cục Lâm nghiệp và Thảo nguyên Trung Quốc nhấn mạnh, tất cả đều trong trạng thái chưa biết, bao gồm cả chưa biết về quy luật hoạt động của chúng, và thiếu công nghệ giám sát dẫn đến khó khăn trong phòng chống và kiểm soát. Theo phán đoán trước đó của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết, thảm họa châu chấu lần này có thể kéo dài đến tháng 6/2020, đến lúc đó quy mô của châu chấu sa mạc có thể tăng trưởng gấp 500 lần hiện tại.
Trước đó, tờ Báo Chiều Ninh Ba tại Trung Quốc đưa tin, để đối phó với châu chấu sắp đến, quốc gia láng giềng của Trung Quốc là Pakistan đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, đồng thời cầu cứu Trung Quốc; Trung Quốc ngoài việc cử một nhóm công tác phòng chống thảm họa, còn chuẩn bị sẵn đội quân 100.000 con “vịt Ninh Ba”, nói rằng sẽ diệt sạch 400 tỷ con châu chấu “không còn manh giáp”.
Về việc vì sao lại chọn vịt để diệt châu chấu? Nghiên cứu viên Lư Lập Chí của Viện Khoa học Nông nghiệp tỉnh Chiết Giang cho biết, ếch, loài chim đều là thiên địch của châu chấu, nhưng chỉ có thể thả thiên địch trong khu vực chỉ định, nếu châu chấu chuyển “trận địa”, thì sẽ không cách nào theo kịp, cho nên dùng vịt không những tiện cho quản lý, một con vịt mỗi ngày có thể ăn được 200 con châu chấu, lại vừa có tính kinh tế.
Tuy nhiên, thông tin được đăng tải sau vài tiếng đồng hồ, chính quyền liền ra mặt tiến hành bác tin đồn. Tổ phòng chống thảm họa châu chấu Trung Quốc cũng cho biết, Pakistan không thích hợp cho việc dùng vịt để tiêu diệt châu chấu.
Ngoài ra, gần đây trên mạng cũng lan truyền một đoạn video cho thấy, châu chấu nghi là đã đến biên giới Tân Cương, cư dân mạng quay video này hô lên “châu chấu rợp trời, rất đáng sợ”.
Huệ Anh