Trên Twitter gần đây lan truyền nhiều đoạn video cho thấy một lượng lớn cảnh sát đã được điều động tới chi viện Vũ Hán.
Trong rất nhiều video được truyền tải trên mạng internet, có hàng tốp cảnh sát đeo khẩu trang, đáp máy bay chuyên dụng tới sân bay quốc tế Vũ Hán. Cảnh sát xuống sân bay đã xếp thành hình vuông, ước tính có khoảng vài trăm người. Trong một video giọng Vũ Hán, người quay cho biết, “Công an, cảnh sát nhân dân tại Trùng Khánh đã tới Vũ Hán chi viện, đều đã xuống máy bay.”
Trong một video khác được cho là quay tại Vũ Hán, cảnh sát trên ít nhất 3 chiếc xe buýt đã xuống xe kéo theo hành lý.
Thời báo Epoch Times nhận được một bản “Báo cáo giản lược về công tác phòng chống dịch viêm phổi Vũ Hán virus corona mới” của tỉnh Hồ Bắc. Bản báo cáo số 30 này đã mô tả chi tiết về số người lây nhiễm tại địa phương ngày 21/2 và biện pháp “duy trì ổn định” như thế nào.
Bản báo cáo còn tiết lộ, tính đến 20h ngày 20/2, trong nội bộ công an toàn tỉnh có 813 người nhiễm ‘viêm phổi Vũ Hán’ (tăng thêm 17 người mới, giảm 1 người), 277 người nghi bị lây nhiễm (tăng thêm 9 người mới, giảm đi 2 người), 4 người tử vong do nhiễm bệnh.
Trong số những ca nhiễm bệnh gồm 271 cảnh sát, 61 cảnh sát về hưu, 100 cảnh sát chi viện, 381 người nhà cảnh sát.
Lý Lâm Nhất, bình luận viên thời sự cho biết, báo cáo này bố trí công tác “duy trì ổn định” của tỉnh Hồ Bắc. Từ số ca nhiễm bệnh và tử vong, so với số liệu được công bố, thì con số thực tế vượt xa so với số liệu công bố của giới chức.
“Cho nên không loại trừ khả năng, số người lây nhiễm trong hệ thống công an tỉnh Hồ Bắc không chỉ là 1.000 người.” Lý Lâm Nhất nói, xét từ tình hình cảnh sát tại các nơi không ngừng đổ về Vũ Hán, chứng tỏ trong nội bộ của hệ thống này đang phải đối mặt với tình hình phòng dịch khá nghiêm trọng. Đồng thời, áp lực duy trì ổn định của Vũ Hán cũng khá lớn.
Ngày 23/2, trên mạng internet tiết lộ một bức ảnh cho thấy cơ quan công an tỉnh Hồ Nam đã cử một đội 80 công an tới chi viện Vũ Hán.
Theo website của chính quyền Hồ Bắc, ngày 21/2, phòng cảnh sát tỉnh Hồ Bắc đã đưa 132 cảnh sát tới tuyến đầu Vũ Hán. Trước đó, phòng cảnh sát tỉnh Hồ Bắc đã cử 100 cảnh sát tới Vũ Hán.
Về thông tin này, có nhiều cách lý giải khác nhau. Có phân tích cho rằng tình hình dịch bệnh có thể khiến lực lượng cảnh sát của Vũ Hán bị sụt giảm, nhân sự không đủ. Tần Bằng, bình luận viên trú tại Mỹ, đăng tải bài viết nói rằng: “Bác sĩ tới chi viện thì tôi hiểu, nhân viên phục vụ tang lễ tới chi viện tôi cũng hiểu, nhưng một lượng lớn cảnh sát tới chi viện, chẳng lẽ cảnh sát tại địa phương đã bị lây nhiễm quy mô lớn rồi sao?”
Theo Epoch Times, trong tình hình dịch bệnh, những tin tức công khai cho thấy, ít nhất hơn 20 cảnh sát đã chết ở tuyến đầu. Nhưng trong báo cáo của giới chức, đa số người chết là do xuất huyết não, nhồi máu cơ tim, tai nạn giao thông. Một số người đột tử không rõ nguyên nhân, hiện chưa xác minh được liệu có phải tử vong do nhiễm COVID-19 hay không.
Cũng có quan điểm chỉ ra rằng, chính quyền điều động một lực lượng cảnh sát lớn nhằm duy trì ổn định, bảo vệ chính quyền. Kênh truyền thông của giới chức Đại lục cho biết, Bộ Công an Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vào ngày 21/2 đã tuyên bố trong một cuộc họp báo được tổ chức tại Quốc vụ viện rằng, nhằm duy hộ “trình tự chữa trị y tế”, đảm bảo “công tác phòng dịch”, Bộ Công an nhằm nâng cao trình độ dịch vụ công cộng tại các nơi, hàng ngày đã bố trí 120.000 cảnh sát túc trực suốt 24 giờ tại các bệnh viện chỉ định.
Theo bình luận viên thời sự tại Mỹ, Đường Tĩnh Viễn lý giải về việc này như sau: ĐCSTQ cử cảnh sát đồn trú, điều quan trọng nhất là phòng chống bác sĩ, bệnh nhân và người nhà chạy trốn hoặc phản kháng, thậm chí là xảy ra những sự kiện tập thể đột biến khi “tâm trạng mất kiểm soát”.
Trên thực tế, ngoại giới quan sát phát hiện ra rằng, chính quyền Đại lục đãi ngộ hậu hĩnh đối với những cảnh sát duy trì ổn định ở tuyến đầu. Trong một thông báo của Bộ Công an ĐCSTQ trước kia cho thấy, sau khi 19 cảnh sát phòng chống dịch tuyến đầu đã tử vong, mỗi người được phát 200.000 Nhân dân tệ (tương đương 660.000.000 VNĐ) tiền trợ cấp thương vong. Trong khi một nhân viên y tế Vũ Hán chống chọi tại tuyến đầu, sau khi chết chỉ nhận được 5.000 Nhân dân tệ (tương đương 16.000.000 VNĐ) phí chia buồn.
Không ít cư dân mạng chất vấn, tiền trợ cấp thương vong và phí chia buồn không phải là một khái niệm. Nhưng, trên mạng internet rất khó tìm được chính sách trợ cấp thương vong đối với nhân viên y tế đã qua đời tại tuyến đầu. Ngoài bác sĩ Lý Văn Lượng, “người thổi còi” về căn bệnh ‘viêm phổi Vũ Hán’ được người dân Trung Quốc quan tâm ra, chính quyền đều chưa công bố tiền trợ cấp thương vong với các bác sĩ tuyến đầu đã khuất.
Rất nhiều người cảm thấy bất an khi cảnh sát các nơi liên tiếp được cử tới khu vực dịch bệnh nghiêm trọng. Đặc biệt là sau khi dịch bệnh mất kiểm soát, rất nhiều nơi đã xảy ra cảnh phòng chống dịch một cách thô bạo kiểu hồng vệ binh của nhân viên chấp pháp, gồm cả cảnh sát, với những hành động nhục mạ nhân cách và tôn nghiêm con người gây bất mãn như: Bắt người, đánh người tùy tiện, trói tay dẫn diễu phố thị uy.
Trên Twitter cũng đăng tải một đoạn video khác cho thấy, cảnh sát Vũ Hán mặc quần áo bảo hộ toàn thân, bắt giữ người dân địa phương một cách thô bạo. Cư dân mạng bất giác cảm khái mà rằng: “Cảnh sát mặc đồ bảo hộ tốt thế này, đi khắp nơi bắt người, hại người; thảo nào bệnh viện đều không có quần áo bảo hộ, có người thậm chí mặc quần áo bảo hộ tự chế! Kẻ cứu người thì không được bảo vệ, kẻ hại người thì được bảo hộ tới con kiến cũng không lọt! Thế đạo điên đảo rồi.”
Minh Tú (Theo Tri Thức VN)