Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. HCM đã ghi nhận 6 ổ dịch nhỏ sốt xuất huyết mới phát sinh ở 7 phường, xã thuộc 4/24 quận, huyện.
Báo Zing dẫn theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. HCM cho hay, trong tuần thứ 18, TP ghi nhận 65 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Từ đầu năm đến nay ngành y tế ghi nhận 6.478 ca sốt xuất huyết giảm so với năm 2019.
TP. HCM và các tỉnh phía Nam đang chuẩn bị vào mùa mưa. Đây là thời tiết thuận lợi để bùng phát dịch sốt xuất huyết. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. HCM đã ghi nhận 6 ổ dịch nhỏ sốt xuất huyết mới phát sinh, tăng thêm 2 ổ dịch mới so với tuần 17.
Các bệnh truyền nhiễm khác tại TP. HCM như sởi, tay chân miệng… trong tuần qua cũng có xu hướng giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, số trường hợp mắc sởi thành phố ghi nhận từ đầu năm đến nay là 453 trường hợp, giảm hơn 90% so với cùng kỳ năm 2019 (4.665 ca). Nguyên nhân là thời gian qua trẻ nghỉ học từ đầu năm để phòng ngừa dịch Covid-19 nên nguy cơ lây bệnh giảm.
Dấu hiệu giúp bạn phân biệt sốt xuất huyết và sốt rét
Sốt xuất huyết: Lây truyền qua vết cắn của muỗi nhiễm Aedes aegypti. Có thể lây lan nếu muỗi cắn một người nhiễm bệnh và sau đó lây sang những người khác. Muỗi sốt xuất huyết thường tấn công ban ngày.
Sốt rét: Do vết cắn của muỗi cái Anopheles. Nó chỉ có thể lây lan qua vết cắn của một con muỗi cái Anopheles chứ không giống bệnh sốt xuất huyết. Muỗi sốt rét thường tấn công vào ban đêm.
Thời gian ủ bệnh
Sốt xuất huyết: Triệu chứng sốt xuất huyết xuất hiện 4-5 ngày sau khi bị cắn.
Sốt rét: Triệu chứng sốt rét xuất hiện 10-15 ngày sau khi bị cắn.
Cách phòng bệnh sốt rét và sốt xuất huyết
- Môi trường ẩm ướt, kém vệ sinh là điều kiện cho các ký sinh trùng gây ra bệnh sốt rét sinh sôi và phát triển, do đó để phòng bệnh an toàn, mỗi người cần có ý thức vệ sinh sạch sẽ môi trường nơi mình sinh sống.
- Khi ngủ thì nên mắc màn để không bị muỗi đốt, dùng bình xịt côn trùng để loại bỏ muỗi.
- Mặc các loại trang phục có màu sáng và che kín da thay vì quần áo tối màu để tránh tạo sự thu hút cho muỗi.
- Nếu phát hiện ra những biểu hiện của bệnh, cần đến bệnh viện thăm khám để được bác sỹ tư vấn phương pháp chữa trị kịp thời.
Dịch sốt xuất huyết có thể gây khó cho việc xác định người mắc Covid-19
Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Hồng Kông dẫn nguồn tin từ tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet đưa tin nhiều chuyên gia y tế Singapore đã chỉ ra những điểm tương đồng giữa dịch sốt xuất huyết với dịch bệnh do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra.
“Dịch sốt xuất huyết và bệnh Covid-19 rất khó phân biệt bởi chúng có chung nhiều đặc điểm lâm sàng và trong phòng thí nghiệm”, nhóm nghiên cứu đến từ Hệ thống Y tế Đại học Quốc gia Singapore, Bệnh viện Đa khoa Ng Teng Fong và Viện Y tế Môi trường, cho biết trong một báo cáo chung.
Báo cáo đã chỉ ra 2 trường hợp người Singapore lúc đầu dương tính với sốt xuất huyết khi xét nghiệm huyết thanh, nhưng sau đó nhân viên y tế phát hiện họ mắc Covid-19. Cả 2 bệnh nhân này không đi đến các khu vực bị ảnh hưởng bởi virus Covid-19 nhưng đều có triệu chứng sốt và ho.
Jeremy Lim, đối tác y tế và khoa học đời sống của công ty tư vấn toàn cầu Oliver Wyman, cho biết, Covid-19 giống như một con tắc kè hoa – nghĩa là có thể diễn biến đa dạng trong giai đoạn đầu lây nhiễm và có thể dẫn đến một số trường hợp người nhiễm virus Covid-19 được chẩn đoán nhầm là sốt xuất huyết.
“Điều phức tạp là khi mọi người khai báo y tế với các bác sĩ hoặc đến bệnh viện với các triệu chứng không cụ thể, bệnh nhân sẽ lo lắng mắc cả hai bệnh. Giống như khóa và chìa, nếu virus có đủ rãnh phù hợp với khoá, nó sẽ khớp với một loại bệnh khác. Virus gây sốt xuất huyết và Covid-19 có nhiều điểm chung đủ để tạo ra kết quả dương tính giả”, ông nói.
Tuy nhiên, sốt xuất huyết không lây trực tiếp từ người sang người qua đường tiếp xúc hay hô hấp. Do đó việc chẩn đoán Covid-19 nếu có đủ điều kiện nên sàng lọc.