Các nhà khảo cổ khi khai quật tàn tích của thành phố cổ David ở đông nam Jerusalem đã phát hiện ra bằng chứng cho thấy thành phố này đã từng bị đốt cháy giống như những gì được mô tả trong Kinh Thánh.
Các nhà nghiên cứu làm việc tại Công viên quốc gia Jerusalem đã phát hiện ra một lượng lớn các hiện vật với niên đại khoảng 2.600 năm tuổi, xác thực việc thành phố Jerusalem cổ đại từng bị người Babylon thiêu hủy vào khoảng năm 587 trước Công Nguyên (TCN), được mô tả trong Kinh Thánh.
Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một số đồ gốm, gỗ, hạt nho và xương bị đốt cháy, tất cả được bao phủ dưới những lớp tro bụi. Một lượng lớn hiện vật cùng vị trí và chất liệu đã cho thấy từng có một đám cháy rất lớn xảy ra ở đây. Những hiện vật này đã xác thực trong một đoạn trong cuốn sách Giê-rê-mi, cho rằng người Babylon đã đốt cháy tất cả các ngôi nhà ở Jerusalem.
Các nhà khảo cổ học, những người làm việc cho cơ quan khảo cổ Israel, đã tập trung khai quật ở phía đông thành phố David trong Kinh thánh, khi họ phát hiện ra các cổ vật bên dưới nhiều lớp đá.
Rải rác trong số các hiện vật là hàng chục chiếc bình được sử dụng cho mục đích hàng ngày như chứa ngũ cốc và chất lỏng. Đám cháy đã làm ảnh hưởng đến tất cả người dân của thành phố chứ không chỉ tầng lớp thượng lưu.
Nhiều vật phẩm được tìm thấy có mang các phù hiệu hoặc dấu ấn hình hoa thị mà các nhà nghiên cứu cho rằng được sử dụng phổ biến cách đây 2.600 năm.
TS. Joe Uziel, người đứng đầu cuộc khai quật, giải thích trong một video chính thức từ cơ quan khảo cổ Israel rằng: “Những dấu ấn này là đặc trưng cho giai đoạn cuối của Thời kỳ Đền thờ Thứ nhất ở Jerusalem. Chúng đã được sử dụng cho hệ thống hành chính phát triển đến tận cuối triều đại Judah”.
Trong cuốn sách của Giê-rê-mi có viết rằng: “Ngày thứ bảy tháng năm, là năm thứ mười chín dưới thời vua Nebuchadnezzar xứ Babylon, Nebuzaradan, quan tổng binh và là đầy tớ của vua Babylon đã đến thành Jerusalem, đốt nhà của đức Giehova, nhà của vua, và tất cả những ngôi nhà khác ở Jerusalem”.
Các phát hiện từ cuộc khai quật đã chỉ ra rằng phần lớn thành phố đã bị phá hủy nhanh chóng bởi một ngọn lửa dữ dội, theo tờ Times of Israel. Một điểm không được ghi nhận trong Kinh Thánh là sau hỏa hoạn ở Jerusalem, những khu vực khác của thành phố đã bị bỏ hoang mặc dù có thể chúng không bị phá hủy. Có những dấu hiệu cho thấy có một số khu vực may mắn không chịu ảnh hưởng nhiều và không bị phá hủy bởi vụ hỏa hoạn.
Tuy nhiên, những khám phá trong cuộc khai quật này đã đưa ra nhiều bằng chứng về thời kỳ chinh phạt của người Babylon, và việc đốt cháy Jerusalem được ghi chép trong Kinh Thánh là một sự kiện hoàn toàn có thật trong lịch sử.
Kinh Thánh một lần nữa xác thực rằng nó là một tác phẩm linh thiêng, một nguồn sử liệu giá trị có tính xác thực cao thay vì mang màu sắc mê tín, thiếu chính xác như nhiều người vẫn nghĩ.