Tại Trung Quốc, các kênh truyền thông nhà nước đang quảng bá một công việc được gọi là “điều phối viên hiến tạng”, ca ngợi cách mà những người làm công việc này giúp tạo ra sự khác biệt trong xã hội. Vai trò của họ là đến thuyết phục các gia đình có bệnh nhân hấp hối đồng ý hiến tạng người thân của mình, một nguồn cung thiết yếu cho ngành công nghiệp ghép tạng đang bùng nổ của Trung Quốc.
Đổi lại, các gia đình sẽ được trả tiền cho việc đồng ý hiến tạng này.
Do văn hóa tín ngưỡng cho rằng cơ thể con người cần phải được giữ nguyên vẹn ngay cả sau khi chết đã ăn sâu vào tư tưởng, người Trung Quốc nói chung rất miễn cưỡng trong việc hiến tạng. Việc tạo ra vai trò này dường như là một nỗ lực để giảm bớt rào rào cản như vậy đối với Chương trình hiến tạng của quốc gia.
Nhưng theo lời kể của Lương Hân (hóa danh), một cựu điều phối viên hiến tạng đến từ đông bắc Trung Quốc, công việc này ít cao quý hơn nhiều so với mô tả của chính quyền Trung Quốc. Anh Lương nói với The Epoch Times rằng, công việc này tương tự như một nhân viên kinh doanh và phần lớn là dùng tiền để lôi kéo những người nghèo đồng ý hiến tạng của người thân đang hấp hối.
Theo một chuyên gia ghép tạng, phương thức của các điều phối viên là vô đạo đức và vi phạm các nguyên tắc được quốc tế công nhận về việc cấm chi trả tiền cho người đồng ý hiến tạng.
Tiết lộ của ông Lương càng làm sáng tỏ tình trạng lạm dụng trong hệ thống ghép tạng của Trung Quốc, vốn đã thu hút sự giám sát chặt chẽ về hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm của chế độ cộng sản Trung Quốc.
Cựu điều phối viên cho biết ông quyết định thú nhận công việc của mình với hy vọng rằng nhiều người sẽ biết được sự thật đằng sau đó.
Nhắm vào người nghèo
Các điều phối viên hiến tạng chủ yếu nhằm vào các gia đình nghèo, đặc biệt là người lao động nhập cư từ nông thôn, anh Lương cho hay. Những người này thường không có đủ tiền để chi trả cho các hóa đơn y tế đắt đỏ và do đó rất dễ bị tác động bởi các lời đề nghị liên quan đến tài chính của các điều phối viên.
Anh Lương kể về trường hợp một gia đình rất nghèo. Người thân đang hấp hối của họ vẫn có thể được cứu nếu được điều trị y tế thích hợp. Nhưng gia đình này quyết định không tiến hành điều trị y tế. Thay vào đó, họ chọn bỏ đói anh ấy và nhận tiền.
Anh Lương kể: “Sau khi người này bị bỏ đói một tuần, anh ấy đã ở trong tình trạng thích hợp để hiến tạng."
Theo anh Lương, trường hợp này chỉ là một trong số các bệnh nhân được tuyên bố là chết não - một điều kiện tiên quyết để được lấy nội tạng - nhưng đã không đáp ứng nghiêm ngặt các tiêu chí này.
Anh Lương và các đồng nghiệp của mình là những nhân viên kinh doanh rất giỏi. Họ nói với thân nhân của người hiến tạng rằng, việc họ bán nội tạng người thân giống như một hành động thể hiện “tình yêu thương trọn vẹn” và “cống hiến cho một mục đích cao cả hơn”. Nhưng trên thực tế, các điều phối viên coi nội tạng của người hiến tặng không hơn gì "một món hàng", anh nói.
Anh Lương cho biết, các điều phối viên thuộc nằm lòng một chiến lược cụ thể đặc biệt hiệu quả đó là: Họ sẽ nhắm vào thành viên “tham lam” nhất trong gia đình. Sau khi khiến các mục tiêu tham lam này thay đổi quan điểm, họ có thể dựa vào đó để thuyết phục các thành viên còn lại trong gia đình, những người có thể ít cởi mở hơn với ý tưởng hiến tạng.
Chương trình hiến tạng của Trung Quốc yêu cầu cần có sự đồng ý của người hiến tặng hoặc của người thân trực hệ của họ nếu người hiến tặng đã chết. Trong khi chính quyền Trung Quốc tuyên bố tất cả các nội tạng được sử dụng để cấy ghép đều có nguồn gốc từ hệ thống hiến tặng này, một nghiên cứu đáng tin cậy và một tòa án trung lập đã phát hiện ra rằng Bắc Kinh đã giết chết các tù nhân lương tâm để cướp nội tạng của họ trên “quy mô lớn”, các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ là nguồn cung nội tạng chính.
Một công việc
Cũng như nhiều đồng nghiệp của mình, anh Lương không có kiến thức y khoa trước khi đảm nhận vai trò này. Mẹ anh Lương từng làm việc tại bệnh viện này trước đây, bà đã giúp anh có được công việc đó. Đây là một bệnh viện cấy ghép nội tạng lớn ở một thành phố thuộc tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc.
Bất cứ khi nào có một bệnh nhân hấp hối trong khu vực này được xác định là phù hợp để hiến tạng, người ta sẽ liên hệ với nhóm của anh Lương. Sau đó, họ sẽ cử anh Lương hoặc một thành viên khác trong nhóm đến bệnh viện để vận động người nhà bệnh nhân. Nếu họ thuyết phục thành công gia đình đồng ý hiến tặng, thì bác sĩ giám sát bệnh nhân cũng sẽ được trả một khoản hoa hồng nhỏ.
Theo giới truyền thông nhà nước Trung Quốc, có khoảng 2.800 điều phối viên hiến tạng ở nước này tính đến cuối năm 2020. Giống như anh Lương, một số người làm việc tại các bệnh viện, trong khi những người khác làm việc cho Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc, không như các đối tác quốc tế được tài trợ và được vận hành bởi chính quyền Trung Quốc.
Trung Quốc đã đưa ra cái gọi là chính sách viện trợ nhân đạo để hỗ trợ các gia đình nghèo khó của người hiến tạng. Theo giới truyền thông nhà nước Trung Quốc, Hội Chữ thập đỏ cấp tỉnh tại Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc đã thực hiện kế hoạch chi trả từ 50.000 nhân dân tệ đến 90.000 nhân dân tệ (7.720 đến 13.880 đô la) cho mỗi gia đình vào năm 2015.
Vào tháng 1/2020, Hội Chữ thập đỏ Hồ Bắc thông báo rằng họ đã chi trả tổng cộng 9,77 triệu nhân dân tệ (1,5 triệu đô la) cho 128 gia đình vào năm 2019.
Anh Lương đã làm công việc này trong sáu tháng trước khi nghỉ việc, anh ví vai trò của mình giống như một nhân viên bán hàng - anh kiếm được khoảng 2.000 đến 3.000 nhân dân tệ (310 đô la đến 460 đô la) mỗi khi có thể thuyết phục một gia đình đăng ký hiến tạng.
Số tiền bệnh viện trả cho anh Lương và những gì gia đình người hiến tạng nhận được chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với số tiền bệnh viện thu được từ các ca phẫu thuật cấy ghép. Theo anh Lương, các bệnh viện ở Trung Quốc đã thu khoảng 550.000 nhân dân tệ (84.870 USD) cho một ca phẫu thuật ghép gan và 450.000 nhân dân tệ (69.440 USD) cho một ca phẫu thuật ghép thận.
Do đó, nếu một người hiến tặng cả gan và thận thì sẽ tạo ra khoản thu nhập 1,45 triệu nhân dân tệ (223.760 USD) cho bệnh viện. Số tiền này, sau khi tính vào chi phí y tế của bệnh viện để mua nội tạng và thực hiện các ca phẫu thuật, bệnh viện sẽ thu được khoảng 700.000 nhân dân tệ (108.010 USD), theo anh Lương.
Anh Lương cho biết, một phần nhỏ của số tiền này sẽ được sử dụng để trả cho gia đình người hiến tặng, phần còn lại sẽ được chuyển cho bác sĩ phẫu thuật chính thực hiện các ca cấy ghép này.
Bác sĩ phẫu thuật cũng sẽ chi một ít tiền cho cảnh sát địa phương. Đổi lại, cảnh sát sẽ chuyển thông tin cá nhân cũng như tình hình tài chính của các bệnh nhân cho bệnh viện. Sau đó, các bác sĩ sẽ chuyển thông tin này cho các điều phối viên hiến tạng. Chi tiết tài chính gia đình đã giúp các điều phối viên biết được đâu là những gia đình yếu thế để dễ gây áp lực hơn.
Ngành công nghiệp ghép tạng của Trung Quốc cũng đầy rẫy việc hối lộ. Anh Lương cho hay; anh biết rằng các bác sĩ trưởng khoa tại các trung tâm cấy ghép của bệnh viện nhận hối lộ để đưa người vào danh sách chờ.
Tiền
Anh Lương nhớ lại một trường hợp cụ thể vào tháng 10/2020, một người đàn ông độc thân 28 tuổi bị xuất huyết não. Người này được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt của một bệnh viện địa phương và sau đó được tuyên bố là đã chết não.
Theo anh Lương, nội tạng của người này được xác định là rất có giá trị, do độ tuổi còn trẻ và nhóm máu O của anh ấy. Những người có nhóm máu O có thể hiến tặng cho tất cả các nhóm máu khác.
Đồng nghiệp của anh Lương đã nhận trường hợp này. Chị gái của người này được xác định là mục tiêu mềm, cô ấy rất cần tiền vì cô đang hỗ trợ hóa đơn y tế cho em trai mình. Đồng nghiệp của anh đã thành công. Thật ra, họ có thể thuyết phục người chị “bán em trai mình để lấy tiền trả nợ”, anh Lương nói.
Sau đó, người chị đã thuyết phục cha mẹ mình rằng họ nên đồng ý hiến tạng của con trai vì đó là “điều tốt đẹp”. Bất chấp những lời từ chối ban đầu, cuối cùng cha mẹ anh ấy đã thay đổi suy nghĩ và đồng ý hiến hai quả thận và gan của con trai họ.
Cuối cùng, trái tim của người con trai cũng đã được hiến tặng trước sự đau buồn của người mẹ.
Đôi lúc, điều phối viên hiến tạng và gia đình của người hiến tạng sẽ mặc cả về số tiền thanh toán. Một trường hợp khác vào khoảng tháng 10/2020, anh Lương cho biết anh và đồng nghiệp đã cùng giải quyết một trường hợp liên quan đến một tù nhân ở tỉnh Tứ Xuyên. Tù nhân là người dân tộc Yi của Trung Quốc.
Anh Lương và đồng nghiệp đã tìm gặp tù nhân này tại một bệnh viện ở Thẩm Dương, thủ phủ của tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc. Anh Lương không biết tù nhân này nhập viện như thế nào và bị giam giữ ở đâu, nhưng anh nghi ngờ người đàn ông này đã bị đánh đập trong thời gian bị giam giữ.
Trong cuộc thương lượng ban đầu, các điều phối viên đồng ý trả cho gia đình tù nhân này 50.000 nhân dân tệ (7.720 đô la) để họ đồng ý hiến tạng của anh ta. Tuy nhiên, sau đó gia đình này đã đòi thêm tiền, cuối cùng họ được trả thêm 50.000 nhân dân tệ.
Trong khi chờ đợi kết quả thương lượng, các bác sĩ bệnh viện Thẩm Dương đã dùng thuốc để giữ cho tù nhân này sống sót trong khoảng 5 ngày. Cuối cùng, gan và hai quả thận của anh ta đã được lấy và hiến tặng.
'Tàn nhẫn'
Tiến sĩ Torsten Trey, giám đốc điều hành của nhóm vận động đạo đức y tế "Các bác sĩ chống cưỡng bức mổ cướp nội tạng" có trụ sở tại Washington cho biết; hệ thống hiến tạng của Trung Quốc trong nhiều năm qua dựa vào việc sử dụng các khoản tiền thưởng để khuyến khích việc hiến tặng.
Theo tiến sĩ Trey, câu chuyện của anh lương cho thấy chính quyền Trung Quốc tiếp tục không tuân thủ các nguyên tắc cấy ghép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
"5 trong số 11 nguyên tắc hướng dẫn có đề cập rõ ràng rằng KHÔNG ĐƯỢC TRẢ TIỀN để đổi lấy nội tạng,” tiến sĩ Trey nói trong một email gửi cho The Epoch Times.
Ông nói thêm: “Các trường hợp này cho thấy Trung Quốc đã chi tiền để mua nội tạng. “Thậm chí hơn thế, họ còn tiếp cận các gia đình trong thời khắc đau buồn nhất để để ngã giá cho nội tạng của người thân sắp lìa đời. Điều đó rất phi đạo đức và tàn nhẫn”.
Tiến sĩ Trey cũng chỉ trích cơ quan y tế toàn cầu vì đã không buộc chính quyền Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những vi phạm này.
Tiến sĩ Trey nói: “WHO đã phản bội lại các chỉ dẫn về giá trị đạo đức của chính mình khi đã không lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về việc vi phạm các nguyên tắc đạo đức của WHO. “WHO sẽ không ngần ngại chỉ trích các quốc gia khác nếu họ trả tiền cho việc mua bán nội tạng một cách có hệ thống”.
Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế, và đặc biệt là cộng đồng cấy ghép toàn cầu yêu cầu chế độ chấm dứt hoạt động này.
“Chúng ta cần duy trì các tiêu chuẩn đạo đức trong y học,” tiến sĩ Trey nói.
Tiến sĩ Trey nói thêm, việc thiếu đạo đức trong hệ thống cấy ghép của Trung Quốc còn vượt xa việc sử dụng các biện pháp khuyến khích tài chính để hiến tặng nội tạng, viện dẫn hoạt động mổ cướp nội tạng từ các tù nhân lương tâm, đặc biệt là các học viên Pháp Luân Công.
Anh Lương cho biết; bản thân anh chưa bao giờ tham gia vào bất kỳ trường hợp hiến tạng nào có liên quan đến Pháp Luân Công. Tuy nhiên, anh ấy nghi ngờ rằng nội tạng của họ tiếp tục là nguồn cung cho các ca cấy ghép kể từ khi anh ấy thấy Pháp Luân Công được đề cập trong báo cáo của các bác sĩ.
Xem thêm những sự táng tận lương tâm khác trong ngành y khoa qua lời tiết lộ của một bác sĩ trẻ dấu thân phận.
VIDEO - TỰ THUẬT KINH HOÀNG CỦA MỘT BÁC SĨ TRẺ VỀ NHÓM NGƯỜI THẤT ĐỨC NHẤT TRONG XH TQ
Khải Anh
Theo The Epoch Times
Đăng theo NTDVN