Chi ra hàng chục tỉ đồng thực hiện “3 tại chỗ” duy trì sản xuất kinh doanh nhưng UBND tỉnh Tiền Giang lại vừa ra thông báo tạm dừng hoạt động khu công nghiệp. Sự việc khiến nhiều doanh nghiệp “sốc nặng” và phải viết đơn "kêu cứu" khắp nơi để tiếp tục duy trì sản xuất.
Ngày 29/7, trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và thực tế có nhiều doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp để phát sinh ổ dịch, UBND tỉnh Tiền Giang đã quyết định cho tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp kể từ ngày 5/8/2021 cho đến khi có thông báo mới.
Ngay sau đó, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp của tỉnh Tiền Giang đã gửi đơn tới các cơ quan, chính quyền với mong muốn được tiếp tục hoạt động sản xuất theo phương án "3 tại chỗ".
Hiện đã có 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang và Công ty TNHH MNS Feed Tiền Giang gửi đơn cầu cứu Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Tiền Giang.
Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang chuyên nuôi trồng, sản xuất cá tra và thực phẩm chế biến. Trong đơn kêu cứu, công ty viết: Việc tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh Tiền Giang sẽ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, cá tra nuôi bị quá lứa do mùa thuận, cá tăng trưởng nhanh.
Việc phải sản xuất “3 tại chỗ” dẫn đến chỉ đạt 50% công suất, làm ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất, nuôi và xuất khẩu của công ty. Nếu phải ngưng sản xuất đột ngột sẽ gây thiệt hại đến toàn chuỗi cung ứng của doanh nghiệp.
Cá nuôi giá thành cao, cá vượt size sẽ không bán được, lãi ngân hàng phát sinh do nợ quá hạn... Công ty sẽ phải bồi thường cho các hợp đồng siêu thị dẫn đến nguy cơ mất thị trường và phá sản.
Công ty TNHH MNS Feed Tiền Giang là đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn Masan có hoạt động kinh doanh chính là sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Công ty cho biết: Việc phải tạm ngừng hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi cho đến khi có thông báo mới theo quyết định của UBND tỉnh Tiền Giang sẽ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, công việc mưu sinh của người lao động đang làm việc tại nhà máy mà còn gây ảnh rất lớn đến nguồn cung thức ăn chăn nuôi cho các hộ nông dân, trang trại đang thực hiện hoạt động chăn nuôi nhằm cung ứng nhu yếu phẩm cho xã hội trong bối cảnh hết sức đặc biệt và cấp thiết như hiện nay.
Bên cạnh đó còn là những rủi ro và thiệt hại mà công ty sẽ phải gánh chịu trong việc tiếp nhận, lưu kho và bảo quản nguồn nguyên liệu đã đặt hàng dự phòng cho các kế hoạch sản xuất trong thời gian tới.
Danh mục hàng hóa của 2 công ty kể trên được xếp vào nhóm thiết yếu và được lưu thông trong thời kỳ giãn cách.
Ngoài ra, các công ty ở khu công nghiệp đều phản ánh một thực tế rằng, lực lượng công nhân của công ty nếu phải dừng lao động sẽ không thể về quê do chưa được tiêm vacxin và tất cả địa phương đều đang thực hiện giãn cách xã hội. Doanh nghiệp giữ lao động ở lại nhà máy mà không sản xuất được sẽ xảy ra tình trạng hỗn loạn về tâm lý và hành vi.
Ngọc Minh
Theo NTDVN