Có phải con người chỉ có một mình trong vũ trụ? Đây là một câu hỏi mà hầu hết chúng ta đã từng nghĩ đến lúc này hay lúc khác.
Ảnh minh họa về một đĩa bay của người ngoài hành tinh trong không gian vũ trụ (Ảnh: Pixabay)
Cho đến nay, bằng chứng về sự sống ngoài Trái đất vẫn là điều bí ẩn mặc dù khoảng cách giữa Trái đất và các hành tinh gần nhất ngoài hệ Mặt trời chỉ vài năm ánh sáng. Dự án tìm kiếm trí thông minh ngoài Trái đất (SETI) bằng cách dò các tín hiệu vô tuyến phát ra ngoài vũ trụ cũng chưa thu được kết quả gì. Có lẽ chúng ta cần phát triển một phi thuyền như trong bộ phim viễn tưởng Star Trek để đến viếng thăm những sinh vật ngoài Trái đất và tìm đáp án cho câu hỏi này.
Ngoài ra, không loại trừ khả năng là người ngoài hành tinh đã đến trái đất trong quá khứ. Hoặc giả họ đang có mặt ngay trên hành tinh này nhưng chúng ta không thể thấy họ. Có thể vì nguyên nhân nào đó, họ không thể hoặc không muốn liên hệ với chúng ta một cách rõ ràng. Nếu điều này là sự thật, họ có thể đã để lại thông tin được mã hóa ở đâu đó, chờ đợi sự tiến bộ của con người để tìm thấy và giải thích chính xác ý nghĩa của nó.
Có ý tưởng cho rằng họ có thể đã để lại thông tin trong DNA của chúng ta. Thông thường, mọi người sẽ nghĩ ý tưởng này không thể có trong khoa học chính thống, hoặc chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng. Nhưng đáng ngạc nhiên là ý tưởng này đang được thực hiện nghiêm túc trong thiên văn học.
Năm 2013, nhà vật lý Vladimir Sherbak và nhà sinh vật học Maxim Makukov đã xuất bản một bài báo trên tạp chí Icarus cho thấy việc tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất nên được mở rộng sang cả việc khảo sát về DNA của con người. Nguyên nhân là vì chúng ta đã được biến đổi gen bởi những sinh vật ngoài hành tinh. Họ có thể trực tiếp làm việc đó khi đến đây hàng trăm triệu năm trước. Hoặc, họ có thể đã đóng gói thông tin và gửi vào không gian đến Trái đất và kích hoạt sự thay đổi trong DNA của chúng ta bằng cách nào đó. Hoặc, họ có thể đã gieo mầm hành tinh của chúng ta từ không gian bằng vật liệu di truyền ngoài hành tinh được phát triển ở nơi khác (có lẽ là trên hành tinh gốc của họ).
Ý tưởng thứ hai được gọi là thuyết tha sinh (panspermia), giả thuyết rằng sự sống tồn tại trên khắp vũ trụ, phân phối bởi bụi vũ trụ, thiên thạch, tiểu hành tinh, sao chổi, planetoids, và cả tàu vũ trụ mang theo các sinh vật ngoài ý muốn. Khi đó, các thông tin về sự sống sẽ được phân phối khắp các thiên hà, nên có thể sự sống không chỉ giới hạn ở hệ Mặt trời. Thuyết này đã thu hút được sự ủng hộ của một số nhà khoa học có ảnh hưởng như Francis Crick, người đồng phát hiện ra phân tử DNA.
Cuối cùng, theo hai nhà khoa học, mã DNA của chúng ta cố định và không thay đổi theo thời gian nữa. Ngoài ra, họ cũng phát hiện rằng cách sắp xếp của DNA cho thấy một độ chính xác toán học kỳ lạ. Họ đã phát hiện ra nhiều trường hợp trong đó số '37' dường như đóng vai trò nổi bật . Họ liệt kê được 9 trường hợp liên quan đến số ‘37’ trong bài nghiên cứu trên Icarus, tỷ lệ xảy ra các điều đó một cách ngẫu nhiên ở mức cực kỳ thấp 1 trên 10 nghìn tỷ. Ví dụ như, nhiệt độ cơ thể bình thường của con người là 37 độ C. Và theo ước tính mới nhất, có khoảng 37 nghìn tỷ tế bào trong cơ thể con người . Vì vậy, họ cho rằng con số đó được đưa vào DNA như một dấu hiệu do sự mã hóa của người ngoài hành tinh.
Trên thực tế, các giả thuyết Makukov và Sherbak không tương thích với các nguyên tắc tiến hóa. Nhưng có một điều chắc chắn đó là chúng ta thực sự biết rất ít về nguồn gốc sự sống trên hành tinh này. Có nhiều bí ẩn và mâu thuẫn trong lịch sử tiến hóa của chúng ta vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Văn Thiện (biên dịch)
Đăng theo NTDVN