Người dân Trung Quốc bình thường bị cấm sử dụng Facebook và YouTube, nhưng Lý Tử Thất không những không bị cấm mà còn thu hút được rất nhiều fan hâm mộ ở nước ngoài. Cư dân mạng nói rằng Lý Tử Thất đã giúp ĐCSTQ "kể câu chuyện về Trung Quốc", "Một Lý Tử Thất bằng mười Ban Tuyên giáo Trung ương".
lý Tử Thất, người phụ nữ Tứ Xuyên được mệnh danh là "đệ nhất Vlogger Trung Quốc", đã bị cáo buộc diễn chuyên nghiệp, quay các video về cuộc sống nông thôn siêu hiện thực và tươi đẹp để giúp ĐCSTQ tuyên truyền. (Ảnh chụp màn hình video)
Vừa qua, "đệ nhất Vlogger Trung Quốc" Lý Tử Thất đã bị cáo buộc thông qua các video siêu hiện thực về cuộc sống nông thôn để trợ giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên truyền. Mới đây, một cặp vợ chồng giả nông dân thông qua phim ngắn về cuộc sống nông thôn đầy hương vị địa phương thu hút 20 triệu người hâm mộ để bán hàng kiếm tiền, cũng vừa được phơi bày.
Một người là thu hút một lượng lớn fan hâm mộ bằng phong cảnh nông thôn tươi đẹp và hình ảnh phụ nữ trong sáng, còn hai người kia là lấy cuộc sống thôn quê giản dị và dáng vẻ của những người nông dân chân chất để thu hút một lượng lớn cư dân mạng Trung Quốc. Một người được quay chụp chuyên nghiệp và được lan tỏa bởi các phương tiện truyền thông chính thức, trong khi trường hợp thứ hai là đóng giả một cặp vợ chồng nông dân để lừa gạt lòng tin của 20 triệu người hâm mộ rồi mới bán hàng kiếm tiền.
Gần đây, NetEase và các phương tiện truyền thông Trung Quốc khác đưa tin rằng, một cặp vợ chồng, dùng tên giả là Ngưu Ái Phương (Niu Aifang) và Tiểu Xuân Hoa (Xiao Chunhua), sử dụng tài khoản Douyin có tên "Ngưu Ái Phương Tiểu Xuân Hoa” (牛爱芳的小春花) để phát các video ngắn nhằm thu hút lượng truy cập.
Cả hai người có vẻ ngoài không mấy xinh đẹp, tự xưng là người nông thôn Hồ Nam. Trong video ngắn, họ vào vai một cặp vợ chồng nghèo khó, diễn những cảnh về cuộc sống nông thôn, bao gồm cả việc tự xây một ngôi nhà bằng gạch, chăm chỉ làm nhà và hòa thuận với hàng xóm như thế nào, v.v....
Có cư dân mạng nói: “Tôi không biết có cái gì đẹp mắt, nhưng tôi sẽ tiếp tục theo dõi”. Chỉ trong một năm, "Ngưu Ái Phương Tiểu Xuân Hoa” đã thu hút hơn 19 triệu người hâm mộ.
Lúc mới đầu, họ hứa hẹn sẽ không bán hàng trực tuyến, nhưng sau đó lại bán dao kéo. Sau một lần phát sóng trực tiếp, doanh thu lên tới 26 triệu nhân dân tệ (khoảng hơn 92 tỷ VNĐ), và cả hai đã thu được gần 3 triệu nhân dân tệ (khoảng 10,6 tỷ VNĐ). Sau đó, cư dân mạng kêu ca về chất lượng của những con dao mà họ bán, và sau đó bắt đầu đi tìm sự thật và vạch trần.
Cư dân mạng phát hiện, hai người họ hoàn toàn không phải là nông dân, tên cũng là tên giả. Tiểu Xuân Hoa tên thật là Chương Thúy (Zhang Kui), chủ tịch của một công ty có vốn 50.000 nhân dân tệ (khoảng 177 triệu VNĐ), còn Ngưu Ái Phương tên thật là Lưu Ái Phương (Liu Aifang). Những bức ảnh cưới trước đó của hai người cho thấy Lưu Ái Phương mặc vest và đeo một chiếc vòng cổ bằng vàng. Ngoài ra, những bức ảnh đời thường trong trang phục váy ngắn của Chương Thúy cũng được phơi bày.
Cư dân mạng còn phát hiện, người cha già trong video và ông lão tội nghiệp ở gần đó đều là diễn viên được mời. Đôi nam nữ này trước đây cũng từng điều hành tài khoản video "Kiên Cường Ca và Chương Thúy", và các diễn viên mà họ hiện tại thuê mướn đều đã từng xuất hiện trước đây. Họ tuyên bố tự tay xây nhà bằng gạch, nhưng trên thực tế là xây để quay phim, và họ hoàn toàn không sống ở đó.
Lý Tử Thất được sử dụng để "kể câu chuyện về Trung Quốc"
Một quan sát viên cấp cao có thâm niên ở Trung Quốc với bí danh là Vưu tiên sinh đã nói với tờ Epoch Times rằng, ông biết rõ và đang theo dõi hai sự việc nổi tiếng trên mạng Internet này.
Ông nói rằng: "Nói cách khác, mô hình kinh doanh tạo hình những người nổi tiếng trên mạng để kiếm tiền bằng bán hàng này rất phổ biến ở Trung Quốc. Lý Tử Thất ban đầu là hoạt động kinh doanh của riêng mình, sau khi trở nên nổi tiếng thì đã bị ĐCSTQ lợi dụng để “kể câu chuyện về Trung Quốc”.
Ông Vưu nói: “Điều này được các nhà lãnh đạo Trung Quốc (ĐCSTQ) ủng hộ”.
Ông Vưu là một chuyên gia cao cấp có thâm niên và nổi tiếng, nhưng vì sự cai trị độc tài “độc đoán” của ĐCSTQ, nên ông không tiện tiết lộ danh tính thực sự của mình.
Ngay từ ngày 21 tháng 8 năm 2013, Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đã đề xuất tại "Hội nghị công tác tư tưởng và tuyên truyền toàn quốc" của ĐCSTQ rằng, bộ phận tuyên truyền đối ngoại nên tạo ra các phương pháp tuyên truyền mới và "kể câu chuyện Trung Quốc và truyền bá tốt tiếng nói của Trung Quốc".
Vào ngày 13 tháng 5 năm nay, khi Tập Cận Bình chủ trì Hội nghị nghiên cứu tập thể của Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ khóa 19, một lần nữa nhấn mạnh rằng "kể chuyện Trung Quốc và truyền bá tốt tiếng nói Trung Quốc" là một nhiệm vụ quan trọng để tăng cường khả năng tuyên truyền quốc tế của ĐCSTQ.
Lý Tử Thất, 31 tuổi, tên thật là Lý Giai Giai, là một phụ nữ đến từ một ngôi làng nông thôn ở Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên. Năm 2015, cô mở một blog video trên Weibo, thể hiện cuộc sống của chính mình. Chỉ trong vài năm, người hâm mộ trên Weibo của cô đã vượt quá 20 triệu. Năm 2017, cô bắt đầu đăng video trên YouTube, và lượt đăng ký của cô nhanh chóng vượt mốc 8 triệu, người hâm mộ trên Facebook của cô cũng có hơn 5 triệu.
Lý Tử Thất được biết đến là "đệ nhất Vlogger Trung Quốc" và được các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc như Tân Hoa Xã, Nhân dân Nhật báo, CCTV, và Weibo chính thức của Đoàn Thanh niên Cộng sản ưu ái. "Hiệp hội thủ lĩnh thanh niên nông thôn làm giàu" của ĐCSTQ đã mời cô làm "đại sứ quảng bá", “Tuần san Tin tức” của ĐCSTQ đã vinh danh cô là "Nhân vật có ảnh hưởng của năm".
Người dân Trung Quốc bình thường bị cấm sử dụng Facebook và YouTube, nhưng Lý Tử Thất không những không bị cấm mà còn thu hút được rất nhiều fan hâm mộ ở nước ngoài. Một bài báo đặc biệt của BBC nói rằng Lý Tử Thất đã giúp ĐCSTQ "kể câu chuyện về Trung Quốc, một người làm tốt hơn cả Ban Tuyên giáo Trung ương". Tờ “Thời báo Tự do" (Liberty Times) dẫn bình luận của cư dân mạng nói: "Một Lý Tử Thất bằng mười Ban Tuyên giáo Trung ương"; “Hiệu quả xuất khẩu văn hóa của Lý Tử Thất đủ để so sánh với nhiều Viện Khổng Tử".
Ông Vưu cho rằng những người nổi tiếng trên Internet như Lý Tử Thất không có sự nhạy cảm về chính trị và không dễ khiến ngoại giới cảnh giác. Họ cũng có thể giúp ĐCSTQ phát huy cái gọi là "năng lượng tích cực" và tạo ra "sự phồn vinh của Trung Quốc, cảnh tượng tốt đẹp thái bình thịnh vượng".
Ông giải thích rằng, cho đến nay, ĐCSTQ đã chi rất nhiều tiền cho việc tuyên truyền đối ngoại quy mô lớn, với mục đích xóa bỏ cái gọi là "sự hiểu lầm" (ấn tượng xấu) về Trung Quốc của cộng đồng quốc tế, nhưng hiệu quả kém xa so với hiệu quả tuyên truyền đối ngoại mà các tổ chức thương nghiệp này đạt được.
Ảo tưởng lãng mạn về nông thôn Trung Quốc
Ông Vưu cho biết, ông cũng quen với việc những người nổi tiếng trên mạng internet giả mạo ở nông thôn bị lật tẩy gần đây. Theo ông, ở Trung Quốc có rất nhiều kiểu lừa gạt, trước đây lừa tiền theo kiểu “lãi mẹ đẻ lãi con”, “tình đỏ”. Trong 2-3 năm gần đây, bán hàng trực tuyến rất phổ biến, đó là tạo ra những người nổi tiếng trên Internet theo nhiều cách khác nhau, sau đó bán hàng hóa trực tuyến. Một số kiếm được hàng tỷ nhân dân tệ.
Ông Vưu nói rằng, từ cảnh điền viên xinh đẹp thơ mộng của Lý Tử Thất, đến cặp vợ chồng nông thôn giả, sở dĩ họ có thể trở thành những người nổi tiếng trên mạng Internet là vì có một số lượng lớn người dân trong và ngoài nước không hiểu rõ về vùng nông thôn Trung Quốc. Một mặt, người nước ngoài không biết về nông thôn Trung Quốc, mặt khác, nhiều cư dân thành thị ở Trung Quốc cũng không hiểu rõ về vùng nông thôn, cho nên họ ảo tưởng lãng mạn về cuộc sống nông thôn.
Ông nói, vùng nông thôn Trung Quốc quả thực có một số địa điểm rất thơ mộng, và rất dễ dàng để quay một số video phong cảnh xinh đẹp. Bởi vậy, các thương gia có thể lợi dụng những cảnh đẹp này, chế thành những cảnh quay đẹp để thương mại, khiến cho người xem càng thêm mơ mộng, khao khát được sống trong một khung cảnh tuyệt đẹp như vậy.
Văn hóa lừa gạt dưới thời ĐCSTQ
Ông Tống (hóa danh), một cựu quan chức chính phủ của ĐCSTQ, nói với tờ Epoch Times rằng: "Cái này tôi hiểu rất rõ. Kỳ thực, những người nổi tiếng trên Internet này phản ánh một hiện tượng phổ biến ở Trung Quốc. Toàn bộ xã hội Trung Quốc chính là một loại văn hóa như vậy, đó là văn hóa lừa gạt lẫn nhau".
Ông Tống nói: "Căn nguyên của đặc tính này nằm ở chỗ ĐCSTQ thống trị văn hóa. Chính phủ, các quan chức của ĐCSTQ và thậm chí cả tin tức của ĐCSTQ đều đầy rẫy sự dối trá. Nói cách khác, chính quyền ĐCSTQ đang lừa dối người dân một cách toàn diện, những dân chúng này đều biết điều đó, họ cũng biết rõ là các quan chức ĐCSTQ cho dù có lừa gạt bách tính như thế nào cũng sẽ không bị trừng phạt. Vì vậy, toàn bộ xã hội đã đánh mất sự tín nhiệm”.
Ông phân tích rằng, còn có một vấn đề khác, đó là người Trung Quốc thiếu tín ngưỡng đối với Thần. ĐCSTQ yêu cầu dân chúng chỉ tin vào những học thuyết mà nó tuyên bố, bao gồm cả “chủ nghĩa cộng sản” và “chủ nghĩa xã hội”, chỉ được phép tín ngưỡng lãnh tụ của nó, hoàn toàn hủy diệt lòng kính sợ và tín ngưỡng của người dân đối với Thần. Vì vậy, người dân Trung Quốc khuyết thiếu sự ước thúc tâm tính, biểu hiện của nó chính là đạo đức suy đồi.
Xem thêm:
VIDEO: Bí Ẩn về Ngôi Sao YouTube Trung Quốc Lý Tử Thất
Lý Tuệ
Theo Epoch Times
Đăng theo NTDVN