Sự thật là, Mỹ có quá nhiều cách và quyền lực trong tay để ngăn Trung Quốc chiếm Đài Loan mà không cần kích hoạt một cuộc chiến. Rủi ro lớn nhất với Đài Loan lúc này chính là nhiều thế lực ở Mỹ cũng có thể cần một cuộc chiến, vì thử vũ khí, vì lái định hướng dư luận khỏi các cuộc khủng hoảng nội bộ... Nhưng rất may cho Đài Loan là Trung Quốc không thể xuất chiến, ít nhất là vào thời điểm này, trong một tương lai gần. Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay đã hé lộ ít nhiều…
Đường, xăng, lạm phát, kinh tế đình trệ và cuộc khủng hoảng ở Trung Đông đã khiến một số người ví những ngày đầu nhiệm kỳ của ông Biden với nhiệm kỳ không may mắn của Tổng thống Jimmy Carter. (Ảnh: MANDEL NGAN/AFP via Getty Images)
Không cần tới một cuộc chiến, Mỹ và các đồng minh của họ chỉ cần đe dọa và thực sự áp các đòn trừng phạt thương mại, năng lượng, loại bỏ các NHTM, doanh nghiệp Trung Quốc khỏi hệ thống thanh toán quốc tế đồng USD, cô lập nền kinh tế Trung Quốc khỏi mọi tổ chức toàn cầu… tất cả đủ để làm Trung Quốc hoàn toàn suy kiệt, thậm chí sụp đổ. Lý do là Trung Quốc quá phụ thuộc vào thế giới bên ngoài để đảm bảo tăng trưởng, an ninh năng lượng, thực phẩm và cả tài chính tiền tệ. Trung Quốc sẽ đầu hàng vô điều kiện nếu bị cô lập như Iran bất chấp nước này phát triển được bao nhiêu đầu đạn hạt nhân.
Trung Quốc có quá nhiều ‘gót chân Asin’ và ‘tử huyệt’. Trong trận chiến với Trung Quốc, hiểu Trung Quốc sẽ tất thắng mà không cần phải khởi động chiến tranh, nơi mạng người trở thành cỏ rác.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald J. Trump từng nói: “Nếu tôi còn ở Nhà Trắng, Trung Quốc sẽ không dám hung hăng như vậy với Đài Loan”.
Và ông đã đúng. Ông cũng không hề nói quá bởi ông hiểu đối thủ của nước Mỹ, các điểm mạnh và cả những tử huyệt kinh tế, chính trị, địa lý của nền kinh tế này. Quan trọng hơn, trong nhiều nhiệm kỳ tổng thống Mỹ suốt 4 thế kỷ qua, dường như chỉ có nhiệm kỳ của tổng thống thứ 45 của nước Mỹ là không chịu thỏa hiệp với Trung Quốc, vì bất cứ lý do gì.
Trung Quốc có vẻ ngoài cực kỳ mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng kinh ngạc nhất toàn cầu trong suốt 4 thập kỷ. Nhưng rốt ráo, nó không phải là nơi nắm giữ công nghệ nền tảng tạo ra hệ sinh thái internet, tạo ra hệ sinh thái công nghệ cao hay thứ gì đó tương tự, tiền tệ và hệ thống thanh toán toàn cầu cũng không nằm trong tay Trung Quốc.
Nền công nghệ đánh cắp của Trung Quốc là công nghệ mô phỏng, theo sau. Và hơn nữa, sự thịnh vượng của Trung Quốc đến từ dòng tiền, tri thức và công nghệ từ thế giới tư bản đổ vào. Không có toàn cầu hoá, Trung Quốc sẽ chẳng có gì. Và chỉ cần cắt đi dòng chảy của tiền tệ, vốn, công nghệ đang ào ào đổ vào Trung Quốc, nó sẽ trở về đúng bản lai của nó: yếu ớt và vô vọng.
Đó là lý do, trong suốt cuộc thương chiến với Mỹ khởi động dưới thời ông Trump, Trung Quốc khốn đốn bởi các đòn đánh trúng tử huyệt của nền kinh tế này. Nhưng Trung Quốc đã lập tức hung hăng trở lại ngay sau khi đại dịch hạ bệ tổng thống cứng rắn với Trung Quốc và tình hình bất lợi của thế giới có lợi hơn cho Trung Quốc. Dù vậy, như phân tích trong Kỳ 1, Trung Quốc cũng cần chiếm Đài Loan càng sớm càng tốt để củng cố các điểm yếu công nghệ, tài chính đồng thời kéo dài sự tồn tại của chế độ. Trung Quốc làm vậy vì họ biết rằng có tồn tại những thế lực ở Mỹ và quốc tế ngấm ngầm thỏa hiệp và ủng hộ chế độ của nó.
Mỹ và đồng minh hoàn toàn có thể, thậm chí là Mỹ đơn phương, ra đòn nhắm vào gót chân Asin và các ‘tử huyệt’ của Trung Quốc:
Cấm vận năng lượng
¾ năng lượng sử dụng ở Trung Quốc hiện nay hoàn toàn là từ nhập khẩu. Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu.
Hôm 26/10 vừa qua, Viện nghiên cứu năng lượng (IER) của Mỹ ở Washington ra báo cáo về nhu cầu và cơ cấu nguồn năng lượng của Trung Quốc. Báo cáo IER được nghiên cứu và viết bởi ông Jordan McGillis, Phó giám đốc phụ trách chính sách của tổ chức này.
Theo báo cáo này, Trung Quốc dường như đang chứng tỏ với thế giới rằng họ đi đầu về năng lượng gió và mặt trời và họ xuất khẩu pin năng lượng mặt trời nhiều nhất thế giới, nhưng sự thực là năng lượng từ gió và mặt trời chỉ đáp ứng 3% nhu cầu năng lượng trên toàn quốc.
Theo ông McGillis, mức tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong những năm gần đây và trong khi Bắc Kinh thường được ca ngợi trên các phương tiện truyền thông phương Tây vì những nỗ lực trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, thì thực tế là Bắc Kinh rất thèm khát các nhiên liệu hóa thạch, bao gồm dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, và than đá.
“Ngày nay, Trung Quốc tiêu thụ dầu thô nhiều hơn 50% so với chỉ 10 năm trước. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), tăng trưởng tiêu thụ dầu của Trung Quốc chiếm 2/3 lượng tiêu thụ dầu toàn cầu mới trong năm 2019".
Nhu cầu nhiên liệu hóa thạch của Trung Quốc lớn đến nỗi ngay cả khi nền kinh tế thế giới chậm lại do COVID-19, Bắc Kinh đã đốt nhiều dầu thô hơn vào năm 2020, khoảng 5 tỷ thùng dầu, nhiều nhất từ trước đến nay trong thời gian một năm.
Kết hợp với nhu cầu về khí đốt tự nhiên tăng cao, mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch của Trung Quốc làm giảm việc sử dụng năng lượng tái tạo của nước này.
Việc sử dụng khí đốt tự nhiên của Trung Quốc thậm chí còn tăng nhanh hơn so với việc sử dụng dầu mỏ, nhân lên gấp 10 lần kể từ năm 2001, báo cáo của IER cho biết.
Do đó, Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Lượng dầu nhập khẩu này cung cấp tới ¾ nhu cầu sử dụng năng lượng hàng năm ở Trung Quốc.
Vậy quân đội của Trung Quốc sẽ hoạt động được trong bao lâu với nguồn dầu dự trữ chiến lược nếu bị toàn thế giới cấm vận về năng lượng? Chỉ cần Mỹ làm tốt điều này, quân đội Trung Quốc có thể sớm ‘bất hoạt’ vì thiếu dầu.
Trung Quốc hiện đang sa lầy trong cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng chỉ vì cấm nhập khẩu than đá chất lượng cao từ Úc. Nguồn than dự trữ ở Trung Quốc phần lớn là than non (chủ yếu ở Nội mông), không hề thích hợp với các lò đốt than ở các nhà máy nhiệt điện tại Trung Quốc hiện nay (vì lý do thiết kế kỹ thuật). Trung Quốc đang nhập khẩu than đá thay thế từ Indonesia nhưng quốc gia này bắt đầu chính sách giảm xuất khẩu than đá vì an ninh năng lượng của họ.
Cấm vận lương thực thì sao?
Trung Quốc là quốc gia khan hiếm đất đai dù lớn thứ hai thế giới về diện tích. Đất canh tác của Trung Quốc chỉ bằng ⅕ so với lượng đất canh tác của Mỹ. Cùng với quá trình công nghiệp hóa ồ ạt, bất chấp môi trường, đất canh tác của Trung Quốc ngày một eo hẹp, bị tàn phá bởi hóa chất và hoang hóa bởi làn sóng di cư vào các khu công nghiệp. Trung Quốc luôn vững ngôi vị là nhà nhập khẩu lương thực lớn nhất thế giới.
Theo FAO, giá lương thực thế giới vào tháng 5 tăng với tốc độ hàng tháng nhanh nhất trong hơn một thập kỷ qua, tăng 12 tháng liên tiếp, đạt mức cao nhất kể từ tháng 9/2011. Giá lương thực loại trừ đi lạm phát đã gần chạm tới mức giá giai đoạn khủng hoảng lương thực thập kỷ 70 của thế kỷ 20 (50 năm trước).
Sản lượng lương thực toàn cầu giảm và giá lương thực tăng mạnh khiến nhiều nhà nhập khẩu thực phẩm ròng hoảng sợ và bắt đầu đổ xô đi mua lương thực khắp nơi trên thế giới. Trung Quốc là một trong những nước đi săn mua nhiều nhất.
Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới, vượt qua cả Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ. Năm 2019 với tổng kim ngạch nhập khẩu là 133,1 tỷ USD (theo số liệu của USDA).
Năm 2020, Trung Quốc đã có một đợt kiểm tra dự trữ ngũ cốc. Trong quá trình kiểm tra, rất nhiều vụ cháy liên tục xảy ra tại các kho chứa ngũ cốc trên khắp đất nước. Các vụ hỏa hoạn được cho là để xoá dấu vết về tình trạng thiếu lương thực và sự tham nhũng nghiêm trọng của các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Một số tỉnh của Trung Quốc đã vội vã ký cam kết sẽ cứu trợ lương thực cho nhau trong trường hợp khẩn cấp.
Mặc dù thương mại của Trung Quốc với Úc đang ở thế bế tắc, nhưng Trung Quốc vẫn đẩy nhanh việc mua lúa mì của Úc, vì lượng lúa mì ở các nước khác đã giảm, dẫn đến tình trạng thiếu sản lượng lúa mì toàn cầu. Trung Quốc trừng phạt than Úc, cuối cùng lại là tự lấy đá ghè chân mình, khiến khủng hoảng thiếu điện đang ngày một trầm trọng. Hiện tại giới quan sát khẳng định là Trung Quốc không dám áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với lúa mì của Úc, nếu không tình hình sẽ ngày càng bi đát.
Theo báo cáo của USDA, Hoa Kỳ từng là nhà cung cấp nông sản lớn nhất của Trung Quốc nhưng đã bị Brazil và gần đây là EU vượt qua. Khoảng 85% xuất khẩu của Brazil sang Trung Quốc là đậu nành, xuất khẩu thịt từ Brazil sang Trung Quốc cũng đang tăng trưởng nhanh chóng. Hơn 80% nhập khẩu của Trung Quốc từ EU là các sản phẩm thực phẩm tiêu dùng, dẫn đầu là sữa và thịt lợn. Các nhà cung cấp hàng đầu khác bao gồm Australia và New Zealand, cả hai đều là đối tác của hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc.
Vậy điều gì xảy ra nếu các nguồn nhập khẩu lương thực này, vì trừng phạt hành vi chiến tranh của Trung Quốc, đồng loạt đóng cửa lại?
Trung Quốc có thể chưa đói ngay, chưa loạn ngay vì khả năng tự cung tự cấp lương thực của nước này cũng như dự trữ ở kho lương. Nhưng Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ mất mùa và nội tình của Trung Quốc có thể trở thành cái ‘nồi áp suất’ nếu lương thực thiếu hay tăng giá bất thường thêm nữa.
Giá cả lương thực, thực phẩm sẽ tăng cao và người dân Trung Quốc, từng chịu thảm cảnh 45 triệu người chết đói thời Mao, có thể sẽ không hiền lành im lặng chịu đựng nữa. Sự tồn tại của ĐCSTQ và cuộc xâm chiếm bằng vũ lực với Đài Loan, chưa biết mang lại lợi ích gì cho quốc gia, dân tộc, nhưng đã làm dân đói. Đói ắt sẽ loạn. Loạn ắt sẽ biến đổi. Và Trung Quốc khó lòng bắt đầu một cuộc chiến như nó mong muốn nếu Mỹ thực sự quyết tâm.
Leo thang trừng phạt thương mại
Chúng ta đã chứng kiến trừng phạt gian lận thương mại và đánh thuế vào các mặt hàng được cho là phá giá từ Trung Quốc trong 4 năm qua đã khiến nền kinh tế này khốn đốn. Nếu vì chiến tranh với Đài Loan, Mỹ và đồng minh sẵn lòng leo thang trừng phạt thương mại với Trung Quốc, Trung Quốc có thể lập tức tạm biệt với tăng trưởng dương. Chưa kể, sự bất ổn chính trị khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp sẽ tiếp tục rời khỏi Trung Quốc mạnh mẽ hơn. Điều này sẽ khiến Trung Quốc rơi vào các thảm hoạ sau:
Mất tăng trưởng - cái cớ cho sự tồn tại chính danh của ĐCSTQ
Chiến tranh và trừng phạt thương mại leo thang (nếu có) sẽ lập tức làm suy giảm kim ngạch xuất khẩu của nước này. Trong 4 thập kỷ vừa qua, tăng trưởng GDP thần tốc có đóng góp rất lớn từ xuất khẩu. Năm 2010, xuất khẩu đóng góp 26,08% vào tăng trưởng của Trung Quốc. Năm 2020, con số này đã giảm đi nhiều, nhưng vẫn đóng góp tới 17,65% vào tăng trưởng GDP (Nguồn số liệu: Statista).
Với sự suy giảm từ mức đóng góp của xuất khẩu vào tăng trưởng theo thời gian, chính quyền của ông Tập Cận Bình đã chuyển hướng chiến lược tăng trưởng sang mô hình ‘lưu thông kép’, tức là tăng trưởng vừa dựa vào xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, tiêu dùng trong nước của thị trường 1,4 tỷ người đã không còn hy vọng khi Thủ tướng Lý Khắc Cường năm ngoái đã cho biết khoảng 600 triệu người Trung Quốc không có quyền tiêu dùng. Khoảng cách giàu nghèo quá lớn đã đánh tan giấc mơ ‘tiêu dùng Trung Quốc’ và khiến chiến lược ‘lưu thông kép’ của ông Tập trở thành một giấc mơ xa vời.
Hơn thế nữa, sai lầm từ chính sách 1 con suốt 4 thập kỷ qua khiến Trung Quốc, dù đã từ bỏ chính sách này 5 năm, giờ đang phải trả giá nặng nề. Dân số già đi, lực lượng lao động trong cơ cấu dân số ngày một mỏng đi, lợi thế lao động rẻ của Trung Quốc mất dần. Lương cao khiến chi phí tăng, dân số già khiến chi phí xã hội cao, tất cả thách thức hiệu suất của nền kinh tế và sự bền vững của ngân sách. Thực tế, ngân sách Trung Quốc đang rỗng ở nhiều địa phương khắp cả nước.
An ninh tiền tệ nguy khốn nếu trừng phạt thương mại leo thang vì gây chiến
Nợ nước ngoài của Trung Quốc tăng 10 quý liên tiếp, đạt 2,7 nghìn tỷ USD, cao kỷ lục, khiến dự trữ ngoại hối ròng (dự trữ trừ đi nghĩa vụ trả nợ nước ngoài) chỉ bằng 25% so với năm 2015. Trong khi đó, nước này đang ồ ạt nhập khẩu lương thực, thực phẩm, nhiên liệu trước nguy cơ mất cân đối an ninh lương thực và năng lượng, nợ nước ngoài tăng kỷ lục và dự trữ ngoại hối mỏng đi sẽ là thách thức lớn.
Trung Quốc cần hơn 2 nghìn tỷ USD để nhập khẩu hàng năm, nhưng số dư nợ nước ngoài ngắn hạn phải trả trong vòng một năm lên tới 1,5 nghìn tỷ USD, và dự trữ ngoại hối thực sự không đủ. Nếu xuất khẩu có vấn đề, ví dụ như kim ngạch xuất khẩu sụt giảm, hoặc bị nợ đọng… khiến nguồn ngoại hối từ xuất khẩu suy giảm thì dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sẽ ngay lập tức rơi vào trạng thái căng thẳng.
Hiện tại, tốc độ đầu tư vốn quốc tế vào Trung Quốc đang chậm lại, dự trữ ngoại hối đang chịu áp lực lớn, Trung Quốc có nhiều mặt hàng phải nhập khẩu từ nước ngoài như động cơ hàng không, chip, công nghệ được cấp bằng sáng chế, v.v. ., và thậm chí một số lượng lớn các sản phẩm nông nghiệp, chẳng hạn như ngô, đậu nành và gạo, v.v. Hơn nữa, ĐCSTQ đã cố gắng ngăn chặn và trì hoãn việc rút tiền của các công ty nước ngoài ra khỏi Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng không thể tùy ý bán trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ mà họ đang nắm giữ, vì điều đó sẽ gây thiệt hại cho chính Trung Quốc.
Nếu thúc đẩy một cuộc chiến, Trung Quốc phải chuẩn bị một lượng dự trữ ngoại hối đủ lớn để đảm bảo an ninh tiền tệ trong trường hợp nguồn cung ngoại tệ giảm mạnh, ví dụ như dòng vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp tháo chạy khỏi Trung Quốc, xuất khẩu giảm.
Ngân sách của nhiều chính quyền địa phương đã trống rỗng và ngân sách trung ương sẽ ra sao nếu xuất chiến?
Cơn ác mộng lớn nhất của ông Tập Cận Bình không phải là sự đến từ sự tẩy chay của phương Tây, sự tái diễn của đại dịch, hay thậm chí là cuộc chiến ở eo biển Đài Loan hoặc Biển Đông. Cơn ác mộng lớn nhất của Tập Cận Bình là sự trống rỗng của ngân khố quốc gia.
Khi người nước ngoài nhìn vào Trung Quốc, họ thấy một quốc gia khổng lồ với đà phát triển không gì ngăn cản được: Nước này chi ngân sách mỗi lần hàng chục tỷ USD, khắp nơi đường sá mở rộng, nhà cao tầng thi nhau mọc lên, đô thị khang trang… Vậy thì làm sao mà kho bạc Trung Quốc có thể trống rỗng được?
Nếu rải rác khắp Trung Quốc là 50 thành phố ma và 64,5 triệu căn hộ ma (không có người ở), số lượng căn hộ ma đủ để chứa cả nước Đức thì ngân sách của một số chính quyền địa phương tỉnh hiện đã trống rỗng cũng không phải là chuyện không thể.
Theo một số liệu mới đây, doanh thu tài chính của 31 tỉnh, thành phố trên toàn quốc trong quý II của Trung Quốc là con số âm, duy chỉ có Thượng Hải là dương, ngay cả các tỉnh có truyền thống thu nhập cao là Quảng Đông, Phúc Kiến và Chiết Giang thì tình trạng cũng vô cùng bết bát. Không khó để có thể nhận ra rằng các tỉnh này đang được trung ương giải cứu.
Trên thực tế, chính quyền ở nhiều địa phương đang mắc nợ rất nhiều và thậm chí không thể trả nổi lương cho giáo viên. Gần đây, các giáo viên và công chức ở Liêu Ninh, Hà Nam và An Huy đã xuống đường đòi được trả lương. Số lương còn thiếu từ năm 2007 đến nay chỉ là hơn 70 triệu NDT, vậy mà chính quyền cũng không thể chi nổi, thì nguyên nhân có thể là gì?
Tại cuộc họp lần thứ mười của Ủy ban Tài chính và Kinh tế, đề xuất “điều tiết hợp lý thu nhập cao quá mức”. Đây là dấu hiệu cho thấy chính quyền trung ương đã rỗng túi, nên buộc phải đưa ra đề xuất này với người dân. Nhiều đại gia doanh nghiệp tư nhân đã liên tiếp quyên góp những khoản tiền khổng lồ, nhưng xem ra vẫn chưa đủ, ĐCSTQ sẽ còn tấn công các nhóm có thu nhập cao để cướp của người giàu với lý do giúp đỡ người nghèo vì mục tiêu “thịnh vượng chung”. Cư dân mạng Trung Quốc mỉa mai: Vậy nếu số tiền này về tay họ, thì liệu nó có được trao cho người nghèo không? Tất nhiên là không. Điều này nhằm phục vụ chi tiêu cho chính phủ cho những ngày khó khăn trong tương lai. Nếu họ thực sự chăm lo cho người nghèo, thì khi họ có tài sản ròng hàng chục tỷ, sao lúc đó họ không tìm đến sự “thịnh vượng chung”?
Nếu ngân sách tại nhiều tỉnh thành đã trống rỗng, tiền chi cho một cuộc chiến trong bối cảnh trừng phạt thương mại leo thang, cấm vận năng lượng và thực phẩm sẽ trở thành thảm họa ngay lập tức với Trung Quốc.
Vỡ nợ bất động sản và nợ xấu
Đây là rủi ro hiện hữu, đã và đang diễn ra tại nước này. Không một chuyên gia tài chính nào có thể phủ nhận sự thật này, chỉ là khi nào các quả bóng này khiến hệ thống tài chính của Trung Quốc đổ vỡ?
Khác với hệ thống tài chính của Mỹ hay Châu Âu, hệ thống tài chính của Trung Quốc có vai trò can thiệp rất lớn của nhà nước. Vì thế, số liệu dù rất xấu nhưng nó sẽ không vỡ nợ theo quy luật thị trường. Trung Quốc thậm chí cho phép các NHTM của nước họ hạch toán nợ xấu theo cách không giống ai để che giấu khối nợ này. Dù vậy, khối bom nợ xấu bất động sản, của doanh nghiệp phá sản cũng không vì thế mà tiêu đi, nó sẽ âm thầm tàn phá hệ thống tài chính và nền kinh tế theo một cách khác, khiến chi phí tài chính đắt đỏ hơn, triệt tiêu tiếp cận vốn của khu vực kinh tế tư nhân năng động, tiếp tục nuôi dưỡng nhiều hơn nữa các doanh nghiệp xác sống… Cứ như vậy, bom nợ bất động sản và khối nợ xấu nằm ở NHTM, dù công khai hay không, nó cũng là các cục máu đông khiến cơ thể nền kinh tế suy yếu và đột quỵ bất cứ lúc nào.
Nếu gây chiến, Trung Quốc cần tài chính, cần năng lượng, cần lương thảo, v.v. nhưng tất cả chẳng phải đang rất thiếu thốn và nguy khốn sao? Trung Quốc biết điều đó. Mỹ biết điều đó. Mỹ có thể đánh vào các tử huyệt đó, nếu họ chân chính muốn hoà bình cho thế giới này như cách mà chúng ta muốn.
Và điều gì xảy ra nếu Mỹ ‘đá’ Trung Quốc khỏi hệ thống thanh toán đồng USD SWIFT toàn cầu?
Dưới thời cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tại vị, các chuyên gia tại Trung Quốc cảnh báo về thảm họa tài chính với Trung Quốc nếu Mỹ loại những tổ chức này ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Mỹ chưa làm thế, nhưng nếu Mỹ muốn trừng phạt Trung Quốc vì xuất chiến, thì không gì là không thể.
Một cuộc chiến toàn diện về tài chính có thể dẫn đến việc loại các ngân hàng Trung Quốc ra khỏi hệ thống thanh toán bằng đồng USD, vốn dựa phần lớn vào thương mại toàn cầu. Mỹ có thể trừng phạt các ngân hàng, tổ chức tài chính của Trung Quốc và thậm chí thu giữ tài sản thuộc sở hữu của Trung Quốc tại Hoa Kỳ.
Nếu việc trừng phạt như vậy xảy ra thì sẽ có những tác động gì và tại sao lại dẫn đến những tác động đó?
Huyết mạch của ngân hàng là các giao dịch tiền tệ. Hầu hết các giao dịch quốc tế xuyên biên giới được thực hiện bằng đồng đô-la Mỹ. Chuyển khoản ngân hàng quốc tế thanh toán bằng đồng đô-la Mỹ chủ yếu thông qua hệ thống SWIFT - một ngôn ngữ (mã định danh) được các ngân hàng toàn cầu sử dụng từ những năm 1970 để thực hiện các giao dịch thanh toán quốc tế giữa các ngân hàng. Theo trang web SWIFT, có khoảng 11.000 ngân hàng trên thế giới sử dụng SWIFT để giao dịch, với tổng số 38 triệu lần giao dịch mỗi ngày.
Nếu các tổ chức tài chính Trung Quốc bị Hoa Kỳ trừng phạt, SWIFT có thể không cho các tổ chức đó thực hiện các giao dịch thông qua hệ thống này. Điều này có thể khiến ĐCSTQ không thể thực hiện được các giao dịch bằng đồng đô-la Mỹ ở bất kỳ đâu trên thế giới.
Mặc dù SWIFT có trụ sở tại Bỉ và tuân theo luật định của Liên minh Châu Âu, nhưng SWIFT đã từng loại bỏ các tổ chức tuân theo luật trừng phạt của Hoa Kỳ (ví dụ trường hợp của Triều Tiên). Bên cạnh đó, các phương thức giao dịch chính ở Hoa Kỳ, bao gồm Fedwire và CHIPS, cũng sẽ không khả dụng đối với các tổ chức Trung Quốc.
Ngoài ra, trong một cuộc chiến toàn diện về tài chính, Hoa Kỳ cũng có thể đóng băng tài sản tại Hoa Kỳ của các tổ chức và cá nhân bị trừng phạt, không cho họ tiếp cận với các tài sản này. Hàng trăm tỷ USD tài sản do Trung Quốc sở hữu như tài khoản ngân hàng, các khoản đầu tư và bất động sản sẽ bị đóng băng. Đầu tư của Trung Quốc vào Hoa Kỳ đã vượt quá 180 tỷ USD từ năm 2005 đến cuối năm 2019, theo dữ liệu từ Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Trên đây chỉ là một vài giả định lấy cảm hứng từ các đòn trừng phạt kinh tế - tài chính điểm đúng huyệt, không tanh máu, làm Trung Quốc phải im lặng thời cựu tổng thống Trump. Còn rất nhiều đòn đau giả định khác mà Mỹ có thể sử dụng. Nếu các đòn trừng phạt này tiếp tục được làm mạnh tay, được gia cố và dàn trận tấn công tổng thể, Trung Quốc không thể nào xuất chiến bây giờ cũng như vĩnh viễn về sau.
Đây là chưa kể tới thực lực quân sự và khả năng xuất chiến hiện tại của quân đội Trung Quốc.
Chính quyền của cựu tổng thống Donald Trump đã biết điểm yếu của kẻ địch và vận dụng rất hiệu quả thì các thế lực khác ở Mỹ cũng biết điều đó.
Tuy nhiên, sau 40 năm không ngừng ưu ái và đổ tiền vào Trung Quốc nuôi dưỡng chế độ độc tài này, chính Mỹ chứ không phải ai khác, là kẻ phải gánh chịu hậu quả từ Trung Quốc. Rất nhiều thế lực ở Mỹ sẽ cản trở các đòn phản kích không vũ khí như vậy, vì sao? Vì tiền của họ ở Trung Quốc đã không rời đi như cảnh báo của chính quyền Mỹ trong 4 năm qua, vì vũ khí mới cần được thử nghiệm và tiêu hao, vì các cuộc khủng hoảng năng lượng, đường biên giới, khan hiếm hàng hóa… đang cần một cuộc chiến tranh ‘chính nghĩa’ bên ngoài nước Mỹ để giải tỏa. Ngoài ra, thị trường tài chính Mỹ đã tăng đến đỉnh điểm rồi, chiến tranh sẽ là cơ hội tuyệt vời cho các chính phủ vay nợ không biên giới. Chừng đó lý do hoàn toàn khả dĩ khiến các biện pháp chiến tranh không tiếng súng không còn nhiều giá trị.
Bài viết phản ánh quan điểm của cá nhân tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.
Đăng theo NTDVN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- https://www.fao.org/sdg-progress-report/2021/en/
- https://reliefweb.int/report/world/alarming-new-fao-report-shows-decades-development-efforts-undermined-enarzh
- https://www.eia.gov/international/analysis/country/CHN
- https://www.ntdvn.com/chuyen-de/mo-xe-no-trung-quoc
- https://www.ntdvn.com/chuyen-de/quoc-huu-hoa-kinh-te-tu-nhan
- https://www.ntdvn.com/chuyen-de/troi-da-sinh-tap-sao-con-sinh-trump