Hầu hết mọi người thời xưa đều tin vào Thần Phật, vì vậy các tiêu chuẩn đạo đức của toàn xã hội sẽ được duy trì ở một mức độ nhất định. Từ hoàng đế cho đến quan đại thần, từ quan viên đến dân thường đều kính Trời kính Thần. Những ai đến chùa thắp hương cầu nguyện đều cảm thấy Thần Phật đang lắng nghe và tin rằng chỉ có Thần Phật mới công bằng nhất. Tất nhiên, Thần Phật sẽ đáp lại con người, và lời giải thích tốt nhất ở đây có lẽ là do “Thiên nhân hợp nhất”.
Có một chàng trai họ Ngô quê ở Lâm Xuyên, Giang Tây, chàng ta kinh doanh mua bán ở Quý Châu và từng có mối quan hệ qua lại với một cô gái địa phương.
Cô gái nói: “Quê chàng cách đây nghìn dặm, một khi quay về, nếu chàng thành gia lập thất, thì muội sẽ đau buồn suy sụp như lá rụng lìa cành!”
Chàng Ngô nói: “Mặc dù ta về quê nhà, nhưng sẽ nhanh chóng trở lại, muốn chúng ta danh chính ngôn thuận trở thành phu thê cho đến răng long đầu bạc, cớ sao nàng lại nói như thế?”
Cô gái vẫn khóc thút thít. Chàng Ngô cũng rất thương tâm, không biết nên dùng lời nào an ủi người yêu, bèn nói: “Nếu nàng không tin, chúng ta cùng thề ước trước Thần linh nhé?” Cô gái gật đầu đồng ý.
Cách đó không xa có một ngôi miếu Tam quan, trong miếu có thờ ba vị Thần rất hiển linh. Hai người cùng nhau đến miếu, thắp hương thề ước: “Chúng con sớm kết mối lương duyên, nguyện trở thành phu thê với nhau. Sống xa nghìn dặm nhưng hai trái tim đập cùng một nhịp, sau khi chết cũng cùng một mộ. Nếu phản bội lời thề này sẽ bị Thần linh trừng phạt!”
Sau khi thề thốt thì tình cảm hai người trở nên sâu sắc mặn nồng, nhưng không bao lâu thì chàng Ngô băn khoăn không biết nên lấy cớ gì để rời đi.
Cô gái nói: “Không thể cứ như thế này. Có hơn 10 người từ quê hương Giang Tây của chàng có quan hệ tốt với cha muội ở đây. Cha muội cũng rất coi trọng chàng, chàng tìm người mai mối, chiểu theo nghi lễ cầu hôn, thì ai nói không được chứ?”
Chàng Ngô nói: “Vậy cũng tốt. Chẳng qua ta nhận được thư từ người cha nghiêm khắc, yêu cầu tạm thời về quê, cũng là để an lòng cha mẹ, thời gian đi lại tính ra cũng chưa tới một năm; hơn nữa ta còn phải thưa chuyện và có thể nhận được sự chấp thuận của cha về hôn sự của chúng ta, như thế chẳng phải tốt hơn sao?” Cô gái thấy chàng trai nói có đạo lý nên đồng ý.
Buổi tối trước khi rời đi, cô gái nói với chàng Ngô rằng: “Chúng ta đã có thề ước bạc đầu giai lão, nhất định không thể thay đổi. Nếu chàng quay lại sớm một ngày, chúng ta có thêm một ngày hạnh phúc, nếu chậm trễ lâu ngày, chẳng may không giữ được lòng mà kết hôn với người khác, nếu có chuyện như vậy xảy ra, ngay cả khi muội xuống mồ rồi vẫn ôm hận ba đời!”
Chàng Ngô nói: “Ta đã ủy thác cho người đồng hương làm mai mối, nàng không nên quá lo lắng, ta sẽ sớm trở lại.” Và hai người cáo biệt mà nước mắt giọt ngắn giọt dài.
Chàng Ngô về quê nhà ở Giang Tây, không ngờ là cha đã định sẵn hôn ước cho mình với con gái nhà họ Phong, anh ta không thể từ chối. Đồng thời, chàng Ngô lại nhận được thư của người đồng hương ở Quý Châu, nói rằng lời đề nghị cầu hôn đã được cha của cô gái đồng ý, mau mau quay lại Quý Châu tiến hành hôn lễ. Chàng Ngô rất sợ người cha nghiêm khắc, không dám kể lại với cha sự tình ở Quý Châu, tiến thoái lưỡng nan, bèn nảy sinh ý định vi phạm thệ ước, ngày càng suy nghĩ chắc chắn như vậy, cũng không dự định trở lại Quý Châu làm ăn nữa.
Ba ngày trước khi kết hôn với con gái nhà họ Phong, Ngô gia đã mời một người bán thịt đến để giết lợn và cừu để cúng tế lên bàn thờ tổ tiên và báo cho tổ tiên biết hỷ sự. Đột nhiên có ba người đàn ông bước đến từ phía Nam, dáng dấp cao lớn vẻ mặt hung hăng, giật lấy con dao từ tay người bán thịt và túm lấy chàng Ngô cắt chỗ kín của anh ném xuống đất rồi rời đi trong tích tắc trước sự kinh hoàng của mọi người, tuy được mọi người bên cạnh đến cứu cũng không kịp. Hóa ra chàng Ngô bị thiến, đau đớn hôn mê nhiều lần, đắp thuốc hết nửa năm mới có thể rời khỏi giường. Hôn sự chẳng thành và cô gái nhà họ Phong kia cũng đã kết hôn với người khác.
Sau đó, cha mẹ của chàng Ngô lần lượt qua đời, gia đình ngày càng sa sút. Do di chứng của việc bị thiến, chàng Ngô không đủ sức khỏe gánh vác công việc khó khăn đi lại buôn bán như năm nào, gia cảnh đơn chiếc, tiền bạc đội nón ra đi, đến năm 60 tuổi thì lưu lạc ăn xin đầu đường xó chợ. Có lần đến xin ăn chỗ chúng tôi, những đứa trẻ vừa trông thấy liền trêu chọc, không ai là không chế giễu chê cười, cả tinh thần và thể xác đều bị tổn thương, chẳng bao lâu sau thì nghe tin chàng Ngô qua đời.
Cao Nguyên
Đăng theo NTDVN
Tài liệu tham khảo: ‘Nhĩ Thực lục’ Tam Quan Thần, quyển 3 của Nhạc Quân thời nhà Thanh