Nhiều thành viên Quốc hội nói rằng hành vi bức tử thai nhi là không thể chấp nhận, hành vi đó cần bị xử tội giết người.

Trong cuộc trao đổi với PV báo Lao Động, thành viên Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tỏ ra bức xúc sau khi xem xong phóng sự mà Báo Lao Động đã phản ánh tình trạng phá thai trái phép, những ca thai to trên 22 tuần tuổi (tức 5 tháng rưỡi) đã bị pháp luật nghiêm cấm, đang diễn ra khá ngang nhiên tại một số phòng khám sức khoẻ sinh sản trên địa bàn Hà Nội.

“Nếu là một người bình thường xem phóng sự này thì rất sợ, có cảm giác rất dã man. Chúng ta sống giữa xã hội văn minh lại có những việc làm không thể tưởng tượng được. Tôi quả thật rất phẫn nộ! Chắc chắn, nhiều người khi xem phóng sự này của Báo Lao Động sẽ có tâm trạng như tôi, thậm chí có những người còn thấy căm thù những hành vi này. Tôi có thể nói một điều là rất độc ác!” – ông Nhưỡng chia sẻ.

Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng trăn trở: “Một thai đã 7 tháng tuổi thì vẫn có khả năng sống được. Trên thực tế, trong phóng sự của Báo Lao Động đã có nhiều cháu đã được cứu sống. Như vậy đã chứng minh rất rõ ràng đó là con người chứ không phải hài nhi vô tri vô giác. Rất tiếc là chưa có án lệ nào của Toà án nhân dân về vấn đề này. Giả sử Toà án nhân dân đã có một án lệ rằng hành vi của một bác sĩ hành nghề phá thai, mà thai nhi đó có sức sống, mà bác sĩ không muốn cứu thì phải xử đó là tội giết người” – ông Nhưỡng nói.

Trung tâm nạo phá thai trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đến 15 năm tù

Thành viên Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng dẫn chứng luật, nước ta hiện nay không cấm phụ nữ có thai được phép phá bỏ. Tuy nhiên, đối với các cơ sở, trung tâm nạo phá thai trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phá thai trái phép theo quy định tại Điều 316 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 118 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 với mức cao nhất của khung hình phạt lên đến 15 năm tù.

Tuy nhiên, với những quy định về bộ luật này chỉ được thực thi khi ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ chứ không liên quan đến thai nhi.

Theo ông Nhưỡng, mức xử phạt này còn quá nhẹ và chưa phù hợp với thực tế: “Hiện tại pháp luật nước ta không quy định việc phá thai to trên 22 tuần là hành vi giết người. Đây là một vấn đề đã gây ra khá nhiều tranh luận trong giới học thuật, cũng như trong thực tiễn. Bởi nhiều người cho rằng một hài nhi đã có đầy đủ thân hình, có sức sống và có khả năng sống thì phải coi là con người”.

Phá thai dẫn đến cái chết của hài nhi thì phải coi đó là tội giết người

Từ những thực tiễn như vậy, ông Nhưỡng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm sửa đổi và bổ sung thêm quy định về luật.

Ông Lưu Bình Nhưỡng phân tích, thai nhi 7 tháng tuổi đã hình thành con người cơ bản hoàn thiện, có khả năng cứu được, sống được thì phải coi đó là tội giết người chứ không thể coi là tội phá thai ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ. Do đó, cần có quy định rõ ràng, xem xét lại cấp độ phá thai giữa các tháng tuổi.

“Cấp độ phá thai có sự khác nhau giữa các tháng tuổi, chúng ta phải xem xét cấp độ này. Tôi mong muốn các nhà khoa học, y học, đặc biệt là những người liên quan đến sức khỏe sinh sản cần nghiên cứu một cách chu đáo, đầy đủ, toàn diện, đưa ra các cấp độ nhất định. Phải tách bạch trường hợp nào thì coi là có sự sống, coi hài nhi đó là một đứa trẻ em thực sự. Nếu chúng ta công nhận như thế được thì cứ ở thời điểm ấy mà phá thai dẫn đến cái chết của hài nhi thì phải coi đó là tội giết người”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, thành viên Quốc hội cũng kiến nghị cần xem xét việc bảo vệ hài nhi, điều này phải được ưu tiên và đặt lên hàng đầu.

Y-bác sĩ có hành vi này không chỉ vi phạm về mặt đạo đức mà còn vi phạm pháp luật

Theo lời kể của những nhân chứng trên báo Lao động, không ít lần thai nhi lên đến 6-7 tháng tuổi, do có sức sống mãnh liệt nên khi bị ép đưa ra khỏi cơ thể người mẹ vẫn ọ ẹ cất tiếng khóc chào đời, dù chỉ ít phút sau, nơi chờ đón các con lại chính là những túi nylon đựng rác đã được các nhân viên chuẩn bị sẵn.

Đặc biệt, cuối năm 2019, phòng khám 85 Giải Phóng từng bị tố phá thai trên 28 tuần tuổi, nhưng không hiểu vì lý do vì sao vẫn tồn tại và bác sĩ của phòng khám này vẫn hành nghề, làm những việc khiến nhiều người ghê rợn như vậy.

Nêu quan điểm về vấn đề này, thành viên Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, hành vi phá thai trên 22 tuần tuổi không chỉ dừng ở phạm vi đạo đức xã hội mà là hành vi vi phạm pháp luật và cần phải bị xử lý.

“Trước tiên, đội ngũ thầy thuốc cần có y đức. Có những trường hợp thai nhi trên 5 tháng tuổi, việc phá bỏ như vậy là mất đạo đức. Hành vi này cần phải lên án. Không thể dung túng cho hành vi này được”, thành viên QUốc hôi Phạm Văn Hoà (Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Đồng Tháp) nói.

“Ở đây cũng có thể xảy ra trường hợp thoả thuận ngầm giữa gia đình và bác sĩ thực hiện thủ thuật. Tuy nhiên, nạo phá với thai nhi đã 6-7 tháng tuổi, tôi cho rằng là hành động phi đạo đức, cần phải trừng trị, cần phải lên án, thành viên Quốc hôi Phạm Văn Hoà.

Ông Hoà cho hay cần xử lý nghiêm, rút giấy phép của cơ sở làm trái pháp luật. Đồng thời cơ quan soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính cần tiếp thu ý kiến để bổ sung vào dự luật theo hướng xử lý nghiêm các hành vi nạo phá thai trên 22 tuần tuổi

Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới.

Tỷ lệ nạo phá thai độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam cao nhất trong các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, Việt Nam cũng là 1 trong 5 quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Tổng cục Thống kê, hàng năm, Việt Nam có tới 250.000-300.000 ca phá thai. Cứ 100 ca phá thai của phụ nữ trong độ tuổi 15-49 thì có 62 ca là mang thai ngoài ý muốn.

Riêng tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, ước tính số ca nạo phá thai trung bình 1 ngày khoảng 40 – 50 ca, 1 năm khoảng 5.000 ca, trong đó có khoảng 18-20% ở tuổi vị thành niên.

Theo DKN