Cô bé 4 tuổi Akiane Kramarik được Chúa dạy vẽ trong mơ, 5 tuổi mất tích rồi trở thành thần đồng hội họa.
Năm 2019, bức tranh sơn dầu của một cô bé 8 tuổi đã được mua với giá cao ngất, trị giá 850.000 USD. Sự việc đã gây chấn động dư luận một thời gian. Đó là bức chân dung có tên “Prince of Peace” (Hoàng tử hòa bình), một tác phẩm vẽ vào năm 2003 của Akiane Kramarik, thần đồng hội họa nổi tiếng của Hoa Kỳ.
Vậy Akiane có trải nghiệm kỳ diệu nào, và tại sao cô bé được gọi là thần đồng ?
Lời tiên tri bí ẩn
Akiane sinh năm 1994 tại bang Illinois, Mỹ. Một ngày trước khi cô bé đầy tháng, mẹ cô nhận được một cuộc điện thoại lạ từ Châu Âu. Người ở đầu dây bên kia nói rằng ở Armenia, có một người phụ nữ tên là Victoria đang đi khắp nơi và nói rằng một bé gái tên Akiane là đứa trẻ được Chúa lựa chọn và sẽ rất có triển vọng trong tương lai. Cha mẹ của Akiane nghĩ rằng đây có lẽ chỉ là một trò đùa.
Thật không ngờ, chẳng bao lâu sau, người phụ nữ tên Victoria đã đích thân gọi điện tới. Với một ngữ điệu đậm chất tiếng Nga và có phần vất vả nhưng rất nhiệt tình, cô Victoria đã mô tả về những sự việc chấn động mà Akiane sắp trải qua. Mẹ của Akiane lịch sự bày tỏ sự cảm ơn với người phụ nữ không quen biết, và bà cũng nhanh chóng quên câu chuyện này. Tại sao? Bởi vì lúc đó cha mẹ của Akiane không tin vào Chúa, nên chỉ nghe vậy mà không để tâm.
Từ nhỏ, Akiane cùng anh và em trai được mẹ giáo dục và dạy học tại nhà, và không đến trường. Gia đình họ cũng hiếm khi giao thiệp với hàng xóm, không xem TV, và không bao giờ bàn luận các chủ đề liên quan tới Chúa.
Tuy nhiên, từ năm 4 tuổi, có một người thầy giáo đã dạy Akiane vẽ trong giấc mơ. Cô bé kể thầy của mình sống ở “dinh thự ánh sáng”, một nơi thuần khiết và lộng lẫy, với những sắc màu không có trên thế giới. Vì học xong cần phải thực hành nên Akiane bắt đầu vẽ nguệch ngoạc khắp nơi. Trên các bức tường, cửa sổ, vật dụng trong nhà, trang sách, bất cứ nơi nào có thể đều ghi dấu ấn hàng trăm bức chân dung và hình ảnh do Akiane vẽ. Đôi khi, cô bé sử dụng than trong lò sưởi ở nhà để vẽ, đôi khi cô bé lại sử dụng trái cây và rau hái từ vườn làm cọ vẽ. Và không ngạc nhiên vì thế mà cô bị bố mẹ mắng.
Cô bé buồn và cảm thấy oan ức, rồi cô bắt đầu tâm sự với mẹ về những gì mình được thấy và nghe trong giấc mơ. Nhưng mẹ cô vốn sinh ra và lớn lên ở Lithuania, phải chịu sự giáo dục theo chủ nghĩa vô thần của Liên Xô từ khi còn nhỏ, bà hoàn toàn không tin điều đó. May mắn thay, đúng lúc này, bà ngoại cô xuất hiện.
Mặc dù bà ngoại chỉ ở với gia đình Akiane một tháng nhưng bà đã có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời của Akiane. Bởi vì bà là người duy nhất trong gia đình có thể hiểu được giấc mơ của Akiane và khuyến khích cô bé sáng tạo. Bà nhẹ nhàng nói với Akiane rằng: “Cả đời bà đều tin vào Chúa, nhưng ở Lithuania, bà sợ chia sẻ đức tin của mình với gia đình và bạn bè. Akiane yêu quý, cháu đừng lặp lại sai lầm của bà. Cháu hãy chia sẻ niềm tin tín ngưỡng của mình với mọi người nhé. Cuộc đời của cháu và mọi người sẽ tràn ngập hạnh phúc nhờ điều đó. Đừng bao giờ từ bỏ niềm đam mê hội họa của cháu!”
Bà ngoại cũng kể câu chuyện về mẹ Victoria của bà, tức là cụ ngoại của Akiane. Trong Thế chiến thứ II, cụ Victoria bị mất chồng, cánh tay phải, và một đứa con. Một mình cụ phải vất vả nuôi dưỡng 5 người con. Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, cụ còn mạo hiểm tính mạng của gia đình mình để cưu mang những người họ hàng Do Thái trong nhà. Như một phép màu, những người họ hàng này đã ẩn náu trong nhà cụ tới hai năm, cho đến khi chiến tranh kết thúc. Câu chuyện này đã tiếp thêm động lực giúp Akiane mạnh mẽ hơn và kiên định với niềm tin của mình. Đó là, điều cô đã hứa với Chúa, là nỗ lực vẽ tranh và giúp đỡ người khác.
Sau đó, Akiane đã vẽ bức tranh “Vũ điệu ngược thời gian” (Dancing Against Time) này để tưởng nhớ tới việc làm tốt đẹp của cụ ngoại Victoria. Cô bé nói: “Bức tranh “Vũ điệu ngược thời gian” là sự tri ân của tôi dành cho tất cả những người trên thế giới đang nỗ lực cố gắng đấu tranh cho tự do. Nó được biểu hiện theo cách như thế này: trên chân giá cắm nến, ánh nến hóa thân thành chín vũ công, vì người khác mà hy sinh tính mạng của bản thân, để soi sáng cho những thời khắc đen tối nhất của chúng ta, và để tưởng nhớ những điều thần thánh nhất trong những sinh mệnh đó”.
Sau khi bà ngoại rời đi, cha mẹ Akiane đã bao dung và thấu hiểu cô bé hơn. Cha mẹ cũng bắt đầu mua các dụng cụ vẽ tranh, ủng hộ cô bé sáng tạo.
Một bước ngoặt quan trọng
Khi Akiane 5 tuổi, một chuyện không thể tưởng tượng được đã xảy ra với cô, và nó trở thành bước ngoặt trong cuộc đời cô bé.
Một ngày nọ, Akiane đột nhiên biến mất, và mẹ không thể tìm thấy cô. Thường ngày Akiane hay ở nhà ngoan ngoãn vẽ, tại sao giờ lại không thấy đâu? Mẹ bắt đầu lo lắng, chẳng lẽ Akiane bị bắt cóc? Vì vậy, mẹ cô vội vàng gọi báo cảnh sát.
Ngoài lực lượng cảnh sát, đội cứu hỏa cũng tham gia tìm kiếm, thậm chí cả chó nghiệp vụ cũng được điều động vào cuộc. Họ tìm kiếm và lùng sục tất cả những nơi Akiane có thể đến, và sau mười giờ trôi qua, họ vẫn không tìm thấy cô bé.
Tới lúc mẹ và gia đình cô gần như sụp đổ vì tuyệt vọng, Akiane bất ngờ xuất hiện trước mặt họ và cô bé hoàn toàn bình an vô sự.
Vậy suốt thời gian biến mất đó Akiane đã đi đâu?
Akiane kể với mẹ rằng cô không bị kẻ xấu bắt cóc, cũng không bị mất tích, cô chỉ ngủ thiếp đi và có một giấc mơ. Trong giấc mơ, Akiane được Chúa Jesus đưa đến một nơi giống như Thiên đường, nơi mọi thứ hoàn toàn khác với ngoài đời. Chúa đưa Akiane đi du ngoạn khắp nơi và cô bé cảm thấy vô cùng hạnh phúc.
Không ngạc nhiên khi mọi người đều không tin những gì Akiane nói, nhưng cảnh sát cũng không tìm thấy tung tích của Akiane lưu lại bất kỳ nơi nào.
Chẳng lẽ Akiane ‘ngủ’ mà không ai nhìn thấy cô bé, chẳng lẽ cô bé có thể tàng hình?
Người con của hòa bình
Sự việc đáng sợ này rồi cũng trôi vào lãng quên. Nhưng kể từ đó, Akiane dồn hết tâm huyết cho hội họa. Mỗi sáng, cô bé dậy từ 4 giờ và vẽ, có khi vẽ tới bốn hoặc năm tiếng đồng hồ. Cảm hứng cho những bức tranh thường đến từ những khung cảnh mà cô bé nhìn thấy trong mơ. Vì vậy, Akiane còn được gọi là “em bé của những bức tranh trong mơ”.
Vậy Akiane muốn vẽ ai nhất? Tất nhiên là người thầy đã dạy cô bé vẽ. Điều kỳ lạ là mỗi khi cô muốn vẽ Thầy, giọng nói và nụ cười của Ngài lại biến mất khỏi tâm trí cô.
Khi không thể mường tượng được chân dung Thầy, cô bé đã thử cách tìm kiếm người mẫu để vẽ. Cô bé tìm khắp nơi, từ siêu thị, trên phố, đến hỏi những người thân quen và người xung quanh, nhưng không tìm được người nào giống Thầy. Sau vài năm trôi qua, Akiane đã 8 tuổi, và những bức tranh sơn dầu của cô vẽ ngày càng đẹp hơn, nhưng vẫn chưa thể vẽ được người Thầy mà cô kính trọng nhất.
Nhưng Akiane không từ bỏ việc tìm kiếm. Và quả là trời không phụ lòng người. Cuối cùng một ngày nọ, một người thợ mộc được giới thiệu tới gõ cửa nhà cô. Ông đến để làm người mẫu vẽ cho Akiane. Thoạt nhìn, Akiane vui mừng khôn xiết. Đây đơn giản chính là người cô bé cần tìm, người Thầy cô muốn vẽ!
Sau 40 giờ, bức chân dung người Thầy của cô bé đã hoàn thành. Đây là “Người con của Hòa bình”. Nguyên mẫu của nhân vật trong cuốn sách bán chạy nhất “Thiên đường có thật” (Heaven is for Real), Colton Burpo, sau khi nhìn thấy bức tranh này đã thốt lên rằng đây chính là hình ảnh Chúa Jesus cậu đã nhìn thấy ở trên Thiên đường.
Khi mới lên 4, Burpo suýt chết trong một ca phẫu thuật khẩn cấp. Cậu nói rằng trong khi cấp cứu, linh hồn cậu đã rời khỏi thân thể và lên Thiên đường, cậu đã được gặp Chúa Jesus và các Thiên sứ. Nhiều người tin rằng những gì Burpo nói là sự thật. Và bức tranh này của Akiane dường như xác nhận những gì cậu nói là đúng.
Tuy nhiên, từ khi ra đời, bức tranh này đã trải qua nhiều thăng trầm. Đầu tiên là nó bị người môi giới đánh cắp. Thật vất vả sau khi tìm được nó trở về thì không ngờ, nó đã bị người môi giới thứ hai bán nhầm. Người mua giấu bức tranh sâu trong két sắt và phải đến năm 2019, người ta mới thấy lại bức tranh.
Hết thảy mọi sự đều là ý Trời
Khi Akiane chia sẻ câu chuyện đằng sau bức tranh này, cô từng nói rằng, giống như bức tranh này, rất nhiều bức tranh của cô đều phải trải qua một số trắc trở trước khi công bố ra. Ví dụ như bức “Sứ giả” (The Messenger).
Lúc đầu, trong tâm trí cô hiện lên tiêu đề “Sứ giả” và một con cú trắng trước cửa hang động. Cô nghĩ đó là một tác phẩm dễ dàng. Tuy nhiên, khi bức tranh gần hoàn thành, hình ảnh con cú trắng đã biến mất khỏi tâm trí cô và thay vào đó là một con nai sừng tấm và hai con đại bàng bay lượn trên hang động. Vì thế, Akiane đã thay đổi bức tranh. Không ngờ, hình ảnh trong đầu cô lại thay đổi và lần này là một con sói xuất hiện. Akiane lại thay đổi bức tranh một lần nữa. Ngay sau khi thay đổi, con sói biến mất, Akiane nhìn thấy hồ nước bắt đầu đóng băng trước cửa hang, một người du khách cưỡi ngựa đặt chân xuống hồ băng và rời xa cái hang. Một con đại bàng đã dẫn dắt anh đi. Akiane chợt hiểu rằng sứ giả chính là con đại bàng đang bay lượn trên bầu trời. Điều này quả thực là giống như sau bao lâu tìm kiếm, bất chợt quay lại thì điều cần tìm chính đang ở nơi tối khuất.
Còn có bức tranh “Dharma” (Phật Pháp), cô đã dành 3 năm mới hoàn thành xong.
Để tìm cảm hứng, Akiane đã đến một nơi xa lạ và đột nhiên cô muốn vẽ một đứa trẻ. Cậu bé hàng xóm sẵn sàng làm người mẫu cho cô, cậu vô cùng yên lặng và rất hợp tác. Tuy nhiên, sau khi bức tranh hoàn thành, cha mẹ của cậu bé lại không cho phép đưa nó đi triển lãm. Điều này có nghĩa là tác phẩm này chỉ có thể bị ‘gác xó’. Akiane không nỡ nhìn bao tâm huyết của mình bị lãng phí, vì vậy cô nghĩ chi bằng sửa đi khuôn mặt của nhân vật trong bức tranh. Tuy nhiên, khi cô cầm cây cọ lên thì không thể vẽ được, như thể cả cơ thể cô đang chống cự. Cô đành phải thở dài và cất bức tranh đi. Sau một thời gian dài, một ngày nọ, trong giấc mơ cô được chỉ dẫn và cô đã vẽ thêm một chiếc áo choàng màu vàng khoác lên cho cậu bé trong tranh. Khi cô vừa hoàn thành xong nét vẽ cuối cùng thì giấy ủy quyền triển lãm tranh cũng được gửi đến.
Akiane nói rằng quá trình vẽ bức tranh này khiến cô nghĩ đến Phật pháp. Cô cảm nhận rằng Phật Pháp là nhận thức đối với đạo đức và trách nhiệm, là sự hòa hợp của tâm linh và nhân tính. Nếu không trải qua rèn luyện thì không thể nhận thức được Phật Pháp, và không có con đường tắt nào cho quá trình rèn luyện này. Tại sao Đường Tăng phải trải qua chín chín tám mươi mốt khó nạn mới có thể lấy được chân Kinh? Chính là cái đạo lý này.
Tín đồ của Chúa Jesus lại nói về Phật Pháp. Thật là kỳ lạ? Trên thực tế, điều này không có gì khó hiểu. Bởi vì Akiane đã từng nói rất rõ rằng: “Tôi không thuộc về bất kỳ giáo phái hay tôn giáo nào, tôi chỉ thuộc về Chúa”. Trong thế giới của Chúa, không có giáo đường, không có thần điện, nhưng có Pháp. Nếu Chúa triển hiện Pháp cho Akiane, dĩ nhiên cô có quyền bày tỏ một cách chân thành những lĩnh ngộ của mình.
Những bức tranh của tương lai
Chính vì vậy, tranh của Akiane không giới hạn chủ đề tôn giáo mà luôn thay đổi phong phú và mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Một số người nói rằng các bức tranh của Akiane là để cảnh tỉnh con người thế gian, trong khi có những người cho rằng Akiane đang mô tả tương lai qua các bức tranh của cô. Chúng ta hãy cùng nhau xem qua các tác phẩm hội họa của Akiane: https://akiane.com/
Bức “Những con gấu trong ánh sáng” (Light Bearers) này cho thấy năm loại phản ứng khác nhau của con người đối với Chúa. Khi đó, Akiane, 9 tuổi, giải thích như thế này: Ánh sáng của Chúa chiếu vào những con gấu, và chỉ có ba nhóm cảm nhận được ánh sáng: một con gấu muốn thoát khỏi ánh sáng, một chân nó bước vào bóng tối. Con khác bị ánh sáng làm cho kích thích giận dữ và ngửa mặt lên gầm rú. Nhóm thứ ba là một cặp mẹ con ở góc trên bên phải, tràn đầy sự kính sợ và khao khát. Trong số 5 nhóm gấu, chỉ có cặp mẹ con gấu này có hình bóng phản chiếu dưới dòng suối. Điều này có nghĩa là chỉ những người nhận thức được Chúa mới có thể thực sự nhận thức chính mình. Hai nhóm còn lại hoàn toàn không nhận ra sự tồn tại của ánh sáng: một nhóm đấu tranh với đồng loại vì tư lợi, và nhóm kia bận rộn đoạt lấy những thứ vật ngoài thân - cá hồi.
Ngụ ý của bức tranh là: khi ánh sáng của Chúa chiếu rọi tới bạn, không nên chạy trốn, không nên giận dữ, cũng không cần phải tranh giành hay chỉ chăm chăm lo cho bản thân vì những ham muốn ích kỷ, những người như vậy chắc chắn sẽ hoàn toàn mê mờ. Sống với niềm kính ngưỡng chân lý, bạn sẽ tìm thấy bình yên và hạnh phúc.
Bức tranh lâu đài với hoa viên tuyệt đẹp này được Akiane sáng tác khi cô 11 tuổi, và nó được gọi là “Thánh địa tối cao” (Supreme Sanctuary). Cô viết kèm một bài thơ cho bức tranh như sau:
Trên địa cầu mới, tôi tin rằng mọi người sẽ có một nơi,
Để có thể lựa chọn và xây dựng thánh địa tôn nghiêm.
Tôi tin rằng trên địa cầu mới đó sẽ có một số sự việc giống với trái đất này,
Và một số việc sẽ hoàn toàn khác.
Đây là hoa viên mà tôi muốn vun trồng và xây dựng.
Nhiều lời tiên tri từ cổ đại đã nói rằng trái đất sẽ trải qua một thời kỳ “thanh lọc và canh tân”. Thông điệp mà bức tranh này muốn truyền tải có lẽ cũng tương đồng với những lời tiên tri đó? Điều đáng chú ý là trong bức tranh bầu trời lớn mênh mông và không có người. Vậy ai có đủ may mắn để đi vào trái đất mới sau khi tịnh hóa và trở thành chủ nhân của lâu đài xinh đẹp này?
Tác phẩm này được vẽ khi Akiane 18 tuổi này kết hợp nhiều yếu tố phương Đông và nó có tên là “Bản đồ” (The Map). Akiane không đưa ra lời giải thích về bức tranh này. Một người thưởng thức và đánh giá cao nó đã đưa ra diễn giải như sau: Cậu bé đang nhìn vào bản đồ, khung cảnh đằng sau rất lạ, có vẻ là những kiến trúc mang phong cách Trung Quốc cổ đại, bao gồm tháp bảo, đền thờ, và những tòa nhà giống như cột trụ đá trổ hoa, nhưng toàn bộ khung cảnh dường như ánh lửa ngút trời, và dường như nền văn minh cổ đại đang trải qua thử thách khốc liệt. Đứa trẻ đơn độc dường như tượng trưng cho nhân loại đang trải qua kiếp nạn, đang tìm kiếm chỉ dẫn thoát khỏi thảm họa và xây dựng lại nền văn minh.
Lật ngược bức tranh này, ta có thể thấy rõ có hai dòng chữ Hán phồn thể trên bản đồ: “Tâm tưởng sự thành” và “Khắc khổ luyện công”. Vì vậy, điều này liệu có phải là chìa khóa để tái tạo nền văn minh có liên quan đến Trung Quốc?
Minh An
Theo Epoch Times
Đọc giả có thể xem thêm các tác phẩm hội họa của Akiane tại: https://akiane.com/