Gần đây, 21 vận động viên đã chết rất thương tâm trong mưa đá và giá rét khi tham gia cuộc thi chạy ultramarathon ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, khiến công chúng phẫn nộ vì cách tổ chức cuộc thi của Bắc Kinh.
Cuộc đua 100 km bắt đầu lúc 9h sáng 22/5 (giờ địa phương) từ khúc quanh ở sông Hoàng Hà. Đường chạy này nổi tiếng với những vách đá cheo leo, các hẻm núi đồi trên cao nguyên khô cằn ở độ cao hơn 1.000 m.
Theo những hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội, các vận động viên mặc áo phông và quần đùi dưới bầu trời u ám. Tới trưa, mưa đá và gió lớn khiến nhiệt độ giảm mạnh. Các vận động viên thiệt mạng do sốc nhiệt khi nhiệt độ có lúc xuống tới 0 độ C.
Tổng cộng 172 người đã tham gia cuộc đua. Đến ngày 23/5, 151 người tham gia đã được xác nhận an toàn, 21 người đã chết.
Mao Shuzhi, người tham gia cuộc đua cho biết khi ấy mưa càng lúc càng nặng hạt, vì quá lạnh và từng bị chứng hạ thân nhiệt, cô đã quay lại trước khi chạy đoạn đường ở trên cao.
“Lúc đầu, tôi hơi hối hận, nghĩ rằng đó có thể chỉ là một cơn mưa rào, nhưng khi nhìn thấy gió lớn và mưa qua cửa sổ phòng khách sạn, tôi cảm thấy thật may mắn”, cô Mao nhớ lại.
Nhiều người tham gia chạy bị hạ thân nhiệt, lạc đường trong gió mạnh và mưa lớn. “Một số người bất tỉnh, sùi bọt mép", một người chạy bộ khác cho biết.
Theo truyền thông Trung Quốc, hơn 1.200 nhân viên cứu hộ, cùng với máy bay không người lái, radar và các thiết bị phá dỡ đã đến hiện trường. Tuy nhiên, một trận lở đất sau đó cũng khiến nỗ lực cứu hộ gặp khó khăn.
Chính quyền tỉnh Cam Túc đã thành lập nhóm điều tra để tìm hiểu sâu hơn về nguyên nhân vụ việc.
Người duy nhất sống sót trong nhóm người đã bất tỉnh vẫn 'ám ảnh'
Có lẽ cuộc đua với "tử thần" này sẽ còn ám ảnh Trương Tiểu Phàm suốt đời, dù anh đã may mắn sống sót.
Đến khi đã hoàn toàn tỉnh táo, Trương Tiểu Phàm vẫn có cảm giác như những gì mình vừa trải qua là không có thực, mà như một bộ phim kinh dị. Anh là người duy nhất sống sót trong số 22 người được đội cứu hộ tìm thấy khi đã bất tỉnh.
"Ngày thi đấu thời tiết khá nóng nên hầu hết các vận động viên đều chỉ mặc quần đùi và áo bib. Không hiểu sao tôi lại mặc thêm một chiếc áo giữ nhiệt ở phía trong. Chính nó là thứ cứu tôi khỏi tay tử thần”, anh nói.
Anh kể rằng mình đến điểm tập kết CP1 - cách điểm xuất phát 20 km khá dễ dàng. Nhưng bắt đầu từ lúc này, gió đặc biệt mạnh, mà mưa cũng rất lớn. Lúc này, điểm tập kết thứ hai cao khoảng 2.000 mét so với mực nước biển, cách CP1 khoảng 900 mét độ cao. Càng lên cao, mưa càng lạnh. Nhiều người đã không thể cầm cự được với cái lạnh và mưa đá.
“Một người anh của tôi ở Quý Châu chỉ mặc quần đùi. Anh ấy run lên trong giá rét. Tôi phải dìu anh ấy đi. Sau một hồi đi bộ, gió quá mạnh khiến chúng tôi tách rời nhau. Đấy cũng là lúc ý thức của tôi bắt đầu mờ đi. Anh bạn tôi gục xuống, người đông cứng. Tôi chỉ kịp quấn mình trong tấm cách nhiệt, rồi bất tỉnh", anh kể lại.
Vận động viên này đã hôn mê suốt gần 3 tiếng đồng hồ. Anh được một người dân tham gia cứu hộ phát hiện và cứu sống, giúp anh thay quần áo ướt, đốt một đống lửa để sưởi ấm cho anh. “Anh ấy quấn tôi trong một chiếc chăn bông. Nhờ hơi ấm, tôi từ từ tỉnh lại", anh kể lại.
Trương Tiểu Phàm hỏi thông tin về người anh ở Quý Châu của mình, và khi biết anh ấy không còn nữa, anh cảm thấy tràn đầy hối hận: "Tôi thấy mình tội lỗi quá. Anh ấy lạnh cóng trong vòng tay tôi, tôi cảm nhận được cái chết đang đến từ từ với anh ấy".
Thảm họa đen tối của thể thao Trung Quốc
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Chinanews phát hiện, Cục Khí tượng tỉnh Cam Túc đề cập trong bản tin thời tiết quan trọng phát ngày 21/5 rằng vào ngày 21-22/5 tỉnh Cam Túc có gió mạnh và cát, nhiệt độ giảm và có mưa... đồng thời lưu ý người dân "chú ý đề phòng mưa lớn, mưa đá, sét, gió giật mạnh".
Sáng ngày 23/5, Chinanews liên hệ với Cục Khí tượng huyện Jingtai thì được cho biết cơ quan này phụ trách cung cấp thông tin thời tiết phục vụ giải chạy marathon ở địa phương. Lãnh đạo đơn vị này đã phát đi thông tin cập nhật riêng biệt về điều kiện thời tiết ở địa điểm cuộc thi - đến những người đứng đầu ban tổ chức sự kiện.
Theo Reuters, công chúng trên mạng xã hội phẫn nộ vì chính quyền thành phố Bạch Ngân, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc đã không đánh giá được tình hình và thiếu kế hoạch dự phòng.
"Tại sao không xem dự báo thời tiết và đánh giá rủi ro? Đây hoàn toàn là tai họa do con người gây ra. Ngay cả khi thời tiết bất ngờ, các phương án dự phòng đâu?", một người bình luận.
Tại cuộc họp báo hôm 23/5, quan chức Bạch Ngân cúi đầu xin lỗi, nói rằng họ rất đau buồn trước cái chết thương tâm của những người tham dự và họ thực sự đáng trách.
Giải đấu gây ra cái chết của 21 vận động viên này là thảm họa đen tối và kinh khủng nhất của thể thao Trung Quốc, song nó không phải là thảm họa duy nhất gần đây.
Trong vòng 1 tháng trở lại đây, đây là lần thứ hai các giải chạy ở đất nước này phải chứng kiến cái chết của các vận động viên, khi gặp phải thời tiết xấu trên đường chạy.
Theo nguồn tin, thảm họa thể thao này cũng ghi nhận ca tử vong của Huang Guanjun - nhà vô địch Paralympic người Trung Quốc.
Dư luận đang lên án công tác tổ chức cực kỳ sơ sài của chính quyền Trung Quốc, từ việc không theo sát dự báo thời tiết, cũng như bố trí nhân lực hỗ trợ, cứu hộ cứu nạn đầy đủ.
Xem thêm:
VIDEO - TRUNG QUỐC KHIẾP SỢ KHI OLYMPIC BỊ TẨY CHAY
Thanh Vân
Theo NTDVN